Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

VÌ SAO NƯỚC ANH TÍCH CỰC VIỆN TRỢ UKRAINE

 

Việc Anh không ngừng nghỉ hỗ trợ Ukraine được cho là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm củng cố hình ảnh quốc tế và kết nối lại với châu Âu.

Sau khi từ chức hôm 7/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi điện cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trấn an lãnh đạo Ukraine rằng dù không có ông, London vẫn sẽ giúp đỡ hết mình cũng như tiếp tục cung cấp những vũ khí, khí tài hiện đại cho Kiev.

"Volodymyr, ngài là một anh hùng", ông Johnson nói qua điện thoại. "Ở đất nước chúng tôi, tất cả mọi người đều yêu quý ngài".

Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đi bộ trên đường phố Kiev ngày 9/4. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đi bộ trên đường phố Kiev ngày 9/4.

Trong những tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Anh đã trở thành một trong những đối tác quan trọng, ủng hộ nhiệt thành nhất của chính quyền Zelensky. Anh đến nay đã cung cấp 4,5 tỷ USD nhằm giúp Ukraine kháng cự trước Nga, trở thành nước viện trợ lớn thứ hai cho Kiev, chỉ sau Mỹ.

Theo một quan chức phương Tây giấu tên am hiểu vấn đề, Anh lần đầu tiên nhận thấy dấu hiệu Nga chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự lớn ở Ukraine từ tháng 4 năm ngoái, khi hình ảnh vệ tinh phát hiện quân đội Nga tập trung ở biên giới hai nước.

Một nhóm các quan chức Anh đã bắt đầu lên kế hoạch hỗ trợ Ukraine từ đó. Trong những tuần trước khi xung đột bùng phát, Anh bắt đầu cung cấp tên lửa chống tăng NLAW cho Ukraine. Dần dần, Anh tham gia hỗ trợ điều phối giao hàng cho Ukraine và giúp đỡ các nước khác trong khâu hậu cần.

Giới chuyên gia nhận định cuộc xung đột Ukraine đã giúp phương Tây thống nhất hơn bao giờ hết trên một mặt trận nhằm đối trọng với Nga. Nỗ lực sát cánh cùng các đối tác từ Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã góp phần không nhỏ mang lại hình ảnh mới cho Anh trên trường quốc tế.

"Đây là cơ hội tuyệt vời để Anh khẳng định tiếng nói của mình theo cách rất tích cực", Melanie Garson, giảng viên về giải quyết xung đột quốc tế và an ninh tại khoa Khoa học Chính trị, Đại học London, nhận định. "Anh đã tận dụng cơ hội để nâng cao vị thế, đồng thời đảm bảo rằng họ luôn là một phần trong các cuộc thảo luận quốc tế".

Hỗ trợ Ukraine, Anh đã "tái khẳng định được vai trò 'cường quốc' mà họ đã tìm kiếm kể từ khi Thế chiến II kết thúc", Tim J. Oliver, giảng viên về chính trị và chính sách công tại Đại học Manchester, đánh giá. "Điều này cho thấy Anh đang tự định vị mình là người quản lý trật tự quốc tế, một trong những nước lớn chịu trách nhiệm cho cả hệ thống toàn cầu".

Báo cáo chính sách đối ngoại của chính phủ Anh năm 2021 nêu rõ nước này tham vọng trở thành "quốc gia giúp giải quyết vấn đề và chia sẻ gánh nặng với tầm nhìn toàn cầu". Trong cuộc xung đột ở Ukraine, điều này đồng nghĩa với hợp tác cùng các quốc gia khác.

Ngay từ tháng 11/2021, tình báo của Anh đã cùng Mỹ phát đi cảnh báo về các đợt di chuyển bất thường của quân đội Nga gần biên giới Ukraine.

Ngày 21/2, ba ngày trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự, Mỹ và EU bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Moskva. Chỉ 24 giờ sau, Anh tham gia vào nỗ lực này. London luôn tuân thủ chặt chẽ các biện pháp trừng phạt kể từ đó.

Tăng cường hợp tác với các quốc gia khác trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine còn giúp làm gia tăng tiềm năng cho một mối quan hệ mới giữa Anh và EU, giới phân tích nhận định.

"Điều đó sẽ tạo cơ hội để Anh và EU xây dựng một cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn và một liên minh an ninh trong tương lai", Joel Reland, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Học thuật Anh, đánh giá.

Tuy nhiên, Reland cho rằng không có gì đảm bảo rằng thiện chí hiện có giữa các đồng minh phương Tây sẽ tồn tại lâu dài. "Bây giờ, tất cả mọi người đều có cùng quan điểm về đưa vũ khí tới Ukraine. Nhưng mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn trong vài năm nữa, đặc biệt khi tác động kinh tế từ cuộc xung đột bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn".

"Duy trì các thỏa thuận đa dạng hóa các nguồn năng lượng nhằm đoạn tuyệt dầu mỏ, khí đốt Nga có thể là một thách thức", Reland nhấn mạnh. "Câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể duy trì cách tiếp cận một cách đồng bộ trong khi vẫn bảo vệ được nền kinh tế của từng nước hay không?".

Những hoàn cảnh đặc biệt hiện nay đã tạo cơ hội cho một mối hợp tác nồng ấm hơn giữa Anh và EU, vốn trong điều kiện bình thường sẽ phải mất rất nhiều năm để xây dựng lại hậu Brexit.

PHAO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét