Đứng ra bênh vực, bảo vệ cho những nhân vật mà họ gọi là “nhà báo độc lập”, một số tổ chức, hội nhóm trong đó có tổ chức “Sáng kiến Pháp lý Việt Nam” lu loa xuyên tạc rằng chính quyền Việt Nam đã “vi phạm quyền tự do ngôn luận”; “tấn công vào nền tự do báo chí và hoạt động báo chí độc lập”... Từ những suy diễn, vu cáo vô lối ấy, cái gọi là tổ chức “Sáng kiến Pháp lý Việt Nam” và một số tổ chức đòi Nhà nước Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho những “nhà báo độc lập” đang bị giam giữ.
Theo lập luận của một số tổ chức, hội nhóm và cái gọi là “Sáng kiến Pháp lý Việt Nam” thì Nhà nước Việt Nam không tuân thủ theo các cam kết về nhân quyền với quốc tế; không chịu nội luật hóa các điều đã cam kết, nên luật pháp Việt Nam không tương thích với công ước của Liên hợp quốc về quyền con người.... Từ những suy diễn ấy họ cho rằng những “nhà báo độc lập” bị bắt giữ thời gian qua chỉ là “bày tỏ chính kiến một cách hòa bình”, “Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí”... và việc Việt Nam bắt giữ, xử lý những người trong tổ chức tự xưng “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” là vi phạm quyền con người; vi phạm quyền tự do ngôn luận đã được nêu trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị.
Cần khẳng định ngay rằng, một số tổ chức, hội nhóm, trong đó có cái gọi là tổ chức “Sáng kiến Pháp lý Việt Nam” đang núp bóng “bảo vệ nhân quyền” để bóp méo, xuyên tạc làm sai lệch bản chất các vụ việc nhằm chống phá Việt Nam.
Việt Nam đã và đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam, trong đó có Bộ luật Hình sự hiện hành đều được Quốc hội thảo luận thông qua và được ban hành theo đúng nguyên tắc, trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Việt Nam luôn chú trọng nội luật hóa các điều khoản đã cam kết với thế giới trên cơ sở văn hóa truyền thống và thực tiễn đất nước.
Mặt khác với tinh thần mở rộng dân chủ trong quy trình xây dựng pháp luật, Việt Nam luôn coi trọng việc lấy ý kiến đóng góp của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Chính vì thế mà hệ thống pháp luật nói chung và Bộ luật Hình sự của Việt Nam nói riêng vừa tương thích với quốc tế, vừa phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm tính dân chủ và sự đồng thuận cao của xã hội, vừa tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đối với các loại tội phạm sẽ bị đưa ra xét xử hình sự.
Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, mọi công dân Việt Nam có quyền bày tỏ tâm nguyện, chính kiến chính đáng của mình, song quyền này phải được thực hiện theo khuôn khổ của pháp luật; bày tỏ chính kiến một cách có tổ chức, trên tinh thần tập thể và ý thức xây dựng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Xã hội Việt Nam không có chỗ cho những kẻ lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để nêu ý kiến một cách tùy tiện, vô tổ chức, không vì mục đích xây dựng mà nhằm động cơ kích động, gây rối, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia - dân tộc... Mọi hành vi trái với tinh thần đó đều là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét