BÀI 2: PHÁT HUY VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, NHÂN DÂN TRONG XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM!
Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là mối quan hệ lớn, khăng khít, không thể tách rời. Ở đó, Đảng thể hiện vai trò lãnh đạo thông qua đường lối, chủ trương, được thể chế hóa trong pháp luật của Nhà nước, và pháp luật là công cụ được Nhà nước sử dụng để quản lý xã hội. Tất cả những cơ chế này đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân.
Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, chúng ta phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và xử lý hài hòa mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, đồng thời, phát huy vị trí, vai trò của từng nhân tố này trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cụ thể hóa nội dung lớn này, Bài viết của Tổng Bí thư đã đề ra hệ thống các giải pháp trọng tâm, bám sát thực tiễn để cả hệ thống chính trị triển khai trong thời gian tới.
Đây cũng là nội dung trao đổi của chúng tôi với các vị khách mời:
- GS.TS Hoàng Thế Liên - Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Chu Văn An;
- PGS.TS Trương Hồ Hải - Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Phóng viên (PV): Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, để phát huy hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần phải tăng cường đồng thời 2 yếu tố “đức trị” và “pháp trị”. Các vị khách mời có nhìn nhận như thế nào về giải pháp này trong Bài viết của Tổng Bí thư? Xin được hỏi ý kiến của GS.TS Hoàng Thế Liên?
GS.TS Hoàng Thế Liên: Đức trị và pháp trị là hai mặt của một thể thống nhất. Trong đời sống xã hội từ trước đến nay cho thấy, đây là hai mặt rất quan trọng, có quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giúp đạt được mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm đời sống.
Đức trị và pháp trị có đóng góp rất lớn cho quản lý Nhà nước. Chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền thì khi nói đến Nhà nước pháp quyền là nói đến thượng tôn pháp luật. Do đó rất dễ có tư tưởng quá coi trọng và nhấn mạnh pháp luật mà quên đi những yếu tố mang tính truyền thống.
Và chúng tôi thường nói, đây là yếu tố “mềm” làm nên cơ chế đồng bộ và hoàn thiện hơn cho việc vận hành của Nhà nước, của xã hội. Đạo đức ở đây là nền tảng, dẫn dắt những hành vi của con người trong cả xây dựng và thực hiện pháp luật, và đặc biệt trong thực hiện pháp luật. Vì vậy, Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư nhắc nhở chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền thượng tôn pháp luật là điều quan trọng nhưng bên cạnh đó cũng không được coi nhẹ mà cần phải coi trọng đạo đức.
Bài viết của Tổng Bí thư cũng nêu rõ, “đức trị” sẽ dẫn dắt “pháp trị” trong việc thực thi pháp luật. Chúng ta thấy, nếu trong xây dựng pháp luật, một người có đạo đức tốt và một xã hội có nền tảng đạo đức tốt, chắc chắn sẽ không có chuyện “cài cắm” lợi ích cá nhân, lợi ích này, lợi ích kia trong quá trình hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật. Những người có đạo đức tốt sẽ một lòng một dạ xây dựng chính sách pháp luật để phục vụ lợi ích của Nhân dân, phục vụ sự phát triển của xã hội.
Do đó, trong xây dựng pháp luật, đức trị rất quan trọng. Trong thực thi pháp luật càng quan trọng. Trong thực thi pháp luật, khi đối diện với người có đạo đức, có trách nhiệm, coi trọng các giá trị công bằng, coi trọng các giá trị về nhân nghĩa, công lý, thì những người đó, họ thực thi pháp luật một cách rất tự giác, như là một thói quen văn hóa.
Hai yếu tố “đức trị” và “pháp trị” có quan hệ khăng khít với nhau, tạo tiền đề và điều kiện cho nhau và hỗ trợ cho nhau trong xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Vì vậy, việc đề cao coi trọng đạo đức, đề cao công tác giáo dục đạo đức cho toàn bộ xã hội cũng là việc giúp tạo nền tảng cho việc thượng tôn pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Ở nội dung này, tôi nhận thấy, Tổng Bí thư đã kế thừa và phát triển rất sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong Bài viết, Tổng Bí thư nhấn mạnh, về đạo đức, trước hết là đạo đức trong Đảng. Đây là thế mạnh, là uy tín, vị trí, vai trò của chi bộ, là tính gương mẫu, tính nghiêm chỉnh của các đảng viên. Các đảng viên nếu thực hiện tốt, chắc sẽ dẫn dắt toàn bộ xã hội đi theo. Vì sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền do họ lãnh đạo lập pháp, họ bảo đảm chấp hành pháp luật nghiêm minh,…
Như tôi nói, trong Bài viết của Tổng Bí thư đề cập đến một nội dung mà tôi rất tâm đắc. Đó là, nếu ai làm ngơ trước pháp luật hoặc vô cảm với lợi ích của Nhân dân thì đất nước này sẽ không có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
PV: PGS.TS Trương Hồ Hải có ấn tượng như thế nào về việc kết hợp hai yếu tố “đức trị” và “pháp trị” trong Bài viết của Tổng Bí thư?
PGS.TS Trương Hồ Hải: Có thể nói, xuyên suốt lịch sử của tất cả các Nhà nước trên thế giới, đều có cả hai yếu tố đức trị và pháp trị. Ở Việt Nam chúng ta, trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta nhấn mạnh cả hai yếu tố đức trị và pháp trị.
Thực ra, trong pháp luật đã có yếu tố của đạo đức. Có rất nhiều những quy chuẩn của đạo đức được nâng lên thành luật. Ví dụ như không được bạo lực trong gia đình; phải yêu thương, phụng dưỡng người già, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, không được ngược đãi trẻ em,… Đó là những chuẩn của đạo đức nhưng đã được nâng lên thành luật. Điều này phù hợp với những giá trị đạo đức chung cho nên dễ được hấp thụ, dễ được triển khai và dễ được lan tỏa trong cuộc sống.
Cũng phải nhìn nhận, chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền nhưng các quy định của pháp luật không thể quy định hết những vấn đề của xã hội, không thể cụ thể đến từng chi tiết. Đó là chưa kể đến việc xã hội đang phát triển thay đổi từng ngày từng giờ, có những vấn đề, pháp luật không thể theo kịp.
Do đó, tôi cũng rất tâm đắc khi Tổng Bí thư nhấn mạnh, chúng ta phải kết hợp cả yếu tố đức trị. Đức trị ở đây nói nhiều đến việc nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Việc nêu gương ở đây còn là ở các thầy, cô giáo ở trong trường học; ở trong gia đình là ông bà, bố mẹ,…; là mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa thủ trưởng với nhân viên và rộng hơn là Nhà nước với người dân. Đây là những mối quan hệ rất lớn thể hiện rất rõ cả hai yếu tố đức trị và pháp trị. Đức trị ở đây nói lên tính gương mẫu, tính tiên phong.
Điều này cũng đã được cụ thể hóa trong các Nghị quyết lớn của Đảng. Vấn đề là chúng ta triển khai trong thực tế như thế nào để phát huy mạnh mẽ những giá trị này, để tạo niềm tin cho người dân, cán bộ của chúng ta.
PV: Để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và xử lý hài hòa mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ và phát huy vị trí và vai trò của từng nhân tố này trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bài viết của Tổng Bí thư cũng đã đưa ra một hệ thống các giải pháp cơ bản cần triển khai. GS.TS Hoàng Thế Liên có nhìn nhận như thế nào về hệ thống các giải pháp mà Tổng Bí thư đã đưa ra trong Bài viết?
GS.TS Hoàng Thế Liên: Cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, Đảng ta đã đặt ra từ lâu.
Đây vẫn là một vấn đề mang tính chiến lược. Để xử lý mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, Đảng với Nhân dân, tôi thấy Tổng Bí thư đưa ra nhiều ý kiến, góp phần để xây dựng cơ chế để thực hiện mối quan hệ này.
Ở Bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, chủ yếu đồng chí Tổng Bí thư nói về công tác Đảng, để làm thế nào Đảng phát huy được vai trò của mình. Trong mối quan hệ này, Đảng lãnh đạo cũng để cho Nhân dân phát huy vai trò làm chủ của mình. Nhà nước quản lý cũng để bảo đảm thực hiện cho được quyền làm chủ của Nhân dân. Còn Nhân dân ý thức được mình là chủ nhân của đất nước, phải làm chủ. Thực ra là cơ chế này có sự thống nhất về bản chất, mục tiêu và đối tượng phục vụ.
Tuy nhiên, về phân vai như thế nào là một vấn đề. Do đó, tôi thấy đồng chí Tổng Bí thư đề cập nội dung rất đúng. Nghĩa là Đảng lãnh đạo công tác lập pháp và Tổng Bí thư đề nghị có cơ chế để giám sát thể chế hóa đường lối của Đảng vào trong công tác lập pháp.
Trong khi đó, Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của Nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng chịu trách nhiệm trước Nhân dân về quyết định của mình.
Nghĩa là trong đường lối, chủ trương của Đảng có những lợi ích của Nhân dân được đặt vào trung tâm của mọi chính sách. Do đó, Đảng lãnh đạo để thực hiện cho bằng được điều này, để phục vụ Nhân dân và bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân cho thật tốt.
Tổng Bí thư cũng nêu thêm một ý rất quan trọng, đó là các vị trí lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước được cơ cấu các vị trí lãnh đạo cấp ủy đảng tương ứng chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của cơ quan trong bộ máy Nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Và giao cho người đó trọng trách phải lãnh đạo, chỉ đạo bộ máy Nhà nước để bảo đảm thực hiện được những lý tưởng đẹp đẽ của Đảng ta trong vấn đề bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Đảng vừa phát huy được vai trò lãnh đạo của mình và đồng thời Nhà nước phát huy hiệu quả quản lý của mình và hiệu quả quản lý của Nhà nước chính là thước đo sự lãnh đạo hiệu quả của Đảng. Nếu người dân tham gia phát huy tốt quyền làm chủ của mình, mang lại hiệu quả cao trong xã hội, sẽ tạo một sức mạnh rất lớn trong sự phát triển của đất nước.
Như tôi đã nói, tôi rất tâm đắc về việc chỉ đạo đổi mới sinh hoạt Đảng trong Bài viết của Tổng Bí thư. Đảng phải quan tâm những vấn đề của dân, lợi ích của dân và lấy điều đó làm nội dung sinh hoạt Đảng để có những quyết sách đúng đắn và phù hợp với Nhân dân. Với cơ chế này đã có từ lâu nhưng Bài viết của Tổng Bí thư đưa ra rất nhiều giải pháp cụ thể để góp phần xây dựng cơ chế và thực hiện cơ chế đó.
PV: Về nội dung câu hỏi này, xin được hỏi ý kiến của PGS.TS Trương Hồ Hải?
PGS.TS Trương Hồ Hải: Liên quan đến mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, tôi cho rằng đây là một mối quan hệ tổng thể của bất kỳ Nhà nước nào trong một xã hội hiện đại, đều có Đảng, Nhà nước và đều hướng đến Nhân dân.
Tôi cho rằng, trong mối quan hệ này, sẽ cần phải phân định một cách rạch ròi hơn mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước để Đảng không lấn sân, không làm thay Nhà nước ở rất nhiều công việc. Còn Nhân dân làm chủ là mục tiêu chung của Đảng, của Nhà nước chúng ta, đều hướng tới phục vụ Nhân dân.
Trong ba chủ thể của mối quan hệ Đảng - Nhà nước - Nhân dân, chúng ta phải nhấn mạnh cả ba chủ thể này, đều có vai trò đặc biệt quan trọng. Đảng lãnh đạo trong mối quan hệ với Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Nghĩa là ở đây là mối quan hệ ba bên. Còn Nhà nước quản lý nhưng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và Nhân dân làm chủ nhưng cũng phải dưới sự quản lý trong mối quan hệ với Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý.
PV: Để đưa hệ thống các giải pháp trong Bài viết của Tổng Bí thư vào thực tiễn cuộc sống, theo GS.TS Hoàng Thế Liên, trong thời gian tới, chúng ta cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ như thế nào?
GS.TS Hoàng Thế Liên: Để đưa hệ thống các giải pháp được Tổng Bí thư nêu ra ở trong Bài viết, theo tôi, trước hết, chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến về những tư tưởng của Bài viết.
Thứ nữa, tôi thấy ở trong Bài viết cũng nêu ra nhiều vấn đề, do đó, cũng cần phải có những nghiên cứu khoa học và thảo luận để làm rõ hơn. Tôi lấy ví dụ, trong Bài viết đặt ra vấn đề rất mới về tư duy xây dựng pháp luật.
Do đó, chúng ta phải có những hội thảo hoặc đề tài khoa học nghiên cứu về đổi mới tư duy trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, phải có cơ chế kiểm soát việc thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng thành pháp luật. Đây cũng là một vấn đề lớn. Do đó cũng phải có đề tài nghiên cứu thảo luận để chúng ta triển khai thực hiện.
Tiếp đó, đổi mới tổ chức sinh hoạt của chi bộ cũng là vấn đề cần xác định rành mạch hơn để quán triệt chung trong toàn Đảng, làm cho sinh hoạt của chi bộ thiết thực và gắn hơn với cuộc sống.
Thứ nữa, trong Bài viết, ngoài xác định nội dung pháp luật của Nhà nước pháp quyền, đồng chí Tổng Bí thư đặt ra vấn đề phải có một quy trình xây dựng luật chặt chẽ, dân chủ và khoa học để thể hiện ý chí nguyện vọng của Nhân dân. Do đó, điều này đặt ra vấn đề phải đổi mới luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Và trong Nghị quyết 27-NQ/TW cũng đặt vấn đề phải đổi mới điều này để bảo đảm có được một quy trình chặt chẽ, dân chủ và khoa học để nâng cao chất lượng xây dựng luật của chúng ta. Nếu chất lượng xây dựng luật tốt, chắc chắn việc thực thi sẽ dễ dàng và đạt hiệu quả cao hơn.
Trong Bài viết, Tổng Bí thư cũng chỉ ra rất rõ trách nhiệm của từng cơ quan. Ví dụ, Tổng Bí thư cho rằng, Quốc hội phải đóng vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được ban hành đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Do đó, Quốc hội phải sửa đổi những quy định và các quy chế tổ chức hoạt động như thế nào để thực hiện được nhiệm vụ lớn lao đó. Bên cạnh đó, chúng ta thường nói, có những quy định pháp luật mâu thuẫn, lạc hậu, chưa phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, không phải do quy định pháp luật mà do vướng mắc trong thực thi, đòi hỏi phải giải thích pháp luật cho rõ.
Bởi vậy, đồng chí Tổng Bí thư cũng đặt vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải đẩy mạnh việc thực hiện thẩm quyền giải thích pháp luật của mình để góp phần tháo gỡ những khó khăn trong thực thi pháp luật. Đây cũng là một ý rất lớn.
Chính phủ với tư cách là cơ quan tổ chức thi hành pháp luật, Tổng Bí thư đặt vấn đề, Chính phủ phải theo dõi, đánh giá thi hành pháp luật và điều quan trọng hơn khi pháp luật chồng chéo, không đồng bộ, chưa phù hợp thực tiễn thì giao cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện, theo dõi pháp luật phải đánh giá vấn đề này và xứ lý trong thẩm quyền. Những vấn đề vượt thầm quyền sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
PV: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của các vị khách mời!./.
Ảnh: GS.TS Hoàng Thế Liên.
Ảnh: Các vị khách mời trao đổi về nội dung các giải pháp được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra trong Bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Ảnh: GS.TS Hoàng Thế Liên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét