CHỦ NGHĨA TƯ BẢN NGÀY NAY CÓ THAY ĐỔI VỀ BẢN CHẤT?
Chủ nghĩa
tư bản (CNTB) hiện đại đang trải qua những biến đổi sâu sắc trong bối cảnh toàn
cầu hóa, công nghệ cao và sự gia tăng ảnh hưởng của các tập đoàn kinh tế đa
quốc gia. Trong thời đại ngày nay, CNTB đã chuyển dịch từ lĩnh vực sản
xuất truyền thống sang lĩnh vực công nghệ và dịch vụ. Các tập đoàn công nghệ
không chỉ thống trị các ngành kinh tế mà còn sở hữu dữ liệu cá nhân và định
hình hành vi tiêu dùng, làm tăng sức mạnh vượt trội so với các tập đoàn truyền
thống. Với đặc điểm này, sự chi phối quyền lực chính trị của các tập đoàn công
nghệ bộc lộ ngày càng rõ. Các tỷ phú công nghệ không chỉ là doanh nhân mà còn
là các nhân vật chính trị có ảnh hưởng lớn. Thực tiễn hiện nay minh họa rõ ràng
cho sự hòa quyện giữa quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị, như Lênin đã mô
tả.
Nhiều tỷ
phú không chỉ nắm giữ quyền lực kinh tế mà còn có khả năng tác động mạnh mẽ đến
chính sách công và dư luận. Bằng cách tác động mạnh mẽ tới truyền thông, các tỷ
phú đang trở thành cầu nối giữa các tập đoàn và chính phủ, định hình cả chính
trị lẫn kinh tế.
Truyền
thông có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả các cuộc bầu cử ở các nước tư bản. Nó
đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh của các ứng cử viên. Bên
cạnh đó, truyền thông còn chi phối thông tin và định hướng dư luận. Các chiến
dịch tranh cử sử dụng truyền thông để quảng bá hình ảnh và chính sách của ứng
cử viên. Truyền thông cũng góp phần làm gia tăng sự phân hóa chính trị trong xã
hội. Việc một doanh nhân giàu có công khai ủng hộ một ứng viên trong cuộc bầu
cử tổng thống chẳng hạn và ngay sau đó tham gia trực tiếp vào chính quyền đã
đặt ra câu hỏi về sự công bằng trong hệ thống chính trị. Nó cho thấy một thực
tế rằng, quyền lực chính trị đang ngày càng trở thành đặc quyền của tầng lớp
giàu có, thay vì phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội.
Bản chất không thay đổi nhưng hình thức tinh vi hơn:
CNTB ngày nay tiếp tục thể hiện bản chất mà Lênin đã chỉ ra: Sự
tập trung tư bản, sự hòa quyện giữa kinh tế và chính trị; sự chi phối của các
tập đoàn lớn đối với xã hội. Tuy nhiên, các phương thức mà nó vận hành đã trở
nên tinh vi hơn nhờ công nghệ, dữ liệu lớn và toàn cầu hóa. Trong thời đại 4.0,
tư bản không chỉ là các tài sản vật chất mà bao gồm cả dữ liệu, thuật toán và
trí tuệ nhân tạo. Các tỷ phú công nghệ sở hữu hoặc kiểm soát các nền tảng
truyền thông xã hội, dẫn đến khả năng ảnh hưởng sâu rộng đến dư luận và chính
trị. Bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng khi các tập đoàn công nghệ đang
tích lũy tài sản vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập của toàn bộ phần còn lại
của xã hội.
CNTB ngày
nay là nấc thang phát triển cao hơn của CNTB độc quyền nhà nước, nó vẫn mang
đầy đủ bản chất lũng đoạn cả về kinh tế và chính trị của giai cấp tư sản./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét