1.
Lật lại từng trang sử hào
hùng của lực lượng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CANDVT, BĐBP ngày nay không
khỏi bồi hồi nhớ buổi đầu thành lập (3/3/1959), cũng như chặng đường gian khổ
song anh dũng, quật cường của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ khoác ba lô lên đường
thực hiện nhiệm vụ nơi biên giới, bờ biển miền Bắc, giới tuyến quân sự tạm thời
và các mục tiêu quan trọng trong nội địa. Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện
khó khăn, thiếu thốn trăm bề, hiểm nguy luôn rình rập, cán bộ, chiến sĩ CANDVT
đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, nhanh chóng triển
khai lực lượng, dựng đồn, lập trạm, vận động nhân dân định canh, định cư, dựng
làng, lập bản, xây dựng cơ sở chính trị, tuyên truyền, vận động đồng bào các
dân tộc trên biên giới, xây dựng phòng tuyến nhân dân, chiến đấu tiễu phỉ,
chống gián điệp, biệt kích, thám báo, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến
quân sự tạm thời; bảo vệ Đảng, Nhà nước và các mục tiêu nội địa quan trọng ở
miền Bắc và chi viện cho lực lượng An ninh vũ trang miền Nam.
Nhiều đồng chí đã không
quản ngại hy sinh, gian khổ, vượt qua bom đạn cứu dân, cứu tài sản Nhà nước;
tháo gỡ bom mìn, thủy lôi của địch, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới
và các mục tiêu nội địa, góp phần bảo vệ an toàn tuyến hành lang vận chuyển chi
viện cho chiến trường miền Nam (đường Hồ Chí Minh trên bộ, trên biển).
Từ năm 1965 đến 1975,
toàn lực lượng trực tiếp bắn rơi 219 máy bay Mỹ, phối hợp với các đơn vị bạn
bắn rơi 225 chiếc, bắn bị thương 128 chiếc, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ và chi
viện trên 5.000 cán bộ, chiến sĩ cho An ninh vũ trang miền Nam... Ngoài ra, các
đơn vị CANDVT miền Bắc còn cử nhiều đội công tác đặc biệt sang giúp bạn Lào xây
dựng cơ sở chính trị, vận động nhân dân tham gia quân đội, ủng hộ cách mạng Lào
và tổ chức tuyên truyền đặc biệt, tấn công chính trị, chiến đấu vũ trang phá
nhiều cụm phỉ ở mặt trận K5 (đối diện tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) và các tỉnh của
Lào đối diện 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị...
Trên chiến trường miền
Nam, mặc dù phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh cực kỳ gian nan, ác liệt,
với chiến thuật kìm kẹp “tìm diệt” vô cùng hiểm độc và tàn bạo của Mỹ - ngụy,
nhưng lực lượng An ninh vũ trang miền Nam luôn phát huy truyền thống sắt son,
kiên trung với Đảng, với cách mạng, kiên trì, bền bỉ, bám đất, bám dân, trụ
vững giữa lòng địch, xây dựng cơ sở, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh
trực diện với kẻ thù, tiến hành công tác binh địch vận, phá vỡ nhiều tổ chức
tình báo, mật vụ cài cắm ở các thôn ấp, hỗ trợ đắc lực cho các cuộc nổi dậy của
quần chúng phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng; táo bạo “xuất quỷ nhập
thần” giữa sào huyệt địch, mưu trí tiến công phá hủy nhiều căn cứ quân sự, mục
tiêu quan trọng của Mỹ, ngụy và tiêu diệt bọn ác ôn, đầu sỏ, thám báo, biệt
kích bảo vệ an toàn tuyệt đối Trung ương Cục, các Khu ủy, tỉnh ủy, thành ủy ở
miền Nam.
Trong Chiến dịch Hồ Chí
Minh lịch sử, được sự chi viện của CANDVT miền Bắc, lực lượng An ninh vũ trang
miền Nam đã phối hợp với các lực lượng chiến đấu bắt sống, tiêu diệt nhiều tên
gián điệp, ác ôn nằm vùng khét tiếng, tiêu hao sinh lực địch và tham gia dẫn
đường cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần quan trọng vào
thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và
dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Thắng lợi của cuộc kháng
chiến chống Mỹ cứu nước đã mở ra giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam, giai
đoạn cả nước cùng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam XHCN. Tuy đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, thống nhất nhưng bọn phản
động trong nước vẫn ráo riết cấu kết với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù
địch triển khai kế hoạch “hậu chiến”; lôi kéo người Việt Nam vượt biên, vượt
biển di cư ra nước ngoài; sử dụng tàn quân FULRO, tổ chức lực lượng phản động
xâm nhập vào biên giới, móc nối xây dựng cơ sở ngầm hòng chống đối chính quyền,
chống phá lâu dài cách mạng Việt Nam và các nước Đông Dương...
Trước tình hình đó, toàn
lực lượng đã tập trung cao độ, khẩn trương triển khai hệ thống đồn, trạm biên
giới, vận động nhân dân xây dựng phòng tuyến bảo vệ chủ quyền, an ninh biên
giới tại 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới, bờ biển; khẩn
trương cùng các đơn vị của QĐND, CAND và nhân dân cả nước quyết tâm đấu tranh
chống kế hoạch “hậu chiến”, truy quét tàn quân FULRO, chống vượt biên, vượt
biển trái phép, bóc gỡ cơ sở ngầm của địch, củng cố hệ thống chính trị cơ sở
mới thành lập ở các tỉnh biên giới phía Nam; trực tiếp đương đầu với cuộc chiến
tranh biên giới Tây Nam (1975-1978), biên giới phía Bắc (1979) và chống “chiến
tranh phá hoại nhiều mặt”, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
khu vực biên giới, biển đảo, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc.
Đặc biệt, thực hiện chủ
trương của Đảng “giúp bạn là tự giúp mình”, BĐBP đã triển khai 7 trung đoàn
phối hợp với các đơn vị QĐND và CAND, kề vai sát cánh cùng lực lượng vũ trang
và nhân dân Campuchia đấu tranh chống Khơme đỏ, phá tan chế độ diệt chủng ở
Campuchia, giúp bạn bảo vệ chủ quyền trên các tuyến biên giới và cử nhiều đội
công tác giúp nhân dân Lào đấu tranh chống phỉ và bọn phản động, góp phần giữ
vững độc lập, chủ quyền, củng cố hòa bình đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc,
tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân Lào và nhân dân Campuchia anh em.
Sau hai cuộc chiến tranh
bảo vệ biên giới, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới,
ngày 10/10/1979, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết 22/NQ/TW chuyển giao lực lượng
CANDVT từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng, đổi tên thành BĐBP. BĐBP đem theo
truyền thống anh hùng đã được xây đắp bằng xương máu và sự cống hiến của các
thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong khói lửa chiến tranh, tiếp tục trọng trách bảo vệ
biên giới Tổ quốc trong giai đoạn mới: Vừa phải giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an
ninh biên giới Tổ quốc, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, hợp tác, phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhân dân.
Trong công tác bảo vệ chủ
quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia giai đoạn mới, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham gia
phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các địa phương hoàn thành tốt công tác
phân giới cắm mốc biên giới đất liền với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, công
tác tăng dày tôn tạo mốc quốc giới với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và tổ
chức bảo vệ biên giới theo các văn bản pháp lý về biên giới và cửa khẩu mà nước
ta đã ký kết với hai nước; đồng thời đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành
và các tỉnh biên giới hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên
giới đất liền với Vương quốc Campuchia.
Trong công tác vận động
quần chúng, các đơn vị BĐBP đã gắn công tác tuyên truyền, vận động với triển
khai các chương trình, phong trào, mô hình tiêu biểu với cách làm sáng tạo
trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, tham gia xây dựng, củng cố
cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây
dựng địa bàn biên giới vững mạnh. Nổi bật như: “Nâng bước em tới trường-Con
nuôi đồn biên phòng; “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”; “Bò giống
giúp người nghèo nơi biên giới, hải đảo”; “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”;
“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường
biên, cột mốc biên giới và giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản khu vực biên
giới”...
Trong công tác đấu tranh
phòng, chống ma túy và tội phạm, giữ vững an ninh trật tự, các đơn vị BĐBP đã
tiến hành thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản địa bàn, tuyến hoạt động của
tội phạm, chuyên đề nghiệp vụ. Từ năm 2008 đến năm 2023 các đơn vị BĐBP đã xác
lập và đấu tranh thành công hàng ngàn chuyên án...; phát hiện, điều tra, bắt
giữ, xử lý 160.920 vụ/322.811 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật (trong
đó, tội phạm về ma túy 14.513 vụ/19.292 đối tượng; buôn lậu, gian lận thương
mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới 29.820 vụ/29.185 đối tượng;
mua bán người 1.509 vụ/1.645 đối tượng, giải cứu và tiếp nhận 1.824 nạn nhân;
tội phạm hình sự và các vi phạm pháp luật khác 114.357 vụ/271.375 đối tượng.
Tang vật thu giữ trên 10,8 tấn ma túy các loại; 527.020 tấn than; 51.300 tấn
quặng; 57.840.000 lít xăng, dầu; 10.180.022 bao thuốc lá; 2.05 tấn lá thuốc lá;
1.006.7 tấn đường; 2.306.49m3 gỗ; 53.13kg vàng, 1.760 viên kim cương và nhiều
tang vật khác...
Đặc biệt, khi diễn ra đại
dịch Covid-19, với ý chí và quyết tâm cao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung
lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép”, vừa quản
lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vừa thực
hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã điều động
hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tuyến sau tăng cường lên biên giới; hàng
trăm cán bộ quân y tăng cường cho các tỉnh, thành đơn vị phía Nam. Đồng thời,
phối hợp chặt chẽ với các quân khu, quân binh chủng, cấp ủy, chính quyền các
địa phương triển khai gần 2.000 tổ, chốt với trên 15.000 cán bộ, chiến sĩ biên
phòng và các lực lượng khác (trong đó có trên 9.000 cán bộ, chiến sĩ BĐBP) kiểm
soát chặt biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở, bắt giữ, xử lý gần 6.000 vụ
với 28.000 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép...
Đảng ủy BĐBP đã ban hành
chỉ thị về việc tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống đại dịch
Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới. Chủ trương này đã
được tất cả các tỉnh, thành ủy biên giới trong cả nước hưởng ứng, phối hợp chỉ
đạo, và được triển khai sâu rộng trên tất cả các tuyến biên giới, mang lại hiệu
quả thiết thực. Phong trào đã thực sự thu hút, phát huy được sức mạnh to lớn
của các tầng lớp nhân dân khu vực biên giới cùng với BĐBP và các lực lượng
phòng, chống đại dịch, không để dịch bệnh lan truyền vào trong nước.
Trân trọng những thành
tích xuất sắc của CANDVT và BĐBP ngày nay, Đảng và Nhà nước đã tặng nhiều danh
hiệu và phần thưởng cao quý. Trong đó, toàn lực lượng đã 2 lần được tuyên dương
Anh hùng LLVTND; 1 Huân chương Sao Vàng, 3 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân
chương Độc lập (hạng Nhất, hạng Nhì), 3 Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng
Ba), 3 Huân chương Lao động (hạng Nhì, hạng Ba), 156 lượt tập thể, 67 cá nhân
được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND, hàng vạn tập thể và cá nhân được
trao tặng các phần thưởng cao quý.
Trong đó có: 8 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND lần thứ hai, gồm: Lực lượng BĐBP; Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, BĐBP Lạng Sơn; Đồn Biên phòng Cù Bai, BĐBP Quảng Trị; Trạm kiểm soát Cửa Hội, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò, BĐBP Nghệ An; Đồn Biên phòng Pha Long, BĐBP Lào Cai; Đồn Biên phòng Pò Hèn, BĐBP Quảng Ninh; Đồn Biên phòng Cầu Ván, BĐBP Đồng Tháp; Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, BĐBP Hà Tĩnh. 47 tập thể, 6 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong thời kỳ đổi mới; 10.810 lượt tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huân chương Lao động; 17.059 lượt đơn vị và cá nhân được tặng cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Quốc phòng, của các ban, bộ, ngành Trung ương. Cùng với đó, hàng trăm nghìn lượt tập thể, cá nhân được công nhận các danh hiệu: Đơn vị Quyết thắng, đơn vị tiên tiến, tập thể lao động tiên tiến, tập thể lao động xuất sắc; chiến sĩ thi đua, chiến sĩ giỏi, chiến sĩ tiên tiến, lao động tiên tiến và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét