Thứ Năm, 3 tháng 4, 2025

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC NÂNG CAO BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ TRONG QUÂN ĐỘI

 

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng; mặt hoạt động cơ bản của công tác đảng, công tác chính trị, có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Quân đội góp phần xây dựng phẩm chất, nhân cách người quân nhân cách mạng; trang bị thế giới quan khoa học, phương pháp luận đúng đắn, niềm tin cộng sản; nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ; nêu cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, chiến sĩ; kịp thời định hướng tư tưởng cho bộ đội trước những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”; đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động. Xây dựng quân đội về chính trị làm cơ sở để xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt, là nguyên tắc cơ bản trong xây dựng quân đội cách mạng; yếu tố quyết định bảo đảm cho quân đội luôn là lực lượng chính trị tin cậy, công cụ bạo lực sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Để xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới cần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội nhân dân nhằm bảo đảm cho quân đội mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, thể hiện đầy đủ, sâu sắc tính nhân dân, tính dân tộc và tính quốc tế, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt, chấp hành nghiêm, kết hợp nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội theo Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội nhân dân Việt Nam; đổi mới và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng; kiên quyết đấu tranh phòng chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và cuộc vận động “phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Nâng cao hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị trong quá trình xây dựng và chiến đấu của quân đội; đặc biệt quan tâm xây dựng và phát huy nhân tố chính trị-tinh thần; chăm lo xây dựng các tổ chức, các lực lượng quân đội vững mạnh; thực hiện tốt công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội; kết hợp xây dựng quân đội về chính trị với xây dựng các yếu tố tạo thành chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị-xã hội và của nhân dân đối với xây dựng quân đội. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp trong tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nâng cao nhận thức, xác định việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là một trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quy chế giáo dục chính trị của Tổng cục Chính trị; kế hoạch, hướng dẫn của trên; nắm vững mục tiêu, yêu cầu công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kịp thời có chủ trương, biện pháp lãnh đạo phù hợp, bảo đảm đúng đối tượng, nội dung, thời gian, quân số học tập. Việc lãnh đạo, tổ chức giáo dục chính trị, tư tưởng phải được xác định trong nghị quyết lãnh đạo thường kỳ của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; kế hoạch công tác của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy; khắc phục triệt để biểu hiện “giao khoán” cho cơ quan chính trị, cán bộ chính trị. Nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất của cơ quan chức năng, cơ quan chính trị các cấp giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tại đơn vị. Tăng cường kiểm tra, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập của các đơn vị để giải quyết kịp thời, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Cơ quan chính trị cần nắm chắc tình hình mọi mặt, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy về nội dung, chương trình, thời gian, kế hoạch giáo dục chính trị, tư tưởng; giúp lãnh đạo, chỉ huy kiểm tra các đơn vị thực hiện quy chế, kế hoạch, nền nếp chế độ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Quân đội. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo của các đơn vị phải cụ thể, rõ ràng, khoa học; tăng cường kiểm tra, uốn nắn kịp thời những lệch lạc; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, đăng ký thống kê theo dõi, quản lý chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng của đơn vị. Hằng năm, lấy kết quả giáo dục chính trị là một nội dung để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có nhiều thành tích trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tại đơn vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét