Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

Tác chiến liên hợp trong thời đại thông tin

 

           Tác chiến hiệp đồng quân binh chủng là một trong những hình thức cơ bản nhất của các hoạt động chiến đấu. Trong khi đó, tác chiến liên hợp có khả năng sẽ trở thành một hình thức tác chiến chủ yếu trong các loại hình tác chiến tương lai. Sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật thông tin khi được ứng dụng vào trong lĩnh vực quân sự đã làm cho đặc điểm tác chiến của chiến tranh có nhiều thay đổi như đạt hiệu quả cao hơn, tốc độ nhanh hơn, phạm vi rộng hơn. Đồng thời điều này còn thúc đẩy sự thay đổi đối với tổ chức biên chế trong quân đội các nước. Theo đó, tổ chức biên chế của quân đội các nước đang hình thành xu thế thu nhỏ lại. Phương thức hiệp đồng chiến đấu với thành phần cơ bản là quân chủng, binh chủng trước đây đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện tác chiến của chiến tranh hiện đại. Chính vì vậy, trong điều kiện tác chiến hiện nay, hai hoặc nhiều hơn lực lượng tác chiến cấp chiến thuật khi tác chiến trên chiến trường đều sẽ tập trung vào một mục đích chiến đấu thống nhất, có vai trò bình đẳng như nhau - đó chính là hoạt động tác chiến liên hợp.

          Việc ứng dụng ngày càng rộng rãi kỹ thuật thông tin vào lĩnh vực quân sự đã khiến hoạt động tác chiến trở nên chính xác hơn, hệ thống hơn. Bên cạnh đó, với sự thay đổi quan niệm về hình thức tác chiến, sự tiêu hao sinh lực trong tác chiến, tác chiến liên hợp đã trở thành một hình thức tác chiến chủ yếu có mặt trong hầu hết các cấp tác chiến từ chiến dịch cho tới chiến lược. Đồng thời hình thức tác chiến này cũng đã trở thành một trong những con đường chủ yếu để các bên tham chiến đạt được mục đích chiến tranh.  Đặc biệt, hiện nay, việc ứng dụng kỹ thuật C4IKSR vào tác chiến còn giúp cho vũ khí trang bị thông minh hơn, hành động tác chiến liên hợp cũng vì thế mà linh hoạt và kịp thời hơn.

          Tác chiến liên hợp là hành động chiến đấu mang tính tổng thể cao. Bên cạnh đó, sự phát triển của kỹ thuật thông tin trong hoạt động quân sự đã giúp giải quyết 5 vấn đề của tác chiến liên hợp là: thứ nhất, giúp cho các lực lượng tham gia tác chiến luôn nhận được sự hỗ trợ ở mức độ cao nhất liên quan tới thông tin tình hình chiến trường; thứ hai, giải quyết được vấn đề phân biệt rõ địch - ta; thứ ba, giải quyết được việc xác định vị trí chiến trường; thứ tư, giải quyết được vấn đề tiến công chính xác và thứ năm là giải quyết được vấn đề liên quan tới hệ thống chỉ huy tác chiến liên hợp ở cấp chiến thuật.

          Đối với hình thức tác chiến liên hợp, Quân đội Mỹ là lực lượng nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này. Ngay từ năm 1991, Quân đội Mỹ đã xây dựng khái niệm và xuất bản tài liệu “Tác chiến liên hợp” và sau đó đã vận dụng thuần thục hình thức tác chiến này tại nhiều cuộc chiến tranh mà Mỹ phát động. Ví dụ như tại cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, đêm ngày 29/1/1991, Quân đội Iraq đã điều động một lữ đoàn tăng thiết giáp tập kích lực lượng quân sự của Mỹ trên sa mạc Ả-rập. Thế nhưng, thông qua các thông tin tình báo và thông tin của lực lượng trinh sát, cảnh giới trên không, lữ đoàn tăng thiết giáp của Mỹ đã nhanh chóng đề nghị huy động các máy bay chiến đấu A-8, AH-1, F/A-18, A-6, A-10 hiệp đồng tác chiến tiến công lữ đoàn tăng thiết giáp của Iraq ngay trên bộ, khiến lực lượng quân sự của Iraq bị thiệt hại nặng nề. Đây chính là ví dụ điển hình cho hoạt động tác chiến liên hợp. Từ đó chúng ta thấy rằng, sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật thông tin, kỹ thuật mạng đã giúp cho lực lượng quân sự phản ứng nhanh hơn, linh hoạt hơn và gần như tức thì trước sự thay đổi nhanh chóng của tình hình chiến trường, từ đó mang lại hiệu suất chiến đấu rất cao.

          Về khách quan, tác chiến liên hợp yêu cầu lực lượng quân sự của các quân binh chủng phải phát huy cao độ sở trường của mình trong khi thực hành tác chiến. Trong đó, điểm then chốt của hoạt động tác chiến này đó chính là hình thành hệ thống mạng hóa, thông tin hóa chỉ huy ở cấp độ cao giúp cho toàn bộ lực lượng có khả năng liên kết chặt chẽ với nhau. Nếu như không có hệ thống liên kết thông tin, hệ thống liên kết mạng thì không thể hình thành hoạt động tác chiến liên hợp. Một khi đã xây dựng được hệ thống chỉ huy, thông tin điều khiển thống nhất thì tự nhiên hoạt động tác chiến liên hợp sẽ được hình thành. Hiện nay, cùng với sự cải cách mạnh mẽ về mô hình tổ chức cũng như chức năng nhiệm vụ, Quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động huấn luyện nhằm nâng cao năng lực, trình độ vận hành, sử dụng trang bị vũ khí thông tin hóa ở trình độ cao. Bên cạnh đó, trang bị vũ khí thông tin hóa cũng đã được biên chế tới nhiều cấp chiến đấu, thậm chí là đã xuống tận cấp phân đội chiến đấu. Chính vì vậy, năng lực tác chiến liên hợp của Quân đội Trung Quốc sẽ từng bước hình thành và phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Các chuyên gia quân sự tin rằng, hoạt động tác chiến liên hợp sẽ trở thành một hình thức tác chiến mang đậm màu sắc Quân đội Trung Quốc và sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự như đánh chiếm đảo, tiến công mục tiêu gần biên giới, đột kích mục tiêu sát biên giới, bảo vệ phòng thủ đảo. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi cần phải có sự chuẩn bị, bảo đảm vững chắc về mặt bảo đảm hậu cần chiến lược cũng như binh sỹ phải được huấn luyện một cách bài bản, chu đáo. Chính vì vậy, giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc cần phải có tầm nhìn chiến lược, không ngừng xây dựng và phát triển lý luận cũng như thực tiễn thì mới phát huy hết ưu thế của tác chiến liên hợp trong các cuộc chiến tương lai.

          Tác chiến liên hợp nhất thể hóa dựa trên cơ sở hệ thống thông tin là hình thức tác chiến cơ bản của chiến tranh trong thời đại thông tin. Sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật thông tin và sự vận dụng, thâm nhập rộng rãi của kỹ thuật thông tin trong lĩnh vực quân sự đã làm cho vai trò của thông tin, kỹ thuật thông tin ngày càng được nâng cao. Hiện nay, kỹ thuật thông tin quân sự đã được ứng dụng tới cấp phân đội, tiểu đội, thậm chí là tới từng binh sỹ trên chiến trường. Mục đích là nhằm giúp lực lượng tác chiến nắm bắt mọi biến động thực tế trên chiến trường theo thời gian thực. Sự vận dụng kỹ thuật thông tin trong quân sự đã làm ra đời các hình thức tác chiến mới như tác chiến thông tin, tác chiến đặc biệt, tác chiến hỏa lực, tác chiến tiến công chính xác, tác chiến cơ động, tác chiến lập thể, tác chiến liên hợp và tác chiến phòng không. Đây là xu thế tất yếu của tư tưởng tác chiến kỹ thuật quyết định chiến thuật, đồng thời đặt ra yêu cầu phát triển mới đối với nhiệm vụ quân sự, lý luận chiến thuật và thực tiễn hoạt động quân sự trong thời gian tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét