Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

Quyết tâm giữ gìn, vun đắp và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

 

Chiều 17-7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp đồng chí Bounthong Chitmany, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào, Phó chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào đang thăm chính thức nước ta.

          Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng đồng chí Bounthong Chitmany dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào sang thăm chính thức Việt Nam và dự các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào.

          Chủ tịch nước chúc mừng những thành tựu quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đạt được thời gian qua; tin tưởng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng NDCM Lào, nhân dân Lào anh em sẽ vượt qua mọi thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 5 năm lần thứ IX, xây dựng thành công đất nước Lào độc lập, tự chủ, phồn vinh, có vị thế quốc tế ngày càng cao; nhấn mạnh mỗi thành công của Lào cũng là niềm vui, tự hào của Việt Nam.

Description: http://86.2.58.100:8081/IMAGE_STORE/ltplan/CQBTL/KHAC/637937500819125034-large-11chu%20tich%20nuoc%20tiep.jpg

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Bounthong Chitmany

 

          Đồng chí Bounthong Chitmany bày tỏ vinh dự và vui mừng cùng đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào sang thăm chính thức Việt Nam và dự các hoạt động kỷ niệm hai ngày lễ trọng đại trong quan hệ Lào-Việt Nam; trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và các lãnh đạo cấp cao của Lào tới Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Đồng chí Bounthong Chitmany chúc mừng những thành tựu toàn diện mà Việt Nam đạt được thời gian qua, đặc biệt là việc ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi KT-XH và tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, coi đó là nguồn cổ vũ, động viên và kinh nghiệm quý để Lào tham khảo, học tập; đồng thời bày tỏ tin tưởng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược do Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra.

          Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn hết sức coi trọng, quyết tâm gìn giữ và không ngừng vun đắp, phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào. Để mối quan hệ hợp tác đó ngày càng sâu sắc, hiệu quả, Chủ tịch nước đề nghị hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, triển khai nghiêm túc các thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai nước; nhấn mạnh hai bên cần phát huy tiềm năng, nội lực để hợp tác thương mại, đầu tư có những bước đột phá mới, trở thành trụ cột vững chắc cho quan hệ hai nước; không ngừng tăng cường kết nối hai nền kinh tế, cùng phối hợp tìm kiếm nguồn vốn quốc tế cho các dự án kết nối hạ tầng cơ sở kinh tế trọng yếu của Lào với biển Việt Nam nhằm tăng cường hội nhập, giao thương quốc tế, phát triển tự chủ, bền vững và phồn vinh.

          Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022” đối với công tác tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước, về truyền thống quan hệ đặc biệt “có một không hai”, gắn bó, thủy chung không thể tách rời giữa Việt Nam và Lào. Hai bên nhất trí tiếp tục nỗ lực nâng cao hiệu quả hợp tác giáo dục-đào tạo, y tế, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương, tăng cường tần suất các chuyến bay thương mại và khai thác hiệu quả các cửa khẩu biên giới giữa hai nước; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là hợp tác giữ vững đoàn kết và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế an ninh khu vực.

          Nhân dịp này, qua đồng chí Bounthong Chitmany, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng chuyển lời thăm hỏi thắm tình đồng chí, anh em tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào.

          Trước đó, chiều cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã hội đàm với đồng chí Bounthong Chitmany. Tại cuộc hội đàm, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và đồng chí Bounthong Chitmany nhấn mạnh ý nghĩa và giá trị của những thành tựu hợp tác quan trọng mà hai nước đã cùng nhau đạt được, nhất là trong giai đoạn 45 năm thực hiện Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào, coi đó là cơ sở quan trọng cho việc không ngừng củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác song phương toàn diện và hiệu quả. Thời gian qua, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hai bên đã nỗ lực duy trì trao đổi cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương, thương mại và đầu tư giữa hai nước giữ được đà phát triển khả quan, hai bên cũng phối hợp thúc đẩy triển khai và hoàn thành các dự án hợp tác quan trọng để chào mừng Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022.

          Trao đổi về định hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong thời gian tới, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao trên tất cả các kênh; tổ chức tốt những hoạt động ý nghĩa và thiết thực trong Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022; phối hợp triển khai nghiêm túc và hiệu quả các thỏa thuận cấp cao; tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng, an ninh, giao thông vận tải, giáo dục-đào tạo, giao lưu văn hóa-thể thao, hợp tác giữa các địa phương...; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư, tiếp tục quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; mở rộng kết nối hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, kinh tế số, thúc đẩy thương mại cửa khẩu...

          Hai bên cũng trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất trí tiếp tục phát huy truyền thống phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Công. Hai bên khẳng định tiếp tục nỗ lực cùng các nước thành viên không ngừng củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, giữ vững những nguyên tắc, giá trị, lập trường chung về các vấn đề liên quan trực tiếp đến hòa bình, an ninh khu vực; thống nhất quan điểm giải quyết các vấn đề trong khu vực và trên thế giới bằng những biện pháp hòa bình trên cơ sở thượng tôn luật pháp quốc tế.

          Nhận lời mời của Đảng, Nhà nước Lào, đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước ta do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dẫn đầu đã thăm Lào và dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962 / 5-9-2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (18-7-1977 / 18-7-2022) tại Lào.

          Chiều 17-7, tại thủ đô Vientiane, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh, Chủ tịch Quốc hội Xaysomphone Phomvihane đã lần lượt tiếp đoàn.

          Tại các cuộc tiếp, đồng chí Võ Văn Thưởng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Lào đã tiếp đoàn và trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến các đồng chí lãnh đạo cấp cao Lào. Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 60 năm và ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào cách đây 45 năm, là những sự kiện lịch sử, dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.

          Đồng chí Võ Văn Thưởng chúc mừng những thành tựu to lớn, toàn diện có ý nghĩa lịch sử mà Lào đã giành được sau hơn 35 năm đổi mới và những kết quả quan trọng sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm lần thứ IX và khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ toàn diện công cuộc đổi mới của Lào; bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào, sự điều hành của Chính phủ và giám sát của Quốc hội, nhân dân Lào sẽ tiếp tục giành được những thành tựu mới to lớn hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, xây dựng thành công đất nước Lào hòa bình, độc lập thống nhất, phồn vinh theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

          Đồng chí Võ Văn Thưởng bày tỏ vui mừng về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào không ngừng được phát triển trên các lĩnh vực trong thời gian qua, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển KT-XH và nâng cao vị thế quốc tế của mỗi nước và cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của Lào đối với Việt Nam từ trước đến nay. Đồng chí đề nghị hai bên chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Chính phủ, hai Quốc hội, tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, là nòng cốt định hướng trong quan hệ hai nước; tổ chức tốt các chuyến thăm của lãnh đạo hai Đảng, hai nước, các hoạt động trong năm đoàn kết hữu nghị; đi sâu trao đổi lý luận, thực tiễn và chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế; phối hợp chặt chẽ về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tiếp tục thúc đẩy và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để nâng cao hiệu quả hợp tác về kinh tế.

          Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Phankham Viphavanh, Chủ tịch Quốc hội Xaysomphone Phomvihane, nhiệt liệt chào mừng đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam do đồng chí Võ Văn Thưởng dẫn đầu sang thăm và tham dự các hoạt động kỷ niệm, thể hiện sinh động mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam; đồng thời đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hai bên tổ chức các sự kiện nhân Năm đoàn kết hữu nghị Lào-Việt Nam.

          Các đồng chí lãnh đạo cấp cao Lào bày tỏ vui mừng về mối quan hệ Lào-Việt Nam ngày càng phát triển sâu rộng trên các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân mỗi nước; nhấn mạnh truyền thống lâu đời, được tôi luyện qua khó khăn, thử thách, ý nghĩa sống còn, tầm quan trọng của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, là quy luật tồn tại và phát triển của mỗi nước. Những ý nghĩa và tính chất đặc biệt của quan hệ hai Đảng, hai nước cần được thấm nhuần trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và truyền lại cho các thế hệ trẻ ở hai nước.

          Các đồng chí lãnh đạo Lào đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương hai nước, trong đó tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu làm nền tảng định hướng trong quan hệ hợp tác, tổ chức tốt các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai bên và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý các cấp, đồng thời tăng cường trụ cột hợp tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác; đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai có hiệu quả các thỏa thuận cấp cao và tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động trong Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào.

          Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Lào trân trọng chuyển lời thăm hỏi thân thiết tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam.

          Cùng ngày, đồng chí Võ Văn Thưởng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Tượng đài Chủ tịch Kaysone Phomvihane; đến chào nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước Choummaly Sayasone và tham dự khai mạc triển lãm tài liệu, ảnh, hiện vật và sách về quan hệ Việt Nam-Lào.

          VTT: ST Theo nguồn qdnd.vn

Việt Nam khẳng định hòa bình ở eo biển Đài Loan rất quan trọng với thế giới

 Việt Nam kêu gọi các bên không làm gia tăng căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan, khẳng định hòa bình, ổn định ở đây là điều quan trọng với khu vực và thế giới.

Khi được đề nghị bình luận về tình hình eo biển Đài Loan trong cuộc họp báo ngày 11/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết "Việt Nam mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm gia tăng căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan".

Việt Nam nhận định "hòa bình, ổn định và hợp tác ở eo biển Đài Loan có vai trò quan trọng đối với khu vực và thế giới", bà Hằng nói.

Bà Hằng cũng khẳng định Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách "Một Trung Quốc". Chính sách này quy định chỉ có một Trung Quốc, và Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau hay Đài Loan đều thuộc Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: BNG.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

Tuyên bố được người phát ngôn Bộ Ngoại giao đưa ra trong bối cảnh căng thẳng eo biển Đài Loan leo thang sau chuyến thăm hòn đảo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 2-3/8.

Sau khi bà Pelosi kết thúc chuyến thăm, quân đội Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc diễn tập gần đảo Đài Loan, trong đó có loạt hoạt động bắn đạn thật tại 6 khu vực quanh hòn đảo ngày 4-7/8. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng hoạt động tập trận là "biện pháp phòng thủ chính đáng trước hành vi khiêu khích".

Quân đội Trung Quốc ngày 10/8 thông báo "hoàn thành nhiệm vụ" quanh đảo Đài Loan sau một tuần diễn tập, đồng thời khẳng định tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình ở eo biển cùng tên, thường xuyên tuần tra khu vực và sẽ tổ chức thêm các đợt diễn tập để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu trong tương lai.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan thông báo đã triển khai máy bay và chiến hạm để "phản ứng phù hợp" với các cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Giới chức Trung Quốc tuyên bố cách duy nhất để chấm dứt khủng hoảng trong quan hệ Mỹ - Trung do chuyến thăm của bà Pelosi gây ra là Mỹ phải lập tức "sửa chữa sai lầm". Trong khi đó, Mỹ khẳng định không có gì phải "sửa".

PHAO

Phương Tây nỗ lực nâng cao sức mạnh không quân Ukraine

Mỹ và đồng minh xem xét khả năng cung cấp tiêm kích và huấn luyện phi công cho Ukraine, nhằm giúp Kiev tăng năng lực bảo vệ không phận.

Nhà Trắng thông báo Lầu Năm Góc đang tìm cách cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, sau một tuyên bố của không quân Mỹ rằng họ đang xem xét huấn luyện phi công Ukraine để bảo vệ không phận bằng tiêm kích phương Tây. Các đồng minh của NATO cũng sẵn sàng cung cấp cho Ukraine các loại chiến đấu cơ được sản xuất thời Liên Xô.

"Trong giai đoạn đầu xung đột, Ukraine được cung cấp tên lửa phòng không vác vai, vốn được coi là lựa chọn an toàn với phương Tây", Ngoại trưởng Cộng hòa Czech Jan Lipavsky nói. "Nhưng giờ đây chúng ta đang nói về xe tăng, thiết giáp và chiến đấu cơ, khi hầu như tất cả rào cản đã được phá bỏ".

Giới phân tích cho rằng sức kháng cự kiên cường của Ukraine trong những tháng qua đã góp phần thay đổi lập trường của phương Tây về chủng loại vũ khí cung cấp cho nước này.

Trước khi Nga phát động chiến dịch hồi cuối tháng 2, quân đội Ukraine sử dụng chủ yếu các vũ khí và thiết bị quân sự do Liên Xô sản xuất. Sau đó, Mỹ và đồng minh bắt đầu cung cấp các loại vũ khí NATO cho Kiev, ban đầu là những khí tài cá nhân, nổi bật là tên lửa chống tăng Javellin và vũ khí phòng không vác vai Stinger.

Khi chiến sự kéo dài, phương Tây liên tục nâng cao tiêu chuẩn về khả năng sát thương của các loại vũ khí để đáp ứng nhu cầu của lực lượng Ukraine trên chiến trường.

Tiêm kích F-16 Mỹ tại căn cứ không quân Graf Ignatievo, Bulgaria tháng 7/2021. Ảnh: USAF.

Tiêm kích F-16 Mỹ tại căn cứ không quân Graf Ignatievo, Bulgaria tháng 7/2021. Ảnh: USAF.

Slovakia, một thành viên NATO, tháng này cho biết đang xem xét cung cấp 11 tiêm kích MiG-29 do Liên Xô sản xuất. Trong quá trình đó, Cộng hòa Czech và Ba Lan cam kết hỗ trợ Slovakia bảo vệ không phận, sẵn sàng sử dụng chiến đấu cơ của họ để đối phó bất kỳ sự cố nào.

Nếu Mỹ và đồng minh chuyển giao cho Ukraine các loại tiêm kích chuẩn NATO như F-15 hay F-16, đây sẽ là một bước tiến lớn, giúp Ukraine không còn phải phụ thuộc vào các hệ thống do Nga sản xuất như trên tiêm kích MiG-29.

Nhiều nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi tăng cường hỗ trợ hệ thống phòng không, không quân cho Ukraine. Trong dự luật ủy quyền quốc phòng của Hạ viện, nghị sĩ Adam Kinzinger đã thêm một điều khoản sửa đổi nhằm phân bổ 100 triệu USD cho huấn luyện phi công Ukraine sử dụng máy bay Mỹ.

Tại Thượng viện, các nhà lập pháp ở cả hai đảng tháng này kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, xem xét cung cấp thêm máy bay chiến đấu tiên tiến và các khóa huấn luyện bay cho Ukraine.

"Nếu chúng ta không bắt đầu ngay bây giờ, những phi công giỏi nhất của Ukraine có thể sẽ thiệt mạng trên chiến trường", thượng nghị sĩ Dan Sullivan nói.

Các thành viên quốc hội Mỹ nói rằng quá trình huấn luyện chuyển loại sang tiêm kích do Mỹ sản xuất, dù với những phi công Ukraine giàu kinh nghiệm nhất, cũng sẽ mất nhiều tháng, đặc biệt là trong thời chiến. Họ cũng cảnh báo rằng nỗ lực cung cấp phụ tùng thay thế cho máy bay sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo họ, bước trung gian trong quá trình này là cung cấp thêm cho Ukraine các dòng tiêm kích kiểu Liên Xô mà phi công nước này vốn quen dùng. Sau thời gian đó, khi các phi công đã được huấn luyện đầy đủ, tiêm kích F-15 và F-16 do Mỹ sản xuất sẽ là lựa chọn tốt nhất cho không quân Ukraine.

Các chiến đấu cơ hiện đại hơn có thể giúp Ukraine tập kích sâu vào phía sau phòng tuyến Nga và yểm trợ hỏa lực trên không cho bộ binh, đặc biệt là ở vùng đồng bằng rộng lớn ở phía nam Kherson và Zaporizhzhia mà Kiev tuyên bố sẽ mở chiến dịch phản công để giành lại. Họ cũng có thể sử dụng những tiêm kích này để bảo vệ các cơ sở hạ tầng, thậm chí bắn hạ tên lửa hành trình tầm xa của Nga.

Nghị sĩ Mỹ Mike Quigley, người gần đây gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kiev, nói rằng các vũ khí được Ukraine quan tâm nhất hiện nay là hệ thống tên lửa tầm xa hơn, vì Kiev đang chuẩn bị cho đợt phản công ở miền nam.

Tuy nhiên, ông Quigley, thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho rằng đề xuất cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine một lần nữa nhận được nhiều quan tâm.

Hồi tháng 3, sau khi Ba Lan đề xuất chuyển MiG-29 cho Ukraine thông qua căn cứ không quân Mỹ ở Đức, Lầu Năm Góc đã từ chối đề nghị, khi lo ngại rằng nó có nguy cơ khiến tình hình leo thang. Cơ quan tình báo Mỹ khi đó đánh giá việc chuyển giao tiêm kích MiG-29 cho Ukraine có thể bị Moskva phản ứng dữ dội, dẫn tới xung đột quân sự trực tiếp với NATO.

Đánh giá tình báo khi đó chỉ áp dụng với những chiếc MiG-29 của Ba Lan. Các cơ quan tình báo Mỹ từ chối cho biết liệu họ có cập nhật những đánh giá này hay không.

Quân đội Ukraine sử dụng súng phòng không do Pháp cung cấp để tấn công máy bay Nga hôm 8/6. Ảnh: Reuters.

Quân đội Ukraine sử dụng pháo tự hành do Pháp cung cấp hôm 8/6.

Mối lo ngại lớn nhất của phương Tây trong những ngày đầu sau khi xung đột nổ ra là Nga sẽ giành chiến thắng nhanh chóng trước Ukraine. Do đó, họ nghĩ "tại sao chúng ta lại ném những chiếc máy bay tốt nhất vào chiến trường để chúng có nguy cơ bị phá hủy".

Nhưng kịch bản này giờ ít có khả năng xảy ra hơn.

PHAO

VÌ SAO NƯỚC ANH TÍCH CỰC VIỆN TRỢ UKRAINE

 

Việc Anh không ngừng nghỉ hỗ trợ Ukraine được cho là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm củng cố hình ảnh quốc tế và kết nối lại với châu Âu.

Sau khi từ chức hôm 7/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi điện cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trấn an lãnh đạo Ukraine rằng dù không có ông, London vẫn sẽ giúp đỡ hết mình cũng như tiếp tục cung cấp những vũ khí, khí tài hiện đại cho Kiev.

"Volodymyr, ngài là một anh hùng", ông Johnson nói qua điện thoại. "Ở đất nước chúng tôi, tất cả mọi người đều yêu quý ngài".

Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đi bộ trên đường phố Kiev ngày 9/4. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đi bộ trên đường phố Kiev ngày 9/4.

Trong những tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Anh đã trở thành một trong những đối tác quan trọng, ủng hộ nhiệt thành nhất của chính quyền Zelensky. Anh đến nay đã cung cấp 4,5 tỷ USD nhằm giúp Ukraine kháng cự trước Nga, trở thành nước viện trợ lớn thứ hai cho Kiev, chỉ sau Mỹ.

Theo một quan chức phương Tây giấu tên am hiểu vấn đề, Anh lần đầu tiên nhận thấy dấu hiệu Nga chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự lớn ở Ukraine từ tháng 4 năm ngoái, khi hình ảnh vệ tinh phát hiện quân đội Nga tập trung ở biên giới hai nước.

Một nhóm các quan chức Anh đã bắt đầu lên kế hoạch hỗ trợ Ukraine từ đó. Trong những tuần trước khi xung đột bùng phát, Anh bắt đầu cung cấp tên lửa chống tăng NLAW cho Ukraine. Dần dần, Anh tham gia hỗ trợ điều phối giao hàng cho Ukraine và giúp đỡ các nước khác trong khâu hậu cần.

Giới chuyên gia nhận định cuộc xung đột Ukraine đã giúp phương Tây thống nhất hơn bao giờ hết trên một mặt trận nhằm đối trọng với Nga. Nỗ lực sát cánh cùng các đối tác từ Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã góp phần không nhỏ mang lại hình ảnh mới cho Anh trên trường quốc tế.

"Đây là cơ hội tuyệt vời để Anh khẳng định tiếng nói của mình theo cách rất tích cực", Melanie Garson, giảng viên về giải quyết xung đột quốc tế và an ninh tại khoa Khoa học Chính trị, Đại học London, nhận định. "Anh đã tận dụng cơ hội để nâng cao vị thế, đồng thời đảm bảo rằng họ luôn là một phần trong các cuộc thảo luận quốc tế".

Hỗ trợ Ukraine, Anh đã "tái khẳng định được vai trò 'cường quốc' mà họ đã tìm kiếm kể từ khi Thế chiến II kết thúc", Tim J. Oliver, giảng viên về chính trị và chính sách công tại Đại học Manchester, đánh giá. "Điều này cho thấy Anh đang tự định vị mình là người quản lý trật tự quốc tế, một trong những nước lớn chịu trách nhiệm cho cả hệ thống toàn cầu".

Báo cáo chính sách đối ngoại của chính phủ Anh năm 2021 nêu rõ nước này tham vọng trở thành "quốc gia giúp giải quyết vấn đề và chia sẻ gánh nặng với tầm nhìn toàn cầu". Trong cuộc xung đột ở Ukraine, điều này đồng nghĩa với hợp tác cùng các quốc gia khác.

Ngay từ tháng 11/2021, tình báo của Anh đã cùng Mỹ phát đi cảnh báo về các đợt di chuyển bất thường của quân đội Nga gần biên giới Ukraine.

Ngày 21/2, ba ngày trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự, Mỹ và EU bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Moskva. Chỉ 24 giờ sau, Anh tham gia vào nỗ lực này. London luôn tuân thủ chặt chẽ các biện pháp trừng phạt kể từ đó.

Tăng cường hợp tác với các quốc gia khác trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine còn giúp làm gia tăng tiềm năng cho một mối quan hệ mới giữa Anh và EU, giới phân tích nhận định.

"Điều đó sẽ tạo cơ hội để Anh và EU xây dựng một cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn và một liên minh an ninh trong tương lai", Joel Reland, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Học thuật Anh, đánh giá.

Tuy nhiên, Reland cho rằng không có gì đảm bảo rằng thiện chí hiện có giữa các đồng minh phương Tây sẽ tồn tại lâu dài. "Bây giờ, tất cả mọi người đều có cùng quan điểm về đưa vũ khí tới Ukraine. Nhưng mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn trong vài năm nữa, đặc biệt khi tác động kinh tế từ cuộc xung đột bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn".

"Duy trì các thỏa thuận đa dạng hóa các nguồn năng lượng nhằm đoạn tuyệt dầu mỏ, khí đốt Nga có thể là một thách thức", Reland nhấn mạnh. "Câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể duy trì cách tiếp cận một cách đồng bộ trong khi vẫn bảo vệ được nền kinh tế của từng nước hay không?".

Những hoàn cảnh đặc biệt hiện nay đã tạo cơ hội cho một mối hợp tác nồng ấm hơn giữa Anh và EU, vốn trong điều kiện bình thường sẽ phải mất rất nhiều năm để xây dựng lại hậu Brexit.

PHAO

SỰ THẬT VỀ VIỆC TÊN LỬA SAM3 VỀ BIÊN GIỚI NĂM 1972, BỊ TRUNG QUỐC GIỮ LẠI VÀ GIÁO SƯ TRẦN ĐẠI NGHĨA "CẢI TIẾN" TÊN LỬA SAM2 ?

 

Cách đây 50 năm, Mỹ dùng “pháo đài bay” B-52 đánh vào Hà Nội nhằm gây áp lực ở hội nghị Paris, buộc ta phải nhượng bộ đàm phán về cuộc chiến ở Việt Nam. Cả thế giới nín thở hướng về Hà Nội. Kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm, 81 máy bay Mỹ bị bắn hạ (trong đó có 34 “pháo đài bay” B-52), buộc phía Mỹ tuyên bố chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam, tiến hành ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Có một sự kiện cho đến bây giờ nhiều người vẫn băn khoăn, đi tìm lời giải bởi chưa có một tài liệu chính thống và không chính thống nào đáng tin cậy về hai vấn đề trên cần được làm rõ:
1. Có đúng năm 1972 Liên Xô giúp ta tên lửa SAM3 chuyển qua biên giới Trung Quốc bị giữ lại ở cửa khẩu Bằng Tường ?
2. Giáo sư Trần Đại Nghĩa là người “cải tiến” tên lửa SAM2 để bắn rơi “pháo đài bay” B-52 ?
Trên trang facebook của anh Thành Hoàng Vĩnh có đăng bài của Đại tá Nguyễn Đình Hậu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 277 và Trung đoàm 276, người nhận nhiệm vụ sang Baku, thủ đô nước Cộng hòa Azerbaizan để chuyển loại tên lửa SAM3 theo kế hoạch viện trợ quân sự khẩn cấp của Liên Xô
Anh Hoàng Vĩnh Thành là con trai cố Giáo sư Hoàng Minh Giám (người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu vào Chính phủ lâm thời đầu tiên của nước VNDCCH ngày 3-9-1945) nên có thể coi đây là một tư liệu lịch sử tin cậy.
Được sự đồng ý của anh Hoàng Vĩnh Thành, xin trân trọng giới thiệu bài viết !
----------------
Tháng 6 năm 1972, giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ lên tới đỉnh cao, Trung đoàn 276 do đồng chí Phạm Sơn và Trung đoàn 277 do đồng chí Nguyễn Đình Hậu làm Trung đoàn trưởng được lệnh sang Baku, thủ đô nước Cộng hòa Azerbaizan để chuyển loại tên lửa SAM3 theo kế hoạch viện trợ quân sự khẩn cấp của Liên Xô.
Việc thành lập 2 trung đoàn ngày ấy được cấp trên ưu tiên tuyệt đối – cán bộ từ kỹ thuật viên các hệ đến cán bộ chỉ huy trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn đều là những người có kinh nghiệm chiến đấu được chọn lọc từ các đơn vị tên lửa SAM2, còn trắc thủ và pháo thủ cùng một số nhân viên kỹ thuật khác đều là những sinh viên có sức khỏe tốt, có khả năng tiếp thu tốt được tuyển chọn từ nhiều trường Đại học.
Điều kiện cơ bản này đã giúp 2 trung đoàn tiếp thu chiến, kỹ thuật của loại tên lửa mới rất nhanh.
Tên lửa SAM3 có nhiều ưu việt hơn SAM2 – ngoài khả năng chống nhiễu tốt, số trận đánh được nhiều hơn, nhịp độ trận đánh được nhanh hơn.
SAM3 có khả năng diệt các loại máy bay bay ở độ cao 18 Km và ở cự ly 27 Km, thừa sức diệt pháo đài bay B52 của Mỹ bởi chúng thường bay ở độ cao trên dưới 10 Km.
Tháng 10/1972, hai trung đoàn thực hành diễn tập bắn đạn thật ở trường bắn Ashluk – từ khâu hành quân chiếm lĩnh trận địa, chuẩn bị khí tài, đạn, bệ… và thực hành bắn mục tiêu đều do cán bộ, chiến sỹ ta thực hiện, các bạn Liên Xô chỉ làm nhiệm vụ theo rõi và kiểm tra. Kết quả là cả hai trung đoàn thực hành diễn tập bắn đạn thật, diệt 100% mục tiêu được bạn đánh giá cao.
Thành tích bước đầu này đưa đến cho cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 276 và 277 niềm tin tuyệt đối về khả năng diệt các loại máy bay Mỹ của loại tên lửa mới này. Tất cả đều hăm hở mong nhanh chóng được về nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là bắn rơi nhiều máy bay B52 – đối tượng tác chiến mà tên lửa SAM2 gặp khó khăn vì bị địch gây nhiễu nặng.
Việt Nam ơi! Ta chào người mẹ trẻ
Lại khai sinh thêm một anh hùng
Đứa con vừa chỉ đủ cánh đủ lông
Sẽ bay về trong cơn bão tố
Dập tắt hết những tàn lửa đỏ
Cho đất trời trở lại bình yên
Cho những dòng sông nước sẽ chảy êm đềm
Cho lòng mẹ thôi những đêm trăn trở.
Mấy câu thơ ngẫu hứng trên đây của Nguyễn Bá Thành phản ánh đầy đủ tâm trạng và khí thế của cán bộ, chiến sỹ trên lửa SAM3 ngày ấy. (Nguyễn Bá Thành là sinh viên Đại học nhập ngũ năm 1972 theo lệnh tổng động viên, được biên chế về trung đoàn 277 rồi sang Baku học tên lửa SAM3. Chiến tranh kết thúc, Bá Thành được về lại trường cũ tiếp tục đèn sách rồi trở thành một Phó Giáo sư, Tiến sỹ khoa học).
Do hoàn thành kế hoạch diễn tập, bắn đạn thật trước nên Trung đoàn 277 về nước sớm hơn Trung đoàn 276 mười ngày.
Tuy có muộn hơn – tối 18/12/1972 mới về nước nhưng Trung đoàn 276 vẫn có đủ thơi gian để triển khai chiến đấu.
Tiếc thay! 12 ngày đêm không lực Hoa Kỳ dùng máy by B52 đánh phá ác liệt vào thủ đô, trái tim cả nước, nhưng Trung đoàn 276 và 277 không đánh trả được vì không có đạn.
Thực tế thì khí tài, bệ phóng, đạn tên lửa SAM3 cùng các thiết bị khác được Liên Xô gửi sang đã về đất Trung Quốc, nằm tại ga Bằng Tường bên kia biên giới Việt – Trung nhưng do mưu đồ đen tối, Trung Quốc đã móc ngoặc với Mỹ nên họ đã cố tình giữ đạn lại, không cho đạn tên lửa về Việt Nam cùng khí tài và bệ phóng, mãi sang tháng 1/1973 họ mới cho ta nhận.
Một điều có thể khẳng định rằng: Nếu ngày ấy tên lửa SAM3 có đạn bắn thì với lực lượng khá mạnh – 12 đơn vị hỏa lực gồm 48 bệ phóng thì hai trung đoàn 276 và 277 đã cùng với các đơn vị tên lửa SAM2 bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B52 trong mấy ngày đầu buộc Không quân Đế quốc Mỹ phải sớm ngừng gây tội ác.
Đây là chuyện có thật và hoàn toàn chính xác, xin kể lại để chứng minh rằng ông bạn láng giềng nham hiểm đã hại ta như thế nào, đồng thời cũng là một minh chứng về bài viết “Thông điệp nhắn gửi các thế hệ mai sau”.
Sau chiến thắng vang dội tháng Chạp năm 1972, có người đưa tin “Đánh được B52 là nhờ có Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa nối thêm tầng cho đạn tên lửa SAM2”, cũng có người đưa tin “do có tên lửa SAM3 đánh”. Là nhân chứng lịch sử người thực, việc thực, chúng tôi xin khẳng định rằng hai việc trên đây là không có.
- Tên lửa SAM2 diệt được các loại máy bay bay ở độ cao 27 Km và ở cự ly xa 34 Km thì cần gì phải nối thêm tầng cho đạn!
- Tên lửa SAM3 thì như đã nêu trên – Có đạn đâu mà đánh!
Là những người đã trực tiếp chiến đấu ở các đơn vị tên lửa SAM2 chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn mỗi lần chiến đấu bị máy bay địch gây nhiễu nặng. Vậy mà trong 12 ngày đêm tháng 12/1972, tên lửa SAM2 của ta đã bắn rơi nhiều máy bay B52 của Mỹ làm nên một Điện Biên Phủ trên không là một chiến công kỳ diệu thể hiện đầy đủ bản lĩnh kiên cường và trí thông minh sáng tạo của bộ đội tên lửa Việt Nam.
Tháng 5 năm 2015
(Đại tá Nguyễn Đình Hậu, Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 277 và 276)
Nguồn : Sưu tầm

ĐẨY NHANH HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN


Sáng 3-8, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo lập đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng không nhân dân. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo, chủ trì hội nghị.


Dự hội nghị có Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó trưởng ban chỉ đạo; Trung tướng Vũ Văn Kha, quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Phó trưởng ban Thường trực ban chỉ đạo; đại biểu Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ; đại biểu một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. 


Hội nghị nhằm đánh giá quá trình tổ chức, triển khai quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và kế hoạch lập đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng không nhân dân của ban chỉ đạo; thảo luận, đưa ra những quan điểm chỉ đạo trong lập đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng không nhân dân và định hướng, phân công các cơ quan, đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ lập đề nghị xây dựng dự án luật trong thời gian tới, bảo đảm chất lượng, đúng quy trình và thời gian quy định.


Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về sự cần thiết ban hành luật; mục đích, quan điểm xây dựng luật; đối tượng phạm vi điều chỉnh của luật; tổ chức, xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân; huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, diễn tập phòng không nhân dân; quản lý Nhà nước đối với phòng không nhân dân; chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng không nhân dân…


Phát biểu kết luận hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương biểu dương cơ quan thường trực ban chỉ đạo, tổ nghiên cứu đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, nghiên cứu soạn thảo các văn bản lập đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng không nhân dân bảo đảm chặt chẽ, đúng tiến độ. Đồng thời cho rằng, việc xây dựng Luật Phòng không nhân dân phải quán triệt đúng chủ trương, quan điểm của Đảng; Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật; đồng thời hướng tới mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương và toàn dân trong quản lý, bảo vệ vùng trời Tổ quốc, xây dựng thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, toàn dân, toàn diện, nhiều tầng, nhiều hướng, không để bị động, bất ngờ, làm chủ trong mọi tình huống; góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng yêu cầu cơ quan thường trực ban chỉ đạo, tổ nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị để bổ sung, chỉnh lý hoàn chỉnh dự thảo các văn bản; tổ chức khảo sát đánh giá tác động của chính sách, những vấn đề hạn chế bất cập về thể chế và tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng không nhân dân ở đơn vị, địa phương, phục vụ công tác nghiên cứu soạn thảo các văn bản lập đề nghị xây dựng dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng ự án Luật Phòng không nhân dân.


Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, các cơ quan chuyên môn có nhiều kinh nghiệm xây dựng luật để xây dựng dự luật bảo đảm tính khả thi, đúng quy trình, trình tự quy định; tổ chức hội nghị, hội thảo ở nhiều nơi, nhiều cấp tranh thủ ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này; chủ động phối hợp để các bộ, ngành, địa phương có liên quan cho ý kiến tổng hợp, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hồ sơ đề nghị, báo cáo Bộ Quốc phòng gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ đúng thời gian quy định./. ST



Ở VIỆT NAM KHÔNG CÓ “TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM”


Những ngày qua, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục sử dụng chiêu bài đòi Việt Nam thả “tù nhân lương tâm” để chống phá cách mạng nước ta. Mới đây, ngày 9/8, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã vin vào cái chết của Đỗ Công Đương (đang thi hành án tại Trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An) để cáo buộc Việt Nam mở rộng chiến dịch đàn áp và nhằm vào các tổ chức xã hội dân sự. RSF kêu gọi chính quyền Việt Nam ngay lập tức trả tự do cho các “tù nhân lương tâm”. Trước đó, tháng 4/2021, chính tổ chức này đã xúi giục, kêu gọi thân nhân của một số “tù nhân lương tâm” ký vào bức thư với những nội dung bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo như: “Nhà tù không cung cấp chữa trị y tế khi người tù mắc bệnh nan y’’, “nhiều tù nhân lương tâm đã chết trong nhà tù chỉ vì bị hành hạ về thể xác và tinh thần”…
Chúng xuyên tạc tình hình tự do dân chủ, nhân quyền, phản đối việc cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với một số kẻ chống đối vi phạm pháp luật Việt Nam. Đồng thời, tổ chức này cũng ra tuyên bố cáo buộc Việt Nam vì muốn tiếp tục sự “độc quyền chính trị” mà chính quyền mở rộng chiến dịch đàn áp và nhằm vào các tổ chức xã hội dân sự thông qua việc bắt giữ một loạt người đứng đầu của các tổ chức này. Chúng còn lên tiếng tuyên bố “tiếp tục đấu tranh”, gây sức ép đòi Việt Nam phải trả tự do cho các đối tượng “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”…
Thật ra, nội dung trên không có gì mới, cái gọi là “tù nhân lương tâm” đã được các thế lực thù địch, bất mãn, cơ hội chính trị sử dụng từ nhiều năm nay trong hàng loạt thủ đoạn mà chúng dùng để chống phá Nhà nước Việt Nam.
Vậy thực chất của cái gọi là “tù nhân lương tâm” này là như thế nào? Trước hết, xin điểm qua một số bộ mặt được các thế lực thù địch gọi là “tù nhân lương tâm”, điển hình như: Cù Huy Hà Vũ, Trần Đình Lượng, Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư, Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức… Điểm chung của các đối tượng trên là đều có những hành vi vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam với mục đích chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mọi hành vi của chúng đều đã bị các cơ quan pháp luật Việt Nam xử lý đúng người, đúng tội, theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế. Chính nhiều kẻ được gọi là “tù nhân lương tâm”, khi đứng trước vành móng ngựa đã phải cúi đầu nhận tội, có kẻ còn xin lỗi Nhà nước và nhân dân Việt Nam, cam kết không tái phạm…
Nhưng nhìn chung, bản chất xấu xa, ngoan cố của chúng là không hề thay đổi: Cấn Thị Thêu, Trần Quốc Huy đã nhiều lần vi phạm và đã bị xử lý, nhưng vẫn cố tình vi phạm pháp luật. Cù Huy Hà Vũ, Trương Quốc Huy sau khi ra tù đã sang Mỹ vẫn tiếp tục chống phá Việt Nam.
Cần khẳng định rằng, ở Việt Nam không có “tù nhân lương tâm”, mà đó chỉ là những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam và bị pháp luật trừng trị mà thôi. Và đứng sau chúng là những kẻ lợi dụng cái gọi là “tù nhân lương tâm” để chống phá đất nước Việt Nam. Chúng ta cần kiên quyết, kiên trì, thẳng thắn vạch mặt và đấu tranh phòng, chống mọi âm mưu, thủ đoạn của cái gọi là “tù nhân lương tâm” cũng như những kẻ lợi dụng, sử dụng chúng để chống phá Việt Nam.
ST

MỖI ĐẢNG VIÊN TRONG QUÂN ĐỘI THỰC HIỆN TỐT 5 ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA PHẨM CHẤT "BỘ ĐỘI CỤ HỒ" LÀ LOẠI BỎ TƯ TƯỞNG TRUNG BÌNH CHỦ NGHĨA

 

Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 847-NQ/QUTW về phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, Nghị quyết đã chỉ ra 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Trong đó biểu hiện thứ 5 là “Ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, “thấy đúng không bảo vệ”, “thấy sai không đấu tranh”; tinh thần tự phê bình và phê bình thấp, lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ và mục đích không trong sáng; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức” đây chính là biểu hiện của “tư tưởng trung bình chủ nghĩa”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: Hạng hăng hái, hạng vừa vừa và hạng kém, hạng ở giữa nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn …”. Hạng người vừa vừa, hạng ở giữa chính là biểu hiện của tư tưởng trung bình chủ nghĩa. Hạng người này thường chiếm số đông trong tập thể, do đó, hình thức biểu hiện của nó rất đa dạng. Tư tưởng trung bình chủ nghĩa, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ có trong phân phối, mà biểu hiện cả trong chính trị, đạo đức, lối sống.
Sẽ có nhiều người lầm tưởng rằng những người có tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong một cơ quan, một tổ chức chỉ đơn giản là những người ít có đóng góp, và là người “vô hại”. Điều này hoàn toàn sai lầm. Thực tế đã chứng minh, tư tưởng trung bình chủ nghĩa chính là nguy cơ rất lớn gây ra sự trì trệ, suy thoái, tụt hậu của các tổ chức, đảng phái, tới cả quốc gia. Những người trung bình chủ nghĩa lúc nào cũng muốn an nhàn, không có động lực cống hiến, không có động cơ phấn đấu làm việc hết mình, chỉ làm cho xong chuyện. Họ không thích những người có tư duy đột phá, những đồng nghiệp xuất sắc, có tinh thần đấu tranh thẳng thắn, vì đó là những người có thể sẽ tạo ra những sự thay đổi tích cực. Chính vì thế, họ gièm pha, ngăn trở sự phát triển của những người này và cả của tổ chức.
Vì vậy, trong suốt quá trình đổi mới, Đảng ta luôn kiên trì phê phán tư tưởng trung bình chủ nghĩa. Việc xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xét về nguyên tắc, là xóa bỏ tư tưởng trung bình chủ nghĩa. Tuy vậy, tư tưởng này cho đến nay vẫn tồn tại khá phổ biến gây rất nhiều nguy cơ như đã phân tích ở trên; vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang núp dưới những vỏ bọc an toàn với “kim bài miễn tử” mang tên “im lặng”; “Nằm giữa hai chăn thì không bao giờ mất phần”, phương châm tưởng như “khôn ngoan” này của một bộ phận không nhỏ đảng viên hiện nay đang gây ảnh hưởng đến sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Để loại bỏ tư tưởng này trong sinh hoạt Đảng, chấn chỉnh, nâng cao phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội cần phải thực hiện tốt 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ":
Một là, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Kiên định lập trường Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, chấp nhận hy sinh, vượt qua khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, có đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, chân thành, lạc quan; nói đi đôi với làm, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân; không thỏa mãn với thành tích, không chùn bước trước khó khăn, hiểm nguy.
Ba là, tích cực huấn luyện, học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ mọi mặt và kiến thức chuyên môn; có phương pháp, tác phong công tác khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm cao; gương mẫu trong công tác, sinh hoạt; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Bốn là, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến góp ý với tinh thần cầu thị. Kỷ luật tự giác, nghiêm minh; gương mẫu chấp hành pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, chế độ, quy định của quân đội.
Năm là, chăm lo xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội như anh em ruột thịt; lắng nghe, tôn trọng, học hỏi, giúp đỡ, gắn bó máu thịt với nhân dân, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Có tinh thần đoàn kết quốc tế, mở rộng và tăng cường đối ngoại quốc phòng góp phần tích cực bảo vệ môi trường hòa bình khu vực và thế giới.
ST