Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

 

XÂY DỰNG ĐẢNG VỀ ĐẠO ĐỨC VÀ VẤN ĐỀ NÊU GƯƠNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

          Xây dựng Đảng về đạo đức là hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên về xây dựng, hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức cách mạng; giáo dục, rèn luyện đạo đức cho đội ngũ đảng viên, tạo sự thống nhất trong nhận thức, nâng cao ý thức tự giác rèn luyện, tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng; đấu tranh chống nhận thức và hành động phi đạo đức và các quan điểm sai trái, về đạo đức, lối sống, góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

          Xây dựng Đảng về đạo đức luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng hết sức coi trọng, là yêu cầu quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta. Từ khi thành lập Đảng đến nay, Đảng ta luôn quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh, trong đó chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức đối với cả tổ chức đảng và đảng viên. Đặc biệt, từ khi thực hiện đường lối đổi mới, nhận thức, đường lối, chủ trương, chính sách và giải pháp trong xây dựng Đảng về đạo đức ngày càng được bổ sung, hoàn thiện.

          Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên cảnh báo, nhắc nhở, răn dạy cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng bằng rất nhiều bài phát biểu, bài viết trên báo. Đặc biệt, tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Người khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”; và trong “Di chúc”, vấn đề đạo đức cách mạng được thể hiện trong những lời căn dặn căn cốt nhất về xây dựng Đảng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[1].

          Tuy vậy, từ khi thống nhất đất nước, Đảng cầm quyền trên phạm vi cả nước, vấn đề đạo đức trong xây dựng Đảng lại chưa được đặt xứng tầm. Tại Đại hội IV (năm 1976) Đảng ta mới chỉ xác định phương châm “phải xây dựng Đảng vững mạnh về cả ba mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức”[2]. Công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên thường chỉ được đề cập một cách khiêm tốn trong nội dung xây dựng Đảng về tư tưởng. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từ Đại hội VI của Đảng đến nay, trong các Văn kiện Đại hội, Đảng ta luôn đề cập đến tình trạng suy thoái về đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, coi đó là một trong 4 nguy cơ đe dọa đến vai trò lãnh đạo của một đảng cầm quyền. Vì thế, tại Đại hội XII của Đảng, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức lần đầu tiên được nhắc đến với tư cách là “mặt thứ tư” trong công tác xây dựng Đảng để trở thành một chỉnh thể: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”[3].

          Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, và từ thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy việc nêu gương của cán bộ, đảng viên là vấn đề hết sức quan trọng trong xây dựng Đảng về đạo đức. Nêu gương gắn liền với chủ thể và hành động của chủ thể, tạo ra ảnh hưởng tích cực tới các chủ thể khác, từ cá nhân tới xã hội, thúc đẩy sự noi gương, học tập và làm theo các tấm gương điển hình của các cá nhân, tập thể khác, làm cho người tốt lên, việc tốt lên, thực chất chứ không hình thức; làm thường xuyên, bền bỉ như một nhu cầu văn hoá chứ không nhất thời, thiết thực, hiệu quả chứ không phù phiếm, khoa trương. Từ khi lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đến nay, vấn đề nêu gương luôn được Đảng ta quan tâm lãnh đạo, Đảng đã ban hành nhiều quy định, Nghị quyết, hướng dẫn về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về những điều đảng viên không được làm … Nêu gương phải được coi là bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm, đồng thời phải có tính tự giác, tự nguyện, trở thành một nhu cầu văn hoá trong lẽ sống, lối sống và nếp sống hàng ngày của mỗi người, trước hết là của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; đảng viên tự giác nêu gương để thể hiện rõ vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng.

          Cùng với nêu gương, Đảng ta hết sức quan tâm đến công tác xây dựng đạo đức cách mạng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quy định, hướng dẫn về công tác giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đảng “Chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp; thực hiện nghiêm các quy định nêu gương của Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu…”[4]. Đảng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm, “đúng vai, thuộc bài”, thật sự chuyên nghiệp, làm tốt nhiệm vụ được giao, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét