Giá trị to lớn, tầm nhìn vượt thời đại trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc thiêng liêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trước lúc đi xa là “Bảo vật quốc gia”; trong đó, thể hiện tình cảm chân thực, trí tuệ sâu sắc, đạo đức cao cả, tâm hồn rộng mở, nhân ái và khoan dung, cùng với tầm nhìn vượt thời đại của Người.
1. Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh khiêm nhường gọi là “bức thư” - “mấy lời để lại cho đồng bào, đồng chí” vào lúc Người 75 tuổi. Suốt 04 năm liền, từ 1965 đến 1969, năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng từ ngày 10 đến 15 tháng 5 và từ 9 giờ đến 10 giờ mỗi buổi sáng, Người thanh thản đọc lại, suy nghĩ và sửa chữa. Bốn tháng trước lúc đi xa, Người còn đọc và chữa lần cuối cùng. Có thể nói, 1.000 từ trong bản Di chúc không chỉ là một tổng kết lớn về sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và Nhân dân ta, mà còn là những trù tính chiến lược sáng suốt, những căn dặn ân cần, chu đáo của Người đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về những việc phải làm sau ngày cách mạng toàn thắng và miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Người ký thác niềm tin và hy vọng vào tất cả chúng ta về tương lai tươi sáng của dân tộc, thực hiện hoài bão và khát vọng phát triển Việt Nam giàu mạnh, văn minh, hiện đại. Tâm nguyện ấy của Người bắt nguồn từ một tư tưởng lớn: yêu nước, yêu dân, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Đã 55 năm kể từ ngày Người đi xa và cũng là hơn nửa thế kỷ chúng ta thực hiện Di chúc của Người. Những giá trị to lớn trong Di chúc đang được chúng ta thấm nhuần và nỗ lực thực hiện. Tầm nhìn vượt thời đại trong Di chúc của Người đang tiếp tục khai sáng tâm trí, thúc đẩy chúng ta hành động sao cho xứng đáng với dân tộc anh hùng, Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, vững bước đi lên trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới ngọn cờ dẫn dắt của tư tưởng Hồ Chí Minh.
2. Cùng với những tác phẩm tiêu biểu khác, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành “Bảo vật quốc gia”1. Đó là Quốc bảo đồng thời là Pháp bảo của muôn đời. Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh thể hiện và kết tinh thành những giá trị to lớn trong Di chúc, có thể khái quát vào mấy điểm cốt yếu sau đây:
Thứ nhất, Di chúc khẳng định niềm tin khoa học sâu sắc và tinh thần cách mạng kiên định của toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ở cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta, linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định của Người về tính tất thắng của cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập thống nhất Tổ quốc có sức cổ vũ, động viên to lớn đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước và bầu bạn quốc tế. Di chúc chỉ rõ, cuộc chiến đấu của chúng ta còn có thể kéo dài (mà Người hình dung “mấy năm nữa” như một điều tiên tri, dự báo). Đối mặt với thế lực đế quốc hùng mạnh, giàu có nhưng gây tội ác chiến tranh tàn bạo, phi nhân tính, nhân dân ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người.
Song, với bản lĩnh, tầm nhìn và một niềm tin mãnh liệt, Người khẳng định: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”2. Nhìn lại thời điểm Người viết Di chúc (1965 - 1969), đó là lúc cuộc chiến cam go, ác liệt, đế quốc Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam, tiếp sức cho chế độ ngụy quyền; đồng thời, gây ra chiến tranh phá hoại miền Bắc tàn bạo đến mức hủy diệt; chính trường quốc tế và các nước, kể cả các nước xã hội chủ nghĩa anh em đang diễn biến phức tạp với những bất đồng ngày một nghiêm trọng,… mới thấy hết sự bình tĩnh, dũng cảm, mưu lược, đầy bản lĩnh và dự cảm sáng suốt của Hồ Chí Minh. Ở bản viết ngày 10/5/1969, Người khẳng định còn mạnh mẽ hơn: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”3. Có thể ví như giữa sóng to gió lớn, bàn tay chèo lái của người thuyền trưởng quan trọng biết chừng nào tới cả phong trào, sự nghiệp. Người gieo niềm tin vào lòng dân, trao gửi vào dân sức mạnh vô giá để chiến đấu và chiến thắng.
