Nhận diện một cách đầy đủ và đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng với âm mưu, ý đồ, thủ đoạn của các đối tượng chống phá, xuyên tạc là góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức tự đề kháng, củng cố niềm tin của mỗi người cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; qua đó, khơi dậy sự chung sức, đồng lòng của toàn dân tộc nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Cơ sở khoa học và thực tiễn của “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”
Một trong những điểm mới và quan trọng trong Văn kiện Đại hội XIII là lần đầu tiên Đảng ta xác định “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(1). Đây cũng là bước đột phá trong tư duy của Đảng về sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Ấy vậy mà các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị, phản động, chống đối, lại đang rêu rao, xuyên tạc rằng, đó là quan điểm duy tâm chủ quan, một khẩu hiệu trống rỗng, phi thực tế, phản khoa học,... hòng thực hiện mưu đồ xuyên tạc, bóp méo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ta.
Chúng lý sự rằng, “khát vọng” là yếu tố tinh thần, là mặt tinh thần của đời sống xã hội; do đó, khi Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần đề cập và nhấn mạnh đến thành tố “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong Văn kiện Đại hội XIII (từ chủ đề Đại hội, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược) thì Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuyệt đối hóa yếu tố tinh thần và lấy nó làm cơ sở, nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nên rõ ràng là một quan điểm duy tâm chủ quan; đi ngược lại lý luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử, trái với chủ nghĩa Mác - Lê-nin (?!).
Xét bản chất, dựa trên lý luận của triết học Mác - Lê-nin về tính độc lập tương đối của ý thức và vai trò, sức mạnh to lớn của tinh thần con người, chúng ta có đủ luận cứ, luận chứng khoa học để phản bác các luận điệu sai trái, nhưng hết sức tinh vi, xảo quyệt nói trên của các thế lực thù địch. Đó là, tuy khẳng định vai trò quyết định của vật chất đối với ý thức, nhưng các nhà kinh điển mác-xít cũng đồng thời nhấn mạnh, ý thức có tính độc lập tương đối với vật chất, có tính năng động, sáng tạo nên có thể tác động trở lại vật chất, góp phần cải biến thế giới khách quan thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Chính vì vậy, V.I. Lê-nin khẳng định: “Ý thức con người không phải chỉ phản ánh thế giới khách quan, mà còn tạo ra thế giới khách quan”(2). Đặc biệt, ý thức tiến bộ, cách mạng một khi được giáo dục, khơi dậy và phát huy đúng cách ở mỗi cá nhân sẽ trở thành sức mạnh tinh thần vĩ đại trong cải tạo xã hội. Đúng như C. Mác đã nói: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”(3).
Điều đó có nghĩa, ý thức, tư tưởng hay tinh thần của con người, trong đó có các khát vọng chính đáng, hợp lý, hoàn toàn không phải là sản phẩm tiêu cực, thụ động, mà luôn chứa đựng sức mạnh tiềm tàng rất to lớn. Và để hiện thực hóa sức mạnh ấy, để biến nó thành sức mạnh vật chất, đòi hỏi phải biết thường xuyên khơi dậy, bồi đắp và chuyển hóa nó thành các hành động cụ thể, các phong trào xã hội thiết thực. Như C. Mác đã viết: “tư tưởng căn bản không thể thực hiện được cái gì hết. Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn”(4) và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý... Bổn phận của chúng ta là... phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”(5). Vì vậy, trong mỗi thời kỳ, ở mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc, giá trị và sức mạnh của tinh thần yêu nước cũng như khát vọng phát triển đất nước luôn phụ thuộc rất lớn vào khả năng khơi dậy, phát huy và hiện thực hóa của các thế hệ.
Một mặt, với những lý luận sắc bén và thực tiễn sinh động, dựa trên cơ sở khoa học và hiện thực đầy đủ, cùng với tư duy biện chứng, tầm nhìn chiến lược và nhạy bén chính trị, sự kiên định và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã rất đúng, rất trúng khi xác định một cách mạch lạc, đầy sức thuyết phục về khát vọng phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đó là động lực quan trọng, nguồn năng lượng nội sinh to lớn để đưa đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển, “cất cánh” trong kỷ nguyên mới. Văn kiện Đại hội XIII hoàn toàn không tuyệt đối hóa vai trò động lực của khát vọng phát triển đất nước, mà xác định rất rõ đây là một trong những động lực để tạo thành “hợp lực” cho đổi mới, phát triển và hội nhập; là động lực tinh thần chứ không phải động lực vật chất; là động lực thúc đẩy chứ không thể thay thế vai trò cơ sở, nền tảng quyết định của yếu tố kinh tế, vật chất. Do đó, trước những luận điệu cho rằng quan điểm “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong Văn kiện Đại hội XIII là duy tâm chủ quan, mỗi người có sự hiểu biết và tỉnh táo, khách quan đều thấy rõ đó chỉ là một sự non kém về kiến thức triết học và tri thức lịch sử,... hoặc là những ý đồ chính trị hết sức tinh vi và thâm độc, một dạng của thuật ngụy biện và chủ nghĩa chiết trung, vốn không được bất kỳ khoa học nào đánh giá cao.
Mặt khác, Văn kiện Đại hội XIII đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; được góp ý, chỉnh lý, sửa chữa nhiều lần (riêng Báo cáo chính trị là khoảng 30 lần); được nhiều nhà khoa học, nhà lý luận nghiên cứu, biên soạn một cách cẩn trọng, nghiêm túc, cân nhắc từng từ, từng câu, từng chữ. Văn kiện được đánh giá có quá trình chuẩn bị “rất công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp. Quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, dự thảo các văn kiện đã thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thể hiện rõ sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng Dân”, hòa quyện cùng quyết tâm và ý chí phát triển của dân tộc”(6). Văn kiện có văn phong trong sáng, súc tích, giản dị, từ ngữ chắt lọc, dễ nhớ, dễ thực hiện; mỗi nhận định, đánh giá, nội dung bổ sung đều có căn cứ xác đáng, nhất là những luận điểm mới như vấn đề “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Tất cả những điều đó chứng minh tính khoa học, khách quan của những đánh giá, các mục tiêu, nhiệm vụ trong Văn kiện Đại hội XIII.
Thế nhưng, các thế lực thù địch đã, đang lớn tiếng cho rằng, đó chẳng qua chỉ là một lời hiệu triệu, một ước vọng hão huyền, vì nó chỉ có ý nghĩa hô hào, mang tính chất khẩu hiệu thuần túy, trong khi không xác định được những chủ trương, không định vị rõ lộ trình, không đề ra biện pháp cụ thể để hiện thực hóa khát vọng đó. Vì tính quy chụp, xảo ngôn đó, những luận điệu này đã thể hiện một “tư duy thiển cận”, phiến diện, siêu hình và về thực chất, chỉ là một cái nhìn đầy định kiến, “sặc mùi” cơ hội chính trị và phản khoa học.
Bởi lẽ, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng không những xác định rõ các chủ trương, chiến lược, sách lược đúng đắn, mà còn đề xuất phương hướng và hệ thống những giải pháp mang tính đồng bộ, khoa học, khả thi cao để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Điều này không chỉ thể hiện sự sáng tạo trong tư duy lý luận của Đảng, mà còn là cơ sở khoa học, là bằng chứng hùng hồn để phản bác lại những quan điểm sai trái, cố tình bóp méo, xuyên tạc Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta.
Quyết tâm hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của dân tộc ta trong thời gian tới
Một là, “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” đã được Văn kiện Đại hội XIII thể chế hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình, kế hoạch cụ thể, với lộ trình và bước đi phù hợp với điều kiện thực tế.
Có thể nói, “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” vừa là động lực, vừa là mục tiêu chiến lược, cao đẹp, xuyên suốt và lâu dài của Đảng, của cả dân tộc ta. Tất nhiên, việc thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đó không phải là công việc giản đơn, có thể hoàn thành trong “một sớm một chiều”. Nhưng quán triệt nguyên tắc bảo đảm tính khoa học và thực tiễn, kế thừa và bổ sung cho phù hợp với những biến đổi trong từng giai đoạn phát triển của đất nước và có sự nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước; đồng thời, trên cơ sở phân tích, dự báo kỹ lưỡng những thời cơ, tỉnh táo cân nhắc, tính toán những khó khăn, thách thức bên ngoài, những yếu kém, trở ngại bên trong,... Văn kiện Đại hội XIII đã xác định khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không chỉ được thể hiện, thực hiện trong nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng, mà còn “hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(7). Và điều này cũng nhất quán với khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XII: Nói Đại hội XIII không phải chỉ cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021 - 2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai.
Như vậy, việc thể chế hóa, cụ thể hóa “khát vọng phát triển đất nước” thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, chương trình hành động, kế hoạch, lộ trình thực hiện mang tính tổng thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta cũng như những diễn biến của tình hình thế giới,... là một trong những phương cách khả thi nhất để góp phần hiện thực hóa khát vọng này. Nếu mục tiêu, chỉ tiêu của từng thời kỳ, từng giai đoạn được thực hiện thắng lợi, thì sẽ trực tiếp góp phần hoàn thành mục tiêu chiến lược, tức là hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước đã được xác định.
Hai là, Văn kiện Đại hội XIII đã vạch ra định hướng và xác định hệ giải pháp cơ bản để hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc là cả một quá trình cải biến xã hội mang tính toàn diện và sâu sắc, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, có sự kết hợp giữa các bước đi tuần tự và các bước nhảy vọt, kết hợp giữa phát triển theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu, kết hợp giữa sự chuyển hóa về lượng và biến đổi về chất,... của hệ thống các nhân tố tham gia. Nói cách khác, đó là sự nghiệp cách mạng to lớn, mặc dù rất vẻ vang nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách, nhiều cam go, phức tạp. Vì vậy, để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp vĩ đại này, Văn kiện Đại hội XIII xác định phải huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Theo đó, một mặt, Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ, cần tăng cường tuyên truyền, giác ngộ, truyền cảm hứng về khát vọng phát triển đất nước sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, với sự sinh động, phong phú, thiết thực và hiệu quả bằng các hình thức, phương pháp khác nhau. Trọng tâm là “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc”(8). Chú trọng hun đúc tình cảm và bầu nhiệt huyết cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trách nhiệm công dân và nghĩa đồng bào của quần chúng nhân dân. Làm cho khát vọng phát triển đất nước trở thành niềm vinh dự, tự hào, phương châm, lẽ sống và hành động, là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Khơi dậy ở đội ngũ thanh niên Việt Nam tinh thần chủ động, dấn thân, xung kích, sáng tạo và lòng khát khao cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Đảng ta nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội”(9).
Mặt khác, Văn kiện Đại hội XIII còn nhấn mạnh tới việc cần chủ động tạo lập các yếu tố, điều kiện và môi trường xã hội thuận lợi làm cơ sở, động lực để khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước ở mỗi con người Việt Nam. Bởi một điều dễ nhận thấy là, một khi mỗi người dân đã hiểu rõ được những gì họ cần làm để thể hiện lòng yêu nước, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước; thì khi đó, cần tạo những điều kiện, cơ chế, chính sách và môi trường thuận lợi cho mỗi người dân thể hiện lòng yêu nước của mình. Tức là, phải “Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam”(10). Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, từng bước hoàn thiện các chính sách kinh tế - xã hội phù hợp, để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tốt tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống, quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của người dân; giải quyết tốt vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động.
Bên cạnh đó, cần thực hành triệt để dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực chất quyền làm chủ của nhân dân, coi trọng “ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(11). Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân trong tham gia vào các công việc chung của đất nước. Thực hiện đầy đủ, triệt để và thực chất phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đẩy lùi nạn tham nhũng, giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đồng thời, thực hiện tốt đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước. Tạo lập và phát huy sức mạnh đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, cụ thể hóa phương thức biểu hiện “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” - một biện pháp mang tính đột phá của Văn kiện Đại hội XIII.
