Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân"(1), phát huy mọi nguồn lực vốn có trong dân để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Và trong Di chúc, trước lúc đi xa, Người căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân"(2). Những chỉ dẫn của Người là định hướng quan trọng để phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

1- Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin và trách nhiệm của Người với Tổ quốc, với Nhân dân và với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế và văn hóa của Việt Nam từ nhiều khía cạnh. Đây là văn kiện không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, mà còn thể hiện tầm nhìn và mục tiêu chiến lược của Người về phát triển của đất nước, cung cấp định hướng chiến lược cho sự phát triển kinh tế và văn hóa, giúp xác định các ưu tiên và phương hướng cụ thể.

Đây là một biểu tượng của lòng trung thành và niềm tin vững chắc của Người vào lý tưởng cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta. Nó củng cố lòng yêu nước và động viên mọi người dân Việt Nam, từ trẻ đến già, tiếp tục nỗ lực và hy vọng trong sự phát triển kinh tế và văn hóa của đất nước.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thúc đẩy sự đoàn kết và hợp tác giữa các tầng lớp nhân dân Việt Nam, khuyến khích tinh thần đồng lòng và sự hiểu biết về mục tiêu và lợi ích chung trong sự phát triển kinh tế và văn hóa.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển truyền thống dân tộc, từ lịch sử đấu tranh giành độc lập đến xây dựng và bảo vệ nền kinh tế - văn hóa dân tộc, là một bài học lịch sử quý báu, giúp hình thành và tăng cường nhận thức về bản sắc và vai trò của dân tộc Việt Nam trong sự phát triển của thế giới.

Có thể nói, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn động viên và hướng dẫn cho sự phát triển kinh tế và văn hóa của Việt Nam trong tương lai, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, và sự phát triển bền vững của đất nước. Dự Lễ kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024) và trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tặng Công an Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17-8-2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm sáng tỏ những vấn đề cốt yếu về xây dựng Đảng, quan hệ giữa Đảng với Nhân dân và định hướng toàn diện cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước sau chiến tranh"(3).

Phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (năm 1954) (Ảnh: hochiminh.vn)

2- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cống hiến trọn đời cho độc lập dân tộc, tự do, ấm no và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, mà còn góp sức vào sự nghiệp giải phóng nhân loại bị áp bức, bất công trên toàn thế giới. Người để lại cho chúng ta một Di sản tinh thần vô giá, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, tư tưởng về phát triển kinh tế, làm cơ sở để chăm lo đời sống nhân dân vẫn giữ nguyên giá trị, soi đường cho cách mạng Việt Nam vững bước trên con đường Đổi mới.

Trong Di chúc, ở phần nói về Nhân dân lao động, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".

Trong các trước tác của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì"(4). Vì vậy, Đảng lo cho dân trước hết là nhu cầu thiết yếu, như ăn, mặc, ở sau đó đến nhu cầu tinh thần. Muốn vậy, phải có chủ trương, đường lối phát triển kinh tế phù hợp cho từng giai đoạn phát triển. Người nói: "Tất cả đường lối, phương châm, chính sách... của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của Nhân dân"(5). Phát triển sản xuất, cải thiện đời sống của nhân dân, đó là mục tiêu, đồng thời cũng là thước đo tính đúng đắn, ý nghĩa, giá trị của mỗi chính sách, biện pháp kinh tế của chúng ta.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong mỗi giai đoạn của cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm vận dụng, cụ thể tư tưởng của Người, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng và Nhà nước thực hiện nhiều chủ trương, chính sách chống "giặc đói", chống "giặc dốt", đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển văn hóa là để thực hiện một cách thiết thực việc chăm lo đời sống cho nhân dân.

Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã áp dụng nhiều đường lối và chính sách phát triển kinh tế nhằm vừa tăng cường sức mạnh quân sự và chính trị, vừa cải thiện đời sống của nhân dân.

Sau 15 năm triển khai đường lối xây dựng và phát triển kinh tế của Đại hội Đảng lần thứ III, cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế ở miền Bắc đã được tăng cường. Tổng giá trị tài sản cố định năm 1975 của các ngành sản xuất vật chất đã tăng gấp 5,1 lần so với năm 1960 (trong đó, công nghiệp gấp 4,8 lần; xây dựng gấp 16 lần; nông, lâm nghiệp gấp 7,2 lần; thương nghiệp gấp 6,5 lần; giao thông, bưu điện gấp 2,8 lần). Tổng sản phẩm xã hội năm 1975 gấp trên 2,3 lần so với năm 1960, thu nhập quốc dân gấp gần 1,9 lần. Năm 1975 quỹ tiêu dùng của nhân dân tính bình quân đầu người tăng 70,8% so với năm 1960. Thu nhập bình quân đầu người của gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp tăng 76,8%(6).

Sau ngày đất nước thống nhất, cả nước bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện một số đường lối và chính sách phát triển kinh tế nhằm tái thiết và phát triển đất nước. Trong giai đoạn này, Đảng chủ trương tập trung vào công cuộc tái thiết quốc gia sau chiến tranh, khắc phục hậu quả của chiến tranh và xây dựng lại kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, các khuyết tật của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp đã bộc lộ. Thêm vào đó, đất nước lại tiếp tục đương đầu với khó khăn, thử thách mới, như chiến tranh, xung đột tại biên giới Tây - Nam, biên giới phía Bắc, bị bao vây, cấm vận...

Trước vô vàn khó khăn, thử thách, trong khi chờ Nhà nước đổi mới cơ chế, chính sách, các địa phương và các xí nghiệp đã nỗ lực tìm hướng đi mới mang tính đột phá để vượt ra khỏi ách tắc của cơ chế cũ. Hướng đi mới đó nhằm giải quyết ách tắc do cơ chế cũ gây ra và đã tạo ra  kết quả tích cực trong phát triển kinh tế. Đây là cơ sở thực tiễn để Đảng Cộng sản Việt Nam hình thành quan điểm có tính chất đột phá tại Hội nghị Trung ương 6 khóa IV năm 1979 và sau đó là đổi mới, cải cách toàn diện về đường lối phát triển kinh tế tại Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 cùng hàng loạt biện pháp sau đó. Nội dung quan trọng của đường lối đổi mới kinh tế ở Việt Nam được Đại hội VI nhất trí thông qua và đưa vào Nghị quyết là: thực hành dân chủ hóa đời sống kinh tế; chuyển cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đinh hướng xã hội chủ nghĩa; thừa nhận nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần; chuyển quan hệ kinh tế đối ngoại theo hướng nền kinh tế mở, đa phương hóa quan hệ và đa dạng hóa hình thức. Đại hội VI cũng đã đề ra ba chương trình kinh tế lớn là: Chương trình sản xuất lương thực, thực phẩm; Chương trình sản xuất hàng tiêu dùng và Chương trình sản xuất hàng xuất khẩu.

Đường lối Đổi mới toàn diện đất nước, được khởi xướng từ năm 1986 tại Đại hội VI của Đảng, đã làm cho nền kinh tế được mở cửa với thế giới, đồng thời tạo điều kiện để từng bước cải cách cơ chế, chính sách về kinh tế. Quá trình này đã thúc đẩy sự đa dạng hóa kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã mở rộng quan hệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế, ký kết các hiệp định thương mại và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài và hợp tác kinh tế.

3- Thực hiện ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng luôn hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Những kết quả này được thể hiện đặc biệt rõ sau gần 40 năm đổi mới. Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD năm 2023, tăng gần 60 lần so với năm 1986. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giớiQuy mô nền kinh tế đạt khoảng 430 tỷ USD năm 2023, đứng thứ 35 thế giới, tăng hơn 95 lần so với năm 1986. Nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm(7).

Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển.

Phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - 2

Thi công đường dây 500 KV mạch 3 (Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh/nhiepanhdoisong.vn)

Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được kết quả tích cực; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân được chú trọng... Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Luôn gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Mỗi chính sách kinh tế đều hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc người có công, người có hoàn cảnh khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 2,93% so với hơn 58% năm 1993. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2023. Các thành tựu xây dựng con người của nước ta còn được thể hiện qua chỉ số phát triển con người (HDI) có xu hướng tăng đều và khá ổn định, cả về giá trị tuyệt đối cũng như thứ hạng. Năm 2022, chỉ số HDI của Việt Nam đạt mức 0,737, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển và quy mô GDP. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 được xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng(8) Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc.

Có thể nói, trong giai đoạn từ năm 1986 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự nỗ lực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ chỗ thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên bảo đảm đủ lương thực, không những thế còn đứng vào nhóm nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới; được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc đạt được nhiều Mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh coi trọng tăng trưởng kinh tế, Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh sự phát triển bền vững, bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, thực thi chính sách xã hội, chăm lo sự phát triển con người. Ở Việt Nam, hầu như không gia đình nào là không có sự hy sinh, mất mát trong chiến tranh. Thực hiện ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc xây dựng, thực hiện chính sách với người có công và thân nhân của người có công được Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm. Nhiều việc làm, như phong tặng danh hiệu Nhà nước "Mẹ Việt Nam anh hùng", xây dựng, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ, đẩy mạnh phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa"..., trong những năm qua là sự tri ân của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, cho sự trường tồn, phát triển của dân tộc.

Những kết quả cụ thể trên các lĩnh vực chính là minh chứng sống động, thuyết phục cho nhận định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"(9).

4- Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đưa đến cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thế giới đang đứng trước nhiều bất ổn khó lường. Xuất hiện các nguy cơ an ninh phi truyền thống và diễn biến ngày càng gay gắt. Gia tăng các xung đột, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn so với dự báo cũng tác động không nhỏ đến tình trạng nước biển dâng cao, ngập mặn, hạn hán, lũ lụt, sóng thần... đối với các quốc gia. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, xu thế chung là khoa học - công nghệ trên thế giới sẽ phát triển rất nhanh cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của các quốc gia. Các quốc gia đều điều chỉnh chiến lược phát triển, tăng cường liên kết, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, nhất là trong thương mại, đầu tư, nhân lực, khoa học - công nghệ, đặc biệt là phát triển công cụ sản xuất trong nền kinh tế số. Trong nước, mặc dù tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn, đầu tư khu vực tư nhân, sức mua phục hồi chậm, áp lực cạnh tranh trong nước và nước ngoài, kéo theo áp lực về tín dụng, nợ xấu... Chất lượng tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện, tốc độ tăng năng suất thấp, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, nhất là nhân lực chất lượng cao. Khoảng cách giàu nghèo gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế; văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệnh mức sống giữa vùng, miền, nhóm đối tượng còn lớn,...

Để thực hiện tốt ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, Đảng cần tiếp tục phát huy dân chủ trong toàn xã hội, xuất phát từ lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy trí tuệ của toàn dân trong việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII, từ thực tiễn 35 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đã đúc kết 5 bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó bài học thứ hai là: "Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm dân là gốc; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa"(10).

Trong bài viết với tiêu đề: "Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: "Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau"(11).

Phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - 3

Quân y biên phòng chăm sóc sức khỏe nhân dân (Ảnh: Phan Tất Lành/nhiepanhdoisong.vn)

Với tinh thần đó, trong thời gian tới tập trung thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, nâng cao nhận thức, cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân. Xác định chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân luôn là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm và phải thực hiện với quyết tâm cao. Hệ thống chính sách, pháp luật cần tiếp tục mở rộng hơn quyền hưởng và mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội, an sinh xã hội cho người dân. Dành nguồn lực thích đáng cho bảo đảm an sinh xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách, nhất là chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công, chính sách việc làm và bảo đảm thu nhập tối thiểu, chính sách giảm nghèo, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt...

Hai là, gắn thực hiện nội dung chăm lo đời sống nhân dân với việc tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Gắn chính sách xã hội với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực tăng trưởng kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội. Không ngừng đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề, điều kiện vật chất, tài chính làm bệ đỡ cho hệ thống an sinh xã hội.

Ba là, phát huy vai trò của nhân dân trong quá trình phát triển nền kinh tế. Nhân dân là chủ thể, là nhân tố quan trọng nhất của sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Cần tạo mọi điều kiện để người dân chủ động phát triển kinh tế từ nông thôn đến thành thị, thống nhất một lòng vì quốc gia thịnh vượng.

Bốn là, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ tài nguyên, môi trường; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, có hiệu quả và bền vững, gắn kết chặt chẽ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; có cơ chế, chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi, mang tính đột phá để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư có chất lượng, huy động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực; vận hành đồng bộ, hiệu quả các loại thị trường theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Năm là, đẩy mạnh việc đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Trong đó, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực kinh tế phải được thực hiện toàn diện, đồng bộ trên mọi lĩnh vực với sự chủ động, sáng tạo. Cần tiếp tục bám sát yêu cầu thực tiễn đặt ra, diễn biến tình hình thế giới và khu vực để có dự báo sát ở tầm chiến lược, từ đó có bước đi và hành động phù hợp./.

------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 187

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 622

(3) Xuân Kỳ: "55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng Công an nhân dân không ngừng lớn mạnh về mọi mặt", Báo Nhân Dân điện tử, ngày 17-8-2024, https://nhandan.vn/55-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-luc-luong-cong-an-nhan-dan-khong-ngung-lon-manh-ve-moi-mat-post825293.html

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 164

(6) Trần Hoàng Kim, Kinh tế Việt Nam: Chặng đường 1945 - 1995 và triển vọng đến năm 2020, Nxb. Thống kê, 1996, tr. 53

(7) Phạm Minh Chính: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", Báo Nhân Dân điện tử, https://special.nhandan.vn/dat-nuoc-ta-chua-bao-gio-co-duoc-co-do-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-nhu-ngay-nay/index.html

(8) Xem: Nguyễn Phú Trọng: "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng", Tạp chí Cộng sản, số 1.030, tháng 1-2024, tr. 11

(9) Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện trình bày, ngày 26-1-2021, https://daihoi13.dangcongsan.vn/tin-moi/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-4013

(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 27 - 28

(11) Đại tướng, GS, TS Tô Lâm: Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 4-8-2024, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/quyet-tam-xay-dung-dang-vung-manh-nuoc-viet-nam-giau-manh-dan-chu-cong-bang-van-minh

TS PHẠM VIỆT DŨNG

GIÁ TRỊ THỜI ĐẠI CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CÁCH MẠNG VIỆT NAM HIỆN NAY

 


Chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời, phát triển đã gần 175 năm với bao thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn mang trong lòng nó những giá trị bền vững không thể bác bỏ. Chính vì vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho chúng ta nhận thức và giải quyết những vấn đề thực tiễn của thế giới đương đại; xây dựng CNXH và thực hiện sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Để tăng cường xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị tư tưởng, hơn lúc nào hết, chúng ta phải mài sắc vũ khí tư tưởng lý luận, đấu tranh phản bác các quan điểm tư tưởng phản động sai trái, bảo vệ, kiên định vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng phát triển Việt Nam trong kỷ nguyên mới

 

Sáng 1-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 và Kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Tại đây Thủ tướng công bố Ngày 1-10 hằng năm là Ngày hội đổi mới sáng tạo quốc gia.

Sự kiện được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, đánh dấu hành trình chuyển đổi mạnh mẽ của NIC trong 5 năm qua, thể hiện “Khát vọng - Tiên phong - Bứt phá” và khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng tầm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng phát triển Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024.

Cùng dự sự kiện có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Bí thư các tỉnh, thành ủy; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, hiệp hội, nhà khoa học, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhất là lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như: Meta, Nvidia, Qualcomm, AMD, Intel, Qorvo, Samsung..., với tổng số khoảng 1.500 đại biểu dự trực tiếp và 10.000 đại biểu dự trực tuyến.

NIC - Trái tim của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Được thành lập ngày 2-10-2019, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên phát triển khoa học và công nghệ, NIC từng bước khẳng định vai trò đầu mối quốc gia về đổi mới sáng tạo, là đơn vị dẫn dắt kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh cho Việt Nam.

NIC đã xây dựng được chính sách trong đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hoàn thiện hạ tầng các cơ sở hoạt động; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho đổi mới sáng tạo; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam với đầy đủ các chủ thể tham gia; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực; tham gia phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng phát triển Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm đổi mới sáng tạo.

Ngoài tổ chức không gian làm việc, các hội thảo, tọa đàm, các sự kiện kết nối các doanh nghiệp start-up với các doanh nghiệp trong và ngoài nước…, NIC còn có chương trình đào tạo phối hợp với các đối tác lớn như: Google, Meta…, kết hợp với các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trên thế giới để gửi một nhóm các start-up ra nước ngoài và tham gia các chương trình ươm tạo, đào tạo ở nước ngoài như Bỉ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản…

Trong 5 năm, NIC đã hỗ trợ, ươm tạo hơn 1.000 start-up; hỗ trợ kết nối hơn 1.500 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tổ chức đào tạo thông qua 30 chương trình, dự án, hoạt động… NIC đã xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gồm 10 mạng lưới thành viên và gần 2.000 thành viên tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ; triển khai các hoạt động trong 9 lĩnh vực gồm: Công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ môi trường, đô thị thông minh, nhà máy thông minh, công nghệ y tế, hydrogen xanh, nội dung số và an ninh mạng.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, NIC tiếp tục tập trung tham gia xây dựng cơ chế, chính sách; phát triển hệ sinh thái và hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực; vận hành hiệu quả Cơ sở NIC Hà Nội và Cơ sở NIC tại khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng phát triển Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đổi mới sáng tạo được quy định rõ trong Luật Khoa học và Công nghệ, cũng như nhiều quy định pháp luật, cơ chế, chính sách khác.

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng cho biết, đến nay, Việt Nam đã có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia; Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44 và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 ở vị trí 71/193.

Phân tích bối cảnh tình hình thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã dẫn đến những biến đổi sâu sắc với những tác động, ảnh hướng lớn trên phạm vi toàn cầu và đối với từng quốc gia, khu vực.

Đổi mới sáng tạo ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng và thực sự trở thành một động lực không thể thiếu trong phát triển khoa học công nghệ nói riêng và chiến lược phát triển quốc gia nói chung, là chìa khóa cho phát triển nhanh và bền vững. Đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu khách quan không thể đảo ngược. Đối với Việt Nam, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới.

Thủ tướng chỉ rõ 3 quan điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo gồm: Đổi mới sáng tạo phải là lựa chọn chiến lược, yêu cầu khách quan, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; Đổi mới sáng tạo phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực chủ yếu, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước; Đổi mới sáng tạo phải dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám chấp nhận rủi ro, dám vượt lên chính mình, dám dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì tương lai tươi sáng của đất nước.

Nêu các nhiệm vụ, giải pháp chung về: Hoàn thiện thể chế; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút các nguồn đầu tư tài chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế…, với "Cơ chế chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh; hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả".

Yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chiến lược, cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với tinh thần tạo mọi thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân; chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp.

Ngày 1-10 hằng năm là Ngày hội Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới sáng tạo và các vấn đề liên quan; chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, bám sát yêu cầu thực tiễn phong phú của các hoạt động đổi mới sáng tạo để ứng phó phù hợp với những vấn đề mới phát sinh; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động và tổ chức triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo trong từng ngành, lĩnh vực một cách bài bản và có trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng phát triển Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung triển khai Đề án đào tạo nhân lực bán dẫn. Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, rà soát, có cơ chế, chính sách đột phá tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; khẩn trương xây dựng dự án Luật và trình Chính phủ ban hành Nghị định về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (hoàn thành trong năm 2024). Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhất là các chương trình đào tạo về các ngành trọng điểm như công nghệ trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và kỹ năng số…

Với quan điểm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; lưu ý những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương để có giải pháp phù hợp thúc đẩy đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là tiếp cận với nguồn lực tài chính, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao…

Đối với doanh nghiệp, người dân, Thủ tướng mong muốn tích cực tham gia một cách thiết thực, cụ thể các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng, vượt lên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng phát triển Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm đổi mới sáng tạo.

Với tinh thần “cùng lắng nghe, thấu hiểu”, “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển”, “cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào”, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương luôn trân trọng lắng nghe và cảm ơn những ý kiến đóng góp để rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan.

Cho rằng, các nhà khoa học có sứ mệnh vừa là người tạo nền tảng, người thực hiện, vừa là người tiên phong cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ…, Thủ tướng mong muốn và đề nghị các nhà khoa học nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm hiệu quả cao; đồng thời đề nghị các trường đại học, viện nghiên cứu tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, chế độ đãi ngộ cho các nhà khoa học.

Thủ tướng mong muốn các nước, tổ chức, đối tác quốc tế hoàn thiện thể chế, tài chính ưu đãi, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học quản trị và tổ chức thực hiện quá trình đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Điểm lại kết quả hoạt động sau 5 năm hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Thủ tướng đánh giá sự nỗ lực và những đóng góp quan trọng của Trung tâm và của Bộ Khoa học và Công nghệ, các cấp, ngành, địa phương và các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học thời gian qua, góp phần quan trọng nâng tầm vị thế và uy tín của Việt Nam về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực và quốc tế.

Lưu ý phương châm "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện có hiệu quả thiết thực, cụ thể" và phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm", thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo phát huy hơn nữa vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, khẩn trương sửa đổi Nghị định 94, bảo đảm ban hành trước ngày 10-10-2024; tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp tục mở rộng mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học về đổi mới sáng tạo, kết nối quốc tế.

Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám dấn thân, dám đổi mới sáng tạo”, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng thông điệp "Đổi mới, bứt phá, vượt qua chính mình; sáng tạo, vươn xa, bay cao trong bầu trời kỷ nguyên số, phát triển xanh của nhân loại" của Ngày hội Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là nơi hội tụ của nhân loại và lan tỏa lợi ích mạnh mẽ; là trái tim của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, là điểm tựa cho sự phát triển vượt bậc, bền vững và hội nhập toàn cầu của Việt Nam; góp phần nâng tầm Việt Nam thành một quốc gia khởi nguồn của đổi mới sáng tạo, có khả năng làm chủ công nghệ, vươn tầm khu vực và thế giới.

Nhân sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố Ngày 1-10 hằng năm là Ngày hội đổi mới sáng tạo quốc gia; yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục cần thiết về việc này và tổ chức thực hiện theo quy định.

Trước khi vào sự kiện chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại biểu đã tham quan các gian trưng bày sản phẩm công nghệ của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới; đặc biệt là các sản phẩm, giải pháp công nghệ của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đi đầu về đổi mới sáng tạo như Viettel, Sovico Group, CT Group, T&T Group, Thaco, FPT, MoMo…

Với hàng trăm sản phẩm, giải pháp công nghệ tiêu biểu được giới thiệu cho thấy sự trỗi dậy của các doanh nghiệp dân tộc nói riêng và của Việt Nam nói chung trên bản đồ công nghệ thế giới mà còn là một cam kết của doanh nghiệp đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cũng tại sự kiện, 5 giải pháp tiêu biểu xuất sắc nhất tham gia chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 do NIC và Tập đoàn Meta đồng tổ chức được Thủ tướng Chính phủ vinh danh, gồm 2 giải pháp trong lĩnh vực bán dẫn và 3 giải pháp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đến từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới và trong nước: Cadence, Nexus Photonics, CHOSEN, FPT, Viettel…

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Bằng khen tặng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển đổi mới sáng tạo nói chung và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nói riêng; chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm với các Tập đoàn công nghệ lớn Nvidia, Qualcom, Intel, Visemi... về phát triển trí tuệ nhân tạo, bán dẫn.

Tin, ảnh: TTXVN

TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC TRƯỚC SỰ CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH HIỆN NAY

 


           

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề văn hóa; Sinh thời Người đã căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24/11/1946, Người cũng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Điều đó cho thấy văn hóa chính là một mặt trận quan trọng, một nhân tố sống còn không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đảm bảo những giá trị tinh thần to lớn trong sự phát triển bền vững của đất nước, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người dân. Ngày nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời là mục tiêu của sự phát triển. “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là một định hướng quan trọng để đất nước ta hiện thực hóa những chủ trương, đường lối, mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững.

Phản bác luận điệu xuyên tạc về cuốn sách của Tổng Bí thư về chống tham nhũng, tiêu cực

 

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản và ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Tuy nhiên, sau khi cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xuất bản và được triển khai sâu rộng trên toàn quốc; trên các diễn đàn mạng xã hội và một số tờ báo điện tử của người Việt ở nước ngoài đã xuất hiện những luận điệu xuyên tạc về Tổng Bí thư và những nội dung mà cuốn sách đề cập. Các luận điệu ấy cho rằng việc Tổng Bí thư cho xuất bản sách mang tên mình chỉ là để đánh bóng tên tuổi chứ “in cho ai đọc”. Cũng các luận điệu xuyên tạc ấy cho rằng thể chế chính trị một đảng của Việt Nam là nguồn gốc sinh ra tham nhũng và rằng bản chất con người là tham mà Đảng Cộng sản Việt Nam chống tham nhũng nhưng chỉ thấy hô hào tu dưỡng đạo đức thì không thể chống được tham nhũng…

QUAN NIỆM DÂN TỘC BẢN ĐỊA KHÔNG TỒN TẠI Ở VIỆT NAM

 



 Thời gian gần đây, các phần tử có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan trong và ngoài nước đã lợi dụng bản “Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa” của Liên hợp quốc để vận động các quốc gia phương Tây, các tổ chức quốc tế công nhận ở Việt Nam có “dân tộc bản địa”. Đồng thời, kích động các dân tộc thiểu số, nhất là người Thượng ở Tây Nguyên đòi quyền tự quyết. Điển hình là trên trang Quyenduocbiet, BPSOS, viết: “Người Thượng là Dân Tộc Bản Địa và phải được công nhận như vậy”, cho rằng, người Thượng và người Hmong theo đạo Cơ đốc, người, người Chăm theo đạo Hồi và người Khmer Krom theo đạo Phật, người thiểu số, nhất là người Thượng ở Tây Nguyên Việt Nam là “người bản địa”. Vì vậy, BPSOS kêu gọi Liên hợp quốc yêu cầu Việt Nam công nhận điều này và không được phân biệt đối xử, bỏ rơi người bản địa. Đây thật sự là hành động nhằm gây mất ổn định chính trị - xã hội, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đi tới phá vỡ sự toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước của dân tộc ta.

NHẬN DIỆN THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG DỰ ÁN CAO TỐC BẮC NAM VÀ CƠN BÃO SỐ 3 CHỐNG PHÁ NƯỚC TA

 

Trước hết phải khẳng định rằng việc Trung ương nhất trí đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với tốc độ 350km/h là chủ trương đúng đắn và được xác định đây là nhiệm vụ chính trị, cần ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch; đồng thời tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.

PHẢN BÁC NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA VIỆT NAM`

 


 


 

Trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản, các thế lực thù địch đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chúng cho rằng đó là “con đường sai lầm, dẫn dân tộc Việt Nam đến đường cùng, ngõ cụt”; “Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, kiên định với “chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” là “lạc nhịp”, “lỗi thời”. Thủ đoạn của chúng là tạo dựng, xuyên tạc bản chất, nền tảng tư tưởng của Đảng, thông tin sai sự thật, “lập lờ đánh lận con đen” về tình hình đất nước, rồi tung lên các nền tảng mạng xã hội và một số website, tờ báo nước ngoài có tư tưởng chống phá Việt Nam.

YẾU TỐ CHÍNH TRỊ TINH THẦN LÀ NHÂN LÕI SỨC MẠNH CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM

 



Yếu tố chính trị, tinh thần là sản phẩm của truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, của tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, hình thành từ nhận thức sâu sắc về tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, được thể hiện ở sự giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân, khát vọng mong muốn sống trong hòa bình, độc lập, tự do, kiên quyết đấu tranh để giải phóng quê hương, đất nước, thể hiện rõ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; tinh thần quyết chiến quyết thắng, ... Đó là nội dung cốt lõi trong sức mạnh chính trị, tinh thần của quân và dân ta. Nó là chất keo dính kết các nhân tố cùng hội tụ để chuyển hóa lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp hơn hẳn đối phương để giành chiến thắng.

LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CON ĐƯỜNG ĐI LÊN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

 


 

 Ngay từ khi mới ra đời cho đến ngày nay, chủ nghĩa Mác – Lê nin nói chung, chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng đã bị các thế lực thù địch chống phá quyết liệt. Đặc biệt là sau khi mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, có không ít người cho rằng chủ nghĩa xã hội đã cáo chung, Đảng cộng sản đã hết vai trò lịch sử. Và rằng, Việt Nam kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, là đi vào vết xe đổ.

Nhiều hoạt động đặc sắc chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

 Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, đây là chuỗi hoạt động điểm nhấn do Ban quản lý phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ chức, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Trong đó, trưng bày “Ký ức Hà Nội - 70 năm” tái hiện không gian Hà Nội xưa trong khu phố cổ Hà Nội giai đoạn toàn quốc kháng chiến của quân và dân Hà Nội tới ngày tiếp quản Thủ đô (1947 - 1954).

Trưng bày sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 13/10 tại Không gian bích họa Phùng Hưng. Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các họa sĩ, nhà nghiên cứu thực hiện, phục vụ người dân và du khách trang trí, sắp đặt mô hình khu phố cổ xưa, các cổng chào, cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu và tổ chức triển lãm ảnh chủ đề “Quận Hoàn Kiếm - Những hình ảnh lịch sử”, giới thiệu các ảnh tư liệu của quận Hoàn Kiếm trong quá trình từ cách mạng tháng Tám - 1945 tới ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954.

Triển lãm trực tuyến chủ đề “Hỡi đồng bào Thủ đô!” diễn ra đến ngày 31/10. (Ảnh: BTC)

Tại Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm) diễn ra trưng bày chuyên đề và tour du lịch thực cảnh “Chuyện phố Hàng” từ ngày 4/10 đến 31/12. Trong đó, chuyên đề “Chuyện phố Hàng” do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với đạo diễn bối cảnh, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức sắp đặt, tái hiện không gian, nếp sống văn hóa của gia đình người Hà Nội xưa làm nghề Đông y vào giai đoạn những năm 30 thế kỷ trước. Tour du lịch thực cảnh với chủ đề “Chuyện phố Hàng” do Ban quản lý phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ xây dựng.

Chương trình lấy cảm hứng từ hình ảnh và những câu chuyện về Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, tái hiện đời sống sinh hoạt của một gia đình trung lưu người Hà Nội làm nghề thuốc Đông y. Thông qua thực cảnh, các nhân vật và các màn biểu diễn nghệ thuật hát, múa truyền thống, kết hợp với kỹ xảo âm thanh, ánh sáng và các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ sẽ đưa khán giả trở về với cuộc sống những năm 30 của thế kỷ trước…

Dịp này, tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống) có triển lãm ảnh “Hà Nội - Ngày tiếp quản năm 1954” và chiếu phim tư liệu “Ký ức Hà Nội” (từ ngày 9 đến 20/10).

Tại Biệt thự di sản 49 Trần Hưng Đạo, phường Hàng Bài có triển lãm ảnh “Hà Nội - Một thời để nhớ” (từ ngày 10 đến 31/10), giới thiệu 86 bức ảnh đen trắng lần đầu tiên được công bố của hai tác giả Lê Bích và Andy Soloman (phóng viên người Anh), giúp người xem cảm nhận rõ sự biến đổi của Hà Nội trong thời kỳ đổi mới.

Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm) có biểu diễn âm nhạc truyền thống của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc (tối 19/10)...

Trước đó, triển lãm trực tuyến chủ đề “Hỡi đồng bào Thủ đô!” và trưng bày các tư liệu tiêu biểu của triển lãm đã được khai mạc tại Nhà khách Chính phủ, số 2 Lê Thạch, phường Tràng Tiền. Triển lãm diễn ra đến ngày 31/10. Tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm có triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” diễn ra từ ngày 28/9 đến 29/10.

V.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

VTV phát sóng nhiều chương trình, bộ phim kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

 Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều sự kiện, chương trình trọng điểm trên các kênh sóng VTV như “Tuần phim tài liệu Hà Nội trên VTVgo”, chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Hà Nội - Bản hùng ca phố”, phim truyền hình “Hoa sữa về trong gió”...

 Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, đạo diễn Đỗ Thanh Hải phát biểu tại buổi họp báo.

Tại buổi họp báo giới thiệu về Chương trình diễn ra chiều ngày 30/9/2024, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết, với mong muốn gửi tới khán giả những câu chuyện, hình ảnh ý nghĩa về đất và người Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam đã có sự chuẩn bị và đầu tư công phu cho nhiều sự kiện, chương trình trọng điểm, phim truyền hình, phim tài liệu trên đa nền tảng của VTV.

Điểm nổi bật trong loạt chương trình kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là sự phong phú, đa dạng về thể loại. Trong đó Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội chuẩn bị "Tuần phim tài liệu Hà Nội trên VTVgo", giới thiệu 20 bộ phim tài liệu đặc sắc do Đài Truyền hình Việt Nam, Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương, hãng phim Sao Khuê - Hội Điện ảnh Hà Nội... trên nền tảng số quốc gia VTVgo.

Các chương trình giao lưu nghệ thuật được Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu dịp này mang tới các góc nhìn riêng, mong muốn kể chuyện về Hà Nội trong bề dày lịch sử với những cách thể hiện sáng tạo. Trong đó, chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt "Hà Nội - bản hùng ca phố" đưa khán giả quay trở về những dấu mốc lịch sử hào hùng. Chương trình "Bài ca Hà Nội" khắc họa khí chất người Hà Nội kiên cường, hào hoa; là thành phố của những di sản, miền đất linh thiêng; nơi kết nối của quá khứ - hiện tại - tương lai... Bộ phim "Đào, phở và piano" cũng được phát trên sóng VTV trong dịp này.

Các đại biểu bấm nút ra mắt "Tuần phim tài liệu Hà Nội trên VTVgo". 

Chương trình "Talk Việt Nam - bốn phương trời nhớ về Hà Nội" là chương trình đặc biệt với sự tham gia của nhiều người bạn nước ngoài có tình cảm đặc biệt đối với Hà Nội. Các vị khách sẽ chia sẻ những câu chuyện về tình yêu sâu sắc cũng như những đóng góp của họ trong nhiều năm qua để giúp cho Hà Nội đẹp hơn, sạch hơn, xứng đáng là nơi hội tụ tinh hoa của văn hóa và truyền thống Việt Nam.

Bộ phim "Hoa sữa về trong gió" là bộ phim truyền hình đậm chất Hà Thành ra mắt khán giả đúng vào những ngày thu Hà Nội. Phim được quay vào mùa thu Hà Nội khiến không gian phố phường, ngõ nhỏ, quán cà phê, ghế đá bên hồ... đều mang lại nhiều cảm xúc cho người nghệ sĩ khi hóa thân vào nhân vật. Bên cạnh đó, vẻ đẹp của Thủ đô còn được đan xen trong câu chuyện của mỗi gia đình, từng con người, làm nổi bật nét văn hóa của người Hà Nội.

Các chương trình, bộ phim sẽ góp phần khẳng định ý nghĩa quan trọng của sự kiện 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, thu hút sự mong đợi và quan tâm của công chúng. "Chuỗi chương trình lần này giúp khán giả nhìn lại chiều dày lịch sử, quá trình phát triển của thành phố Hà Nội và mong muốn Thủ đô đạt nhiều thành công hơn nữa, xứng danh "Thành phố vì hòa bình" đã được thế giới công nhận".

Với các sự kiện, chương trình trọng điểm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô trên VTV, Đài Truyền hình Việt Nam đã có kế hoạch tổng thể trên đa nền tảng; thử nghiệm mô hình tổ chức sự kiện gắn với trải nghiệm của khán giả về cách xem mới, tiếp cận nội dung sinh động; có tương tác chặt chẽ với các nhóm sản xuất. Qua đó, VTV mang tới những mảnh ghép độc đáo, nhiều màu sắc hòa quyện trong bức tranh tổng thể sống động về Thủ đô ngàn năm văn hiến./.


Phản bác luận điệu xuyên tạc về cuốn sách của cố Tổng Bí thư về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

 

Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản và ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 -19-5-2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (ngày 23-5-2021), đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐỐI VỚI BÁO CHÍ CÁCH MẠNG

 



Để chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch không từ bất kỳ âm mưu, thủ đoạn nào; trong đó, lợi dụng vấn đề tự do báo chí nhằm tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ là một thủ đoạn nguy hiểm, cần nhận diện và đấu tranh bác bỏ.