Đó là tâm sự của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, thương binh hạng 2 với tỷ lệ thương tật 78%, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân đoàn 4, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, hiện sống tại phường 5, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh).

Tôi gặp lại Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh trong buổi ra mắt Hội truyền thống Trường Sĩ quan Lục quân 2 tại TP Hồ Chí Minh, cuối tháng 8-2024. Dù đã 85 tuổi, nhưng trông ông vẫn khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Ông bảo, chắc tại mình băng rừng vượt suối nhiều năm nên xương chắc khỏe. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh vốn dạn dày trận mạc, ông từng tham gia nhiều trận đánh trên khắp các chiến trường. Một trong những kỷ niệm khó quên, trở thành động lực thôi thúc ông dành hết tâm sức, thời gian đi tìm hài cốt liệt sĩ tri ân đồng đội chính là từ một lần chết hụt. Ông kể:

- Năm 1966, tôi là Trung đội trưởng Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 ngày nay). Sau khi hành quân vào Nam, ngày 10-8-1966, trung đội tôi tham gia trận đánh đầu tiên tại Đường 10-Vĩnh Thiện (nay thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Đơn vị chiến đấu ngoan cường với lính biệt kích ngụy, nhưng sau đó chúng tôi bị lọt vào ổ phục kích của địch. Tôi bị thương vỡ quai hàm, đứt cơ đùi, máu chảy rất nhiều không cầm được. Đồng đội yểm trợ đưa tôi về phía sau. Trên đường đi bị địch đánh chặn, đồng đội vừa chiến đấu vừa cõng tôi rút vào rừng. Do mất máu nhiều nên tôi kiệt sức, chết lâm sàng. Anh em tưởng tôi đã hy sinh. Đến khu vực nghĩa trang dã chiến của đơn vị, do mệt mỏi, trời lại tối nên anh em đặt tạm tôi xuống huyệt đào sẵn, lấy võng đắp lên đợi sáng mai sẽ mai táng.

Sáng sớm hôm sau, Tiểu đội phó Bế Ích Quân và hai chiến sĩ ra an táng ông. Đang xúc đất lấp mộ, chợt đồng chí Quân nhớ ra hình như chân anh Doanh không đi dép. Nghĩ vậy, đồng chí Quân nhảy xuống hố, sờ chân thủ trưởng xem có mang dép hay không để cởi dép của mình đeo vào chân ông. Bất giác, đồng chí Quân hét lên: “Dừng lại, chân anh Doanh còn ấm”. Thế là anh em vội bới đất đưa Trung đội trưởng Doanh lên và chuyển gấp tới cấp cứu tại đội phẫu của đơn vị, rồi chuyển đi bệnh viện tuyến trên. Lần đó ông phải điều trị suốt 5 tháng 10 ngày mới bình phục trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Câu chuyện về lần chết hụt ấy mãi đến khi gặp lại Đại tá, cựu chiến binh Bế Ích Quân, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh mới được nghe kể lại. Hai chiến sĩ tham gia cứu ông cũng đã hy sinh. Từ đó, ông đau đáu nỗi niềm tri ân đồng đội, mải miết đi tìm hài cốt những chiến sĩ đã anh dũng nằm lại chiến trường…

- Tôi sống lại từ lằn ranh sinh tử, từ tình cảm của đồng đội. Nếu như không vì đồng đội thương tôi chân không mang dép xuống cõi hoàng tuyền thì tôi đã chết từ mấy chục năm trước. Bởi vậy, cả cuộc đời còn lại tôi nguyện dành để trả ơn đồng đội, dốc sức đưa hài cốt anh em về với người thân – Vị tướng già quả quyết.

Kể từ khi nghỉ hưu, năm 1993 Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh bắt đầu hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Địa điểm khởi đầu là nơi ông từng bị thương năm 1966. Cứ thế, bước chân ông đã in trên khắp các chiến trường năm xưa. Hành trang ông mang theo là những tập sơ đồ, bản vẽ phác họa địa hình, là danh sách liệt sĩ và ký ức một thời đạn lửa cùng trái tim nhiệt huyết hướng về đồng đội đã hy sinh. Mỗi chuyến đi của ông là một lần nỗ lực, tự bỏ tiền túi, tự thuê xe vượt hàng trăm cây số, đi đến tận những cánh rừng thăm thẳm, xa xôi, bởi ở đâu đó vẫn văng vẳng bên tai ông tiếng gọi của đồng đội mong sớm được “trở về”. Chặng đường hơn 30 năm đi tìm hài cốt liệt sĩ, ông đã gặp không ít kỷ niệm vui, buồn không thể nào quên.

Một trong những kỷ niệm mà ông xót xa và khâm phục những người vợ ròng rã tìm mộ phần của chồng với nghị lực phi thường dù niềm hy vọng mong manh. Đó là trường hợp vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Hưởng, quê ở Nam Định. Bà đã bỏ lại gia đình, vào Nam thuê nhà ở để tiện tìm hài cốt của chồng. Bà đi làm thuê, cứ đủ tiền ăn là lại đi dò hỏi, lần tìm thông tin về mộ phần của chồng, gặp hết nhân chứng nọ, đồng đội kia, cứ nhen lên hy vọng rồi lại vụt tắt… Đằng đẵng mấy chục năm trời, cuối cùng bà cũng toại nguyện tìm được hài cốt chồng nhưng không có tiền để đưa về quê an táng. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh cùng ban liên lạc đã hỗ trợ kinh phí, tổ chức đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hưởng về quê, rồi xây nhà tình nghĩa tặng vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Hưởng để thuận tiện thờ phụng chồng.

Hay, trường hợp vợ liệt sĩ Cốt, chính trị viên đại đội, dù đã tái giá nhưng vẫn dành thời gian đi tìm hài cốt của chồng. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh đã đồng hành với thân nhân liệt sĩ Cốt suốt 12 năm. Đồng chí Cốt được chôn cất vào hòm đạn đại liên bằng kẽm nên khi tìm thấy vẫn còn toàn bộ xương và một số kỷ vật… Mỗi lần tìm thấy hài cốt và đưa được đồng đội trở về, ông lại thấy nhẹ lòng đôi chút!

Mới đây, gặp ông tại nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh, ánh mắt ông phảng phất một nỗi buồn thăm thẳm. Tôi gặng hỏi, ông mới giãi bày:

- Tuổi chú đã cao, sức dần cạn kiệt nên không thể tiếp tục đi tìm đồng đội như trước. Nhưng chú vẫn day dứt vì còn rất nhiều đồng đội ở Quân đoàn 4 hy sinh chưa tìm được mộ phần; có những trường hợp còn chưa được công nhận là liệt sĩ dù đã có nhân chứng xác nhận, có hồ sơ chiến đấu nhưng vẫn còn vướng nhiều thủ tục. Thời gian chẳng chờ đợi, chắc chú không kịp làm tròn tâm nguyện, không thể đưa thêm đồng đội về quê…”.

Ông bỏ lửng câu nói, tay run run lật từng trang sổ ghi danh sách liệt sĩ của Quân đoàn 4. Giọt nước mắt của vị tướng già bất giác lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo… Nỗi xót xa của ông cũng thật dễ hiểu bởi thời gian càng lùi xa thì thông tin về mộ phần liệt sĩ càng ít đi. Nhân chứng vơi dần, địa hình đổi thay nên việc tìm kiếm càng thêm gian khó. “Mong sao đồng đội của chú hy sinh trên các chiến trường sẽ sớm được tìm thấy, đưa về với quê hương, gia đình, người thân. Đó cũng là điều mà chú luôn canh cánh trong lòng, mong lắm có một ngày như thế!” – Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh bày tỏ.