Trên thực tế, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không phải là cái gì xa vời, khó hiểu, khó định lượng, bởi Văn kiện Đại hội XIII đã cụ thể hóa thành những phương thức biểu hiện rõ ràng, gắn với yêu cầu về hành động, việc làm thiết thực của mỗi người dân Việt Nam. Trong đó, từ góc độ kinh tế, khát vọng phát triển đất nước được thể hiện chủ yếu ở tinh thần vươn lên xóa bỏ cái “biệt danh” nước nghèo, chậm phát triển. Mặc dù công cuộc đổi mới đất nước sau hơn 35 năm của chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới; tuy nhiên, “dù đạt được những thành tựu rất quan trọng, rất đáng tự hào, nhưng đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế”(12). Vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ, khát vọng phát triển đất nước hiện nay chính là ý thức lao động hăng say và sáng tạo, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng của mỗi người dân; nhất là sự cố gắng phấn đấu của thanh niên nước nhà “trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp”(13).
Từ góc độ chính trị - xã hội, một mặt, khát vọng phát triển đất nước là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và tinh thần lạc quan về tương lai tươi sáng của đất nước, tiền đồ tốt đẹp của dân tộc; khắc phục triệt để tâm lý tự ti, nhược tiểu. Kiên định, kiên trì, nhất quán mục tiêu, lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nâng cao ý thức tự giác và gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Đó còn là tinh thần đoàn kết, kiên quyết đấu tranh chống lại những thói hư tật xấu, cái bảo thủ trì trệ trong tư duy, suy nghĩ và cách làm; nghiêm khắc lên án, đấu tranh quyết liệt với các hiện tượng tiêu cực xã hội, nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bảo vệ sự trong sạch của bộ máy đảng và nhà nước.
Mặt khác, hiện nay hội nhập quốc tế đã trở thành một vấn đề có tính quy luật, là một tất yếu khách quan đối với mọi quốc gia - dân tộc; do đó, để phát triển đất nước, tất yếu chúng ta phải mở cửa, hội nhập quốc tế. Mặc dù vậy, hội nhập quốc tế luôn chứa đựng cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen nhau. Vì thế, để tận dụng thời cơ, phát huy những yếu tố thuận lợi; khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải kiên định nguyên tắc chiến lược đi đôi với thực hiện sách lược mềm dẻo, linh hoạt trong hội nhập quốc tế; lấy phương châm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường làm chủ đạo; đồng thời, phát huy tối đa các nhân tố bên ngoài có lợi, tích cực, chủ động mở rộng hợp tác quốc tế. Chúng ta hội nhập với thế giới để phát triển nhưng không để bị “hòa tan”, không “đánh mất mình”; trái lại, phải giữ vững nguyên tắc “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”(14).
Từ góc độ khoa học và tri thức, đã như một chân lý - muốn đi xa, hành trang phải đầy đủ, vì vậy, để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước rất cần những con người có tri thức, đủ năng lực và trình độ để thực hiện khát vọng đó. Đặc biệt, để phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,... càng không thể thiếu vai trò to lớn, động lực then chốt của khoa học, công nghệ và tri thức. Do vậy, Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ, thế hệ trẻ nước nhà hiện nay cần thể hiện khát vọng phát triển đất nước của mình bằng hành động xung kích nơi “trận tuyến” tri thức, khoa học và công nghệ; dám nghĩ, dám làm, năng động, nhạy bén và sáng tạo, “làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại”(15); đi tắt, đón đầu trong nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ của khoa học, công nghệ vào sản xuất, đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, giá thành hạ.
Văn kiện Đại hội XIII và quan điểm “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong Văn kiện càng khẳng định tính đúng đắn, khoa học và cách mạng bao nhiêu thì lại càng vấp phải sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch bấy nhiêu. Việc các thế lực thù địch, phản động ra sức công kích, bài bác và phủ nhận Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ càng chứng tỏ tính đúng đắn và giá trị của đường lối, chủ trương mà Đảng đã hoạch định, được nhân dân kỳ vọng, tin tưởng, ủng hộ, đồng tình./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét