Nghị
quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương (sau đây gọi là Nghị
quyết 847) nhấn mạnh một đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đó là:
Chăm lo xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, hết lòng thương
yêu đồng chí, đồng đội như anh em ruột thịt...
Hơn
77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam,
chúng ta chứng kiến biết bao câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội. Sự
đoàn kết, yêu thương ấy được hình thành dựa trên tình thương yêu giai cấp, tình
đồng chí, đồng đội sâu sắc, gắn bó chặt chẽ “lúc thường cũng như lúc ra trận”;
giữa những con người, tuy không cùng quê quán, khác xa nhau về tập quán, vùng,
miền nhưng cùng chung lý tưởng, mục tiêu, cùng thực hiện nhiệm vụ cao cả của
người quân nhân cách mạng-một nhiệm vụ hết sức nặng nề, rất đỗi vinh quang và
cao quý: Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ
nghĩa xã hội. Do đó, những người chiến sĩ coi nhau như ruột thịt, cùng sẻ chia
cho nhau bao hiểm nguy, gian khó, thậm chí hy sinh cả mạng sống để bảo vệ nhau.
Đó cũng chính là cội nguồn sức mạnh để bộ đội ta vượt qua mọi khó khăn thử
thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Hiện
nay, trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường, đã xuất hiện một vài tập thể,
cá nhân trong quân đội vì lý do nào đó đã xem nhẹ tình đồng chí, đồng đội. Từ
những vụ việc mang tính cá biệt, có người bi quan cho rằng: Trong hòa bình, giữa
những người quân nhân cách mạng không còn tình đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng
đội như trước nữa. Và họ lý giải, chỉ trong sự khốc liệt của chiến tranh mới có
tình đồng chí.
Trước
hết, phải khẳng định rằng, trong hoàn cảnh đấu tranh cách mạng gian khổ trước
đây, những người chiến sĩ dễ có điều kiện biểu lộ tình thương yêu đồng chí, đồng
đội một cách sâu sắc, chân thành hơn. Và đúng là trong thời gian gần đây như
Nghị quyết 847 nhận định: Còn một số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức
chưa sâu sắc, trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ chưa
cao; thiếu tự giác, gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí, sa vào
chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng, băn khoăn dao động trước diễn biến phức tạp
của tình hình, phát ngôn thiếu tính xây dựng, nể nang, né tránh, ngại va chạm,
làm việc cầm chừng, tính toán thiệt hơn, xa rời thực tiễn; trong đó có cả cán bộ
cao cấp, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm kỷ
luật, pháp luật, quy định về những điều đảng viên không được làm, gây thiệt hại
về tài sản của Nhà nước, quân đội, làm ảnh hưởng đến truyền thống, uy tín của
quân đội, phẩm chất và hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.
Chúng
ta cần nghiêm khắc phê phán và kiên quyết đấu tranh chống những hiện tượng
không lành mạnh đó, nhằm phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Trong giai đoạn cách
mạng hiện nay, với thành tựu của hơn 35 năm đổi mới, "đất nước ta chưa bao
giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", trách
nhiệm thiêng liêng của những người quân nhân cách mạng là phải giữ gìn và phát
huy truyền thống đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng đội, xứng đáng với lời
khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với
dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã
hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng
đánh thắng".
Để
giữ gìn, vun đắp tình đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng đội trong mỗi cơ
quan, đơn vị, trước hết, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải có những biện pháp tích cực,
phù hợp, hiệu quả trong giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng, lý tưởng sống cho
cán bộ, chiến sĩ thông qua giáo dục truyền thống kết hợp với tập trung xây dựng
môi trường sống nhân văn, lành mạnh, có tính kỷ luật cao trong đơn vị.
Với
mỗi quân nhân dù là cán bộ, đảng viên hay quần chúng cũng phải luôn luôn thương
yêu, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, với một tình cảm trong
sáng, chân thành, tôn trọng, quan tâm, thông cảm lẫn nhau, khiêm tốn, nhường nhịn
nhau. Dẫu biết rằng mỗi cán bộ, đảng viên đều có cương vị, nhiệm vụ công tác
riêng, có gia đình và phải quan tâm đến gia đình, nhưng không phải vì thế mà
không quan tâm đến các đồng chí của mình. Truyền thống của dân tộc Việt Nam là
"thương người như thể thương thân", “lá lành đùm lá rách", đối xử
với nhau có nghĩa, có tình, "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.
Những quân nhân yêu thương nhân dân, gắn bó với nhân dân đồng thời càng yêu
thương, gắn bó với đồng chí, đồng đội; lấy niềm vui, hạnh phúc của đồng chí làm
hạnh phúc của mình.
Thương
yêu đồng chí, đồng đội không đồng nhất với việc bao che, tha thứ lỗi lầm, khuyết
điểm của đồng đội mình; trái lại, phải thường xuyên giúp đỡ đồng chí, đồng đội
giữ vững phẩm chất cách mạng và nâng cao không ngừng trình độ hiểu biết và năng
lực công tác. Với vũ khí tự phê bình và phê bình, người quân nhân cách mạng
bình tĩnh soi xét kỹ mình, đồng thời thật sự chân thành chỉ ra cho đồng chí, đồng
đội những khuyết điểm, thiếu sót với tình thương yêu thật sự, để giúp đồng đội
sửa chữa và tiến bộ, không đao to búa lớn, trù dập nhau, nhưng cũng không dung
túng, bao che khuyết điểm của đồng đội. Nếu nể nang, né tránh, hoặc vì lý do
nào đó mà không nghiêm khắc với khuyết điểm của đồng đội là làm hại đồng đội, đẩy
đồng đội vào sự sa ngã tội lỗi; như thế không phải là thương yêu đồng chí, đồng
đội một cách đúng đắn, không phải là một người quân nhân cách mạng chân chính.
Đối
với cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ chủ trì ở từng cơ quan, đơn vị, trong bất
cứ hoàn cảnh nào cũng phải thực sự là hạt nhân đoàn kết; phải thực sự là tấm
gương trong phát huy truyền thống, sống có tình thương, giữ vững kỷ cương, đề
cao trách nhiệm để xây dựng tình đồng chí, đồng đội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ phải làm gương cho chiến sĩ, không loại trừ ở
cấp chức nào. Người chỉ rõ: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống,
phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn
uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa
ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được
kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân
chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”.
Song
song với đó, cần giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tôn trọng quyền và
nghĩa vụ của quân nhân; chống mọi biểu hiện độc đoán, gia trưởng, quy chụp, áp
đặt ý kiến cá nhân, thành kiến, trù dập hoặc ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, “thấy
đúng không bảo vệ”, “thấy sai không đấu tranh”, đặc biệt với những nhận thức và
hành động sai trái không chỉ trong sinh hoạt đảng, đoàn và các tổ chức quần
chúng khác mà cả trong đời sống thường nhật. Cấp ủy, tổ chức đảng; cơ quan, đơn
vị các cấp không ngừng tăng cường các biện pháp dự báo, phân tích, đánh giá, giải
quyết để quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng của bộ đội; thường xuyên làm tốt
công tác kiểm tra, nhạy bén phát hiện các biểu hiện mất đoàn kết, cục bộ, bè
cánh; kịp thời báo cáo theo phân cấp, xử lý thỏa đáng, triệt để những nảy sinh
trong mỗi cơ quan, đơn vị.
Để
xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng đội-mối tình cảm
thiêng liêng ngày càng keo sơn, mỗi người quân nhân cách mạng cần xác định rõ
nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình để ứng xử, giải quyết các
mối quan hệ cho thấu đáo, có lý, hợp tình, vun đắp tình đoàn kết, yêu thương
như anh em ruột thịt; cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành thắng lợi
mọi nhiệm vụ được giao. Qua đó, tiếp tục giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp,
danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những
biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Góp phần xây dựng Đảng bộ Quân đội, các cấp ủy,
tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; quân đội vững mạnh về
chính trị; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; các tổ chức
quần chúng vững mạnh xuất sắc; phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng
quân đội hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI
và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét