Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG: TÌNH TRẠNG "QUYỀN ANH, QUYỀN TÔI", "CUA CẬY CÀNG, CÁ CẬY VÂY" CHƯA ĐƯỢC CHẤN CHỈNH

 

Xin giới thiệu toàn văn phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 17/8/2022.
Thưa các đồng chí,
Sau một buổi làm việc tích cực, khẩn trương, rất tâm huyết, nghiêm túc và trách nhiệm, Ban Chỉ đạo đã hoàn thành toàn bộ nội dung Phiên họp theo chương trình đề ra. Hội nghị đã nghe đồng chí Phan Đình Trạc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo, trình bày Tờ trình tóm tắt các tài liệu Phiên họp; các đồng chí trong Ban Chỉ đạo đã có ý kiến phát biểu và hầu hết đều đánh giá cao, hoan nghênh Cơ quan Thường trực đã chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, chất lượng các tài liệu Phiên họp và gửi sớm cho các thành viên Ban Chỉ đạo để nghiên cứu trước.
Qua thảo luận, các đồng chí đều cơ bản thống nhất với nội dung các tài liệu do Cơ quan Thường trực trình; tập trung phân tích, đánh giá công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hoạt động của Ban Chỉ đạo từ đầu năm đến nay, đồng thời góp ý, bổ sung, làm rõ thêm một số vấn đề. Đề nghị giao Cơ quan Thường trực nghiên cứu, tiếp thu tối đa để tiếp tục hoàn thiện các văn bản.
Sau đây tôi xin có một số ý kiến có tính chất khái quát lại và nhấn mạnh, làm rõ thêm một số nội dung để kết thúc hội nghị.
I- Về kết quả đạt được từ đầu năm 2022 đến nay:
Như các đồng chí đã biết, từ sau Phiên họp thứ 21 (tháng 01/2022) của Ban Chỉ đạo đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và những tác động khó lường từ tình hình quốc tế và khu vực gây ra, nhưng các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, vừa tập trung cho các nhiệm vụ phục hồi kinh tế, phát triển văn hoá - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, vừa chú trọng chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm các kết luận phiên họp, cuộc họp và Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo.
Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời cho chủ trương xử lý đối với những vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Kết quả đó đã được thể hiện khá rõ trong Báo cáo và Tờ trình của phiên họp; có thể khái quát lại thành mấy điểm nổi bật sau:
Một là, Chúng ta đã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sơ kết, tổng kết và triển khai thực hiện nhiều chủ trương lớn về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
- Ban Chỉ đạo đã tham mưu đề xuất với Bộ Chính trị tổ chức rất thành công Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 5 khoá XI.
Có thể nói, đây là Hội nghị toàn quốc lớn nhất về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tổ chức từ trước đến nay (với hơn 80.000 đại biểu tham dự tại hơn 4.000 điểm cầu trong cả nước, nhiều địa phương kết nối đến cấp xã). Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh, và cho đến nay tất cả 63/63 tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo. Tôi xin nhấn mạnh lại là, việc tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã để lại dấu ấn tốt, đánh dấu chặng đường 10 năm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo động lực mới, khí thế mới, quyết tâm mới cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới. Đồng thời, việc quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh một lần nữa đã thể hiện quyết tâm cao của Trung ương trong việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương trong giai đoạn mới, theo tinh thần như tôi đã nói nhiều lần, là "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".
Hai là, đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng, Nhà nước về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có thể khẳng định rằng, thời gian qua chúng ta đã chỉ đạo triển khai khá toàn diện, đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cả trong Đảng và Nhà nước.
Từ nghiên cứu, ban hành mới đến rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định của Đảng và các quy định của pháp luật còn bất cập hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, để kịp thời bổ sung, điều chỉnh; từng bước hình thành khuôn khổ pháp lý vững chắc để "không thể tham nhũng, tiêu cực". Nhất là chúng ta đã từng bước gắn kết đồng bộ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực; nếu như trước đây, chúng ta mới chỉ có quy định, chế tài xử lý các hành vi tham nhũng, thì nay đã có cả quy định, chế tài xử lý các hành vi tiêu cực; nếu như trước đây, cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chức năng còn lúng túng trong nhận thức, triển khai công tác phòng, chống tiêu cực, thì hiện nay đã có quy định, hướng dẫn cụ thể giúp các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chức năng thống nhất nhận thức trong triển khai thực hiện.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã ban hành gần 30 văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt là, việc ban hành Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và Hướng dẫn số 25-HD/TW, ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực đã hình thành cơ chế đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ.
Ba là, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trong Báo cáo đã nêu rất cụ thể và các đồng chí vừa nghe đồng chí Phan Đình Trạc trình bày Tờ trình tóm tắt các tài liệu rất đầy đủ, chi tiết số liệu các vụ việc, tôi xin không nhắc lại, mà chỉ nhấn mạnh:
Có thể nói là chưa bao giờ chúng ta xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực như vừa qua, có đúng không? Nhất là việc xử lý khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ, dứt điểm giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với 02 trường hợp Uỷ viên Trung ương là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng trong vụ Việt Á gần đây đã thể hiện nhất quán quan điểm: "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai". Hay như việc xử lý kỷ luật đối với 03 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước do có sai phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, chính là bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực nhà nước; thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: Nếu qua thanh tra, kiểm toán không phát hiện sai phạm hoặc có phát hiện sai phạm mà không xử lý, hoặc xử lý không nghiêm, sau đó cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện ra sai phạm thì trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra, kiểm toán đó sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm. Đây là bước đột phá mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay chính trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá rất cao.
Bốn là, tiếp tục chỉ đạo khắc phục những khâu yếu, việc khó, tạo bước chuyển biến tích cực hơn trong công tác giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng
Nếu như trước đây, khâu yếu, việc khó được Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo xử lý là việc cho hưởng án treo không đúng quy định hay việc phối hợp công tác giữa các cơ quan chức năng chưa tốt, còn tình trạng "quyền anh, quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây", rồi tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", … thì đến nay các tồn tại, hạn chế đó đã được chấn chỉnh, khắc phục một bước và có nhiều chuyển biến tích cực; các việc khó, việc phức tạp đều được các cơ quan tư pháp bàn bạc để có sự đồng thuận, thống nhất cao trong xử lý các vụ án, vụ việc. Kết quả bước đầu cho thấy, con số thu hồi tài sản tham nhũng lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm; công tác giám định, định giá cũng có chuyển biến tích cực; tình trạng đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau giữa các cơ quan chức năng, chậm ban hành kết luận hoặc từ chối giám định, định giá tài sản không đúng quy định pháp luật đã giảm hẳn; chất lượng kết luận cũng được nâng lên.
Năm là, hoạt động của Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng được duy trì nền nếp, bài bản, hiệu quả (đây là yếu tố rất quan trọng góp phần vào các kết quả nổi bật nêu trên).
Ban Chỉ đạo đã sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ Thành viên Ban Chỉ đạo và ban hành Quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo; chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực triển khai và hoàn thành nhiều đề án, nhiệm vụ được giao theo kế hoạch; quan tâm chỉ đạo, đôn đốc tại địa bàn được phân công quản lý, phụ trách. Kết quả cụ thể của 8 đoàn kiểm tra chuyên đề của Ban Chỉ đạo như báo cáo của đồng chí Trạc trình bày càng khẳng định thêm nhận định trên. Đồng thời, chúng ta cũng phải ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí, truyền thông đã nỗ lực cố gắng, thường xuyên theo sát và kịp thời thông tin, phản ánh quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm, theo dõi, đồng tình, ủng hộ (theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm đã có hơn 5.000 tin, bài nói về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gần bằng số tin bài của cả năm 2021).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những hạn chế, như trong Báo cáo của Ban Chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 do Bộ Chính trị tổ chức ngày 30/6/2022 vừa qua đã chỉ rõ. Tôi đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương phải gương mẫu thực hiện và tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện, nghiêm túc khắc phục các tồn tại, khuyết điểm đã nêu ra.
II- Một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Thưa các đồng chí,
Chúng ta sắp kết thúc năm thứ hai của nhiệm kỳ XIII của Đảng, trong hoàn cảnh đất nước vừa trải qua những khó khăn, thách thức to lớn của đại dịch Covid-19; toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang tích cực thi đua, ra sức phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với tâm thế mới, khí thế mới, mạnh mẽ hơn, tự tin hơn. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả rất quan trọng, cho chúng ta thêm nhiều bài học quý, góp phần nâng cao uy tín của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mở rộng quan hệ đối ngoại.
Tuy nhiên, tình hình, bối cảnh quốc tế và khu vực đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn còn diễn biến phức tạp; tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, tự thoả mãn với những kết quả đã đạt được, cũng không được nóng vội, mà phải tiến hành kiên trì, thường xuyên, liên tục, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn, làm cho Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Qua thảo luận, các đồng chí đều cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp như Báo cáo và Tờ trình mà Cơ quan Thường trực đã nêu. Tôi đề nghị các đồng chí cần tập trung chỉ đạo hoàn thành các công việc theo đúng kế hoạch đã đề ra. Trong đó, cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1. Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng, Nhà nước về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khẩn trương hoàn thành, trình Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xây dựng pháp luật, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và trong hoạt động báo chí, truyền thông.
2. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2022 kết thúc điều tra 14 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 25 vụ án; xét xử phúc thẩm 5 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết 21 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nhất là: (1) Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, doanh nghiệp liên quan; vụ án "Thao túng thị trường Chứng khoán" xẩy ra tại Tập đoàn FLC và một số công ty liên quan; vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Công ty AIC. (2) Khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
3. Khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra chuyên đề của Ban Chỉ đạo về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ án, vụ việc.
4. Chỉ đạo tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, trong đó tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực.
5. Cần tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hoá liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, trước hết là sự gương mẫu, giữ gìn, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí không chỉ tuyên truyền, giáo dục, mà còn tích cực đấu tranh, góp phần răn đe, ngăn chặn những hành vi tham nhũng, tiêu cực.
6. Khẩn trương chuẩn bị và tích cực hướng dẫn, chỉ đạo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sớm kiện toàn tổ chức và xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy trình công tác, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra để nâng cao hiệu quả hoạt động; kiên quyết khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, đồng bộ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.
Cuối cùng, tôi xin chúc các đồng chí luôn luôn mạnh khoẻ; chúc công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta giành được nhiều thắng lợi mới!
ST
2

SỰ LÃNH ĐẠO SÁNG SUỐT CỦA ĐẢNG VÀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH LÀ NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH THẮNG LỢI CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM


Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến từ sự chuẩn bị lâu dài, chu đáo, kỹ lưỡng về lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng cũng như sự sáng tạo, tài tình trong việc tạo thời cơ, nắm vững thời cơ để khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chuẩn bị cho việc giành độc lập
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, xây dựng và rèn luyện. Kể từ đó, đúng như đánh giá của Người: “Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”. Sau 15 năm, trải qua các phong trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945, càng bị địch khủng bố, Đảng ta càng trưởng thành và phát triển. Đó là những cuộc tổng diễn tập, chuẩn bị tiền đề cho Đảng lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 28/1/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Sau một thời gian chuẩn bị, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó), từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941. Hội nghị khẳng định, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng là giải phóng dân tộc.
Tại hội nghị, Đảng quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) để thực hiện việc đại đoàn kết toàn dân tộc chống ngoại xâm và giành lại độc lập dân tộc. Bên cạnh đó, công tác xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng. Những trung đội Cứu quốc quân lần lượt ra đời: Trung đội Cứu quốc quân I được thành lập vào ngày 14/2/1941, Trung đội Cứu quốc quân II được thành lập vào ngày 19/5/1941, Trung đội Cứu quốc quân III ra đời vào ngày 5/2/1944.
Bên cạnh đó, cuối năm 1941, Đảng còn quyết định thành lập Đội tự vệ vũ trang Pác Bó để chuẩn bị cho xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và thúc đẩy cơ sở chính trị phát triển. Đảng cũng tổ chức các lớp tập huấn chính trị, quân sự, biên soạn các tài liệu về đánh du kích... Đặc biệt, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được Đảng thành lập vào ngày 22/12/1944.
Tiếp đó, Việt Nam Giải phóng quân cũng được Đảng thành lập vào ngày 15/5/1945 trên cơ sở thống nhất từ các đơn vị Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân cùng các tổ chức vũ trang cách mạng tập trung trên cả nước. Đây chính là lực lượng sẽ làm nhiệm vụ đấu tranh vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân. Chiều 16/8/1945, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, một đơn vị Việt Nam Giải phóng quân từ Tân Trào (Tuyên Quang) tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, mở màn cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trước đó, khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã đề ra một Cao trào kháng Nhật cứu nước để làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Cao trào ấy bao gồm từ hình thức bất hợp tác, bãi công, bãi thị cho đến những hình thức cao hơn như biểu tình thị uy vũ trang, du kích... Chỉ thị cũng nêu rõ nơi nào thấy so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng thì tiến hành khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận và sẵn sàng chuyển qua hình thức Tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện.
Lãnh đạo toàn dân “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”
Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Ngày 16/8/1945, Nghị quyết Quốc dân Đại hội nhấn mạnh: “Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xảy ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không có lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được nếu hoàn toàn độc lập”. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa (ngày 18/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đập tan sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân đế quốc và phong kiến. Nói về nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cách mạng Tháng Tám đã thành công vì có được ba điều kiện không thể thiếu được đối với bất cứ một cuộc cách mạng phản đế nào ở một nước thuộc địa; đó là sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, sự thành lập một mặt trận dân tộc phản đế rộng rãi, khởi nghĩa vũ trang” và “Đó là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, dân chủ của giai cấp công nhân, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến. Đó là thắng lợi của đường lối đoàn kết toàn dân, sử dụng bạo lực cách mạng để lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến. Đó là sự tài tình, sáng tạo của Đảng trong việc tạo thời cơ, nắm vững thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước”.
Ông Thomas Hodgkin, trong cuốn “Thế giới bàn về Việt Nam” đã đánh giá, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một sự kiện “quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga”. Tác giả đã viết rằng: “Đó là một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, một Đảng chỉ mới ra đời được 15 năm. Đó là cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền của chế độ thuộc địa... Như vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”.
#TNT_A6

PHÁT HUY BÀI HỌC KINH NGHIỆM XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC nhân ngày Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2022)

 

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, bài học về xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và nhân lên trong bối cảnh hiện nay.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của sự vận động cách mạng gian khổ trong suốt 15 năm, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; đồng thời, hội tụ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Song, một trong những yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi là Đảng đã thành công trong việc khơi dậy và phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc.
Trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám (1939-1945), trước nguy cơ tồn vong của dân tộc, Đảng khẳng định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Nhằm tập hợp đông đảo nhân dân, tranh thủ mọi lực lượng yêu nước chống thực dân, phát-xít, giành độc lập cho dân tộc, Trung ương Đảng quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuyên ngôn chủ trương “…liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn” . Tuyên ngôn và Chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh đã đáp ứng nguyện vọng thiết tha của toàn thể dân tộc nên đã tập hợp được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân: phú, sĩ, nông, công, thương, trí thức, phụ nữ, thanh niên, học sinh, sinh viên, thiếu niên, nhi đồng, các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước…
Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp ở Võng La (năm 1943) đề ra chủ trương liên minh với tất cả các đảng phái, các nhóm yêu nước ở trong và ngoài chưa gia nhập Mặt trận Việt Minh, đẩy mạnh công tác vận động công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, phụ nữ, tư sản, địa chủ yêu nước, các dân tộc thiểu số, Hoa kiều, lập ra Hội Văn hóa cứu quốc ở các thành phố nhằm đoàn kết các nhà trí thức và các nhà văn hóa.
Nhờ chủ trương đúng đắn đó mà Đảng đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc Việt Nam, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, dân tộc, tôn giáo nhất tề đứng lên đánh đuổi thực dân, phát-xít, giành độc lập dân tộc. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, là minh chứng sinh động về sức mạnh đồng thuận của nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh nhằm “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Phát huy bài học kinh nghiệm về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám, bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, với quyết tâm: “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và sự đồng lòng của toàn dân tộc, với tinh thần: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc” , toàn thể dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng lên đấu tranh giành lại nền độc lập, giải phóng dân tộc.
Trên cơ sở đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, với phương châm: vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng; vừa kháng chiến, vừa củng cố hậu phương và với phương thức tác chiến thích hợp, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của kẻ thù.
Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, trải qua hơn 3.000 ngày đêm chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ, nhưng vô cùng anh dũng và tự hào, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với niềm tin sắt đá “...dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn” , dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng lên đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Sự đồng lòng của cả dân tộc đã làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền nam, thu non sông về một mối, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc-kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ là minh chứng hùng hồn của sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Cội nguồn của thắng lợi đó là do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy sức mạnh và lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô cùng vĩ đại, bởi: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong” và “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công” .
Kế thừa và phát huy bài học kinh nghiệm về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong thời kỳ đổi mới, Đảng tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” .
Đường lối chiến lược quan trọng đó luôn được thực hiện, cụ thể hoá thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, phối hợp và thống nhất hành động của toàn dân nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh nội sinh của dân tộc; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; phát huy ý chí tự cường dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Các phong trào thi đua yêu nước được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội phát động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đầy tinh thần trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, trong hai năm 2020 và 2021, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, các cấp, các ngành, các địa phương đã huy động sức mạnh toàn dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, tương thân, tương ái, nhân văn, nghĩa tình của dân tộc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 cũng như trong việc giúp đỡ, ủng hộ đồng bào miền trung khắc phục, vượt qua nhiều mất mát, đau thương do hậu quả của những đợt bão, lũ lụt liên tiếp xảy ra.
Qua các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, rộng khắp ở mọi cấp, mọi ngành, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là những tấm gương của đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an và sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân cả nước trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 để “không một ai bị bỏ lại phía sau”, chính là biểu hiện sinh động của tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân trong bối cảnh mới.
Thực tiễn phong phú của những năm phòng, chống dịch Covid-19 là minh chứng sinh động khẳng định: Càng khó khăn, thử thách, truyền thống và tinh thần yêu nước, đoàn kết, gắn bó của mỗi người dân Việt Nam được hun đúc từ bao đời, càng được khơi dậy mạnh mẽ, tỏa sáng trên tinh thần: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết” .
Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện khát vọng xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cần quán triệt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; cụ thể hóa bài học kinh nghiệm: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Ngoài ra, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cần đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chú trọng phát huy dân chủ, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau trong các tầng lớp nhân dân, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng đất nước Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, sánh vai các quốc gia, dân tộc trên thế giới như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.
(Theo Báo Nhân Dân)
Có thể là hình ảnh về ‎đang đứng, tượng đài và ‎văn bản cho biết '‎اته 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9‎'‎‎
3

CHÂN LÝ “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO” TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH - GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ ĐỊNH HƯỚNG THỰC TIỄN XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC HÙNG CƯỜNG, PHỒN VINH, HẠNH PHÚC

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết, khái quát và khẳng định chân lý lịch sử “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” ở thời khắc quan trọng mang tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tư tưởng đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, như ước nguyện sinh thời của Người.
“KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO” - SỰ TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC CỦA DÂN TỘC, TRỞ THÀNH GIÁ TRỊ NỀN TẢNG XUYÊN SUỐT TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên khi cả dân tộc đang rên xiết dưới sự bóc lột, đàn áp của chế độ thực dân, phong kiến. Trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã chứng kiến nỗi đau của người dân mất nước, nỗi thống khổ bị xâm lược, bị đô hộ và bị bóc lột không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở rất nhiều dân tộc khác trên thế giới. Theo Người, dù là người da trắng, người da màu, dân tộc văn minh hay “dã man”, châu Á hay châu Phi... đều bị áp bức, bóc lột. Thực dân, đế quốc dù Pháp, Anh hay Mỹ... đều tàn bạo. Từ đó, Người hiểu rằng, độc lập, tự do luôn là khát khao cháy bỏng của mỗi một con người, của mỗi dân tộc bị áp bức. Khi trả lời câu hỏi của đồng chí Rô-dơ (Rose), Thư ký tại Đại hội Tua về việc tại sao lại bỏ phiếu tán thành Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản), nhà yêu nước và chiến sĩ cách mạng kiên cường Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này, đã nói: “Rất giản đơn. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác. Nhưng tôi hiểu rõ một điều Đệ tam Quốc tế rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Đệ tam Quốc tế nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ. Còn Đệ nhị Quốc tế không hề nhắc đến vận mạng các thuộc địa. Vì vậy tôi đã bỏ phiếu tán thành Đệ tam Quốc tế. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(1). Đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc, ấm no của đồng bào là tâm niệm, mục đích suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Người chỉ có “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do”(2). Vì vậy, theo Người, điều mà người dân cần nhất trên đời là “đồng bào được tự do, Tổ quốc được độc lập”.
Chủ nghĩa đế quốc thực hiện chính sách xâm lược, biến nhiều quốc gia châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ La-tinh thành thuộc địa; từ đó, tạo ra sự đối lập, sự bất bình đẳng lớn nhất trong lịch sử nhân loại giữa các dân tộc đi áp bức và các dân tộc bị áp bức. Các nước đế quốc tự cho mình là dân tộc “thượng đẳng”, là “mẫu quốc”, “đi khai hóa văn minh” cho các dân tộc “lạc hậu”. Tuy nhiên, trên thực tế, họ lại thực hiện chính sách cai trị, bóc lột dã man. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần tội ác của bọn thực dân, đế quốc đối với nhân dân thuộc địa. Về chính trị, chúng tước đoạt hết quyền tự do dân chủ, thực hiện luật pháp dã man, chia để trị, đàn áp khủng bố, thi hành chính sách ngu dân, đầu độc nhân dân thuộc địa bằng rượu cồn và thuốc phiện “để làm cho nòi giống ta suy nhược”(3). Nếu như vào năm 1428, Nguyễn Trãi trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo đã vạch rõ tội ác của quân Minh xâm lược nước ta: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”; thì hơn 500 năm sau, trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại khắc họa rõ nét hơn tội ác của kẻ thù: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”(4).
Về kinh tế, thực dân Pháp bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy, “khiến cho dân nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, rừng mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng”(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ chính sách sưu thuế vô nhân đạo của thực dân Pháp: “Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng”(6). Người đã lên án bản chất phản động của thực dân Pháp, phát-xít Nhật; tố cáo chủ nghĩa thực dân, đế quốc với tội ác vô cùng dã man đã vi phạm thô bạo quyền tự do, độc lập và bình đẳng của các quốc gia, dân tộc. Vì vậy, theo Người, đấu tranh giành độc lập dân tộc phải gắn liền với đấu tranh giành quyền tự do, dân chủ của nhân dân, không chỉ riêng đối với dân tộc Việt Nam mà còn đối với tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các dân tộc thuộc địa.
Chính vì thế, ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trong mở đầu Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 tuyên bố trước toàn thể quốc dân và thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ghi nhận một chân lý bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ về quyền con người được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc, đi đến khẳng định một chân lý mới của thời đại là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(7). Có độc lập, tự do, thì sẽ có tất cả. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ việc khẳng định yêu cầu của thời đại về nhân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái để đi đến khẳng định khát vọng cháy bỏng và vô cùng thiêng liêng của nhân dân Việt Nam, đó là độc lập cho dân tộc, tự do cho người dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định giá trị của độc lập, tự do mà nhân dân Việt Nam đã phải hy sinh biết bao xương máu mới giành lại được. “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”(
😎
. Người đã nêu cao quyết tâm chiến đấu bảo vệ và giữ vững quyền thiêng liêng đó của dân tộc: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(9). Đây được coi là chân lý hiển nhiên, “là những lẽ phải không ai chối cãi được”(10), là điều bất di bất dịch của mỗi con người cũng như của mỗi dân tộc. Độc lập, tự do là quyền tự nhiên, quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia, dân tộc. Đó là quyền độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, ngoại giao, về chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Nền độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn phải được thực hiện một cách triệt để theo nguyên tắc: Nước Việt Nam của người Việt Nam, mọi vấn đề thuộc về chủ quyền quốc gia phải do nhân dân Việt Nam tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài. Độc lập đó phải được thể hiện bằng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Năm 1954, thực dân Pháp bị đánh bại tại trận Điện Biên Phủ, dẫn đến Hiệp định Giơ-ne-vơ, tạm thời chia cắt nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17. Thay chân Pháp, Mỹ giật dây chính quyền tay sai không làm theo cam kết của Hiệp định là tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất đất nước; sau đó, Mỹ từng bước đưa quân tiến hành xâm lược miền Nam Việt Nam.
Khi đế quốc Mỹ tiến hành xâm lược miền Nam Việt Nam, nhân dân Việt Nam lại tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ, chính nghĩa để chống lại đế quốc ngoại xâm. Đặc biệt, vào đầu năm 1965 cho đến giữa năm 1966, Mỹ ồ ạt đưa số lượng lớn quân Mỹ và chư hầu cùng với trang, thiết bị, vũ khí hiện đại vào Việt Nam, leo thang đánh phá miền Bắc với tuyên bố hùng hổ “sẽ đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá”. Song, với quyết tâm, ý chí, khát vọng độc lập cao hơn hết thảy, ngày 17-7-1966, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân Dân (số 4484) truyền đi Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến đồng bào, chiến sĩ cả nước với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”(11).
Trong Lời kêu gọi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần cho nhân dân ta và nhân dân thế giới thấy rõ tội ác dã man và những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi của đế quốc Mỹ nhằm che đậy bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của chúng. Đồng thời, Người chỉ ra mục tiêu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”(12). Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”(13). Và điều đó đã thành hiện thực, khi ngày 30-4-1975 chúng ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối, khát vọng về độc lập, tự do, hòa bình của cả dân tộc đã trở thành hiện thực.
Thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước không chỉ là thắng lợi của chiến lược giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mà quan trọng hơn, là hoàn thành 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đặt dấu chấm hết cho ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc và thống nhất nước nhà, mở đường đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó cũng chính là thắng lợi rực rỡ của tư tưởng Hồ Chí Minh về “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là sự thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất đã được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là một chân lý, có giá trị dân tộc, thời đại và thực tiễn sâu sắc, in đậm vào con tim, khối óc của mỗi người dân Việt Nam, trở thành niềm tin, lẽ sống, nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng, mục tiêu và động lực phấn đấu không ngừng của toàn thể nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do, vì sự tồn tại, phát triển trường tồn của dân tộc.
Niềm ước vọng cao nhất, ham muốn lớn nhất suốt cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhằm hướng tới mục đích cao cả “quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”(14). Cho đến khi phải từ biệt thế giới này, điều luyến tiếc duy nhất của Người vẫn chỉ là “không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Còn về phần mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ước mơ một cuộc đời bình dị “nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”(15). Với ý nghĩa đó, độc lập, tự do đã trở thành khát vọng cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là động lực tinh thần và là tư tưởng dẫn dắt nhân dân Việt Nam trên con đường phát triển, đi tới phồn vinh và hạnh phúc. Theo Người, chúng ta giành được độc lập, tự do rồi mà người dân cứ chịu đói, chịu rét thì độc lập, tự do đó cũng không có ý nghĩa gì; người dân chỉ biết giá trị của độc lập, tự do khi được ăn no, mặc ấm. Quyền dân tộc ở đây không chỉ là độc lập, tự do, mà còn là quyền sống cuộc đời sung sướng của bất cứ người dân Việt Nam nào.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là mệnh đề được khái quát ngắn gọn, súc tích, được đúc kết từ lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta, là lời hịch non sông, phản ánh khát vọng độc lập, tự do của cả một dân tộc. Xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước, nhân dân Việt Nam đã luôn đấu tranh kiên cường cho quyền độc lập, tự do thiêng liêng ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cho nền văn hiến của dân tộc Việt Nam - một dân tộc luôn coi trọng giá trị độc lập, tự do và sẵn sàng xả thân để giữ vững giá trị cao cả đó.
“KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO” LÀ GIÁ TRỊ, MỤC TIÊU VÀ ĐỘNG LỰC NỀN TẢNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN HÙNG CƯỜNG CỦA ĐẤT NƯỚC
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là một giá trị điển hình, vô cùng đặc sắc, khẳng định khí thiêng sông núi của Việt Nam, lời hịch cô đọng, ngắn gọn thể hiện mục tiêu, khát vọng độc lập, tự do của nhân dân ta. Tư tưởng đó còn là nền tảng, là nguồn động lực tinh thần mạnh mẽ dẫn dắt dân tộc ta tiến lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh cả cuộc đời mình đấu tranh cho nền độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Thế kỷ XX được xem là thế kỷ phi thực dân hóa, xóa bỏ chủ nghĩa thực dân - một vết nhơ lớn nhất trong lịch sử của nhân loại. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc đi tiên phong trong việc xóa bỏ vết nhơ đó.
Độc lập, tự do là khát vọng thiêng liêng nhất của dân tộc, là ngọn cờ khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và trí tuệ con người Việt Nam: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của việc giương cao ngọn cờ độc lập, tự do dẫn dắt toàn dân đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ cứu nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục giương cao hơn bao giờ hết ngọn cờ độc lập, tự do để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh - giá trị đích thực của độc lập, tự do.
Trong tình hình hiện nay, sự giao lưu, hợp tác quốc tế để phát triển là xu thế tất yếu của tất cả các quốc gia - dân tộc. Vấn đề đặt ra là làm sao để một dân tộc không “đánh mất mình”, không mất chủ quyền, độc lập dân tộc trong quá trình hội nhập vào dòng chảy chung của nhân loại. Có thể thấy rằng, giành lại độc lập, tự do là khát vọng to lớn nhất của các dân tộc bị áp bức trong thế kỷ XX, và Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là chiến sĩ tiên phong trong việc thức tỉnh dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và phẩm giá của con người. Lời dạy của Người vẫn còn rung động một cách thấm thía: “Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,/ Cay đắng chi bằng mất tự do?”(16). “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” không đơn thuần chỉ là tiêu ngữ của quốc gia, mà còn là mục tiêu, ngọn cờ chiến đấu của nhân dân ta, của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” thực sự đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh thực hiện khát vọng của dân tộc ta quyết không chịu làm nô lệ, không chịu đói nghèo, lạc hậu; thôi thúc triệu triệu người Việt Nam trở thành dũng sĩ xông pha trong lửa đạn, vượt qua bao gian khó, hiểm nguy để cho nước ta từng bước khẳng định tiềm lực, vị thế và uy tín của mình trên trường quốc tế.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là một động lực tinh thần to lớn để nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, đánh thắng các đế quốc to, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn là một động lực để chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không nuôi dưỡng, hun đúc, phát huy ý thức về độc lập, tự do trong mỗi con người Việt Nam hôm nay, thì chúng ta sẽ không khơi dậy được mọi nguồn lực, không tạo ra được một nội lực tinh thần to lớn để chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng, phát triển đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, tiến bước cùng thời đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước. Không phát huy ý thức độc lập, tự do trong xây dựng đất nước thì sẽ rơi vào một sự lệ thuộc mới, đất nước vẫn hòa bình mà không có được độc lập, tự do thực sự.
Dưới ngọn cờ độc lập và tự do, cách mạng Việt Nam đã vững bước tiến lên, giành được những thắng lợi lịch sử mang tầm thời đại. Đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, Đảng ta khẳng định tiếp tục kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội... Trong điều kiện mới, Đảng ta chỉ rõ: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; ...; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(17). Với khát vọng phát triển đất nước hùng cường, quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng là bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới cả bề rộng và chiều sâu với một trình độ và chất lượng mới, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”(18).
Yêu cầu đặt ra là phải không ngừng “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; ...; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(19). Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, cho đến khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 100 năm ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, và 100 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), tình hình thế giới sẽ tiếp tục còn nhiều thay đổi rất nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng chắc chắn giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” sẽ không thay đổi. Những bài học kinh nghiệm quý giá được đúc rút từ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được vận dụng và phát huy, sẽ là những nhân tố quan trọng thúc đẩy công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đất nước phát triển nhanh và bền vững, dân tộc cường thịnh và trường tồn. Đó là những bài học lớn về tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng trên các mặt: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; coi cán bộ là gốc của mọi công việc, mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, bởi không thể có độc lập, tự do nếu không có được lớp người biết kế thừa và phát huy truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước. Đó là bài học lấy dân làm gốc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là chiến lược của cách mạng, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để giành được thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng to lớn, lâu dài này, chống mọi trở lực của phát triển, “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(20). Đó là bài học về kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới, ổn định với hội nhập và phát triển trên cơ sở đồng tâm, đồng lòng, không bi quan dao động, nhưng cũng không chủ quan tự mãn, phát huy cao độ bài học về “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường dân tộc, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội, kết hợp chặt chẽ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến bước sánh vai với các cường quốc năm châu theo tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng của toàn dân tộc./.
ST