Thứ hai, Di chúc khẳng định tầm vóc của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam và cống hiến lịch sử của dân tộc ta đối với sự nghiệp cách mạng thế giới. Tầm vóc lớn lao ấy đồng thời cũng là vinh dự lớn của nước ta, là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc. Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã đưa Việt Nam đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong chống đế quốc, thực dân, lại một lần nữa minh chứng cho niềm tin và sự khẳng định chiến thắng của Người trong Di chúc. Đánh bại cả chủ nghĩa thực dân cũ (Pháp) lẫn chủ nghĩa thực dân mới (Mỹ) làm thức tỉnh các dân tộc trên thế giới trong cuộc đấu tranh cho hòa bình và công lý, cho chân lý và đạo lý lớn nhất của cả loài người: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam trong thế kỷ XX in đậm dấu ấn thiên tài tư tưởng và tổ chức của Hồ Chí Minh và Đảng ta.
Thứ ba, Di chúc tập trung và làm nổi bật những điều hệ trọng cần thực hiện sau ngày cách mạng toàn thắng. Đó là những trù tính chiến lược về đường lối, chủ trương, chính sách mà Người căn dặn Đảng và Nhân dân ta khi cách mạng chuyển sang một thời kỳ mới. Trong Di chúc, Người đặc biệt nhấn mạnh: “Trước hết nói về Đảng” từ Trung ương đến các chi bộ phải “giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí như giữ gìn con ngươi của mắt mình”4. “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”5. Chỉ trong một đoạn ngắn nói về Đảng, Người bốn lần nhắc đến chữ “thật”, đó là lời dạy thiêng liêng, mãi còn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự. Người còn dặn, trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố phát triển sự đoàn kết, thống nhất; mỗi đảng viên, đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Người tin tưởng rằng, “làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi”6. Đảng ta đang ra sức thực hiện lời dạy của Người, coi xây dựng Đảng là then chốt, bởi Đảng và sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi.
Về vấn đề con người, trong Di chúc, Hồ Chí Minh quan tâm tới mọi đối tượng con người, mọi cảnh đời và số phận, dường như không sót một ai, từ em nhỏ đến người lớn, từ đồng bào nông dân đã bao đời khổ cực mà vẫn một lòng son sắt theo Đảng và cách mạng cho đến thanh niên, phụ nữ. Người căn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”7. Đặc biệt, Người có ý miễn thuế nông nghiệp một năm cho bà con nông dân ngay sau ngày thắng lợi, để bà con hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất. Đó là an dân để quốc thái bền vững.
Chăm lo dân sinh là sự chăm lo đặc biệt của Người, không chỉ vì thương dân và nêu cao trách nhiệm với dân mà còn là lòng nhân ái, đức khoan dung, vị tha thấm đậm chất nhân văn của Hồ Chí Minh. Người không chỉ phấn đấu cho độc lập tự do mà còn chăm lo hạnh phúc cho dân từ những điều cụ thể, bình dị nhất. Người từng nói: “Thiên thời, địa lợi là quan trọng nhưng nhân hòa là quan trọng nhất”.
Thứ tư, Di chúc còn đề cập tới phong trào cộng sản và công nhân quốc tế với nỗi đau lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự bất hòa giữa các đảng anh em. Đây là trách nhiệm cao cả, hết lòng tận tụy của Người đối với quốc tế cũng như đối với dân tộc. Người căn dặn: “Về phong trào cộng sản thế giới - Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em! Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”8. Lời tâm sự bộc bạch và nỗi đau nhân tình thế sự của Người làm xúc động muôn triệu tấm lòng. Lại thêm một lý do nữa để hiểu về Bác: Người cộng sản đích thực, nhà nhân văn chủ nghĩa hiện đại.
Thứ năm, đạo đức cao cả toát lên từ lời Bác dặn “Về việc riêng”. Một đời tiết kiệm để lo cho dân, vì dân, để nêu gương, nay nói về việc riêng - việc tang lễ cho mình, Người yêu cầu đừng có điếu phúng linh đình, lãng phí ngày giờ, tiền bạc của nhân dân. Người muốn nằm trong lòng đất mẹ. Đau đáu với miền Nam, Người căn dặn: “Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam”9. “Trên mộ, nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”10. Giản dị và thanh cao, dấn thân để hóa thân - đó là Hồ Chí Minh, “con người của mọi người”, “trái tim của muôn triệu trái tim”. Trong lòng nhân dân và nhân loại, Người là bất tử, vĩnh hằng. Đó là năm giá trị to lớn chủ yếu của Di chúc và còn bao nhiêu giá trị, ý nghĩa khác, lấp lánh như ánh sáng bởi “Đời Hồ Chí Minh trong như ánh sáng” đúng như nhận định của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Những giá trị to lớn ấy, tự nó đã bao hàm cả tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn nữa, còn rạng ngời phong cách đặc sắc của nhà tư tưởng Mácxít hiện đại, mang cốt cách hiền triết Á Đông và đậm đà bản sắc Việt Nam. Nhà thơ Chế Lan Viên từng nói: “Người ra đi từ con sông Lam của quê hương, con sông Hồng của Tổ quốc, trải qua bốn bể năm châu, thâu thái mọi trí thức Đông Tây, kim cổ để rồi trở về, nhìn lại con sông Lam của quê hương, con sông Hồng của Tổ quốc với tầm mắt đại dương”11. “Tầm mắt đại dương ấy chính là tầm nhìn vượt thời đại” trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về các vấn đề sau:
Một là, dự báo khoa học, vô cùng chính xác về chiến thắng của nhân dân ta, đánh bại hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.
Hai là, nhạy cảm sâu xa về sức mạnh của lòng yêu nước và truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Gắn liền điều đó với phẩm giá và tài năng sáng tạo, đức hy sinh và lòng dũng cảm của nhân dân ta, thấm thía và tin tưởng ở vai trò, sức mạnh của nhân dân. Tự hào bao nhiêu về sự lớn mạnh của phong trào cách mạng thì Người càng đau lòng bấy nhiêu về những bất hòa quốc tế. Trong linh cảm sâu xa của Người, đây sẽ là một hiểm họa mà cách mạng Việt Nam phải vượt qua.
Ba là, với Đảng cách mạng, người cách mạng, nhất là khi Đảng đã cầm quyền, đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là bảo đảm căn bản nhất cho thắng lợi, nên phải đặt đạo đức lên hàng đầu. Hồ Chí Minh là lãnh tụ hiếm hoi, sớm nhận ra chính trị không chỉ là quyền lực mà còn là đạo đức, như Người định nghĩa “Chính trị là đoàn kết và thanh khiết”, “Đảng là đạo đức, là văn minh”. Trong số các chính khách, lãnh tụ, dường như chỉ có Hồ Chí Minh đã nhận ra “tình huống đạo đức khi cầm quyền” và sớm cảnh báo nguy cơ tha hóa, thất bại, đổ vỡ nếu “sa vào chủ nghĩa cá nhân” - giặc nội xâm nguy hiểm nhất.
Bốn là, bày tỏ tâm nguyện, “điều mong muốn cuối cùng” mà làm hiển lộ hệ giá trị của chủ nghĩa xã hội, trở thành định nghĩa khoa học về chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Người đã nêu trong “điều mong muốn cuối cùng của mình” những giá trị căn bản nhất của hệ giá trị quốc gia mà Đảng ta đã đề cập gần đây trong Đại hội XIII.
Năm là, nếu đến Đại hội VI, năm 1986, Đảng ta mới khởi xướng đổi mới, thì hơn nửa thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về đổi mới trong Di chúc. Đó là cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì cũ kỹ, lạc hậu, lỗi thời, hư hỏng để xây dựng những cái mới mẻ, tiến bộ, tốt tươi. Đó là sự nghiệp của nhân dân, của toàn Đảng, toàn dân ta, làm cho đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Với tầm nhìn vượt thời đại đó, Di chúc của Hồ Chí Minh thực sự là một thiết kế lý luận; đồng thời, là chương trình hành động, chiến đấu và chiến thắng, Đổi mới - Sáng tạo và Phát triển để không ngừng chăm lo đời sống hạnh phúc cho nhân dân. Có thể nói nhiều tới phong cách Hồ Chí Minh: chân thành và khiêm tốn, giản dị mà sâu sắc, nhân ái và bao dung, truyền thống và hiện đại, hàm súc, cô đọng và vô cùng tinh tế. Nhưng trong Di chúc của Người, chỉ nhấn vào hai điểm đặc sắc đó là: bản lĩnh dùng cái tối thiểu (1.000 từ) để chuyển tải một cái tối đa như một đại tổng kết lý luận - thực tiễn cách mạng Việt Nam thời chống Mỹ và thắng Mỹ; “chữ” ít nhất để “nghĩa” nhiều nhất. Đó là hội tụ, kết tinh cả Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách của một vĩ nhân.