Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

CẢNH GIÁC VỚI THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG INTERNET, MẠNG XÃ HỘI ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA

 

Thời gian qua, lợi dụng Internet và các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta trên tất cả các lĩnh vực. Chúng lợi dụng những thiếu sót, những sai lầm, khuyết điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên để tuyên truyền với những luận điệu sai sự thật. Trong đó, việc phát tán những thông tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội đã tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; nhằm kích động, phá rối an ninh trật tự; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục... gây nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoài nghi, hoang mang trong nhân dân.
Các thông tin xấu độc được các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động trong và ngoài nước phát tán với rất nhiều các thủ đoạn tinh vi, đặc biệt chúng triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội lớn như Google, Facebook, Youtube... để phát tán những thông tin sai sự thật. Để có thể thu hút được nhiều sự tương tác, chúng triệt để lợi dụng những thông tin mà dư luận xã hội đang quan tâm như một số vi phạm, khuyết điểm của một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất để làm “nóng” các vấn đề của đất nước như tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí… tạo bức xúc, nghi ngờ, bất bình trong xã hội, kích động tâm lý bất mãn với chính quyền. Một số vấn đề nhạy cảm chính trị-xã hội, vụ việc phức tạp thu hút sự quan tâm của quần chúng thì bị chúng khai thác, phát tán thành chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch còn lợi dụng Internet, mạng xã hội để hô hào tụ tập đông người phản đối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cố gắng kích động dư luận, biến bức xúc thành bạo động, khiến sinh hoạt xã hội trở nên phức tạp; mặt khác, chúng triệt để lợi dụng mạng xã hội để hình thành cái gọi là “truyền thông độc lập”, tách khỏi sự quản lý của Nhà nước; thực hiện các thủ đoạn tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động tâm lý hoài nghi với chính quyền, thổi bùng bức xúc trong nhân dân để tạo điều kiện, môi trường thực hiện “cách mạng mầu”; đồng thời cổ xúy cho các luận điệu dân chủ, nhân quyền, đòi tự do biểu tình, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí, tự do tôn giáo theo quan điểm phương Tây để phục vụ cho “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thực tế ở Việt Nam những năm gần đây cho thấy, có nhiều vụ việc bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động lợi dụng Internet, mạng xã hội để chống phá gây hậu quả nặng nề như: với chiêu bài “vì môi trường, chống Công ty Formosa Hà Tĩnh” để kích động, chống phá năm 2016. Hay lợi dụng tâm lý đám đông, sự bồng bột, thiếu tỉnh táo của một số người dân để kích động, gây nên cuộc tụ tập đông người có hành vi bạo lực, gây rối trật tự công cộng xảy ra tại Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018. Gần đây nhất là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân xảy ra ở hai xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (trong đó có khu vực làm việc của Công an xã) thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Vụ khủng bố này có sự chỉ đạo và tiếp tay của các thế lực thù địch từ nước ngoài. Một số tổ chức phản động lưu vong người Việt và các phần tử theo chủ nghĩa cực đoan đã lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, lôi kéo, tổ chức huấn luyện cho một số đối tượng trong nước và cử người xâm nhập vào Việt Nam chỉ đạo thực hiện vụ tấn công khủng bố này. Sau khi vụ khủng bố xảy ra, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các kênh thông tin báo chí nước ngoài, các trang mạng hải ngoại, trang mạng cá nhân của các đối tượng chống đối để tung ra thông tin sai sự thật, các hình ảnh được dàn dựng, cắt ghép… Một số bài viết cố tình đánh tráo bản chất, hướng vụ án sang nguyên do khác nhằm kích động tâm lý kỳ thị dân tộc, gây chia rẽ giữa đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.
Nhận thức rõ tầm quan trọng, lợi ích của Internet, mạng xã hội và cả những hiểm họa từ mặt trái của chúng, Đảng, Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm phát triển internet và mạng xã hội, đồng thời, có những biện pháp để internet và mạng xã hội cũng không thể là nơi để các thế lực chống đối, thù địch thoải mái lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu, tiến hành các hoạt động chống phá. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet”. Nhà nước cũng đã ban hành Luật An ninh mạng cùng nhiều văn bản pháp quy để ngăn chặn hiểm họa từ mặt trái của mạng xã hội.
Có thể khẳng định trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Internet, đặc biệt là mạng xã hội sẽ xuất hiện những vấn đề mới, làm cho một số quy định pháp luật trở nên lạc hậu, bất cập hoặc không còn phù hợp; những giải pháp kỹ thuật không theo kịp sự phát triển của khoa học, kỹ thuật... Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của nhà nước, từ đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng Internet và mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước ta./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét