Thứ Ba, 26 tháng 11, 2024

Sức sống mới trên thung lũng Rục Làn

 


Mùa Xuân này, trở lại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi cảm nhận cuộc sống, suy nghĩ của đồng bào Rục có nhiều khởi sắc, đổi mới đến không ngờ. Những kỳ tích về sự chuyển mình vươn dậy ở thung lũng Rục Làn không tự đến mà chính là tâm huyết, trí tuệ, công sức của biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình trong cả quá trình dài gần dân, gắn bó với dân.

Biến đổi tích cực từ suy nghĩ đến hành động

Sáng ngày đầu Xuân, khi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng, BĐBP Quảng Bình bắt đầu triển khai nhiệm vụ, trên con đường dẫn ra cánh đồng Rục Làn đã có những người dân đi thăm ruộng. Bà con đồng bào Rục nói cười vui vẻ, khi đến khu vực ruộng của mình thì nhanh chóng bắt tay vào những phần việc cần làm. Người gia cố lại bờ rào, người ven bờ đắp nước…

Tại thửa ruộng sát đường, đôi vợ chồng trẻ Cao Xuân Văn và Hồ Thị Bích, bản Mò O Ồ Ồ đang cùng nhau gia cố lại đoạn bờ rào. “Anh, chị đi làm đồng sớm thế?” - Tôi hỏi. Anh Văn dừng tay, ngước mặt lên cười hồn nhiên: “Ruộng vườn phải thường xuyên chăm nom, không cho trâu, bò vào phá ruộng lúa. Vợ chồng mình đi làm sớm để còn về đón các con đang đi học ở trường”.

Nghe lời đối đáp, tôi có suy nghĩ, liệu anh Văn có phải là một người nông dân đồng bào Rục chính gốc? Nhưng những lời nói của Thiếu tá Đinh Lâm Viên, cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng, tham gia sinh hoạt Đảng tại Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ khiến tôi rất tin tưởng và vui mừng. “Sau rất nhiều năm được bộ đội hướng dẫn, đôn đốc, bà con đã thấy được lợi ích và rất tự giác trồng, chăm sóc cây lúa nước. Đến nay, đồng bào Rục đã làm chủ được trên 80% quy trình trồng loại cây lương thực này ”- Thiếu tá Viên cho biết.

Cũng qua câu chuyện với cán bộ Biên phòng bám địa bàn, tôi được biết, nhiều năm qua, đồng bào Rục đã trồng thành công 2 vụ lúa nước, nhiều hộ gia đình đã tự chủ được lương thực. Ngoài ra, vào thời điểm nông nhàn, những người khỏe mạnh cũng đã tìm các việc làm thêm khác nhau như đi khai thác, bốc gỗ keo, tràm thuê, xin làm phụ hồ tại các công trình trong xã, huyện… để có thêm thu nhập. Chính nhờ những nguồn thu đó, một số gia đình đồng bào Rục trên địa bàn đã mua sắm được xe máy, ti vi, nâng cao cuộc sống.

Trong chuyến trở lại Rục Làn, tôi còn được nghe một câu chuyện vui khác. Người Rục đang từng bước đẩy lùi được nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. “Phải thẳng thắn nhìn nhận, mỗi năm vẫn còn xảy ra vài trường hợp tảo hôn, còn hôn nhân cận huyết thống thì gần như đã chấm dứt hoàn toàn. Nhờ đó mà sức khỏe, trí tuệ của thế hệ trẻ người Rục sau này có nhiều tiến bộ hơn” - Thiếu tá Viên khẳng định như vậy.

Hướng người dân đến chuyện làm giàu

Cuộc sống của đồng bào Rục ở các bản làng của xã Thượng Hóa đang khởi sắc nhanh chóng, điều mà chính người dân cũng không ngờ tới. Trong câu chuyện đầu Xuân, ông Cao Long, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ chia sẻ: “Không chỉ đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, đồng bào Rục chúng tôi đã có sinh viên trường đại học, cao đẳng, có người đi bộ đội bảo vệ đất nước. Họ cũng là nguồn lực để sau này trở về xây dựng bản làng tốt đẹp hơn”.

Hỏi rõ mới biết, hiện, đồng bào Rục ở Thượng Hóa rất tự hào khi có em Cao Thị Lệ Hằng, sinh viên năm thứ 2, Khoa Sư phạm mầm non, Trường Đại học Quảng Bình; em Cao Minh Lệ, năm thứ 2 của Trường Trung cấp 24 Biên phòng. Cùng với đó, còn có em Cao Quang Hưng, sinh năm 2005, chuẩn bị lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Có một điểm chung là cả 3 thanh niên ưu tú của đồng bào Rục đều được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng đỡ đầu từ khi còn bé.

Cũng trong những ngày đầu Xuân, chúng tôi không khỏi tò mò khi thấy tổ công tác của Đồn Biên phòng Cà Xèng và người dân đồng bào Rục đang miệt mài chăm sóc một loại cây “lạ” mới được trồng ở vùng đất biên giới Thượng Hoá. Thượng tá Nguyễn Thái Dương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng, anh cho biết, đơn vị và bà con đang được một doanh nghiệp đầu tư trồng thí điểm 3ha cây gai xanh - loại cây lấy sợi, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao. Triển khai thực hiện dự án, doanh nghiệp hỗ trợ phân, cây giống, tập huấn kỹ thuật cho cán bộ Biên phòng và người dân, đồng thời cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

“Người dân phấn khởi lắm khi được giới thiệu về việc trồng cây gai xanh có thể xóa được nghèo, làm giàu. Đơn vị tập trung hướng dẫn bà con thực hiện thành công dự án để mở ra hướng đi mới, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo” - Thượng tá Dương cho biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét