Nhiều thành tựu nhưng còn điều chưa như kỳ vọng

Có thể nói sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, từ việc cải cách chương trình học theo hướng cá thể hóa, phù hợp với năng lực người học, hướng tới xây dựng xã hội học tập và kỹ năng học tập suốt đời. Chúng ta đã có nhiều chính sách nhất quán để từng bước xác lập, nâng cao vị thế, năng lực của giáo viên, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá người học, phát triển giáo dục nghề nghiệp và đổi mới quản lý giáo dục. Trong những năm qua, có sự gia tăng ấn tượng ứng dụng công nghệ giáo dục, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ học máy vào trong quá trình đào tạo và quản lý các cơ sở đào tạo.

Tuy nhiên, cũng vẫn còn nhiều điều chưa đạt được như kỳ vọng. Ví dụ cơ chế tự chủ đại học rất hay, hành lang pháp lý đã có, nhưng thực tiễn triển khai rất khó khăn. Các cơ sở giáo dục vẫn cảm thấy chưa được tự chủ về học thuật, tổ chức nhân sự và tài chính. Đầu tư cho giáo dục được xác định là đầu tư cho phát triển. Luật Giáo dục cũng quy định đầu tư cho giáo dục 20% nhưng chưa bao giờ chúng ta đạt được tỷ lệ này trên thực tế. Những người làm công tác giáo dục cũng chưa nhận thức hết xu thế đổi mới. Hoạt động kiểm tra, đánh giá được xem là khâu đột phá đánh dấu sự thành công của đổi mới giáo dục, nhưng vẫn chưa thể đo được sự phát triển năng lực, phẩm chất cần cho người học thành công trong thế giới tương lai như tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, cam kết cống hiến hay trách nhiệm tận tâm, mà vẫn chỉ thiên về đánh giá truyền thống bằng các đề kiểm tra kiến thức sách vở. Thực tế đang tồn tại quá nhiều phương thức tuyển sinh, bao gồm cả các hình thức xét tuyển sớm đang gây căng thẳng và thiếu công bằng cho thí sinh.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

Năm học 2024-2025, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương thức thi, kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thực chất ở các cấp học. Việc bàn giao chất lượng giáo dục cuối năm học cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm túc, kiên quyết không để học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, yêu cầu cần đạt mà lên lớp. Việc khen thưởng học sinh yêu cầu thực chất, đúng quy định; tránh tùy tiện, máy móc, khen tràn lan gây bức xúc cho cha mẹ học sinh và dư luận xã hội. Bên cạnh đó, công tác tăng cường triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ, trong đó có việc tăng giờ dạy Tiếng Anh với người nước ngoài rất được chú trọng, nhất là đối với các trường trọng điểm, các trường có điều kiện triển khai trên địa bàn huyện.

UBND huyện cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” ban hành theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với kế hoạch, đề án của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT và UBND huyện. Chúng tôi xác định, việc chuyển đổi số trong giáo dục là vấn đề rất quan trọng nên yêu cầu thực hiện báo cáo, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT (MOET) và trên phần mềm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đúng tiến độ quy định. Chúng tôi phấn đấu năm học 2024-2025 có 100% cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường mạng; 100% trường mầm non, tiểu học, THCS thực hiện sổ liên lạc điện tử và đồng bộ cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT với Hệ thống quản lý trường học (VnEdu); có 100% trường tiểu học, THCS thực hiện học bạ điện tử; 100% trường mầm non, tiểu học, THCS thực hiện không dùng tiền mặt. Những vấn đề này trong thực tiễn sẽ có những vướng mắc nảy sinh, nhưng địa phương sẽ cùng với nhà trường vượt qua và hoàn thành tốt.

Nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học nơi biên giới

Trường Tiểu học Hướng Phùng đứng chân trên địa bàn xã biên giới Hướng Phùng, là một trong 5 xã đặc biệt khó khăn ở phía Bắc huyện Hướng Hóa. Toàn trường có 5 điểm trường, gồm 4 điểm trường lẻ và 1 điểm trường trung tâm. Để chuẩn bị tốt cho năm học mới 2024-2025, Ban giám hiệu nhà trường đã cử cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do cấp trên tổ chức; tổ chức tập huấn cấp trường cho 100% cán bộ, giáo viên các nội dung về phương pháp, ứng dụng dạy học mới, công tác quản lý hồ sơ...; đồng thời huy động các nguồn lực củng cố, xây mới các phòng học, trang trí, sơn sửa lớp học, bàn ghế, mua sắm đồ dùng dạy học, vệ sinh khuôn viên trường. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Bên cạnh đó, thầy, cô giáo nhà trường tích cực kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm tặng sách giáo khoa, đồ dùng học tập, quần áo... cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để động viên các em yên tâm học tập.

Bước vào năm học 2024-2025, nhà trường đối mặt với nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dạy học, trong đó có vấn đề phòng học ở các điểm trường lẻ vẫn còn thiếu, trang thiết bị bên trong các phòng học bộ môn chưa được đầu tư, một số phòng học chưa đồng bộ; nhân lực, đội ngũ giáo viên còn thiếu, nhất là giáo viên Tiếng Anh. Với tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”, mong muốn chung của Ban giám hiệu, thầy, cô giáo nhà trường là tiếp tục nhận được sự quan tâm của ngành giáo dục các cấp, chính quyền địa phương trong ưu tiên tăng cường, bổ sung nhân sự giáo viên theo kịp nhu cầu hiện tại của nhà trường; đầu tư kinh phí mua sắm các trang thiết bị, xây mới phòng học ở các điểm trường lẻ để đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy cô, học sinh trước thềm năm học mới.

Cần lắm cha mẹ động viên con

Là phụ huynh có con thi vào lớp 10 tại một quận đông dân của TP Hà Nội, tôi cũng như nhiều phụ huynh khác thấy rất thương các con vì tỷ lệ “chọi” để vào trường công rất cao, nếu như không học ngày, học đêm thì khó lòng đạt được. Quả thực, đây là một kỳ thi áp lực, được đánh giá khó hơn cả kỳ thi vào đại học, vì vậy, có bạn đỗ, bạn trượt là điều đương nhiên. Thế nhưng, có một số phụ huynh vì con thiếu điểm nguyện vọng 1, thậm chí trượt hết trường công, đã tỏ thái độ rất thất vọng, nói lỡ lời khiến con bị tổn thương. Có con chia sẻ, từ khi biết điểm, thầy, cô giáo và bạn bè động viên, mong em học tốt ở nguyện vọng 2, nhưng ở nhà thì bố mẹ chưa thấu hiểu. Rất nhiều câu chuyện như vậy ở Hà Nội, có em đã trầm cảm, có em sau đó phải vào viện điều trị về thần kinh và đến hiện nay, sau mấy năm vẫn có lúc bị ảnh hưởng. Kỳ thi vào lớp 10 chỉ là một dấu mốc trong quá trình học tập của các con, thi trượt không phải là dấu chấm hết. Thực tế, điểm số là một chuyện, thái độ và những gì học ở trường đời cũng rất quan trọng. Con cái rất cần bố mẹ động viên, định hướng để cán đích thành công trong mọi hoàn cảnh.