Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

 

ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC LÀ HOÀN TOÀN DÚNG ĐẮN TRONG ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

          Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một “cuộc chiến” rất cam go với nhiều khó khăn, thử thách; các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề này để bóp méo, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Gần đây trên trang “Baotiengdan”, bút danh Vượng Lưu có bài viết: “Tham nhũng và chống tham nhũng: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!”, bài viết cho rằng: “khi thấy Đảng Cộng sản Việt Nam sửa đổi hết nghị quyết này, đến ban hành nghị quyết khác nhưng tham nhũng vẫn hoàn tham nhũng”. Thực chất, đây là một luận điệu xuyên tạc, nhằm phủ nhận quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

          Thứ nhất, tham nhũng là những “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, đã được Đảng ta nhận định và chỉ ra từ khi mới thành lập Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”, là “giặc nội xâm”, là kẻ thù của nhân dân. Đại hội lần thứ VI của Đảng xác định: Tham nhũng “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước”. Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 15/5/1996 của Bộ Chính trị nêu rõ: Đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay; góp phần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. Đại hội lần thứ IX của Đảng chỉ ra: Tham nhũng là “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”. Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: Đến nay tham nhũng “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.

          Cùng với đó, Đảng, Nhà nước, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đẩy mạnh hoàn thiện Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Trong đó, chú trọng xây dựng bộ máy phòng chống tham nhũng; phát huy vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các cơ quan chuyên trách đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương và cấp tỉnh; tổ chức thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới, với quyết tâm cao.

          Thứ hai, những kết quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua đã chứng minh tính đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng, Nhà nước ta đã đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt và đồng bộ; với tinh thần kiên quyết xử lý “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, bất kể người đó giữ cương vị, trọng trách cao hay thấp; tiến hành điều tra, xem xét xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng vi phạm quy định, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách công khai, minh bạch.

          Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kịp thời công khai kết luận kiểm tra, kết quả giám sát, quyết định kỷ luật hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật cá nhân, tổ chức vi phạm một cách công khai, minh bạch. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân cùng tham gia giám sát, đồng hành cùng với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả. Nhiều cán bộ, đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng bị xử lý kỷ luật của Đảng do vi phạm về phòng, chống tham nhũng. Nhiều vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật. Một minh chứng rõ ràng cho thấy, trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý.

          Những kết quả về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu trên cho thấy quyết tâm rất cao, sự nỗ lực lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, làm cho bộ máy Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước ngày càng được tăng cường.

          Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần nhận thức đúng về đường lối lãnh đạo của Đảng và kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, đồng thời nhận diện rõ và kiên quyết đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét