Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

GIỮ VỮNG MÔI TRƯỜNG HÒA BÌNH, ỔN ĐỊNH ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

 

          “Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Hòa bình là trạng thái an bình, yên vui của một đất nước. Đất nước hòa bình là đất nước không có chiến tranh, không có khủng bố, cướp bóc. Có hòa bình, đất nước sẽ có điều kiện để chăm lo phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục và an sinh xã hội, người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Hòa bình là khát vọng của loài người, là mong ước ngàn đời của mọi đất nước, mọi dân tộc. Trái ngược với hòa bình là chiến tranh, là chết chóc, kiệt quệ, nghèo đói và mất mát.

          Hòa bình và môi trường hòa bình gắn kết chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể nhưng không đồng nhất, có sự khác nhau về phạm vi. Nói đến hòa bình là nói đến trạng thái của một đất nước không có chiến tranh, còn nói đến môi trường hòa bình là muốn nói đến không gian đất nước diễn ra các hoạt động xây dựng và bảo vệ trạng thái đó. Nội hàm của môi trường hòa bình cần được hiểu là toàn bộ những điều kiện về tự nhiên, xã hội có quan hệ đến sự tồn tại, phát triển của con người và chế độ chính trị của đất nước.

          Hòa bình cũng không đồng nghĩa với sự ổn định. Một đất nước có hòa bình chưa chắc đã có sự ổn định. Sự ổn định trước hết được thể hiện ở trạng thái an toàn, không có những biến động lớn hoặc những thay đổi trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trong đó quan trọng nhất là ổn định về chính trị. Ổn định về chính trị là cốt lõi, rường cột, nền tảng, quyết định sự ổn định của các lĩnh vực khác, là điều kiện tiên quyết để xây dựng và phát triển đất nước. Ổn định về chính trị phụ thuộc vào cả nhân tố bên trong và nhân tố bên ngoài, trong đó yếu tố bên ngoài nhiều khi gây ra những hệ lụy rất phức tạp, song suy cho cùng, nhân tố bên trong vẫn là chủ yếu. Cốt lõi của yếu tố bên trong là mục tiêu, lơị ích của đảng cầm quyền, là việc “yên dân”, là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Những yếu tố bên ngoài tác động vào, chủ yếu là sự chi phối của các nước lớn, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Cần phải hiểu rằng, hòa bình không phải chỉ là giữ cho đất nước không để xảy ra chiến tranh mà còn phải là bảo đảm cho môi trường đất nước thực sự ổn định. Nghĩa là, phải loại bỏ mọi mầm mống, nguy cơ dẫn đến những bất ổn như xuyên tạc chống phá đảng lãnh đạo, xét lại lịch sử, âm mưu thủ đoạn xâm chiếm chủ quyền lãnh thổ, gây rối, bạo loạn, xung đột vũ trang hoặc chiến tranh xâm lược ..vv. Hòa bình và ổn định có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có giữ vững hòa bình thì mới tạo được sự ổn định và ngược lại, có ổn định thì nền hòa bình mới bền vững và mới có điều kiện để xây dựng phát triển đất nước. Một đất nước không giữ được môi trường hòa bình, để mất ổn định về chính trị sẽ thực sự thảm họa. Nó không chỉ trực tiếp ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của mỗi quốc gia mà còn làm cho “huynh đệ tương tàn”, lòng dân ly tán, là nguồn cội của nghèo đói, bất hạnh, chết chóc và đau thương; là nơi giao tranh, đấu đá của các phe nhóm, nơi ngã giá, chi phối, mặc cả của các thế lực bên ngoài, nơi khởi nguồn của những dòng người chạy tỵ nạn…và người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất vẫn chính là nhân dân, là những người lao động trong xã hội. Bài học của Afghanistan, I răc, Nam Sudan, Lybia, Syria và Ukraina gần đây đã nói lên điều đó.

          Việt Nam là một đất nước đã phải trải qua nhiều mất mát đau thương bởi chiến tranh trong quá khứ. Giải đất “hình chữ S” của chúng ta đã từng “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”; hơn ai hết, chúng ta thấu hiểu tình cảnh “nước mất, nhà tan”, thân phận của người dân như “con sâu, cái kiến”, chịu kiếp nô lệ của chủ nghĩa thực dân. Từng chứng kiến nỗi đau tột cùng và sự mất mát to lớn của chiến tranh, bởi vậy chúng ta luôn yêu chuộng hòa bình và khao khát được sống trong độc lập, tự do. Thẳm sâu trong mỗi người dân Việt Nam, chúng ta luôn ý thức được việc phải kiên quyết giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Song khi đã cố gắng, đã kiềm chế, khi kẻ thù đã “buộc ta ôm cây súng” thì “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Đó là quyết tâm được thể hiện trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó cũng là quyết tâm được thể hiện trong Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, hiệu triệu toàn dân đồng tâm, nhất trí, vượt qua mọi khó khăn, thách thức đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quan điểm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước vẫn là xuyên suốt, nhất quán.    Tại Đại hội XII, trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước, vấn đề môi trường hòa bình đã được Đảng ta đề cập một cách tổng quát, toàn diện, sâu sắc. Đảng đã đưa vấn đề “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định” là một trong các mục tiêu trọng yếu trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Lần đầu tiên quan điểm này được chính thức đưa vào văn kiện, trở thành một thành tố (thành tố thứ tư) trong chủ đề của Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng. Với quan điểm này, việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định được xác định là điều kiện tiên quyết bảo đảm huy động cao nhất mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển đất nước, nhanh, bền vững. Đến Đại hội XIII, trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước ngày càng diễn biến phức tạp, chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan, thực dụng, cường quyền nước lớn trong quan hệ quốc tế gia tăng; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia; sự can dự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn với các không gian chiến lược mới (như: không gian mạng, không gian vũ trụ, lòng đất, lòng biển...); các loại hình tác chiến mới đặt ra những thách thức mới.., Đảng ta tiếp tục khẳng định phải “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bổ sung và nhấn mạnh đến vấn đề như “chủ động phòng ngừa là chính”, xác định “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”; “ Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế ”; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển”..vv. Điều đó khẳng định tư tưởng nhất quán, sự nhạy bén, sáng tạo của Đảng ta; đồng thời, khẳng định tầm quan trọng của việc “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định” trong điều kiện mới. Theo quan điểm của Đảng, muốn giữ được tình hình đất nước hòa bình, ổn định về mọi mặt thì cùng với xây dựng phải tiến hành đấu tranh, đấu tranh kiên quyết song phải mềm dẻo và linh hoạt. Xét ở góc độ quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vùng đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và cuộc sống của Nhân dân.    Giữ vững môi trường hòa bình có nghĩa là tiến hành mọi biện pháp thích hợp để đất nước không xảy ra chiến tranh. Nhận thức đó có ý nghĩa rất quan trọng trong ứng xử, giải quyết các tình huống về quốc phòng, an ninh. Phát huy tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “một tấc không đi, một ly không rời”, Quân đội NDVN luôn sẵn sàng chiến đấu, mài sắc cảnh giác, giữ chắc tay súng, quyết không để mất một tấc đất biên cương, một dặm biển khơi xa của Tổ quốc. Đồng thời chúng ta cũng ý thức được việc phải kiên trì, khôn khéo đấu tranh trước những âm mưu, thủ đoạn và các hoạt động vi phạm độc lập, chủ quyền, xâm phạm lãnh thổ quốc gia. Nếu không bình tĩnh, tỉnh táo, nếu thiếu kiên trì, nóng vội trong đấu tranh giải quyết sự việc sẽ dẫn đến quá khích và hậu quả là khôn lường. Chỉ có trên cơ sở nắm vững, hiểu đúng, hiểu rõ, hiểu đầy đủ về mối quan hệ giữa “đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc” với “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”, giữa kiên quyết và kiên trì mới giúp cho lãnh đạo, chỉ đạo xử lý đúng đắn các diễn biến phức tạp, bảo đảm ổn định tình hình đất nước./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét