Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

Tác chiến đặc biệt trong thời đại thông tin

 

          Sự phát triển của kỹ thuật thông tin đã thôi thúc việc nhất thể hóa giữa trinh sát tình báo với sức mạnh hỏa lực, đồng thời khiến cho hoạt động tác chiến đặc biệt ngày càng mở rộng vai trò vị trí của mình trong hoạt động tác chiến. Hành động tác chiến đặc biệt là hình thức tác chiến nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến thông tin hóa với tốc độ cao và phi đối xứng, với các đặc điểm nổi bật như: đa dạng về nhiệm vụ, tác chiến tầm gần mang tính đột kích cao, kết hợp giữa trinh sát và tình báo, hiệp đồng chỉ huy liên hợp giữa nhiều lực lượng và môi trường tác chiến nguy hiểm. Theo đó, các phương thức hành động chủ yếu của loại hình tác chiến này gồm: trinh sát đặc biệt, đột kích luồn sâu, đột kích có trọng điểm, bắt con tin, tìm kiếm giải cứu và chiến tranh tâm lý.

          Trong điều kiện thông tin hóa hiện nay, cùng với trình độ, năng lực đối kháng của hai bên giao chiến không ngừng được tăng cường, lực lượng tác chiến đặc biệt càng nắm bắt được nhiều những thông tin tình báo về hoạt động của đối phương thì càng chiếm ưu thế trong hoạt động tác chiến và giành được quyền chủ động hơn trên chiến trường, từ đó phát huy tối đa khả năng đột kích bất ngờ, đồng thời nếu được phối hợp tác chiến với lực lượng chiến đấu thông thường thì hiệu quả chiến đấu càng tăng lên rõ rệt, hiệu quả lúc đó sẽ là 1+1>2. Ví dụ, trong chiến dịch “Tự do cho Iraq”, Quân đội Mỹ đã huy động lực lượng tác chiến đặc biệt gồm hơn 100 binh sỹ tinh nhuệ tham gia tác chiến phối hợp cùng những lực lượng chiến đấu thông thường trên chiến trường Iraq. Kết quả là các lực lượng đã phối hợp rất nhịp nhàng và mang lại hiệu quả cao trong các chiến dịch tiến công mặt đất cũng như đổ bộ đường không.

          Hiện nay, cùng với các sự vụ khủng bố ngày càng gia tăng, tác chiến tiến công chính xác đã trở thành đặc trưng nổi bật trong chiến tranh hiện đại, đồng thời hành động quân sự của các nước cũng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động tác chiến đặc biệt. Theo các chuyên gia quân sự, tác chiến đặc biệt chính là một loại hình và dạng thức mới của hành động tác chiến cơ bản. Theo đó, tác chiến đặc biệt là hành động của lực lượng đặc nhiệm được tiến hành trong điều kiện, khu vực, thời gian đã được xác định từ trước. Mục đích là nhằm tạo ra sự thay đổi bất ngờ về mặt chiến thuật, chiến dịch thậm chí là chiến lược trên chiến trường. Đặc điểm tác chiến của hoạt động này là: Mục đích tác chiến rõ ràng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chiến đấu chủ lực; nhiệm vụ bị giới hạn mang tính mục đích cao; hình thức tiến hành đa dạng, tổ chức biên chế hoạt động tinh gọn; môi trường tác chiến nguy hiểm, dễ xuất hiện các vấn đề ngoài kế hoạch. Tác chiến đặc biệt thường được tiến hành bất ngờ nhằm tạo ra ưu thế về chiến thuật với phương pháp tiến hành đa dạng và thay đổi liên tục theo tình huống thực tế trên chiến trường.

          Hiện nay, các quốc gia đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức phi truyền thống, trong đó đặc biệt là tiến công khủng bố không ngừng tăng lên. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với lực lượng tác chiến đặc biệt của các nước, với nhiệm vụ nặng nề hơn, yêu cầu phản ứng linh hoạt, mau lẹ hơn. Hiện nay, lực lượng tác chiến đặc biệt của Quân đội Mỹ được coi là một trong những lực lượng quan trọng nhất và có năng lực tác chiến chống khủng bố mạnh nhất thế giới. Trong tác chiến liên hợp của chiến tranh tương lai, về mặt khách quan, cần phải tập trung chỉ huy và sử dụng lực lượng một cách hợp lý, lựa chọn mục tiêu có trọng điểm, chú trọng phát huy ưu thế của từng lực lượng, nắm bắt đúng thời cơ, tổ chức lực lượng hợp lý, hiệp đồng bảo đảm chặt chẽ, từ đó nâng cao hiệu quả tác chiến một cách cao nhất có thể để giành ưu thế trên chiến trường.        

Tác chiến hỏa lực trong thời đại thông tin

 

          Cùng với sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật thông tin, sức mạnh hỏa lực của các loại vũ khí thông tin hóa đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Hỏa lực không chỉ giải quyết được những hạn chế về mặt địa lý mà còn giúp lực lượng tác chiến tránh được khả năng tiếp xúc trực tiếp với hỏa lực đối phương, từ đó giảm thiểu thương vong khi giao chiến. Tác chiến hỏa lực là hành động tác chiến tiến công, với chủ thể chính là tên lửa chiến thuật/chiến dịch; pháo tầm xa và các loại tên lửa tầm xa trang bị trên máy bay trực thăng vũ trang/máy bay chiến đấu, đồng thời có sự hỗ trợ của lực lượng cận chiến. Bản chất của hành động này là sử dụng lực lượng, phương tiện tiến công tầm xa để tiến công mục tiêu bằng phương thức phi tiếp xúc. Do chiến đấu hỏa lực có đặc điểm là tiến công từ cự ly tầm xa nên có thể tiêu diệt được mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương một cách hiệu quả, trong khi đó lại ít tốn kém về nhân lực, giúp binh sỹ tránh bị thương vong trực tiếp từ hỏa lực của đối phương. Chính vì vậy, chiến đấu hỏa lực được hai bên tham chiến ưu tiên lựa chọn khi tiến hành thực chiến trên chiến trường. Tác chiến hỏa lực không những có thể được tiến hành bởi một binh chủng đơn nhất, mà còn có thể được tiến hành bởi hiệp đồng quân binh chủng. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, tác chiến hỏa lực vừa mang tính tiến công phủ đầu lại vừa mang tính thị uy/uy hiếp đối phương.

          Trong chiến tranh tương lai, việc vận dụng linh hoạt kỹ thuật thông tin, năng lực tác chiến hỏa lực để giải quyết mục tiêu chiến tranh sẽ rất được coi trọng thay vì phải điều động một lượng lớn binh lực trên chiến trường. Trong trường hợp phải sử dụng binh lực, thì phải tiết giảm tối đa lực lượng tham chiến trên chiến trường, đồng thời nâng cao khả năng sử dụng hỏa lực chiến đấu tầm xa để tiến công mục tiêu đối phương.

          Cuộc chiến tranh Côxôvô gần đây đã chứng minh rằng, tác chiến hỏa lực có thể độc lập tiến hành các nhiệm vụ tác chiến, đồng thời ngày càng đóng vai trò vị trí quan trọng, thậm chí là then chốt và mang tính quyết định đến toàn bộ cuộc chiến. Nhiều chuyên gia quân sự nhận định, tác chiến hỏa lực sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong giải quyết các xung đột quân sự trong tương lai. Ví dụ, trong tranh chấp chủ quyền lãnh hải, xung đột biên giới, sau khi xác định mục tiêu tiến công trọng yếu, căn cứ vào tình hình chiến lược, tình hình tác chiến thực tế trên chiến trường và diễn biến có liên quan, có thể linh hoạt sử dụng các đòn tiến công hỏa lực với các mức độ khác nhau để thực hành tiến công mục tiêu đã xác định từ trước, từ đó đạt được các mục đích chiến thuật, chiến lược đề ra. Hoặc có thể dùng các đòn tiến công hỏa lực để tập kích bất ngờ vào khu vực đóng quân gần khu vực biên giới của đối phương từ đó đạt được mục đích chiến lược đề ra.

          Trong bối cảnh kỹ thuật thông tin hóa mạnh mẽ như hiện nay, dưới sự trợ giúp của các kỹ thuật khác như kỹ thuật mạng và kỹ thuật trí tuệ nhân tạo, tác chiến hỏa lực sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời năng lực tiến công chính xác cũng sẽ được nâng lên tầm cao mới. Bên cạnh đó, khả năng hiệp đồng tác chiến hỏa lực giữa các quân binh chủng cũng sẽ kết hợp mật thiết hơn, linh hoạt hơn, thông minh hơn, từ đó hình thành thế trận đa tầng, đa lớp, cơ động linh hoạt với hiệu quả chiến đấu cao.

Tác chiến tiến công chính xác trong thời đại thông tin

 

          Trong thời đại thông tin, do sự phát triển vũ khí tiến công chính xác và hiệu quả tiến công chính xác ngày càng được nâng cao, vì vậy, trong chiến tranh tương lai, hành động tác chiến sẽ được thay đổi từ các đặc điểm truyền thống trước đây như: cường độ cao, tiêu hao lớn, thiệt hại phụ nhiều, phương thức hành động tác chiến đạt hiệu quả thấp…chuyển đang đặc điểm: cường độ thấp, tiêu hao nhỏ, thiệt hại phụ ít, phương thức hành động tác chiến đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, khi tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, người chỉ huy có thể căn cứ vào tình hình tác chiến thực tế để phân chia thành các tổ chiến đấu cấp nhỏ hơn. Khi đó, dưới sự hỗ trợ của lực lượng thông tin tình báo, người chỉ huy có thể lựa chọn thời điểm thích hợp để tiến công tiêu diệt mục tiêu trọng yếu của đối phương bằng các đòn tiến công hỏa lực chính xác, từ đó giành ưu thế, thắng lợi cho cuộc chiến.

          Tác chiến tiến công chính xác là một khái niệm mới được hình thành trên cơ sở tuân thủ các tư tưởng chỉ đạo của người chỉ huy, với chủ thể chủ yếu là hỏa lực được ứng dụng trình độ thông tin, mạng hóa cao. Mục đích của hoạt động này là nhằm đạt được hiệu quả tác chiến cao nhất nhưng với chi phí chiến tranh thấp nhất và thiệt hại giảm tới mức tối đa về con người và nguồn lực. Chính vì vậy, về mặt khách quan, tác chiến tiến công chính xác yêu cầu công tác bảo đảm hiệp đồng tổng hợp rất cao thì mới có thể thực hiện được ý đồ chiến lược đề ra.

          Tác chiến tiến công chính xác trong thời đại thông tin yêu cầu phải lựa chọn mục tiêu chính xác, sử dụng phương thức tác chiến phù hợp kết hợp với lựa chọn thời điểm tiến công hợp lý, bên cạnh đó người chỉ huy phải nắm chắc thời cơ, tình hình tác chiến thực tế để điều chỉnh đội hình cũng như lựa chọn phương thức sử dụng hỏa lực thì mới đạt được hiệu quả cao nhất.

Tác chiến cơ động trong thời đại thông tin

 


          Về ý nghĩa, tác chiến cơ động được hình thành trên cơ sở thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của tình hình tác chiến trên chiến trường, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Hiện nay, cùng với sự ra đời và vận dụng của kỹ thuật thông tin vào trang bị vũ khí, bên cạnh đó, cùng với sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật định vị vệ tinh, dẫn đường vệ tinh, năng lực tác chiến cơ động của các phân đội, binh đoàn chiến thuật sẽ ngày càng nâng cao rõ rệt. Với cấp sư đoàn, lữ đoàn là đơn vị tác chiến chủ yếu, khả năng cơ động của tiểu đoàn liên hợp sẽ là loại hình cơ động chủ yếu trong tác chiến tương lai. Tác chiến cơ động chính là sự phát huy cao độ vai trò chủ đạo của hệ thống thông tin chỉ huy và vũ khí trang bị thông tin, nhằm tạo ra thế trận phòng ngự và tiến công nhất thể hóa. Trong quá trình cơ động, vận dụng linh hoạt các phương thức, trang bị được biên chế để thu thập thông tin tình báo về đối phương, từ đó chiếm ưu thế tác chiến trên chiến trường. Tác chiến cơ động chủ yếu được chia thành hai hình thức chủ yếu là tác chiến cơ động tiến công và tác chiến cơ động phòng ngự, với sự vận dụng linh hoạt các thủ đoạn tác chiến như cơ động, tiến công, phòng ngự, đối kháng, thọc sâu, bao vây, chia cắt. Trong quá trình đó, lực lượng cơ động vừa phải thực hiện nhiệm vụ phòng ngự, vừa phải thực hiện nhiệm vụ tiến công, đồng thời cũng vừa phải thay đổi đội hình tác chiến... có như vậy mới đạt được hiệu quả chiến đấu cao.

          Về khách quan, tác chiến cơ động yêu cầu lực lượng quân sự phải nâng cao năng lực trinh sát, chống trinh sát; cơ động, chống cơ động; chỉ huy-kiểm soát, chống chỉ huy-kiểm soát. Trong cuộc chiến tranh Iraq, Sư đoàn bộ binh cơ giới số 3 của Lục quân Mỹ đã thực hiện thành công nhiều chiến dịch nhờ hoạt động tác chiến cơ động ở trình độ cao. Lực lượng tác chiến này đã phát huy cao độ năng lực cơ động linh hoạt và hành động quân sự tự do để đạt được yêu cầu tác chiến đề ra. Hiện nay, cùng với mức độ ngày càng gia tăng của uy lực sát thương đường không, tác chiến cơ động cũng ngày càng có vị trị, vai trò quan trọng trong hoạt động quân sự. Dự báo, trong chiến tranh tương lai, tác chiến cơ động sẽ tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng của mình, đồng thời hình thức tác chiến này sẽ được quân đội các nước vận dụng linh hoạt, đa dạng hơn với sự kết hợp của nhiều quân binh chủng khác nhau.

          Dưới góc độ nghiên cứu loại hình tác chiến, tác chiến cơ động có thể được chia thành tác chiến cơ động tiến công liên hợp và tác chiến cơ động phòng ngự liên hợp. Nếu căn cứ theo không gian chiến trường, tác chiến cơ động có thể chia thành tác chiến cơ động trên bộ, tác chiến cơ động trên biển, tác chiến cơ động trên không, tác chiến cơ động phòng không. Hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật thông tin, Quân đội Trung Quốc đang không ngừng tăng cường năng lực vận tải tầm xa, bên cạnh đó, năng lực tiến công chính xác tầm xa cũng ngày càng được giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc đặc biệt chú trọng. Do đó, vị trí, vai trò của tác chiến đấu cơ động cũng ngày càng được coi trọng và vận dụng rộng rãi đối với nhiều quân binh chủng.

Tác chiến lập thể (3 chiều) trong thời đại thông tin

 


          Hiện nay, xu hướng ứng dụng vũ khí công nghệ cao vào hoạt động tác chiến đang ngày càng gia tăng. Theo nghiên cứu, những thay đổi này tác động căn bản tới hình thức tác chiến của các đơn vị và thủ đoạn tiến hành chiến tranh trên chiến trường. Không gian tác chiến đang ngày càng biến đổi nhanh chóng với quy mô lớn hơn, chiều sâu tác chiến rộng hơn, nhiệm vụ đa dạng hơn ở cả môi trường tác chiến trên không, trên bộ, trên biển, dưới mặt biển, trên vũ trụ. Hoạt động tác chiến giờ đây đã phát triển theo xu hướng lập thể, với tốc độ ngày càng cao. Việc hiệp đồng tác chiến lập thể giữa các lực lượng đã thâm nhập sâu hơn vào cả hoạt động tác chiến phòng thủ lẫn tiến công. Tác chiến lập thể đã thực sự trở thành một hình thức tác chiến cơ bản kiểu mới.

          Xét từ góc độ không gian chiến trường, tác chiến lập thể là hình thức tác chiến sử dụng tất cả các lực lượng từ trên không, trên bộ, pháo binh, phòng không, trên biển, trên vũ trụ.... kết hợp với các thủ đoạn tác chiến đa dạng như cơ động đường không, đột kích hỏa lực đường không, tập kích hỏa lực mặt đất, đổ bộ đường không, đổ bộ đường biển, phòng ngự điểm... Ví dụ, để chiếm quyền kiểm soát chiến trường tác chiến trên không và trên biển, chỉ cần sử dụng một lực lượng cơ động trên không liên hợp quy mô nhỏ nhanh chóng cơ động tới khu vực cần kiểm soát, đồng thời phối hợp với lực lượng trên biển và trên bộ hình thành lực lượng tác chiến liên hợp đa chiều để nâng cao năng lực chi viện và kiểm soát chiến trường. Trong hoạt động tác chiến trên bộ, có thể sử dụng lực lượng đường không kết hợp với lực lượng mặt đất bất ngờ đột kích khu vực địch chiếm đóng để giành ưu thế về chiến thuật.

          Sự xuất hiện của hình thức tác chiến lập thể đã làm thay đổi khái niệm tác chiến chỉ sử dụng đơn nhất một lực lượng đã tồn tại trong một thời gian dài trước đây. Điều này phản ánh đặc điểm vai trò to lớn của kỹ thuật thông tin đã và đang thâm nhập sâu hơn vào hoạt động tác chiến. Trong chiến tranh tương lai, hình thức tác chiến lập thể sẽ tiếp tục được phát triển và mở rộng.

          Trong phạm vi khu vực tác chiến, sẽ có rất các hình thức tác chiến lập thể, chủ yếu bao gồm tác chiến lập thể tiến công và tác chiến lập thể phòng ngự. Trong đó, tác chiến lập thể tiến công là hình thức tác chiến được tiến hành trên mặt đất, trên biển kết hợp trên không nhằm vào thế trận phòng ngự của đối phương. Hoạt động này yêu cầu phải xác định được điểm đột kích chủ yếu, phạm vi tiến công, chiều sâu tiến công, phạm vi phong tỏa. Đối với hình thức tác chiến lập thể phòng ngự, là hình thức tác chiến được tiến hành trên bộ, trên biển và trên không nhằm chống lại hoạt động tiến công của đối phương. Hoạt động tác chiến này yêu cầu phải xây dựng được hệ thống chiến đấu phòng ngự đa tầng, đa lớp để chống loại các đòn hỏa lực tiến công của đối phương. Chính vì vậy, trong hoạt động tác chiến lập thể tương lai, về mặt bố trí lực lượng, cần phải tăng cường sử dụng lực lượng tác chiến điện tử, lực lượng tác chiến đường không, lực lượng chiến tranh tâm lý, đồng thời phải xây dựng được thế trận đối phó có tổ chức chặt chẽ qua đó nâng cao năng lực tác chiến. Về mặt thủ đoạn tác chiến, tác chiến lập thể yêu cầu phải vận dụng đa dạng các thủ đoạn chiến đấu như đột kích, hỏa lực đường không, gây nhiễu điện tử, tác chiến đặc biệt để nâng cao khả năng uy hiếp và giành quyền kiểm soát chiến trường. Về phương diện phương pháp tiến hành, tác chiến lập thể yêu cầu phải vận dụng đa dạng các phương pháp như phi tiếp xúc, phi đối xứng kết hợp với phương thức tác chiến linh hoạt để thực hiện các đòn tiến công vào các mục tiêu cứng và mềm của đối phương.

Tác chiến đột kích đường không trong thời đại thông tin

 

                  Do sự phát triển nhanh chóng của các loại vũ khí tiến công chính xác, vũ khí tàng hình, vũ khí tiến công tầm xa, vũ khí khái niệm mới, đồng thời việc ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực quân sự ngày càng phổ biến, đặc biệt là không gian chiến trường đã ngày càng trở nên trong suốt, khiến cho hoạt động tập kích đường không và chống tập kích đường không trong thời đại thông tin ngày càng trở nên phức tạp, cạnh tranh quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, tác chiến đột kích đường không cũng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào lực lượng tác chiến trên không. Chính vì vậy, lực lượng đột kích đường không quy mô nhỏ, tác chiến liên hợp và cơ động cao đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động quân sự, đã trở thành một hình thức tác chiến hết sức độc đáo, mang tính độc lập cao.

          Tác chiến đột kích đường không chính là thủ đoạn tác chiến tiến công đường không liên hợp dưới sự chi viện hỏa lực của lực lượng tên lửa, pháo binh tầm xa, thông qua các phương tiện đường không để đột kích vào khu vực tác chiến của đối phương. Hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của vũ khí trang bị thông minh hóa, đa dạng hóa đã giúp tác chiến đột kích đường không ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tác chiến liên hợp. Đặc biệt, khi các loại vũ khí, trang bị được tàng hình hóa, nhỏ hóa, có khả năng tiến công tầm xa với độ chính xác rất cao, sẽ càng khiến cho lực lượng phòng không mặt đất của đối phương gặp nhiều trở ngại và bị uy hiếp lớn hơn.

          Trong thời đại thông tin hiện nay, năng lực trinh sát, giám sát của đối phương ngày càng được tăng cường, việc nâng cao năng lực chống trinh sát, chống cơ động đường không của đối phương nhằm vào các mục tiêu quan trọng của quân nhà là nhiệm vụ phòng ngự rất quan trọng, điều này đòi hỏi phải xây dựng được hệ thống phòng thủ vững chắc. Bên cạnh đó, do chiến trường ngày càng trở nên trong suốt, lực lượng tiến công của đối phương cũng rất coi trọng tác chiến lập thể liên hợp và cơ động đường không, do đó đòi hỏi phải có sự chi viện hỏa lực giữa các lực lượng khi tác chiến để đối phó hiệu quả với lực lượng đột kích đường không của địch. Ngoài ra, để phòng chống đòn đột kích đường không của đối phương, cần phải bố trí trận địa phòng ngự trên nhiều hướng khác nhau, đồng thời công tác hiệp đồng giữa các lực lượng cũng phải hết sức chặt chẽ thì mới đạt được hiệu quả cao trong tác chiến. Trong thời đại thông tin hiện nay, hình thức đột kích đường không đã chuyển từ hoạt động tác chiến do một đơn vị đảm nhiệm sang hoạt động tác chiến hiệp đồng quân binh chủng với sự đối kháng diễn ra hết sức căng thẳng, ác liệt. Các loại vũ khí thông tin hóa ở trình độ cao, đặc biệt là sự phát triển của kỹ thuật rađa, trinh sát cảnh báo sớm đã cung cấp nhiều cơ sở quan trọng cho hoạt động tác chiến phòng không liên hợp. Điều này đã khách quan yêu cầu tác chiến chống đột kích đường không phải xây dựng thế trận đa tầng, hiệp đồng chặt chẽ với sự kết hợp linh hoạt nhiều thủ đoạn tác chiến thì mới mang lại hiệu quả chiến đấu cao.

Tác chiến liên hợp trong thời đại thông tin

 

           Tác chiến hiệp đồng quân binh chủng là một trong những hình thức cơ bản nhất của các hoạt động chiến đấu. Trong khi đó, tác chiến liên hợp có khả năng sẽ trở thành một hình thức tác chiến chủ yếu trong các loại hình tác chiến tương lai. Sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật thông tin khi được ứng dụng vào trong lĩnh vực quân sự đã làm cho đặc điểm tác chiến của chiến tranh có nhiều thay đổi như đạt hiệu quả cao hơn, tốc độ nhanh hơn, phạm vi rộng hơn. Đồng thời điều này còn thúc đẩy sự thay đổi đối với tổ chức biên chế trong quân đội các nước. Theo đó, tổ chức biên chế của quân đội các nước đang hình thành xu thế thu nhỏ lại. Phương thức hiệp đồng chiến đấu với thành phần cơ bản là quân chủng, binh chủng trước đây đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện tác chiến của chiến tranh hiện đại. Chính vì vậy, trong điều kiện tác chiến hiện nay, hai hoặc nhiều hơn lực lượng tác chiến cấp chiến thuật khi tác chiến trên chiến trường đều sẽ tập trung vào một mục đích chiến đấu thống nhất, có vai trò bình đẳng như nhau - đó chính là hoạt động tác chiến liên hợp.

          Việc ứng dụng ngày càng rộng rãi kỹ thuật thông tin vào lĩnh vực quân sự đã khiến hoạt động tác chiến trở nên chính xác hơn, hệ thống hơn. Bên cạnh đó, với sự thay đổi quan niệm về hình thức tác chiến, sự tiêu hao sinh lực trong tác chiến, tác chiến liên hợp đã trở thành một hình thức tác chiến chủ yếu có mặt trong hầu hết các cấp tác chiến từ chiến dịch cho tới chiến lược. Đồng thời hình thức tác chiến này cũng đã trở thành một trong những con đường chủ yếu để các bên tham chiến đạt được mục đích chiến tranh.  Đặc biệt, hiện nay, việc ứng dụng kỹ thuật C4IKSR vào tác chiến còn giúp cho vũ khí trang bị thông minh hơn, hành động tác chiến liên hợp cũng vì thế mà linh hoạt và kịp thời hơn.

          Tác chiến liên hợp là hành động chiến đấu mang tính tổng thể cao. Bên cạnh đó, sự phát triển của kỹ thuật thông tin trong hoạt động quân sự đã giúp giải quyết 5 vấn đề của tác chiến liên hợp là: thứ nhất, giúp cho các lực lượng tham gia tác chiến luôn nhận được sự hỗ trợ ở mức độ cao nhất liên quan tới thông tin tình hình chiến trường; thứ hai, giải quyết được vấn đề phân biệt rõ địch - ta; thứ ba, giải quyết được việc xác định vị trí chiến trường; thứ tư, giải quyết được vấn đề tiến công chính xác và thứ năm là giải quyết được vấn đề liên quan tới hệ thống chỉ huy tác chiến liên hợp ở cấp chiến thuật.

          Đối với hình thức tác chiến liên hợp, Quân đội Mỹ là lực lượng nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này. Ngay từ năm 1991, Quân đội Mỹ đã xây dựng khái niệm và xuất bản tài liệu “Tác chiến liên hợp” và sau đó đã vận dụng thuần thục hình thức tác chiến này tại nhiều cuộc chiến tranh mà Mỹ phát động. Ví dụ như tại cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, đêm ngày 29/1/1991, Quân đội Iraq đã điều động một lữ đoàn tăng thiết giáp tập kích lực lượng quân sự của Mỹ trên sa mạc Ả-rập. Thế nhưng, thông qua các thông tin tình báo và thông tin của lực lượng trinh sát, cảnh giới trên không, lữ đoàn tăng thiết giáp của Mỹ đã nhanh chóng đề nghị huy động các máy bay chiến đấu A-8, AH-1, F/A-18, A-6, A-10 hiệp đồng tác chiến tiến công lữ đoàn tăng thiết giáp của Iraq ngay trên bộ, khiến lực lượng quân sự của Iraq bị thiệt hại nặng nề. Đây chính là ví dụ điển hình cho hoạt động tác chiến liên hợp. Từ đó chúng ta thấy rằng, sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật thông tin, kỹ thuật mạng đã giúp cho lực lượng quân sự phản ứng nhanh hơn, linh hoạt hơn và gần như tức thì trước sự thay đổi nhanh chóng của tình hình chiến trường, từ đó mang lại hiệu suất chiến đấu rất cao.

          Về khách quan, tác chiến liên hợp yêu cầu lực lượng quân sự của các quân binh chủng phải phát huy cao độ sở trường của mình trong khi thực hành tác chiến. Trong đó, điểm then chốt của hoạt động tác chiến này đó chính là hình thành hệ thống mạng hóa, thông tin hóa chỉ huy ở cấp độ cao giúp cho toàn bộ lực lượng có khả năng liên kết chặt chẽ với nhau. Nếu như không có hệ thống liên kết thông tin, hệ thống liên kết mạng thì không thể hình thành hoạt động tác chiến liên hợp. Một khi đã xây dựng được hệ thống chỉ huy, thông tin điều khiển thống nhất thì tự nhiên hoạt động tác chiến liên hợp sẽ được hình thành. Hiện nay, cùng với sự cải cách mạnh mẽ về mô hình tổ chức cũng như chức năng nhiệm vụ, Quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động huấn luyện nhằm nâng cao năng lực, trình độ vận hành, sử dụng trang bị vũ khí thông tin hóa ở trình độ cao. Bên cạnh đó, trang bị vũ khí thông tin hóa cũng đã được biên chế tới nhiều cấp chiến đấu, thậm chí là đã xuống tận cấp phân đội chiến đấu. Chính vì vậy, năng lực tác chiến liên hợp của Quân đội Trung Quốc sẽ từng bước hình thành và phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Các chuyên gia quân sự tin rằng, hoạt động tác chiến liên hợp sẽ trở thành một hình thức tác chiến mang đậm màu sắc Quân đội Trung Quốc và sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự như đánh chiếm đảo, tiến công mục tiêu gần biên giới, đột kích mục tiêu sát biên giới, bảo vệ phòng thủ đảo. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi cần phải có sự chuẩn bị, bảo đảm vững chắc về mặt bảo đảm hậu cần chiến lược cũng như binh sỹ phải được huấn luyện một cách bài bản, chu đáo. Chính vì vậy, giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc cần phải có tầm nhìn chiến lược, không ngừng xây dựng và phát triển lý luận cũng như thực tiễn thì mới phát huy hết ưu thế của tác chiến liên hợp trong các cuộc chiến tương lai.

          Tác chiến liên hợp nhất thể hóa dựa trên cơ sở hệ thống thông tin là hình thức tác chiến cơ bản của chiến tranh trong thời đại thông tin. Sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật thông tin và sự vận dụng, thâm nhập rộng rãi của kỹ thuật thông tin trong lĩnh vực quân sự đã làm cho vai trò của thông tin, kỹ thuật thông tin ngày càng được nâng cao. Hiện nay, kỹ thuật thông tin quân sự đã được ứng dụng tới cấp phân đội, tiểu đội, thậm chí là tới từng binh sỹ trên chiến trường. Mục đích là nhằm giúp lực lượng tác chiến nắm bắt mọi biến động thực tế trên chiến trường theo thời gian thực. Sự vận dụng kỹ thuật thông tin trong quân sự đã làm ra đời các hình thức tác chiến mới như tác chiến thông tin, tác chiến đặc biệt, tác chiến hỏa lực, tác chiến tiến công chính xác, tác chiến cơ động, tác chiến lập thể, tác chiến liên hợp và tác chiến phòng không. Đây là xu thế tất yếu của tư tưởng tác chiến kỹ thuật quyết định chiến thuật, đồng thời đặt ra yêu cầu phát triển mới đối với nhiệm vụ quân sự, lý luận chiến thuật và thực tiễn hoạt động quân sự trong thời gian tới.

Những điều cần biết về hình thái ‘Chiến tranh phi quy ước’ của phương Tây

 

“Chiến tranh phi quy ước” là loại hình chiến tranh mới, được Mỹ và các nước phương Tây thực hiện để lật đổ chính quyền đương nhiệm một số nước không theo “quỹ đạo” của họ.

Các nhà chiến lược quân sự Mỹ đã nghiên cứu, xây dựng Học thuyết “Chiến tranh phi quy ước” từ sau chiến tranh thế giới thứ II và được Washington vận dụng triệt để, nhất là trong các cuộc xung đột ở Trung Đông, Bắc Phi những năm gần đây. Hiện nay, giới nghiên cứu quân sự Mỹ cho rằng, “Chiến tranh phi quy ước” là loại hình chiến tranh khả thi nhất, hiệu quả nhất, tránh tổn thất, thương vong, nhưng vẫn đạt được mục đích. Họ đưa ra một số quan điểm, đó là:

Năm 1962, Tổng thống Mỹ, J. Kennedy cho rằng, “Chiến tranh phi quy ước” là một loại hình chiến tranh lợi dụng triệt để các cuộc bạo loạn; mới về cường độ nhưng cũ về nguồn gốc; một cuộc chiến tranh du kích, chống phá, nổi loạn, tàn sát; một cuộc chiến tranh mai phục thay vì chiến đấu trực diện, thẩm thấu thay vì xâm lược trực tiếp, tìm kiếm chiến thắng thông qua sự suy thoái và kiệt quệ của đối phương thay vì đối mặt với họ…”. Còn Allen W. Dulles, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng, để lật đổ nhà nước Xô-viết và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, cần “tạo sự hỗn loạn trong Liên minh Xô-viết, thay thế những giá trị mà họ có bằng những sai lầm mà họ không cảm nhận được và buộc họ tin vào điều đó; tìm kiếm liên minh ngay trong Liên bang Xô-viết; đưa vào trong văn học, phim, kịch những câu chuyện có tính nhân văn thấp; trong điều hành nhà nước, tạo ra sự lộn xộn và hoang mang trong xã hội với cách thức linh hoạt và nhất quán…”.

Trong “Điều lệnh Tác chiến phi quy ước” (ATP 3-05.1) của bộ Lục quân Mỹ, xuất bản ngày 06/9/2013 đưa ra khái niệm, rằng: “Chiến tranh phi quy ước” là các hoạt động được tiến hành để thúc đẩy một phong trào phản đối hay nổi dậy nhằm gây sức ép, làm tê liệt, lật đổ một chính phủ hoặc thế lực cầm quyền thông qua hoặc phối hợp với các hoạt động của lực lượng bí mật, lực lượng hỗ trợ và quân du kích. “Chiến tranh phi quy ước” là một lựa chọn có thể được quyết định tiến hành vào bất kỳ giai đoạn nào của một chiến dịch ở bất kỳ cấp độ nào. “Chiến tranh phi quy ước” cũng được coi là một công cụ chính trị – quân sự chiến lược quốc gia của Mỹ. “Chiến tranh phi quy ước” thế kỷ 21 cụ thể hóa chiến lược và chính sách quốc gia thành tư tưởng chủ đạo, giúp cho các nhà lãnh đạo quốc gia có được phương sách chiến lược phù hợp, khả thi về tài chính, trong đó gồm nhiều hoạt động có liên quan của Chính phủ Mỹ, nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược và chiến dịch trong phạm vi địa bàn tác chiến để hạn chế rủi ro so với một chiến dịch quân sự theo “Chiến tranh quy ước”, v.v.

Rõ ràng, những quan điểm về “Chiến tranh phi quy ước” nêu trên đều thống nhất ở chỗ lợi dụng tình hình của đối phương để thúc đẩy các giải pháp phi vũ trang và vũ trang, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng,… tạo tâm lý phản kháng ngay trong lòng của quốc gia đó. Mỹ và phương Tây đã thực hiện các phương thức trên để tiến công vào Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, làm cho chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước này nhanh chóng sụp đổ (năm 1991).

Hiện nay, lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông, internet, mạng xã hội, “Chiến tranh phi quy ước” được Washington thực hiện triệt để, rất đa dạng, với phương thức: hỗ trợ, tài trợ cho lực lượng nổi dậy; trong đó, chú trọng vào hai nhóm điều kiện: khả thi và thuyết phục.

Một là, nhóm có tính khả thi. Đây là nhóm có khả năng nổi dậy ở quốc gia đối địch, có sự đoàn kết, thống nhất về mục đích, lý tưởng và có thể lật đổ chính quyền đương nhiệm. Thủ lĩnh của nhóm này phải có năng lực chỉ huy, phối hợp hành động và chịu sự chi phối từ bên ngoài. Ngoài ra, nhóm này còn có khả năng tận dụng thời cơ để tiến hành các cuộc phản kích cả bí mật và công khai. Những hoạt động phản kích thường là: tập hợp lực lượng tuyên truyền, phá hoại ngầm, bạo lực có động cơ chính trị; thâm nhập vào các tổ chức chính phủ và xã hội để do thám, thu thập tình báo; buôn lậu, tống tiền, bí mật gây quỹ, v.v. Những hành động trên phải được tổ chức và kiểm soát, chỉ đạo chặt chẽ của các nước phương Tây.

Hai là, nhóm có tính thuyết phục. Đây là nhóm không những có ý thức hệ, mục tiêu gần với phương Tây, mà còn có nhiều mâu thuẫn về giá trị, lợi ích, khát vọng và lối sống với chính quyền, muốn loại bỏ chế độ hiện thời ra khỏi đời sống chính trị – xã hội. Bước đầu, là những hành động bạo lực và phi bạo lực chống chính quyền một cách tự phát, không liên tục. Tiếp theo, khi phong trào gia tăng, một số thủ lĩnh xuất hiện (có thể là các cựu tướng lĩnh quân đội, công an, công chức, giảng viên đại học, người đứng đầu cộng đồng,…) trở thành “ngọn cờ” tập hợp lực lượng, tổ chức các hoạt động chống đối, phá hoại, nhằm lật đổ chính quyền đương nhiệm.

Học thuyết “Chiến tranh phi quy ước” cũng chỉ ra rằng phải xây dựng lực lượng tại quốc gia đối phương với 3 thành phần chính là: ngầm, hỗ trợ và bạo loạn. Chức năng cụ thể là:

1. Lực lượng ngầm giữ vai trò hạt nhân trong phong trào phản kháng, nổi dậy, có khả năng tổ chức hoạt động ở các địa bàn mà các lực lượng khác không thể tiếp cận được, như: trung tâm đầu não các địa phương, các thành phố lớn, nhất là thủ đô. Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này là bí mật thiết lập các mạng lưới tình báo, phản gián, tuyên truyền và các cơ sở y tế;… kiểm soát chặt chẽ các cơ sở xuất bản, báo chí, tờ rơi, trang mạng xã hội, blog và các nguồn thông tin; thành lập các trạm vô tuyến điện để chỉ huy và gây nhiễu; làm giả giấy tờ (chứng minh thư, hộ chiếu, các loại bằng) và chế tạo một số loại vũ khí cấn thiết (vật liệu nổ, vũ khí nóng: súng, đạn); điều hành mạng lưới thông tin, hậu cần; chỉ đạo cá nhân hoặc các nhóm nổi dậy phá hoại các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở đô thị, v.v.

2. Lực lượng hỗ trợ là các tình nguyện viên có cuộc sống sinh hoạt bình thường nằm trong dân chúng. Chức năng, nhiệm vụ: chi viện hậu cần, kỹ thuật; thu thập thông tin tình báo; bảo đảm an ninh cho lực lượng ngầm. Bởi vậy, lực lượng này phải tích cực, chủ động tuyển mộ nhân viên, tích trữ hậu cần, kỹ thuật để sẵn sàng cung cấp cho các lực lượng khi thực hiện mưu đồ lật đổ.

3. Lực lượng bạo loạn là thành phần quân sự công khai của một phong trào phản kháng nổi dậy. Lực lượng này chủ yếu là dân bản địa, nên có nhiều thuận lợi: thông thuộc địa hình, có mối quan hệ với nhiều người, kể cả chính quyền địa phương; được tổ chức theo mô hình bán quân sự hoặc quân sự. Nhiệm vụ của chúng là, sẵn sàng tiến công đối phương khi có thời cơ, hoặc khống chế, quấy nhiễu, phân tán lực lượng, phá vỡ thế trận của đối phương

Ngoài ra, còn có lực lượng tác chiến đặc biệt hỗ trợ cho “Chiến tranh phi quy ước”. Lực lượng này được trang bị vũ khí, cùng các thiết bị hiện đại, đủ khả năng tác chiến lâu dài và hiệu quả trên lãnh thổ đối phương. Thực tiễn cho thấy, để bảo đảm thực hiện chiến lược toàn cầu phản cách mạng, năm 2014, Mỹ trang bị cho lực lượng này các loại tàu vận tải mới, có khả năng vận chuyển đến 200 quân và các thiết bị chiến đấu, có bãi đáp cho trực thăng, máy bay vận tải cánh quạt và tàu hỗ trợ đường biển. Nhiệm vụ của lực lượng này là xâm nhập lãnh thổ đối phương, huấn luyện, chỉ huy và tài trợ cho quân nổi dậy; đồng thời, phối hợp với các lực lượng khác của Mỹ đang hoạt động bí mật ở đó.

Từ những quan điểm nêu trên và thực tế ở các quốc gia đã và đang bị phương Tây tiến hành “Chiến tranh phi quy ước”, có thể rút ra một số bước thực hiện cơ bản của nó là:

Bước 1, chủ động, tích cực, khuyến khích tạo dựng phong trào lật đổ ngay trong đất nước đối phương; thúc đẩy các hoạt động phi bạo lực, như: khoét sâu vào những sai lầm, yếu kém của chính phủ trong điều hành quản lý nhà nước, nhất là điều hành, quản lý kinh tế vĩ mô, gây ra sự bất mãn của dân chúng; bởi đây là điểm yếu, dễ tổn thương nhất. Đồng thời, tìm kiếm, tạo dựng một “lãnh đạo đối lập” hợp pháp, làm ngọn cờ để đưa phong trào trở thành cao trào loại bỏ chính phủ hợp hiến. Kịch bản của bước này là, đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông, kích động lực lượng đối lập gây rối, biểu tình, đình công chống đối chính quyền đương nhiệm; thực hiện tác chiến mạng nhằm tác động mạnh vào hệ thống chỉ đạo và kiểm soát tự động. Sử dụng lực lượng tác chiến đặc biệt để lôi kéo những đại diện của các tổ chức hành chính, quân đội và an ninh.

Bước 2, tiến hành các hoạt động phi vũ trang quy mô lớn, làm cho chính phủ bất ổn, như: phá hoại, đe dọa, bắt cóc, v.v. Nhiệm vụ cụ thể: đẩy mạnh các cuộc bạo loạn, biểu tình chống lại chính quyền; phá hoại nền kinh tế bằng các vụ nổ nhằm vào các mục tiêu, như: nhà máy lọc dầu, trung tâm sản xuất năng lượng (thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió, v.v.), hệ thống thông tin, truyền thông, kho tàng, trong đó, chú trọng các kho chứa sản phẩm công nghiệp độc hại nhằm kích động chính quyền đương nhiệm vội vàng đưa ra những quyết sách sai lầm, “tạo cớ” để quốc tế can thiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh việc tuyển dụng xây dựng các nhóm phản cách mạng.

Bước 3, tăng cường hỗ trợ và chỉ đạo lực lượng có vũ trang nổi dậy lật đổ chính quyền. Kịch bản là kích động các nhóm vũ trang trong nước tham gia các cuộc biểu tình, bạo loạn, gây rối,… thiết lập căn cứ tác chiến, thực hiện hoạt động vũ trang đơn lẻ chống lại đơn vị quân sự. Mở rộng hoạt động phá hoại nhằm vào trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự ở địa phương; nhất là ở các thành phố và thủ đô của đối phương. Sử dụng phương tiện truyền thông như một biện pháp khơi mào bạo loạn vũ trang; làm suy yếu lực lượng vũ trang và an ninh. Trong đó, chú trọng thực hiện một số việc, như: bắt cóc, phá hoại và tấn công các đơn vị vũ trang; kiểm soát các mục tiêu và cơ sở hạ tầng trọng yếu; cắt đứt hoặc gây cản trở hệ thống giao thông, truyền thông, điện năng, kho nhiên liệu, v.v.

Như vậy, “Chiến tranh phi quy ước” là loại hình chiến tranh tuy không mới, nhưng được phương Tây thực hiện với một số quốc gia đi ngược lại lợi ích, hay đối địch với họ, nhất là các nước còn lại trong hệ thống xã hội chủ nghĩa . Hiện nay, các chiến lược gia quân sự phương Tây càng coi trọng loại hình chiến tranh này, bởi nó phù hợp với quan điểm “hạn chế” đưa quân tham chiến ở nước ngoài. Mặt khác, loại hình chiến tranh này rất gắn kết với chiến lược “Diễn biến hòa bình”, tạo sự kết hợp có hiệu quả giữa “diễn biến hòa bình” với bạo loạn lật đổ. Sự “thành công” của Mỹ và phương Tây ở các quốc gia thuộc không gian hậu Xô-viết, Trung Đông – Bắc Phi đã nói lên điều đó.

Trục lợi trong dịch bệnh là tội ác

 


Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến việc nâng giá thiết bị, sinh phẩm y tế có quy mô rất lớn xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương và một số cơ quan, đơn vị, địa phương khác.

 Đắp bồi tình yêu thương đồng chí, đồng bào

 

Theo kết quả điều tra, Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào lên gấp nhiều lần so với giá quy định và ký hợp đồng bán cho các đơn vị, địa phương để trục lợi.

Chúng ta đều biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế-xã hội và tác động tiêu cực đến đời sống của nhân dân. Hơn hai năm qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã dốc sức, dốc lòng, cùng nhau phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh. Rất nhiều doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đã tự nguyện đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm và nhiều thứ khác để mua vaccine ngừa Covid-19, mua trang thiết bị y tế, hỗ trợ an sinh xã hội. Trong thời gian giãn cách xã hội cao điểm tại các tỉnh, thành phố phía Nam, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vậy mà Công ty Việt Á và các đồng phạm đã bất chấp sự khó khăn của đất nước, của các địa phương, bất chấp nỗi khổ của đồng chí, đồng bào, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Đây được coi như là một tội ác đối với đất nước và nhân dân.

Những ngày qua, không chỉ có Công ty Việt Á, mà còn không ít doanh nghiệp, cá nhân cũng lợi dụng dịch bệnh để buôn bán, đưa ra các dịch vụ kiếm lời. Điển hình là việc nâng giá các loại lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu; nâng giá xét nghiệm Covid-19; nâng giá dược phẩm, thuốc chữa bệnh; thậm chí có kẻ còn buôn bán thuốc chữa Covid-19 giả, lừa dối chữa bệnh trên mạng xã hội... Ngoài ra còn xuất hiện những kẻ mạo danh các tổ chức chính trị-xã hội, kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức và người dân quyên góp tiền của, vật chất ủng hộ công tác phòng, chống dịch để thu lợi. Một số khác còn lợi dụng việc người dân làm việc ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai muốn về quê tránh dịch để mời chào đưa đón với giá dịch vụ cao ngất ngưởng.

Bao tháng ngày qua, dù đất nước ta và các doanh nghiệp có khó khăn đến đâu, người dân vất vả và khổ cực đến mức nào, chúng ta vẫn phát huy tốt tinh thần tương thân tương ái, thể hiện sinh động trách nhiệm đối với cộng đồng, cùng sự yêu thương, san sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Vì thế, việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi không chỉ vô nhân đạo, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, làm suy giảm niềm tin trong nhân dân, gây rối loạn an ninh trật tự, mà còn vi phạm pháp luật, cần phải bị xử lý thật nghiêm.

Nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, rất mong các cơ quan bảo vệ pháp luật, các địa phương cần tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tập trung trấn áp tội phạm có tổ chức liên quan đến việc buôn bán, cung cấp trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, ngành y tế và người dân cũng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, không tham gia mua bán trang bị y tế, các loại thuốc phòng, chống Covid-19 với những doanh nghiệp, cá nhân đưa ra giá hàng hóa quá cao so với quy định, hàng hóa không có nguồn gốc. Có như vậy, chúng ta mới hạn chế được những thiệt hại, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe, đời sống cho người dân

Lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để tham nhũng: “Vi-rút” cần thuốc đặc trị

 


Ngày 20-5-2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Bô-li-vi-a, ông Marcelo Navajas, bị bắt tại thủ đô La Paza vì liên quan tới vụ đội giá hàng triệu USD khi mua máy thở điều trị COVID-19. Đây không là trường hợp cá biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tạo ra cơn địa chấn ở mọi quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình đó, nhu cầu về trang thiết bị y tế cũng như cung cấp nhu yếu phẩm cho những người bị ảnh hưởng đều tăng cao. Những kẻ tham nhũng coi đó là cơ hội vàng để trục lợi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Bô-li-vi-a Marcelo Navajas (giữa) bị bắt để điều tra về nghi vấn “thổi giá” máy thở điều trị người bệnh COVID-19.

Vết nhơ đáng xấu hổ

Bộ Y tế Bô-li-vi-a đặt mua 179 máy thở từ một nhà sản xuất ở Tây Ban Nha với giá 27.683 USD/chiếc, tổng số tiền gần 5 triệu USD, qua một công ty Tây Ban Nha khác làm trung gian. Tuy nhiên, thông tin  sau đó cho biết, nhà sản xuất từng chào giá chỉ bằng một nửa, khoảng 10.312 USD - 11.941 USD/chiếc. Tổng thống lâm thời Jeanine Anez cho hay Bô-li-vi-a đã chuyển hơn 2 triệu USD cho số máy thở trên và sẽ "không trả thêm xu nào". Bà cam kết sẽ "thu hồi lại từng đồng cho người dân Bô-li-vi-a". Sau khi Tổng thống Anez ra lệnh mở cuộc điều tra, Bộ trưởng Marcelo Navajas cùng 2 quan chức y tế khác bị bắt. 2 nhân viên ngân hàng Phát triển Liên Mỹ - nơi thực hiện các thủ tục thanh toán hợp đồng- cũng bị triệu tập để thẩm vấn.

Theo tờ The Washington Post, khi diễn biến dịch COVID -19 lên tới đỉnh điểm, chính phủ nhiều nước cấp tốc chi hàng tỷ USD để mua vật tư y tế, cũng như đưa ra các gói hỗ trợ từ vài chục đến hàng nghìn tỷ USD để ứng phó dịch cũng như giảm nhẹ tác động kinh tế - xã hội do COVID-19 gây ra. Do phải ưu tiên tốc độ để nhanh chóng có được sản phẩm thiết yếu, những thủ tục đấu thầu, kiểm tra vốn có nay được đơn giản hóa hoặc bỏ qua. Những quan tham và kẻ gian lợi dụng tình thế, kẽ hở đó để đẩy giá và thực hiện hành vi tham nhũng.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại những nơi nạn tham nhũng vẫn hoành hành. Tuy dịch mới bùng phát ở Trung Mỹ- gồm các nước vốn có chỉ số minh bạch thuộc nhóm “đội sổ”- nhưng Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) ở Mỹ Latinh cảnh báo tham nhũng liên quan đến việc mua vật tư và thiết bị y tế tại khu vực này có thể gia tăng đáng kể, sau khi Viện công tố Pa-na-ma vừa mở cuộc điều tra tham nhũng liên quan tới Phó Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống về hợp đồng mua 100 máy thở di động từ một nhà cung cấp không xác định với mức giá 48.950 USD/bộ, cao hơn nhiều so với mức dao động 6.000-10.000 USD/bộ trước thời điểm diễn ra dịch.

Trước đó, cơ quan chống tham nhũng của Pa-na-ma cũng mở cuộc điều tra về những bất thường trong hợp đồng trị giá 168 triệu USD với một công ty của Mê-hi-cô về việc phân phối thuốc chữa bệnh trong gói bảo hiểm xã hội của người dân nước này. Tại Goa-tê-ma-la, ngày 20-4, công tố viên Jordán Rodas Andrade yêu cầu Chính phủ cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế Hugo Monroy Castillo bởi những cáo buộc thực hiện các giao dịch và hợp đồng có yếu tố bất thường về mua vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19. Tại Hôn-đu-rát, Bộ Hành chính công nước này cho biết đang điều tra nhiều khiếu nại của các tổ chức xã hội dân sự về cáo buộc tham nhũng trong các giao dịch cũng như hợp đồng mua thiết bị y tế được thực hiện bởi nhiều quan chức trong những lĩnh vực liên quan tới công tác phòng, chống dịch.

Tham nhũng không chỉ liên quan đến vật tư y tế. Tại Cô-lôm-bi-a, khi các quan chức bang Cesar bắt đầu phân phát thực phẩm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa chống dịch, nghị sĩ Ricardo Quintero phát hoảng khi thấy mức giá được kê để trả cho nhà cung cấp. Ông tự mình kiểm chứng bằng cách tới một cửa hàng ở địa phương để mua thì số tiền phải trả chỉ bằng một nửa so với con số mà chính quyền bang đưa ra. Đó chỉ là một trong 14 vụ việc đang được điều tra hình sự tại quốc gia Nam Mỹ này liên quan đến việc kê khống giá lên quá cao giữa dịch COVID-19. “Bạn có thể thấy tham nhũng bất cứ lúc nào. Nhưng đau đớn nhất là chúng ta phải nhìn thấy cảnh ấy vào ngay lúc này”, ông Quintero bày tỏ.

Tại Băng-la-đét, khi Chính phủ triển khai việc hỗ trợ thực phẩm cho công nhân gặp khó khăn vì không thể làm việc do dịch bệnh trong tháng 4, hơn 272 tấn gạo đã không cánh mà bay. Khoảng 50 người bao gồm quan chức Chính phủ và địa phương đã bị cáo buộc cố tình bán lại gạo với giá cao hơn. “Giữa lúc khủng hoảng quốc gia như thế này, các đức tính tốt nhất của con người như đoàn kết và đồng cảm đáng ra phải được bộc lộ, điều chúng ta thấy theo nhiều cách khác nhau. Thật đáng tiếc và đáng xấu hổ khi sự xấu xa nhất của con người lại xuất hiện vào lúc này”, Giám đốc điều hành của Tổ chức Minh bạch quốc tế Băng-la-đét Iftekharuzzaman cảm thán!

Kiếm ăn trên sinh mạng người

Khi tình thế cấp bách, các chính phủ buộc phải bỏ những quy định nghiêm ngặt như đấu thầu, cạnh tranh giá cả. Theo quy luật cung - cầu, các mặt hàng và trang thiết bị y tế đang “sốt” có giá cao hơn lúc bình thường. Điều này có thể hiểu được. Nhưng mức chênh lệch giá quá lớn trong các hợp đồng nhà nước cũng như thân thế đáng ngờ của các nhà cung cấp làm dấy lên nghi vấn tham nhũng ở nhiều nơi, ngay cả ở các quốc gia phát triển vẫn thường được coi là có chỉ số minh bạch cao.

Tại châu Âu - nơi được đánh giá cao về tính minh bạch trong sử dụng công quỹ với các tiêu chí được quy định chặt chẽ để bảo đảm tính minh bạch, ngày 1-4, Ủy ban châu Âu (EC) ban hành chỉ thị mua sắm của EU kêu gọi các nước linh hoạt áp dụng các giải pháp nhanh chóng. Cơ chế này không yêu cầu công bố thông tin đấu thầu, không giới hạn thời gian, không có số lượng ứng viên tối thiểu, tư vấn hoặc các thủ tục khác… Theo Trung tâm Nghiên cứu tham nhũng và tội phạm có tổ chức (OCCRP), tham nhũng trong lĩnh vực này có thể khiến người dân EU phải đóng thuế thêm 5 tỷ USD.

Trong giai đoạn hỗn loạn vì dịch bệnh, các cơ quan lớn nhỏ, từ thành phố đến thị trấn đều mua thiết bị y tế từ các nhà cung cấp trực tiếp, không trả giá và ít công bố thông tin. Tại I-ta-li-a - quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, một số hợp đồng nhà nước đã được trao cho công ty có người đứng đầu từng bị cáo buộc gian lận và chiếm dụng công quỹ. Ở nước láng giềng Xlô-vê-ni-a, hợp đồng lớn nhất của Chính phủ trị giá hơn 25 triệu EUR do một tay trùm cờ bạc không có kinh nghiệm về mua sắm y tế đảm trách.

Tại Ru-ma-ni, quy trình đấu thầu thông thường bị tạm ngừng khiến các thỏa thuận “cửa sau” có cơ hội sinh sôi. Việc cung cấp khẩu trang được trao cho một cựu quan chức nhà nước từng bị kết án thông đồng với một nhóm tội phạm bạo lực có tổ chức. Theo báo cáo của OCCRP, hồi cuối tháng 3, lô hàng gồm 1 triệu khẩu trang y tế được chuyển đến Ru-ma-ni và phân phối cho các nhân viên y tế tuyến đầu đã gây thất vọng về chất lượng. Một tài liệu do Tổ chức phi chính phủ RISE cung cấp cho thấy Công ty B.S.G. Business Select SRL giành được gói thầu trị giá hơn 900.000 USD mà không phải qua đấu thầu để cung cấp khẩu trang và đồ bảo hộ cho Unifarm, đơn vị phân phối cho các cơ sở y tế khắp Ru-ma-ni. B.S.G mua hàng từ một nhà cung cấp ở Thổ Nhĩ Kỳ với tổng trị giá khoảng 600.000 USD. Chỉ một ngày sau, công ty bán cho Unifarm lô hàng trên với giá hơn 900.000 USD, thu lời chóng mặt. Cũng tại nước này, công ty Romwin and Coffee SRL chuyên bán thuốc lá và rượu gây “sốc” khi giành được 2 hợp đồng nhà nước trị giá 12,6 triệu USD để cung cấp trang thiết bị y tế chuyên dụng với giá gấp đôi so với trên thị trường.

Còn tại Mỹ, hồi cuối tháng 4-2020, Cơ quan Quản lý khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) đã trao hợp đồng mua khẩu trang trị giá 55 triệu USD cho Panthera Worldwide - một công ty có trụ sở ở bang Delaware mà không tổ chức đấu thầu, dù công ty này không có kinh nghiệm sản xuất hoặc mua sắm thiết bị y tế và công ty mẹ của nó đã nộp đơn xin phá sản năm ngoái. Công ty được chọn cung cấp khẩu trang với giá 5,5 USD/chiếc, cao gấp nhiều lần so với các nhà cung cấp khác. James Punelli, Giám đốc điều hành Công ty biện minh với báo chí rằng, “Công ty thực hiện các khóa đào tạo về y tế cho Bộ Quốc phòng trong nhiều năm qua và đang khai thác mối quan hệ này để có được khẩu trang chất lượng cao”.

Cần thông tin thường xuyên, minh bạch

Trước thực trạng này, Nhóm đặc trách chống tham nhũng của Hội đồng châu Âu (GRECO) mới đây ban hành hướng dẫn tới 50 nước thành viên nhằm ngăn chặn tham nhũng trong hoàn cảnh khẩn cấp về y tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Hướng dẫn này nhấn mạnh sự bùng phát COVID-19 làm gia tăng rủi ro tham nhũng, đặc biệt là ngành y tế, do đó các biện pháp của chính quyền trung ương cũng như địa phương để ứng phó dịch phải thật minh bạch và được giám sát chặt chẽ. GRECO cho rằng việc thông tin thường xuyên, minh bạch qua nền tảng kỹ thuật số là những công cụ có giá trị để ngăn chặn tham nhũng.

Tại Mỹ, các quy định ngăn ngừa tham nhũng cũng được đưa ra khi nước này triển khai gói cứu trợ 2.200 tỷ USD. Theo quy định, doanh nghiệp có tổng thống hay bất kỳ quan chức chính phủ nào giữ đa số cổ phần đều không được nhận tiền từ gói cứu trợ. Bên cạnh đó, Mỹ cũng thiết lập một ủy ban thanh tra tổng thể để giám sát việc chi tiêu trong gói này. Dù vậy, các nhà quan sát vẫn lo ngại sẽ có gian lận gây thất thoát tiền cũng như sự can thiệp của Nhà Trắng trong việc triển khai gói cứu trợ khổng lồ trên.

Theo tờ The Washington Post, các quy định pháp luật chống tham nhũng cũng đã giúp một số vụ việc khả nghi bị phanh phui ở các nước. Tại Ác-hen-ti-na, chính quyền thủ đô Buenos Aires phải công khai các hợp đồng mua sắm để người dân có thể tìm thấy trên mạng, ngay cả trong thời kỳ dịch COVID-19 hoành hành. Nhờ quy định này, ít nhất 2 thỏa thuận khả nghi đã được đưa ra ánh sáng. Trong đó, một thương vụ cung cấp 15.000 khẩu trang y tế với giá “khủng” tới hơn 40 USD/chiếc từ một công ty mà vốn lưu động chỉ vẻn vẹn 1.500 USD. Vụ còn lại liên quan đến thỏa thuận đưa những người bị nhiễm COVID-19 tới cách ly tại một khách sạn mà chị gái của Thị trưởng thủ đô Buenos Aires nằm trong hội đồng quản trị. Sau khi bị báo chí đưa tin, hai hợp đồng và thỏa thuận trên bị hủy bỏ và 2 quan chức của thành phố phải từ chức.

Tham nhũng trong lúc bình thường đã là điều không thể chấp nhận. Tham nhũng giữa tình cảnh dịch bệnh hoành hành lại càng tệ hại và đáng lên án hơn. Theo cảnh báo của Tổ chức Minh bạch quốc tế, những vụ việc như vậy đang xảy ra trước thực tế các “lỗ hổng” trong hệ thống và những khoản tiền khổng lồ được sử dụng trong phòng, chống dịch bệnh. Rà soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng trên là việc làm cần thiết, không chỉ để chặn tay những kẻ tham nhũng, mà còn để không uổng phí những nguồn lực ngăn chặn đại dịch, cứu mạng sống con người./.