Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Ngày này năm xưa: Chiến thắng La Ngà

Vào những ngày tháng này, cách đây 74 năm, ngày 01/03/1948, tại Biên Hòa đã diễn ra trận đánh nổi tiếng: trận phục kích giao thông tiêu diệt gọn đoàn xe Pháp trên quốc lộ 20 (Sài Gòn đi Đà Lạt)do Ban chỉ huy cùng với liên quân 17, lực lượng vũ trang địa phương tổ chức đánh đoàn xe đưa cán bộ, sĩ quan cấp cao của thực dân Pháp dự Hội nghị quân chính Đà Lạt cùng chính quyền bù nhìn Bảo Đại (đoạn từ cầu La Ngà đi Định Quán), gọi là trận phục kích La Ngà. 

Đây là một trong những trận đánh lớn của lực lượng vũ trang Miền Đông Nam bộ nói chung, lực lượng vũ trang Đồng Nai nói riêng đã làm bạt vía quân thù về nhiều mặt, đánh dấu một bước phát triển quan trọng về chất của lực lượng vũ trang Biên Hòa,đánh dấu bước tiến vượt bậc về khả năng phối hợp, tổ chức, trình độ chiến thuật, kỹ thuật.Từ đánh nhỏ lẻ, Chi đội 10 đã vững vàng về tổ chức chỉ huy, về chiến thuật sử dụng lực lượng, bố trí đánh hợp đồng quy mô lớn trên phạm vi trận địa rộng cách xa căn cứ gần trăm cây số...Đối với thực dân Pháp, đây là thất bại cay đắng, gây xôn xao dư luận trong nước Pháp, chiến thắng La Ngà càng khẳng định cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam trên trường quốc tế nhằm làm tăng sự ủng hộ đối với nhân dân ta. 

Ngay từ đầu tháng 1/1948, công tác chuẩn bị cho trận đánh giao thông trên quốc lộ 20 được triển khai thật kỹ càng từ công tác vận động lương thực, đảm bảo đạn dược, trinh sát, điều nghiên… trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ (bộ đội sống phân tán trong dân, dự vào dân tăng gia sản xuất, lương thực ở chiến khu phải tự túc, nhân dân các dân tộc bị giặc khủng bố phải phân tán ở những nơi hẻo lánh, đi lại khó khăn…). Tuy nhiên, với lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, nhân dân và bộ đội đã đoàn kết một lòng góp sứcđể chuẩn bị lương thực cho trận đánh được hoàn tất chỉ trong vòng 01tháng, đảm bảo cho đội quân khoảng 1000 quân ăn trong gần nửa tháng. 

Về công tác trinh sát, tình báo được Ban Chỉ huy Chi đội 10 tổ chức thực hiện liên tục, tỉ mỉ suốt 3 tháng liền (từ đầu tháng 10/1947). Phải chống chọi với cảnh rừng thiêng nước độc, trinh sát Chi đội 10 đã nắm chắc quy luật các đoàn xe địch thường di chuyển trên quốc lộ 20. Cùng lúc với trinh sát địa hình,Ban chỉ huy Chi đội 10 đã cử người vào Sài Gòn, Đà Lạt tìm cách liên lạc, móc nối với anh em công nhân, lái xe… nhờ vậy mà ta nắm được quy luật của địch (cuối tháng 2/1948 kết hợp tin tình báo của ta ở Sài Gòn với tin tức tình báo của cấp trên đã xác định chính xác Pháp sẽ tổ chức một cuộc Hội nghị bàn việc thành lập Chính phủ Bảo Đại tại Đà Lạt vào đầu tháng 3/1948) và chọn địa điểm phục kích được chọn từ cầu La Ngà đến Định Quán (cây số 104 đến 113) để đón đánh vào thời điểm có lợi nhất. 

Dựa vào tình hình, Đảng ủy Ban chỉ huy chi đội 10 mở cuộc họp hạ quyết tâm và thông qua kế hoạch tác chiến như sau: Tiêu diệt gọn đoàn xe chở cán bộ quân sự đi dự hội nghị vào đấu tháng 3/1948 trên quốc lộ 20; Phải thắng cả quân sự, chính trị, dân vận và địch vận; phải bố trí lực lượng tốt ở căn cứ để chống càn vì sau trận thu, địch sẽ trả đũa càn quét vào căn cứ kháng chiến, có kế hoạch bám sát địch, ngay từ đầu và đánh mạnh thị xã Biên Hòa, thị trấn Xuân Lộc… buộc địch phải bị động ứng phó; Tập trung lực lượng gồm 9 trung đội…; 

Kế hoạch tác chiến phải đề ra yêu cầu đảm bảo 2 yếu tố: Cách đánh là bí mật, bất ngờ, xung phong mãnh liệt; Chủ động thời gian tác chiến, giải quyết nhanh trận địa, tích cực truy kích địch kết hợp kêu gọi đầu hàng. 

Trong quá trình chuẩn bị trận đánh, Huỳnh Văn Nghệ được đề bạt làm Khu bộ phó Khu 7, kiêm Chi đội trưởng Chi đội 10 Biên Hòa. Đồng chí Nguyễn Văn Lung – Chi đội phó trực tiếp chỉ huy tổ chức trận đánh này. 

Theo kế hoạch, ngày 26/2/1948, đơn vị hành quân bí mật từ Chiến khu Đ về trận địa tây quốc lộ 20 cách căn cứ 80 km. Ngày 29/2/1948, toàn lực lượng chiếm lĩnh trận địa chiến đấu, Binh công xưởng chi đội bố trí địa lôi ở 3 trận địa A, B, C bên trên ngụy trang bằng những đống phân voi. Tại sở chỉ huy, Ban chỉ huy nhận được điện của Khu bộ phó Huỳnh Văn Nghệ: Trận phục kích giao thông được mang tên Dương Văn Dương để kỷ niệm 2 năm ngày mất của ông – nguyên là Khu bộ phó Khu 7. 

          Trận đánh diễn ra đúng như kế hoạch của Ban chỉ huy chi đội. Lúc 15 giờ 2 phút, quả địa lôi ở mặt trận A nổ, chiếc xe bọc thép đi đầu bị phá hủy. Từ phía Tây lộ 20, lực lượng ta xung phong ra đường tấn công địch quyết liệt. 15 giờ 27 phút, địa lôi trận địa C nổ, cả đoàn xe địch bị giam vào trong trận địa, chỉ còn lại hơn 10 chiếc hoảng sợ rút chạy ngược về hướng cầu La Ngà. Trên cả ba mặt trận, Chi đội 10, liên quân 17 dũng mãnh xung phong. Địch hoàn toàn bất ngờ, chống trả yếu ớt. 

Sau hơn 40 phút chiến đấu, ta đã diệt 59 xe địch trong tổng số 69 xe, diệt 2 đại đội Pháp gồm 150 tên, 25 tên sĩ quan chỉ huy, bắt sống 1 trung úy. Trong số sĩ quan bị diệt có đại tá Desarigne, chỉ huy Lữ đoàn Lê dương thứ 13, đại tá Paruist, Phó Tham mưu trưởng thứ nhất quân đội Pháp ở Nam Đông Dương, thiếu tá chỉ huy phân tiêu khu quân sự Hóc Môn, đại úy Jean Couvreur trưởng phòng xe hơi… 

Lúc 17 giờ, 3 máy bay địch đến chi viện, bắn dữ dội vào trận địa giả ở phía Đông đường 20. Toàn bộ lực lượng ta cấp tốc hành quân trở về chiến khu Đ, kịp thời phối hợp cùng các đơn vị tại chỗ tổ chức đánh địch bẻ gãy trận càn của 4.000 quân Pháp vào căn cứ. Cùng lúc, lực lượng ta và hơn 200 tù binh địch và hành khách đi theo đoàn xe đã rút về phía Đông sông Đồng Nai an toàn. Trong số 270 tù hàng binh và hành khách, có nhiều người, binh lính bị thương và người già, sức yếu, trẻ em sau khi được chăm sóc, giải thích rõ chủ trương chính sách của Mặt trận Việt Minh, ta phóng thích tại chỗ. Số còn lại được đưa về căn cứ tập kết ở Suối Cát, gồm nhiều thành phần: trí thức, nữ tu, người buôn bán, hầu hết đều ở Sài Gòn. Tất cả được chia sẻ khẩu phần ăn đạm bạc của bộ đội. Trời mờ sáng, tất cả hành khách được hướng dẫn ra quốc lộ 20 để về Sài Gòn. Riêng Trung úy Joeffrey được điều trị vết thương gãy chân và trao trả sau này. 

Chiến thắng Là Ngà đã đi vào lịch sử không chỉ thắng lợi về mặt quân sự mà còn là thắng lợi lớn về mặt chính trị trong và ngoài nước. Chiến thắng đã đánh dấu một bước trưởng thành nhanh chóng về chất của lực lượng vũ trang Biên Hòa - Đồng Nai. Chiến thắng La Ngà đã làm thay đổi “cái nhìn” của thực dân Pháp về thế và lực của đôi bên ở chiến trường Việt Nam, đồng thời cũng làm nức lòng quân dân ta, từ đó mở ra hàng loạt chiến công vang dội khác, chiến thắng La Ngà đã trở thành biểu tượng sáng ngời tô thắm thêm hào khí “miền Đông gian lao mà anh dũng”.Với chiến thắng trên,  Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam gửi điện khen cán bộ, chiến sĩ Chi đội 10, tặng thưởng đơn vị làm nên chiến thắng La Ngà Huân chương Quân công hạng II. 

Theo thuviendongnai.gov.vn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét