Tiếp tục mạch chuyện, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Một câu ngắn gọn thôi, nhưng đã khái quát rõ mục đích cao nhất của sự nghiệp cách mạng là mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Lấy dân làm gốc
Qua các nghiên cứu của mình, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú cho biết, mong ước cháy bỏng của Bác là sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, Bác Hồ có kế hoạch xây dựng đất nước đẹp đẽ, đoàng hoàng hơn trước chiến tranh. Chính vì vậy, Bác đã viết trong Di chúc: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân”. Những dòng để lại ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đượm tư tưởng “lấy dân làm gốc”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nước lấy dân làm gốc, gốc có vững, cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”; “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Theo PGS, TS Nguyễn Thanh Tú, trong rất nhiều tài liệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở cán bộ rằng: Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra... và “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”. Nên để củng cố và tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, thì Đảng nhất định và phải luôn “xứng đáng là người lãnh đạo, là đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Hiểu tư tưởng này một cách đơn giản là: Khi nhân dân đồng lòng, việc gì cũng làm được. Nhân dân không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên. Cho nên, suy cho cùng, khi dân tin vào Đảng và Chính phủ thì họ sẵn sàng ủng hộ mọi thứ từ vật chất, tiền bạc, lực lượng, trí tuệ đến cả việc không ngại hy sinh tính mạng của mình.
Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn trong bối cảnh thực tế hiện nay. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta như một nguyên lý sâu sắc đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước. Một đất nước muốn có được sự đoàn kết thì đội ngũ lãnh đạo, cán bộ Đảng viên phải thực sự gương mẫu. Cuộc sống và hạnh phúc của người dân chính là thước đo tín nhiệm, hài lòng của người dân đối với cơ quan Đảng, Nhà nước; cán bộ, đảng viên. Điều này rất phù hợp và là tiêu chí chuẩn mực của xã hội hiện đại cũng như xu thế phát triển chung trên toàn thế giới.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở cán bộ của Đảng, Nhà nước phải lấy “dân làm gốc” bởi chính người dân sẽ góp phần quyết định sự tồn vong và phát triển của chế độ, của đất nước. Do đó, sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân cần phải được Đảng, Nhà nước chăm lo, vun vén. “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng tư tưởng “lấy dân làm gốc”, dựa vào nhân dân, tin vào lực lượng, trí tuệ của nhân dân trong bản Di chúc của Người vẫn sống mãi”, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét