Dư luận những ngày
qua bàn luận nhiều về việc đặt tên đơn vị hành chính khi thực hiện chủ trương
sáp nhập. Đây là việc chưa có quyết định chính thức, song lại dễ bị lợi dụng để
kích động tư tưởng bất mãn, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
1. Kết luận số
127-KL/TƯ ngày 28-2-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về “Triển khai nghiên cứu,
đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” đã nêu định hướng
về việc sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh. Thực hiện Kết luận, Thường vụ Đảng ủy
Chính phủ đã thống nhất trình cấp có thẩm quyền phương án sau khi sắp xếp giảm
khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Thông tin mới
nhất cho biết, Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính do Bộ Nội vụ xây dựng. Trong hồ sơ
liên quan, Bộ Nội vụ có dự thảo tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp
tỉnh theo các tiêu chí mới.
Theo đó, dự kiến
có 11/63 đơn vị hành chính cấp tỉnh là giữ nguyên, gồm: Thủ đô Hà Nội, thành phố
Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa,
Nghệ An, Hà Tĩnh; 52/63 đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc diện phải sắp xếp.
Việc đặt tên
cho đơn vị hành chính mới là việc phải làm và có ý nghĩa rất quan trọng. Các cơ
quan tham mưu về việc này như Bộ Nội vụ đều khẳng định, việc đặt tên đang được
nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố
truyền thống, lịch sử, văn hóa. Tên gọi của đơn vị hành chính mới cần dễ
nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ và phát huy được lợi thế so
sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.
Dư luận hiện
nay cũng hết sức ủng hộ quan điểm ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của
các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính mới
nhằm hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do
phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý cấp tỉnh...
Tuy nhiên, tất
cả vẫn chưa được quyết định chính thức. Việc đặt tên gì, tiêu chí ra sao sẽ được
thực hiện theo trình tự các bước bảo đảm nguyên tắc chặt chẽ, dân chủ, khách
quan, khoa học, đúng pháp luật... Và Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của
nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có thẩm quyền quyết định việc
này.
2. Mặc dù vậy,
những ngày qua, dư luận, nhất là mạng xã hội, đã xôn xao bàn tán về việc đặt
tên đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp. Đây là nhu cầu rất bình thường và
cũng cần thiết, là kênh thông tin giúp các cơ quan chức năng lắng nghe, tiếp
thu làm căn cứ phục vụ cho việc xây dựng Đề án sắp xếp chất lượng nhất.
Tuy nhiên, lợi
dụng tình cảm, sự quan tâm của người dân, các trang tin phản động, facebooker,
blogger chống phá, các đơn vị báo chí nước ngoài “không thân thiện” liên tục
đăng bài viết bàn về việc đặt tên với dụng ý xấu. Giọng điệu chính của họ là,
cho rằng việc lấy tên một tỉnh, hay một thành phố, làm tên chung sau khi sáp nhập
khiến người dân ở tỉnh kia mất quê, bị thôn tính, áp đặt..., hay việc sắp xếp,
đổi tên làm nháo nhào, xáo trộn...
Những bài viết
này nhằm gieo vào người đọc, người nghe cảm giác tổn thương, tư tưởng bất mãn;
sâu xa nhằm gây mất đoàn kết trong nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân
tộc; phủ nhận mục đích tốt đẹp của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà
nước ta.
Một số người
cũng a dua lên mạng xã hội bày tỏ ý kiến về vấn đề đặt tên đơn vị hành chính mới.
Bên cạnh những ý kiến mang tính khách quan, xây dựng; không ít ý kiến cho thấy
góc nhìn phiến diện, tư duy hẹp hòi, cá nhân, cục bộ; mặc dù, lập luận nghe có
vẻ rất thuận tai, nhưng vẫn không che đậy được ý đồ gieo rắc tâm lý bất an, tư
tưởng chống đối.
Thực tế này cảnh
báo chúng ta khi tiếp xúc với các thông tin trên mạng xã hội về vấn đề này phải
có sự phân biệt về nguồn gốc thông tin, tự đánh giá động cơ họ nêu ra là gì;
phân tích kỹ lưỡng từng thông tin, tỉnh táo nhận định để tránh bị thao túng tâm
lý, dẫn dắt theo chiều hướng tiêu cực. Với những trang tin, trang mạng xã hội
không đáng tin cậy, tốt nhất nên bỏ qua.
3. Chúng ta đều
biết rằng, trong dòng chảy lịch sử, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính là điều
tất yếu, một sự thay đổi để phù hợp với quy luật phát triển. Đó luôn là một quyết
định khó khăn, bởi chạm đến những giá trị thiêng liêng, những ký ức sâu đậm về
quê hương. Nhưng cũng chính trong sự thay đổi ấy, chúng ta cần nhìn nhận một
cách thấu đáo, để đón nhận những giá trị mới.
Việc không thể
giữ lại tất cả những cái tên cũ là một điều đương nhiên. Mỗi cái tên đều mang
trong mình một câu chuyện, một lịch sử của vùng đất. Nhưng khi hai, hay nhiều mảnh
ghép hợp lại thành một, việc chọn ra một cái tên chung là hết sức cần thiết.
Song, không thể
vì thế mà nói rằng người này mất quê, người kia còn quê. Quê hương không chỉ là
một cái tên, mà là nơi ta sinh ra và lớn lên, nơi có gia đình, bạn bè, những kỷ
niệm thân thương. Quê hương nằm trong tim mỗi người, không thể bị xóa nhòa bởi
bất kỳ sự thay đổi nào.
Và trên hết,
quê hương lớn nhất, thiêng liêng nhất của chúng ta là Tổ quốc Việt Nam. Dù
chúng ta đến từ đâu, mang tên gọi nào, chúng ta đều là con Lạc, cháu Hồng, con
dân của đất Việt, cùng chung một dòng máu, một lịch sử, một tương lai.
Những cái tên
tỉnh, thành một thời như: Hà Nam Ninh, Cao Bắc Lạng, Hà Sơn Bình, Hải Hưng, Hà
Bắc, Hoàng Liên Sơn, Long Xuyên, Nghĩa Bình, Bình Trị Thiên, Hậu Giang, Minh Hải,
Cửu Long, Chợ Lớn... ban đầu cũng là những cái tên mới, chắc hẳn cũng khiến người
vui, người chưa hài lòng. Nhưng sau đó, tất cả đều trở thành thân quen. Sau
này, khi điều chỉnh đơn vị hành chính, những cái tên ấy cũng thành ký ức, kỷ niệm;
thay vào đó là những cái tên hiện nay được cho là không thể thay thế. Tương tự,
chúng ta tin rằng, chỉ một thời gian sau khi các tỉnh, thành phố mới được thành
lập, những cái tên mới cũng sẽ nhanh chóng trở nên thân quen.
Ngày 1-8-2008,
thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh
Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) được hợp nhất vào
thành phố Hà Nội. Đến nay, sau gần 17 năm, thực tiễn đời sống đã khẳng định,
đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn, là "cuộc kiến tạo mang hưng khí thời
đại" mở ra không gian phát triển rộng lớn, tạo điều kiện vươn lên cho cả địa
bàn Hà Nội cũ và các địa phương nhập về.
Cái tên Hà Tây
không còn được dùng trong các văn bản hành chính, nhưng những nét văn hóa đặc sắc
xứ Đoài không những không mất đi, mà còn được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ.
Đặc biệt, đời
sống nhân dân thuộc vùng Hà Tây, huyện Mê Linh và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn cũ
đã bước sang một trang mới. Hình ảnh đô thị hóa, nông thôn mới với những con đường
rộng mở, những ngôi nhà khang trang và kết quả "không còn hộ nghèo"
là minh chứng cho tất cả.
Phát huy tiềm
năng có được từ không gian phát triển mới, Hà Nội ngày càng xứng đáng là trung
tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn
về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc
tế; thực sự là một cực tăng trưởng quốc gia có sức lan toả và thúc đẩy vùng đồng
bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Cho nên, điều
quan trọng nhất sau sáp nhập không phải là cái tên, mà là sự phát triển. Việc
sáp nhập không vì một địa phương, cá nhân nào, mà đây là chủ trương quan trọng
vì sự phát triển chung của đất nước.
Theo Tổng Bí
thư Tô Lâm, đây không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính,
mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế. Đồng thời, cần phải đánh giá lại
quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch và định hướng phát triển các tỉnh,
thành phố. Sáp nhập không phải chỉ là cho gọn lại để tiết kiệm được tiền chi
tiêu, đó là một phần thôi, nhưng động lực để cho phát triển, dư địa để cho phát
triển mới là quan trọng.
Hiện nay, việc
sắp xếp đơn vị hành chính gắn với tinh gọn bộ máy đang được Đảng, Nhà nước triển
khai một cách khẩn trương, quyết liệt, bài bản, khoa học, đúng với tinh thần
cách mạng, mà đích đến không gì khác là vì tương lai thịnh vượng của đất nước
và hạnh phúc của nhân dân.
Hãy nhìn về
phía trước, cùng nhau xây dựng quê hương mới, một Việt Nam hùng cường và thịnh
vượng. Hãy để những cái tên cũ trở thành một phần của ký ức và cùng nhau viết
nên những trang sử vàng trong kỷ nguyên mới cho quê hương, cho đất nước.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét