Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Cảnh giác với cái gọi là “bất tuân dân sự”

 


Những năm gần đây, thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch thường sử dụng thủ đoạn kêu gọi người dân tham gia “bất tuân dân sự” nhằm tập hợp lực lượng để khi có thời cơ thì tiến hành các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, lật đổ chính quyền. Để không mắc mưu, chúng ta cần nâng cao cảnh giác với những lời kêu gọi “bất tuân dân sự” dưới mọi hình thức.

Theo giải thích của Từ điển mở Wikipedia “Bất tuân dân sự là các hoạt động, công khai từ chối tuân theo một số luật lệ nhất định, yêu cầu và lệnh của chính phủ, hoặc của một quyền lực quốc tế chiếm đóng… Bất tuân dân sự đôi khi, mặc dù không phải luôn luôn, được định nghĩa như là phản kháng bất bạo động”. Cũng theo Từ điển này, những vụ bất tuân dân sự lớn, sớm nhất được thực hành bởi người Ai Cập chống lại sự chiếm đóng của Anh trong cuộc cách mạng Ai Cập năm 1919. Nó đã được sử dụng trong nhiều phong trào phản kháng bất bạo động tại nhiều quốc gia, như: chiến dịch của M. Gan-đi để giành độc lập từ đế quốc Anh ở Ấn Độ; cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc của N. Man-đê-la ở Nam Phi; “cách mạng nhung” ở Tiệp Khắc và Đông Đức; “cách mạng ca hát” ở các nước vùng Ban-tích (thuộc Liên Xô) vào những năm cuối thế kỷ XX. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, hình thức này được thực hiện trong “cách mạng hoa hồng” ở Gru-zi-a (năm 2003), “cách mạng cam” ở U-crai-na (năm 2004), “Mùa xuân Ả Rập” ở các nước Trung Đông và Bắc Phi đầu những năm 2010, v.v.

Thời gian gần đây, nhận thấy sự lợi hại của phương thức đấu tranh bất bạo động, các thế lực thù địch ra sức cổ súy cho hình thức “bất tuân dân sự”, xem đó là con đường hữu hiệu để lật đổ chế độ chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trên các trang mạng xã hội của các thế lực thù địch xuất hiện nhiều lời kêu gọi thực hiện “bất tuân dân sự” tại Việt Nam, như: “Lối thoát cho Việt Nam - bất tuân dân sự”, hoặc “Bất tuân dân sự - con đường tự do cho Việt Nam”(!), v.v. Họ ra sức tuyên truyền, cổ súy cho các phong trào “bất tuân dân sự” trên thế giới, như phong trào “cách mạng dù” gần đây ở Hồng Kông (Trung Quốc); qua đó, phổ biến kinh nghiệm, giới thiệu các nguyên tắc, hình thức tham gia, hướng dẫn cách đề ra khẩu hiệu, cách mang mặc trang phục và công cụ mang theo của những người tham gia,… với cái gọi là “cẩm nang cho bất tuân dân sự”(!). Các tổ chức phản động ở nước ngoài, như: Việt Tân, Voice cũng mở nhiều lớp huấn luyện nội dung, hình thức “bất tuân dân sự” cho các thành viên để đưa về Việt Nam thực hiện hành động phá hoại. Chúng lợi dụng bức xúc của người dân trước những vấn đề dân sinh, như: vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, ô nhiễm môi trường; những bất cập, chưa sát thực tiễn của một số chủ trương, chính sách cụ thể; hay những hạn chế, yếu kém của chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý xã hội; hoặc lợi dụng sự ngộ nhận của người dân trước những thông tin bịa đặt, xuyên tạc mà các thế lực phản động, cơ hội,… tuyên truyền để kích động họ tụ tập, phản đối, không thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Qua đó, thúc đẩy hình thành các mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền, hợp thức hóa việc thực hiện mưu đồ tập hợp lực lượng, chống đối chính quyền, để khi mâu thuẫn lên cực điểm, chúng sẵn sàng kêu gọi kết hợp đấu tranh bất bạo động với bạo động để chống chính quyền, như vụ gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản nhà nước ở Bình Thuận (tháng 6-2018).NVS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét