Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

 

TRÒ “MẬP MỜ ĐÁNH LẬN CON ĐEN” CỦA PHẠM TRẦN!

          Mới đây, trên trang Danlambao, Phạm Trần cho đăng tải bài viết “Đổi mới lần 2 ai làm, đi đâu?”. Mục đích bài viết không có gì mới, vẫn chung một ý hướng với hàng loạt bài viết khác của ông đã từng đăng tải trên các trang báo mạng phản động, đó là chống phá đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, âm mưu thay đổi chế độ ở đất nước ta. Nhưng hình thức, phương pháp mà ông ta sử dụng trong bài viết này thì có đôi chút mới mẻ, đó là xuyên suốt bài viết, ông ta trích dẫn lại bài báo của Tiến sĩ Lê Kiên Thành với nhan đề “Sau 30 năm, nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ hai” trên báo An Ninh Thế giới (Bộ Công an) số ra ngày 19/02/2017, xen kẽ trong đó là những bình luận, suy diễn với giọng điệu có vẻ đầy tính khách quan, nhưng ẩn sâu trong đó lại là một âm mưu thâm độc. Đọc bài viết này của Phạm Trần, chúng ta cần xác lập rõ nhận thức và thái độ trên những vấn đề cơ bản sau:

          Một là, đánh giá đúng về những thành tựu và hạn chế của công cuộc đổi mới đất nước. Đại hội XII của Đảng đã đánh giá khách quan, trung thực những thành tựu qua ba mươi năm đổi mới đất nước; đồng thời cũng nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, yếu kém còn tồn tại. Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đồng thời cũng còn những vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn. Rõ ràng, Đảng ta không hề che giấu những hạn chế, yếu kém. Tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” chưa bao giờ lại được thực hiện quyết liệt như lúc này. Nhiều cơ quan báo chí, nhiều công trình nghiên cứu đã phân tích, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém mà đất nước ta còn mắc phải để tìm ra những biện pháp khắc phục, sửa chữa. Bài viết của Tiến sĩ Lê Kiên Thành cũng góp phần làm sáng tỏ hơn điều đó trên tinh thần dân chủ của Đảng. Nhưng trong bài viết của mình, Phạm Trần lại coi đó như một điều gì đó mới mẻ, chưa từng có, một chấn động! Từ đó, ông ta đưa ra hàng loạt những suy diễn hồ đồ. Chẳng lẽ, nói đúng tinh thần của Đảng, nói đúng những điều Đảng và đất nước đang cần mà lại phải có người “chống lưng” mới “dám nói” hay sao? Suy cho cùng, Phạm Trần cố tình muốn người đọc hiểu sai lệch hai vấn đề: Thứ nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tìm cách che giấu khuyết điểm; Thứ hai là ở Việt Nam không có dân chủ. Tất thảy những ai đang sống trên đất nước này, sống trong bầu không khí của xã hội này đều có thể phủ nhận đi những điều đó.

 

          Hai là, phân biệt giữa nói thẳng, nói thật với chống đối, phá hoại. Trong bài viết của mình, Phạm Trần luôn cố tình tìm mọi cách đánh đồng những quan điểm của tiến sĩ Lê Kiên Thành với những quan điểm chống lại đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước. Rõ ràng, ai đọc bài viết của Tiến sĩ Lê Kiên Thành cũng đều nhận thấy rõ, bài viết đã nói thẳng, nói thật những hạn chế, yếu kém mà Đảng ta đang đấu tranh để khắc phục, sửa chữa. Nói thẳng, nói thật của Tiến sĩ Lê Kiên Thành nhằm làm cho đường lối, quan điểm lãnh đạo của Đảng ngày càng đúng đắn hơn, đất nước ngày càng phát triển hơn. Nó thể hiện tinh thần chiến đấu của người cộng sản, tinh thần tiên phong của người đảng viên. Trong bài viết ấy, Tiến sĩ Lê Kiên Thành cũng khảng khái: “Nếu có cơ hội, một Đảng viên như tôi, cũng mong được góp hết sức mình vào cuộc đổi mới ấy, với bất kể thách thức nào!”. Rõ ràng, nó có sự phân biệt hoàn toàn với những quan điểm chống đối, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Những kẻ phản động chống đối, phá hoại đường lối, quan điểm của Đảng thì chỉ tìm mọi cách khoét sâu, thổi phồng những hạn chế, yếu kém, kích động người dân và cán bộ, đảng viên quay lưng lại với Đảng. Vậy mà, Phạm Trần lại cố tình đánh đồng hai lập trường, thái độ đối lập đó. Ông ta suy diễn: “Chữ nghĩa của ông Lê Kiên Thành không phải để nói cho vui tai. Chúng phải được coi là những viên đạn bắn thẳng vào hệ thống cầm quyền của đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam”. Nếu chữ nghĩa của Tiến sĩ Lê Kiên Thành là những viên đạn, thì nó đang bắn thẳng vào những kẻ mượn danh dân chủ, mượn danh nói thật để chống phá đường lối, quan điểm của Đảng ta như Phạm Trần mà thôi.

          Ba là, phân biệt rõ “đổi mới” và “thay đổi”. Công cuộc đổi mới đất nước không phải là nhiệm vụ làm một lần là xong. Nó là quá trình diễn ra liên tục nhưng có tính giai đoạn, tuần tự trên cơ sở từng bước nhận thức ngày càng rõ hơn và vận dụng đúng đắn hơn những quy luật khách quan. Sau ba mươi năm đổi mới, Đảng ta đã nhận thức rõ cần phải tạo ra những “động lực mới” cho sự phát triển của nền kinh tế, mà “tái cơ cấu nền kinh tế” là một giải pháp quan trọng. Trong bài viết của mình, Phạm Trần luôn tìm cách xoáy sâu vào những hạn chế, yếu kém của thành phần kinh tế Nhà nước, gắn với đó là “lợi ích nhóm” của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền, từ đó khơi gợi, đặt ra vấn đề tư nhân hóa nền kinh tế. Trên thực tế, Đảng ta nhận thức rất rõ những hạn chế, yếu kém này, và “tái cơ cấu nền kinh tế” là giải pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém đó. Nhưng chúng ta phải xác lập một quan điểm cơ bản: vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước là không thay đổi, vì đó là công cụ hữu hiệu và cần thiết để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, giữ vững định hướng chế độ, đảm bảo phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội. Vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu kinh tế sẽ là: phải tìm ra phương thức, biện pháp tổ chức lại thành phần kinh tế Nhà nước, nắm những ngành gì? Lĩnh vực gì? Nắm đến đâu? Tổ chức, quản lý như thế nào để đảm bảo phát triển tuân theo quy luật giá trị của nền kinh tế thị trường, hoạt động có hiệu quả, đồng thời xóa bỏ cơ sở tồn tại “lợi ích nhóm”… chứ không phải là xóa bỏ vai trò của nó, thay thế vào đó là nền kinh tế tư bản như ý đồ của Phạm Trần và những kẻ chống đối, phá hoại.

 

          Tóm lại, Âm mưu xuyên suốt của Phạm Trần là muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và toàn xã hội, thay thế chế độ xã hội chủ nghĩa bằng chế độ tư bản chủ nghĩa trên đất nước ta.

          Vì vậy, với mỗi người dân Việt Nam, chỉ cần có tấm lòng luôn hướng về đất nước, chỉ cần chúng ta có thái độ khách quan, trung thực, chúng ta cũng sẽ thấy được tính đúng đắn, cách mạng, khoa học trong đường lối lãnh đạo của Đảng đối với đất nước, đồng thời phân biệt rõ trắng đen, nhìn thấu suốt được những âm mưu, thủ đoạn xấu xa của kẻ thù, dù nó có được diễn đạt bằng hình thức nào đi chăng nữa./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét