BÀI 1: CHỐNG LÃNG PHÍ LÀ NHIỆM VỤ CẤP BÁCH ĐƯA NƯỚC TA VÀO KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH!
Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Đây cũng là thông điệp trong bài viết mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm với nhan đề “Chống lãng phí”. Cùng chúng tôi tìm hiểu vấn đề này qua cuộc trao đổi với các vị khách mời!
Lãng phí đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Chính vì vậy, trong bài viết “Chống lãng phí” được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt vấn đề “Chống lãng phí” là một yêu cầu, nhiệm vụ rất khẩn trương, cấp bách để tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để hiểu rõ hơn về giá trị cốt lõi, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như tầm vóc của bài viết này, chúng tôi đã đã có cuộc trao đổi với các vị khách mời:
- PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương
- TS Lê Văn Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương
PV: Vâng thưa hai vị khách mời, những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội bàn nhiều về bài viết “Chống lãng phí” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm. Đây được coi như một thông điệp thể hiện ý chí nâng cao tầm vóc lịch sử cho Đảng ta về chống lãng phí. Ý kiến của các vị khách mời về bài viết này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Như chúng ta đã biết, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư trong những bài viết, bài nói gần đây đều nhấn mạnh đến khái niệm rất mới. Đó là sau năm 2030 đưa nước ta sang kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mà để bước vào kỷ nguyên mới này thì chúng ta phải chuẩn bị tất cả các điều kiện, kể cả nguồn lực và động lực, trong đó nguồn lực là việc rất quan trọng. Nguồn lực để đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới thì chúng ta phải tạo ra nguồn lực và biết sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực đó.
Để sử dụng hiệu quả các nguồn lực thì vấn đề phòng chống lãng phí là vấn đề nổi lên. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã đặt vấn đề là chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, rất cấp bách để chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất đưa ra nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
TS Lê Văn Hạnh: Tôi thấy rằng bài viết của Tổng Bí thư có hai tầng thông điệp. Tầng thông điệp thứ nhất đó là thông điệp trực tiếp về công tác phòng chống lãng phí. Chúng ta thấy rằng, Đảng của chúng ta có rất nhiều văn bản để chỉ đạo về công tác phòng chống lãng phí. Mới đây nhất, ngày 25/12/2023 có Chỉ thị 27 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống lãng phí.
Cùng với văn bản đó thì Tổng Bí thư Tô Lâm, người lãnh đạo cao nhất của Đảng chúng ta mới đây có bài viết “Chống lãng phí”. Như vậy, chúng ta thấy rằng, công tác phòng chống lãng phí đến thời điểm này được đặt ở tầm mức cao nhất và nó không chỉ được thể hiện bằng văn bản mà Tổng Bí thư yêu cầu là phải bằng hành động cụ thể, hết sức quyết liệt.
Trong bài viết này, Tổng Bí thư có nhấn mạnh việc phải đặt phòng chống lãng phí ngang hàng với phòng chống tham nhũng. Điều này tức là gì? Tức là sắp tới công tác phòng chống lãng phí cũng sẽ được tiến hành kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai như công tác phòng chống tham nhũng. Đấy là thông điệp trực tiếp về công tác phòng chống lãng phí.
Còn tầng thông điệp thứ 2 thì tôi cũng nhất trí với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Viết Thông vừa nêu. Đó là qua chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng chống lãng phí thì Tổng Bí thư đưa ra một thông điệp về sự chuẩn bị cho bước chuyển mình của đất nước. Hội nghị Trung ương 10 vừa rồi Tổng Bí thư đã xác định nó là kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Sở dĩ nhận thức như vậy là bởi vì bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm ra đời trong bối cảnh tình hình chống lãng phí hiện nay của chúng ta cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Thứ 2 nữa là hiện nay cả nước đang dốc sức, dồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công 2 mục tiêu 100 năm. Trước mắt là thực hiện thành công các chỉ tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra. Do vậy mà phải chuẩn bị tất cả các nguồn lực. Trong đó phòng chống lãng phí là một sự chuẩn bị nguồn lực để chúng ta thực hiện thành công các mục tiêu như vậy. Tôi thấy đấy là 2 thông điệp rất là rõ nét qua bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm.
PV: Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nhắc lại nhiều những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí. PGS.TS Nguyễn Viết Thông có phân tích kỹ hơn về nội dung này?
PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Như chúng ta biết, lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến công tác phòng chống lãng phí. Ngay sau khi chúng ta giành Cách mạng Tháng Tám thành công lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì cách mạng Việt Nam phải đương đầu với 3 thứ giặc là: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Để chống được giặc đói thì một trong giải pháp là phải tăng gia sản xuất nhanh, nhưng đồng thời với nó là vấn đề tiết kiệm, phòng chống lãng phí.
Suốt cuộc đời của mình Người rất nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên, nhắc nhở tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền và mọi con dân đất Việt là phải là tăng cường chống lãng phí. Người xác định lãng phí cùng với tham ô là những giặc nội xâm. Bác nói rằng đây là một thứ giặc rất khó. Đánh giặc ngoại xâm đã khó, đánh giặc nội xâm còn khó hơn nhiều. Bác xác định tham nhũng, lãng phí cũng là kẻ thù của Nhân dân, kẻ thù của chính phủ và Bác lúc bấy giờ còn nói là kẻ thù của bộ đội. Phân tích của Bác tham ô có hại, nhưng mà lãng phí thì tuy không lấy của công nhưng mà gây hệ lụy rất nhiều. Làm ra còn ít mà chúng ta lãng phí nhiều thì đất nước không thể phát triển được.
Vì thế, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đã nhắc lại tư tưởng cũng như tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, rèn luyện Đảng ta và để lại bản Di chúc thiêng liêng cho muôn đời sau. Nhân dân Việt Nam luôn luôn kính yêu Bác, tin theo Bác và làm theo Bác. Đồng chí Tô Lâm nói điều này để thấy rằng đây là một thời cơ, cơ hội rất thuận lợi bởi vì dân yêu Bác, tin Bác và làm theo Bác. Chống lãng phí lần này để thành công cũng phải bắt đầu từ tư tưởng Hồ Chí Minh, từ cuộc đời, sự nghiệp của Người.
PV: TS Lê Văn Hạnh có bổ sung gì thêm không, thưa đồng chí?
TS Lê Văn Hạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và sau khi cách mạng thành công, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Bác Hồ đã khẳng định một trong sáu nhiệm vụ cần kíp trước mắt của cách mạng là phải xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí và không tham ô, tham nhũng.
Chúng ta thấy rằng hiện nay chúng ta đẩy mạnh đấu tranh phòng chống lãng phí như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm thì thực chất chúng ta quay trở lại với việc thực hiện có hiệu quả tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này.
PV: Thưa các vị khách mời, trong bài viết Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ ra lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Các vị khách mời có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nói rõ là lãng phí tồn tại rất nhiều dạng thức. Nhưng mà căn cứ vào tình hình đồng chí Tổng Bí thư đề cập đến 5 dạng thức đang nổi lên gay gắt hiện nay.
Đầu tiên đó là chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến những khó khăn, cản trở việc thực thi và gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Đây cũng là vấn đề mới mà đồng chí Tổng Bí thư đưa trở thành dạng thức đầu tiên.
Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp, pháp luật là tối thượng. Nhưng vấn đề là hiến pháp, pháp luật như thế nào để giải phóng sức sản xuất, để huy động được toàn bộ sức người, sức của toàn xã hội để xây dựng đất nước. Đấy mới là một hệ thống Hiến pháp, pháp luật một cách đầy đủ nhất và thông minh nhất.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Chống lãng phí lần này để thành công cũng phải bắt đầu từ tư tưởng Hồ Chí Minh, từ cuộc đời, sự nghiệp của Người.
Nhưng thực tế chúng ta đều biết, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay cũng chưa thật đồng bộ, quan trọng hơn là nó cản trở sản xuất, nên đồng chí Tô Lâm cũng mới phát biểu ở Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là phải nắm được tinh thần luật ban hành để kiến tạo, tạo điều kiện cho phát triển, chứ không phải theo tinh thần cái gì không quản lý được thì cấm. Nên lãng phí hiện nay, nhất là lãng phí về vấn đề luật của chúng ta chưa tạo điều kiện thông thoáng cho tất cả mọi nguồn lực xã hội được phát triển đầy đủ nhất. Đấy là dạng thức mà theo tôi đây là nhận thức mới. Lâu nay chúng ta ít nói về vấn đề này. Lần này chúng ta nói lãng phí về vấn đề hoàn thiện pháp luật. Đây là cái rất mới mà đồng chí Tô Lâm nói đến.
TS Lê Văn Hạnh: 5 dạng thức mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu trong bài viết của mình thì chúng ta thấy rằng nó ở 2 dạng chính. Đó là lãng phí của công ở trong khu vực nhà nước. Thứ 2 là lãng phí của tư ở khu vực ngoài nhà nước.
5 dạng thức đó có cả ở trong công và có cả ở trong tư. Và đánh giá chung lại thì Tổng Bí thư nói rằng nó rất phổ biến. Trong Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị cũng có nhận định là lãng phí còn diễn ra dưới nhiều hình thức và một số trường hợp thì rất nghiêm trọng.
Tôi cho rằng đánh giá này là rất đúng, rất trúng và rất chính xác. Lãng phí này tôi nhận thấy nó có liên quan đến cả 3 đột phá chiến lược mà chúng ta đang triển khai thực hiện hiện nay. Đó là về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và về thể chế. Trong đó lãng phí về thể chế và lãng phí do thể chế, Tổng Bí thư Tô Lâm nói rằng đây là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Ở đây cũng xin nói thêm một hình thức lãng phí nữa mà chúng ta có lẽ cũng nhiều người nhận thấy, nhưng mà ít được đề cập đến. Đó là công tác phòng chống tham nhũng ấy, nó cũng có sự lãng phí. Mà hiện nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đang tập trung giải quyết vấn đề này. Ví dụ như là hiện nay chúng ta đang còn rất nhiều những dự án, những nguồn lực đất đai ở trong các kết luận thanh tra, các bản án mà đã có hiệu lực pháp luật rồi, nhưng chưa thi hành được do những vướng mắt về mặt pháp lý.
Điển hình như là sân vận động Tri Lăng ở Đà Nẵng trong vụ án Phạm Công Danh, bản án tuyên từ năm 2018 đến nay vẫn chưa thi hành được. Đất đai thì cứ dãi nắng dầm mưa như vậy. Rồi các dự án đất đai khác ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, các dự án condotel chúng ta thấy không đưa vào sử dụng được do vướng mắc về mặt pháp lý. Chính phủ đã phải thành lập một tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn này, để sớm thi hành những bản án kết luận này, để đưa nó vào sản xuất kinh doanh, để tạo ra hoa lợi, không để lãng phí.
Hay như liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng tiêu cực và các vụ án, vụ việc khác nói chung cũng vậy. Có rất nhiều những tài sản, trái phiếu, thậm chí là tiền đang được niêm phong, đang được kê biên, đang được phong tỏa, cất giữ ở trong các kho vật chứng để phục vụ cho quá trình điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Mà quy định và pháp luật đến khi thi hành án thì chúng ta mới được giải quyết vấn đề này. Và không được gọi xử lý ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cho nên nó gây lãng phí rất là lớn.
Ví dụ như bây giờ chúng ta niêm phong cổ phiếu và cái này nó biến động giá trị rất nhanh. Nếu như không xử lý ngay thì ngày mai có thể cổ phiếu giá trị bằng 0 đồng rồi. Rất là lãng phí. Vì vậy mà hiện nay, Đảng chúng ta cũng đã có chủ trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vấn đề này. Làm sao với những vấn đề có thể xử lý được ngay thì xử lý ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà không cần phải đợi đến bản án tuyên và thi hành án chúng ta mới thực hiện. Nhưng với nguyên tắc là không ảnh hưởng đến việc phát hiện và xử lý tội phạm. Sắp tới đây tại Kỳ họp Quốc hội thứ 8 này sẽ thông qua những nghị quyết đặc thù để chúng ta giải quyết những vấn đề này. Và như vậy thì chúng ta sẽ tháo gỡ được rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
Ảnh: Quang cảnh buổi trao đổi.
(Còn nữa)
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét