Tuyên truyền, giáo dục liên tục, thuyết phục

Nhận thức đúng mới có hành động đúng. Thực tiễn cho thấy, trong bất cứ việc gì, chỉ khi thấu hiểu sự cần thiết phải làm thì mọi người mới có ý thức tự giác và quyết tâm thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Ngược lại, như nhân dân ta thường nói: “Tư tưởng không thông vác bình không cũng nặng”.  

Việc Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, rõ ràng là rất ý nghĩa và hết sức cần thiết. Thế nhưng không phải cán bộ, chiến sĩ nào cũng thường xuyên thấu triệt điều đó, nhất là với các quân nhân trẻ tuổi. Dưới những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, mối lo “cơm áo gạo tiền”, đặc biệt là những nhu cầu hưởng thụ có tính bản năng của con người thì không phải ai cũng có thể “miễn nhiễm” với các thói hư, tật xấu trong mọi điều kiện hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi.

Bởi thế, để mọi quân nhân đều có ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ theo 5 đặc trưng cơ bản, tránh xa 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân mà Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương đã nêu rõ, thì trước hết công tác tuyên truyền, giáo dục phải đặt lên hàng đầu, theo phương châm: Thường xuyên, liên tục, thực sự sâu kỹ, thuyết phục.

Lâu nay, với không ít đồng chí cán bộ, khi tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục bộ đội thường thiên về đọc-chép, phổ biến nội dung, dùng những câu từ kiểu hô khẩu hiệu, “đao to búa lớn”, thậm chí chỉ bắt cấp dưới phải thực hiện mà không giải thích có lý có tình, không lấy ví dụ và phân tích, chứng minh, cứ hô hào sáo rỗng nên không mấy thuyết phục, bộ đội không “thấm, ngấm”. Mục tiêu cần đạt được là tất cả cán bộ, chiến sĩ đều nhận thức sâu sắc rằng, việc giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới không chỉ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội ta, mà trước hết chính là xây dựng, giữ gìn danh dự, nâng cao uy tín của bản thân để ngày càng tiến bộ, trưởng thành, mang lại hạnh phúc cho chính mình và gia đình, người thân. Ngược lại, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân, mắc những thói hư, tật xấu, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội thì trước hết là tự gây hại cho bản thân, gia đình, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực tới tập thể đơn vị và quân đội...

Người "truyền lửa" mà không thực sự có "lửa" thì không thể "tiếp lửa" được. Những hạn chế này cần được khắc phục ngay trong việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. 

Công tác tuyên truyền, giáo dục để xây dựng, giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ phải tiến hành thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, biện pháp; kết hợp giữa giáo dục chung với giáo dục riêng; phân loại từng nhóm đối tượng để có biện pháp tiến hành cho phù hợp, bảo đảm thực sự hiệu quả. 

Mấu chốt là cán bộ nêu gương

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu gương, trước hết là nêu gương về đạo đức, bởi theo Người: “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống” và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Quán triệt tinh thần đó, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương đã yêu cầu: Thực hiện tốt phương châm “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân”. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ chủ trì các cấp trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống...

Lãnh đạo bằng phương pháp thực hành nêu gương luôn là giải pháp hiệu quả nhất và trong vấn đề phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm thì việc nêu gương có tính quyết định. Nếu cấp trên không gương mẫu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm kỷ luật, pháp luật thì dù có tuyên truyền, giáo dục nhiều và hay đến mấy cũng không thể khiến cấp dưới tâm phục, khẩu phục (thậm chí còn phản tác dụng).  

Trong quân đội, đại đa số cán bộ, chỉ huy các cấp đều hiểu rõ giá trị, hiệu quả của “mệnh lệnh không lời” và cố gắng phấn đấu để được đồng chí, đồng đội, cấp dưới tôn trọng, yêu quý, tin tưởng. Tuy nhiên, cá biệt vẫn có những cán bộ, đảng viên chưa mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống; vẫn “nói một đằng, làm một nẻo”, thích hưởng thụ, thu vén cá nhân, thiếu tinh thần trách nhiệm với tập thể...

Những quân nhân, nhất là cán bộ, đảng viên như thế thì không thể giáo dục, thuyết phục cấp dưới và đồng đội; không xứng đáng đứng trong hàng ngũ Bộ đội Cụ Hồ. Cấp ủy đảng, người chỉ huy và các tổ chức trong đơn vị phải kiên quyết đấu tranh, phê phán các trường hợp có biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân; nếu không chịu tiếp thu, sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ thì phải đề nghị xử lý theo đúng quy định, không để “con sâu làm rầu nồi canh”.

Để đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn quân thực hiện tốt việc nêu gương, trước hết, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải làm tốt công tác giáo dục, thuyết phục, đồng thời đề ra những quy định cụ thể để mọi cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện và coi trọng tuyên truyền, khen thưởng những tấm gương sáng để cổ vũ, động viên, tạo sự lan tỏa.

Đặc biệt, việc không thể thiếu là phải thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát; duy trì thực hiện nghiêm các quy chế, quy định; phát huy tinh thần dân chủ, đấu tranh phê bình, góp ý của cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm những biểu hiện vi phạm được phát hiện, nhắc nhở, góp ý, xử lý kịp thời; chống “dĩ hòa vi quý”, nể nang, né tránh, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh...