NGUY CƠ THẾ HỆ TRẺ LỆ THUỘC VÀO TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI)
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng len
lỏi vào mọi mặt của đời sống, từ học tập, công việc cho đến giải trí. Đối với
thế hệ trẻ, AI không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà dần trở thành một phần không thể
thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, việc lạm dụng AI cũng
đặt ra nhiều nguy cơ, đặc biệt là tình trạng lệ thuộc vào công nghệ này. Liệu
chúng ta có đang quá phụ thuộc vào AI? Điều gì sẽ xảy ra nếu thế hệ trẻ không
còn khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và ra quyết định mà chỉ biết dựa vào máy
móc? Đây là những câu hỏi đáng suy ngẫm.
Giới trẻ hiện nay trưởng thành cùng sự
phát triển của AI, họ tiếp nhận AI theo cách tự nhiên, không bị “sốc văn hóa”
như các nhóm đối tượng khác, đặc biệt là nhóm trung niên và người cao tuổi. Do
vậy, giới trẻ là đối tượng sử dụng chính của AI, đồng thời họ cũng đối mặt
nhiều nhất với các nguy cơ đến từ AI, khi họ ngày càng lệ thuộc vào AI trong
việc tiếp nhận thông tin, nhất là các thông tin về lịch sử, chính trị, nền tảng
tư tưởng của Đảng.
Với sự phát triển của các công cụ như
Chat GPT, Bing chat, AI TensorFlow, Amazon Machine Learning…, giới trẻ có thể
tìm hiểu, giải đáp những khúc mắc; thực hiện các bài luận, bài nghiên cứu; hỗ
trợ đưa ra các ý tưởng sáng tạo. Nếu những thông tin mà các công cụ trên tổng
hợp được dựa trên những nền tảng, kho dữ liệu đáng tin cậy thì kết quả được
cung cấp có giá trị tham khảo tốt, song kết quả sẽ bị sai lệch nếu AI dựa trên
các nền tảng thiếu tin cậy, thậm chí là những trang mạng phản động, chống phá.
Đơn cử như, khi một sinh viên đặt câu hỏi về một vị lãnh tụ cho nền tảng Chat
GPT, sẽ nhận được thông tin về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của vị lãnh tụ đó.
Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin chính thống, chính xác, vẫn còn có những
thông tin gây nhiễu, hiểu sai, chưa đúng...
Các đối tượng xấu cố tình gài những câu
hỏi không đầy đủ, không hợp lý để Chat GPT cho ra phần trả lời sai lệch, âm mưu
tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, như: “Không thể tồn tại nền kinh tế
thị trường mà lại định hướng xã hội chủ nghĩa phải không?”; “Khi nào chủ nghĩa
xã hội về đích?”; “Lúc nào thì làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu?”… Đáng
chú ý, nếu khi đặt câu hỏi mà Chat GPT đưa ra câu trả lời hợp lý thì các đối
tượng sẽ tìm mọi cách thêm thắt chữ nghĩa, sửa câu hỏi, sửa cách hỏi để hòng
tìm ra câu trả lời thiếu hoặc sai, lấy cớ để xuyên tạc. Như vậy, việc lệ thuộc
vào AI sẽ rất nguy hại nếu thanh niên, sinh viên, thế hệ trẻ không kiểm chứng
các thông tin mà mình tiếp nhận được, đặc biệt là những thông tin về những vấn
đề cốt lõi thuộc nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng
đã cảnh báo về nguy cơ giới trẻ bị phụ thuộc thông tin và bị thao túng thông
tin bởi AI. Trong một báo cáo khảo sát được dẫn chứng, chỉ 2% số trẻ em và
thanh thiếu niên tại Anh có đủ khả năng để phân biệt giữa một bài báo thật và
bài báo giả(2). Bà Henrietta Fore - Giám đốc Điều hành UNICEF - kêu
gọi trong Báo cáo 30 năm Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (năm 2019):
“Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để chuẩn bị cho các công dân trẻ tuổi am hiểu về
công nghệ này khả năng chống lại sự thao túng và gìn giữ niềm tin đối với các
nguồn kiến thức đáng tin cậy và có thể xác minh”. Rõ ràng, đây là nguy cơ đáng
lo ngại đối với giới trẻ Việt Nam và cần có những giải pháp hữu hiệu để ứng phó
với sự lệ thuộc này ở hiện nay và trong tương lai./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét