Hiện nay các thế lực thù địch, phản
động, cơ hội chính trị vẫn đang tiếp tục tìm cách lợi dụng tôn giáo để chống
phá cách mạng nước ta dưới nhiều hình thức khác nhau; tuyên truyền xuyên tạc
chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để lôi kéo, kích động tín đồ các
tôn giáo nhằm mục tiêu lật đổ chế độ ở Việt Nam từ bên trong, phá hoại thành
quả cách mạng của dân tộc ta.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem
tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền căn bản của con người, nhưng quyền đó phải
gắn chặt và đồng hành cùng với lợi ích của đất nước, của dân tộc Việt Nam. Chủ
tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đấu tranh cho độc lập dân tộc chính là đấu tranh cho
quyền độc lập, tự do của các tôn giáo, chính vì vậy, đấu tranh giành độc lập cho
nước nhà cũng là trách nhiệm của cá nhân và tổ chức tôn giáo. Theo Chủ tịch Hồ
Chí Minh, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân phải được tôn trọng và
bảo đảm dựa trên cơ sở tôn trọng đức tin tôn giáo của mỗi người, không ai được
xâm phạm, ép buộc, cản trở quyền đó. Dù thế giới quan khác nhau, niềm tin khác
nhau, song không vì thế mà đối đầu, nghi kị, ngược lại phải tôn trọng niềm tin
của mỗi người dân. Đấy chính là lý do mà ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ
ngày 03/9/1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tuyên bố “Tín
ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”.
Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, trong Nghị quyết số 25-NQ/2003/TW, ngày 12/3/2003, của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng “Về công tác tôn giáo” (Nghị quyết số 25), chỉ rõ “Tín ngưỡng,
tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng
dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn
giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính
sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn
giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn
giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật”. Điều 24
Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo;
Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo... Điều 14 Hiến
pháp năm 2013 khẳng định: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền
con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được
công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Tư tưởng tôn trọng quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn liền với việc chăm lo đời
sống vật chất và tinh thần của tín đồ tôn giáo. Người thường xuyên nhắc nhở cán
bộ, đảng viên và chính quyền phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho
đồng bào theo đạo, làm cho họ “sống tốt đời, đẹp đạo”. Tinh thần của Người đã
nâng cao sự nhận thức về đoàn kết dân tộc trong đồng bào theo tôn giáo khi đưa
mối quan hệ biện chứng giữa “Kính Chúa, Yêu Nước” và chuyển tải tinh thần đó
cho phù hợp với thời đại và niềm tin tôn giáo của tín đồ, chức sắc tôn giáo. Tư
tưởng của Người đã được các ngành, các cấp liên quan cụ thể hóa trong công tác
hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoạt động tôn giáo đúng chính sách, pháp luật, ủng
hộ tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo gắn bó đồng hành cùng dân tộc, đậm
chất nhân văn của các tôn giáo. Cụ thể Phật giáo xác định đường hướng hành đạo
“Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Công giáo “Sống phúc âm giữa lòng dân
tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”; Tin lành với đường hướng “Sống phúc âm,
phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc”; Cao đài với đường hướng “Nước
Vinh Đạo Sáng”...
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa
là cam kết chính trị của người đứng đầu nhà nước với người dân về quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo, vừa là quan điểm xuyên suốt mà Đảng ta đã bảo vệ và kế
thừa trong công tác tôn giáo. Tư tưởng trên luôn là định hướng cho cán bộ làm
công tác tôn giáo nhận thức đúng, khách quan về giá trị của tôn giáo, nhằm chấn
chỉnh nhận thức lệch lạc, tả khuynh của một bộ phận đối với tôn giáo và thực
hiện công tác tôn giáo. Từ đó góp phần đấu tranh, phản bác lại các quan điểm
sai trái, thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng tôn giáo chống phá
Đảng. Không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc sớm hiện thực hóa
khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
<NTN-KLL>
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét