Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

️NẮM CƠM 52 NĂM CÒN ĐÓ

 Nắm cơm cháy thành than là di vật còn lại của cả kíp xe đã lập công xuất sắc và anh dũng hy sinh trong trận Đắc Tô 2, Mặt trận Tây Nguyên ngày 24/4/1972.

Kíp chiến đấu trên xe hôm đó gồm 4 thành viên: Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển - Trung đội trưởng Trung đội tăng 3, Trưởng xe; Đồng chí Cao Trần Vịnh - Lái xe; Đồng chí Nguyễn Đắc Lượng - Pháo thủ số 1; Đồng chí Phạm Văn Ái - Pháo thủ số 2.
Đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 24/4/1972, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công căn cứ Tân Cảnh. Từ hướng Đông Bắc và Tây Bắc, xe tăng quân ta nhanh chóng tiêu diệt các lô cốt, hoả điểm sát cửa mở và yểm trợ lẫn nhau vượt qua các lớp hàng rào thép gai, dùng hoả lực chi viện dẫn dắt bộ binh xung phong vào cứ điểm. Ta lần lượt đánh chiếm các vị trí quan trọng như Khu cố vấn Mỹ, Khu binh sỹ Nguỵ, Sở Chỉ huy Trung đoàn 42 Nguỵ. Sự xuất hiện của một lực lượng lớn bộ binh tinh nhuệ và xe tăng của quân ta đã khiến địch thực sự hoảng loạn. Bất chấp lệnh của quan thầy Mỹ, địch ở căn cứ Tân Cảnh đã vứt bỏ tất cả xe pháo rút chạy. Đến 8 giờ ngày 24/4/1972, quân địch ở căn cứ Tân Cảnh cơ bản bị tiêu diệt và bị bắt sống.
Trong lúc địch đang hoang mang vì mất Tân Cảnh, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định điều 1 trung đội xe tăng và 1 xe cao xạ 57 ly tự hành hiệp đồng với Trung đoàn bộ binh 1 đánh thẳng vào căn cứ Đắc Tô 2. Suốt nửa buổi sáng chiến đấu liên tục, không có thời gian chuẩn bị, cơm chưa kịp ăn, Trung đội tăng 3 gồm các xe tăng phiên hiệu 377, 354, 369 vừa củng cố đội hình cơ động, vừa nắm địch, bắt liên lạc hiệp đồng với bộ binh. Xe 377 dẫn đầu đội hình vọt lên với tốc độ cao, khéo léo di chuyển vượt qua các đợt ngăn chặn, đánh phá ác liệt của máy bay địch, tiếp cận mục tiêu sớm nhất. Quân địch trong căn cứ thấy quân ta chỉ có một xe tăng, không có bộ binh đi kèm liền cho 10 xe M41 chia làm 2 mũi bao vây xe 377.
Lúc này, xe tăng 377 rơi vào tình thế vô cùng hiểm nghèo, một mình giữa vòng vây xe tăng địch. Cuộc đấu xe tăng một chọi mười đã diễn ra vô cùng quyết liệt. Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển đã hội ý chớp nhoáng với kíp xe và các anh đã đi đến quyết định đánh cảm tử. Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy xe 377 tả xung hữu đột, lao thẳng vào đội hình xe tăng địch bắn cháy liên tiếp 7 xe M41, làm địch rối loạn đội hình.
Phía sau, xe tăng số 354 và 369 mở hết tốc lực xông lên ứng cứu vừa đi vừa đánh địch mở đường diệt một số xe tăng địch nấp sau ụ chiến đấu. Một xe tăng M41 của địch ở phía nam sân bay Đắc Tô 2 đã bắn lén trúng xe tăng 377, lửa khói trùm kín trên chiếc chiến xa quả cảm, cả bốn thành viên trên xe 377 hy sinh. Cùng lúc xe tăng và bộ binh Trung đoàn 1 tràn lên tiêu diệt hoàn toàn căn cứ Đắc Tô 2.
Cụm căn cứ Đắc Tô - Tân Cảnh là tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch ở Bắc Tây Nguyên đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Tập thể kíp xe tăng phiên hiệu 377 đã lập một kỷ lục, liên tiếp bắn cháy 07 xe tăng địch trong một trận đánh, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của bộ đội Tăng Thiết giáp trong chiến đấu.
Trận đánh kết thúc, đồng đội tìm thấy xe 377 đang bốc cháy giữa ngổn ngang xác xe tăng địch, cả kíp xe 4 người đã anh dũng hy sinh, hóa thân vào chiến thắng. Bên cạnh thi thể không còn nguyên vẹn của những người anh hùng, chỉ còn đó những nắm cơm đã cháy thành than mà kíp xe chưa kịp ăn giữa hai trận đánh.
Thương tiếc khôn nguôi, đồng đội đã để các anh nằm lại với đất mẹ Tây Nguyên, với Đắc Tô - Tân Cảnh, nơi kíp xe tăng 377 đã chiến đấu và anh dũng hy sinh. Đã 52 năm trôi qua kể từ ngày 24 tháng 4 năm ấy, các đồng chí Triển, Ái, Lượng, Vịnh đã cùng bao đồng đội khác hoá thân vào đất mẹ, mãi mãi thanh xuân cùng điệp trùng núi rừng Tây Nguyên.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc ngày 9/1/2009, kíp xe tăng 377 đã được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Kíp xe tăng 377 đã trở thành tượng đài chiến thắng trong lòng cán bộ chiến sỹ Tăng Thiết giáp và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nằm ở trung tâm huyện lỵ Đắc Tô, xe tăng phiên hiệu 377 đã được tôn vinh trong quần thể tượng đài chiến thắng. Nắm cơm cháy được trưng bày trong Bảo tàng lực lượng Tăng Thiết giáp - di vật còn lại của kíp xe 377 là minh chứng về tinh thần kiên quyết tấn công tiêu diệt địch: “Một xe cũng tiến công, một người cũng chiến đấu” thể hiện cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của bộ đội xe tăng trong chiến đấu./.
St

ĐÓ CHÍNH LÀ BẢN SẮC NGOẠI GIAO CÂY TRE VIỆT NAM

 Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, việc thực thi đường lối đối ngoại, ngoại giao đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc Việt theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã được triển khai linh hoạt, chủ động trên tinh thần “muốn làm gì cũng vì lợi ích của dân tộc mà làm” và Việt Nam “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.

“THỰC LỰC LÀ CÁI CHIÊNG MÀ NGOẠI GIAO LÀ CÁI TIẾNG”
Nhất quán tư tưởng xuyên suốt “nước ta là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ với thế giới”, trên những chặng đường cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước Việt Nam không chỉ luôn “tin vào sức ta trước hết: Chỉ có nỗ lực mới làm cho ngoại giao toàn thắng”; luôn coi độc lập, tự chủ là nền tảng vững chắc để thực thi đường lối đối ngoại, ngoại giao, mà còn đặt cách mạng Việt Nam trong dòng chảy của cách mạng thế giới để tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước đã được triển khai, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng.
Thực tế, việc thấu triệt quan điểm “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã” và “sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập” đã được triển khai thành công từ sau Hội nghị Trung ương Tám (5/1941); trong thời kỳ chuẩn bị và tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975)…, mà còn được tiếp tục thực hiện linh hoạt, chủ động trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng trên tinh thần nhất quán quan điểm: “Lợi ích của nhân dân tức là lợi ích của Đảng và phải đặt lợi ích của nhân dân và của Đảng lên trên hết, trước hết”. Đó chính là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, đa dạng hóa, đa phương hóa vì lợi ích quốc gia - dân tộc trên tinh thần phát huy nguồn sức mạnh nội lực (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…) gắn liền với khai thác, tranh thủ ngoại lực, “thêm bạn bớt thù” nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để kiên quyết, khôn khéo thực hiện mục tiêu của cách mạng và bảo vệ quyền lợi quốc gia - dân tộc.
Kiên định thực hiện đường lối đổi mới; kiên định thực hiện đường lối đối ngoại, ngoại giao “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” và “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, phát triển đã trở thành hiện thực sinh động khi Việt Nam đã, đang, tiếp tục là một quốc gia chủ động, tích cực hội nhập toàn diện, sâu rộng với thế giới. Thực tế là, nhất quán về nguyên tắc, mục tiêu, song linh hoạt, khôn khéo về sách lược; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đến nay “Đảng ta đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính...
THẾ VÀ LỰC CỦA VIỆT NAM NGÀY CÀNG ĐƯỢC CỦNG CỐ VÀ NÂNG CAO
Kiên định con đường cách mạng Việt Nam- con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại, ngoại giao độc lập, tự chủ coi đây vừa là mục tiêu cao nhất vừa là nguyên tắc bất biến bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Những thành tựu đạt được từ việc nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại, ngoại giao vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, tư tưởng tiến bộ của thời đại, Việt Nam “đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam” không chỉ được các tầng lớp nhân dân tin tưởng; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao; được bạn bè quốc tế ủng hộ, tôn trọng, mà còn góp phần làm nên một Việt Nam “chưa bao giờ có được tiềm lực vị thế, và uy tín quốc tế như ngày nay”, tạo cho đất nước ta có thế và lực không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
Sự kiện Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 10-11/9/2023, không chỉ thể hiện sự coi trọng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà còn khẳng định vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam. Đó không chỉ là một minh chứng thuyết phục với các nước trên thế giới về “trái ngọt” của một quá trình “gieo trồng”, gây dựng lòng tin, sự hợp tác bền bỉ, chân thành và hiệu quả của công tác đối ngoại, ngoại giao, cùng nhau nỗ lực phát triển quan hệ với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, mà còn mở ra không gian cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong nhiều thập niên tới…
Sự kiện Việt Nam - Nhật Bản nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản ngày 27-30/11/2023 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng không chỉ khẳng định sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực của quan hệ hai nước, với sự tin cậy chính trị cao, sự gắn kết chặt chẽ trên các lĩnh vực kinh tế, nguồn nhân lực, hợp tác địa phương, mà còn góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hai nước; mở ra một thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ, sâu rộng hơn, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chung của cả hai nước cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới…
Sự kiện Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc “Tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc” nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình ngày 12 - 13/12/2023; trong đó: “Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại” và Trung Quốc “cũng khẳng định ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, xây dựng nền kinh tế lớn mạnh, độc lập, tự chủ, thúc đẩy đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, phát triển quan hệ đối ngoại rộng mở, hữu nghị”… không chỉ cho thấy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không ngừng mở rộng, đi vào chiều sâu, hợp tác trong các lĩnh vực đạt tiến triển tích cực, toàn diện, mà còn góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển, phồn vinh ở khu vực và thế giới…
Cùng với những hoạt động đối ngoại Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân khác, 3 sự kiện quan trọng nêu trên chính là những minh chứng sinh động nhất cho bản sắc đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Đó chính là: “Vững ở gốc là nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc để phục vụ, là đường lối đối ngoại độc lập - tự chủ, lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để tạo thế, lập thời; lấy phương pháp luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng soi đường, chỉ lối. Chắc ở thân là những phương thức tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đoàn kết là nhân tố sống còn; đại đoàn kết trong nước là căn bản, đoàn kết quốc tế là nhân tố bổ trợ hết sức quan trọng... Sức mạnh của Việt Nam còn ở tính chính danh, chính nghĩa, cách ứng xử nhân văn, thủy chung, thượng tôn pháp luật và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại. Uyển chuyển ở cành là phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt, nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đặc biệt trong các hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, có sự mâu thuẫn giữa những xu thế khác nhau, giữa đòi hỏi phải hài hòa cái chung và cái riêng, nhằm giữ vững bản sắc, giá trị đất nước và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam phù hợp với những giá trị chung của nhân loại. Đó là cách ứng xử “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết dừng, biết biến” của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.
Đặc biệt, việc nâng tầm quan hệ với Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản năm 2023 không những cho thấy vai trò, vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, mà còn thể hiện bản lĩnh của những người lãnh đạo đất nước. Đó chính là một Việt Nam luôn “mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân”; đồng thời luôn “đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc” và “biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt” để “để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và phát huy mạnh mẽ lợi ích quốc gia - dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, để vinh quang đời đời thuộc về dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng”./.
ST

NGĂN CHẶN ÂM MƯU DÙNG SÁCH, BÁO XẤU ĐỘC ĐỂ CHUYỂN HÓA TƯ TƯỞNG LỆCH LẠC

 Với âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, một trong những phương thức mà các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng là phát hành các sách, báo có nội dung độc hại, xuyên tạc, phản động. Đáng phê phán là một số cá nhân do nhận thức chính trị hạn chế, thiếu hiểu biết và hám lợi đã “nối giáo cho giặc” khi công khai tán phát, mua bán sách, báo xấu độc. Vì thế, việc ngăn chặn sự thẩm lậu, đấu tranh trực diện với sách, báo xấu độc cần nhất là chủ động, thường xuyên, kịp thời, đi vào thực chất.

ÂM MƯU ĐẦU ĐỘC NHẬN THỨC
Đằng sau một cuốn sách, một bài báo chứa đựng tư tưởng, lý lẽ, tâm tư, tình cảm có tác động đến nhận thức, hành vi của độc giả. Bên cạnh những “bảo thư” soi đường, chỉ lối để con người hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ; rèn luyện, phấn đấu tu thân, tích đức để khẳng định bản thân, cống hiến cho xã hội; cũng không hiếm những “tà thư” đầu độc độc giả đưa đường đến với sự tối tăm, hận thù, bi quan, những hành vi lệch chuẩn, thiếu văn hóa và đạo đức, vi phạm pháp luật...
Khác với loại hình tuyên truyền trực quan như tranh, ảnh, phim; sách, báo xấu độc xâm nhập âm thầm, dùng lý lẽ bề ngoài tưởng chừng rất khách quan, khoa học nhưng ngầm ẩn những dụng ý vô cùng thâm hiểm. Chỉ cần độc giả là người thiếu hiểu biết về chính trị, không kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng, có ẩn ức, bất mãn trong đời sống rất dễ bị tiêm nhiễm, dần dần “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lúc nào không hay. Chẳng hạn, khá nhiều sách, báo dưới cái mác nghiên cứu khoa học lịch sử đã “bắn vào quá khứ” khi lập luận rằng: Không cần tiếp thu chủ nghĩa cộng sản, không cần sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Bác Hồ, không cần có Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân tộc Việt Nam cứ “ngoan ngoãn” ở trong “vòng tay bảo hộ” của mẫu quốc Pháp sau Chiến tranh Thế giới thứ hai thì đất nước sẽ phát triển, dân trí nâng cao; rồi sau đó thông qua phương cách hòa bình để có được nền độc lập thì sẽ tốt hơn là phải cầm súng suốt mấy chục năm, làm “kéo lùi lịch sử”. Luận điệu này với những người trưởng thành có hiểu biết lịch sử, có tư duy biện chứng khoa học thì đích thực là phản động, phi thực tế và phản khoa học. Tuy nhiên, nếu là một người trẻ mới mười tám, đôi mươi, sinh ra trong hòa bình thì chưa chắc đã đủ bản lĩnh, trình độ để nhận diện đây là “tà thuyết”.
Theo số liệu của Bộ Công an, tính từ năm 2009 đến 2022, lực lượng an ninh chính trị nội bộ đã phối hợp thu thập, nghiên cứu hơn 500 đề tài, bản thảo; kiến nghị không cho xuất bản hoặc sửa chữa lại nội dung trước khi xuất bản 350 đề tài, bản thảo; ngừng phát hành, thu hồi, tiêu hủy 150 ấn phẩm có nội dung phức tạp, nhạy cảm, vi phạm; xử phạt vi phạm pháp luật trên lĩnh vực xuất bản hơn 760 trường hợp.
Khi những ý đồ thâm hiểm không phát huy dưới dạng “chính ngạch”, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động thông qua phương thức cũ đó là tán phát sách, báo xấu độc theo con đường “tiểu ngạch”, nhất là trên không gian mạng.
Sách, báo xấu độc chủ yếu được xuất bản dưới chế độ cũ trước năm 1975, sau này in ấn ở hải ngoại. Dù là thể loại hư cấu hay phi hư cấu, sách, báo xấu độc đều có chung một số đặc điểm về nội dung, đó là: Ra sức cổ vũ quan điểm thù địch, chống đối Đảng Cộng sản Việt Nam; kêu gọi người dân không chấp nhận Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội; phủ định lý luận về chủ nghĩa xã hội và sự đúng đắn tất yếu của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đòi xét lại lịch sử, bôi nhọ nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của các anh hùng dân tộc, lãnh tụ của Đảng, các bậc tiền bối cách mạng; khoét sâu vào những mặt trái của xã hội nhằm phủ nhận thành tựu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và nhân dân...
Đáng lo ngại là một số cá nhân chuyên kinh doanh sách, báo, dịch vụ in ấn nhận thấy sách, báo xấu độc bị cấm phổ biến, lưu hành là “hàng hiếm” nên đã sưu tập, tái sản xuất, bày bán công khai trên mạng xã hội dưới dạng sách in và sách điện tử. Chỉ cần đặt hàng trên mạng xã hội, bất cứ tác phẩm xấu độc nào trong vài giờ đã có thể chuyển đến tận tay người có nhu cầu.
Vấn đề đáng bàn là vì sao sách, báo xấu độc do các tác giả phản động lại có thể “đội mồ sống dậy” lưu hành dễ dàng mà các cơ quan chức năng chưa kịp thời ngăn chặn?
KẾT HỢP GIỮA PHÒNG VÀ CHỐNG HIỆU QUẢ
Chúng ta cần xác định phương thức tán phát, phổ biến sách, báo xấu độc là thủ đoạn mà các thế lực thù địch sẽ không bao giờ từ bỏ. Cho nên, đấu tranh với sách, báo xấu độc là việc làm lâu dài, thường xuyên để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt cần chú ý kết hợp giữa phòng và chống một cách linh hoạt, tùy từng trường hợp cụ thể để mang lại hiệu quả thực chất.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị-xã hội, thuần phong mỹ tục”.
Quán triệt, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, với lĩnh vực xuất bản, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng: Trước hết, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản. Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan xuất bản, cơ quan chủ quản trong công tác xuất bản với yêu cầu giữ vững tôn chỉ, mục đích, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, biên tập viên, thực hiện chặt chẽ quy trình xuất bản, thẩm định kỹ nội dung bản thảo, tránh để xảy ra sai sót nội dung nghiêm trọng về chính trị.
Cùng với đó, công tác hậu kiểm cần tiếp tục được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn triệt để các xuất bản phẩm có nội dung vi phạm quy định Luật Xuất bản; các cơ quan bảo vệ pháp luật triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh, xử lý những ấn phẩm lưu hành bất hợp pháp, nhất là các ấn phẩm có nội dung xấu độc. Riêng với các địa chỉ lưu giữ, tán phát xuất bản phẩm xấu độc trên không gian mạng, cần phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng an ninh chính trị nội bộ, an ninh mạng tập trung sử dụng những biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động và sức phổ biến, tiếp cận đến với người đọc.
Theo ông Nguyễn Thái Bình, Phó giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, vấn nạn sách, tài liệu xấu độc được in ấn, mua bán công khai hiện nay là nguy cơ dẫn đến mất kiểm soát vì vô tình tạo thói quen, hành vi vi phạm pháp luật cho bạn đọc, người sử dụng thiếu hiểu biết. Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, xử lý bảo đảm đủ răn đe với những hành vi vi phạm pháp luật. Với những nhóm người có chủ ý thu lợi cá nhân hoặc có kế hoạch, chủ động tán phát sách, báo xấu độc cần phải bị xử lý hình sự để răn đe những đối tượng khác. Với những cá nhân nhỏ lẻ, nếu chỉ hám lợi đơn thuần thì sớm tiếp cận, nhắc nhở.
Ông Nguyễn Thái Bình cũng nhấn mạnh đến vai trò của các cấp ủy Đảng cần chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên để cán bộ, đảng viên không tìm hiểu, không tiếp cận với sách, báo xấu độc; xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, đảng viên phổ biến, giới thiệu sách, báo xấu độc dưới bất cứ hình thức nào. Đặc biệt, đối với các cơ quan quản lý nhà nước cần phải chủ động trong truyền thông chính sách, giúp cho người dân hiểu và làm việc theo pháp luật. Phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong hoạt động tuyên truyền miệng để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân không mua bán, tàng trữ, sử dụng, phổ biến sách, báo xấu độc; đồng thời, nâng cao khả năng nhận diện nội dung xấu độc, tham gia đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Một giải pháp mà các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, phát triển văn hóa đọc nhiều lần nhắc đến, đó là: Ngành xuất bản cần tiếp tục nỗ lực xuất bản, giới thiệu nhiều sách, báo có nội dung lành mạnh, nhân văn, có giá trị học thuật dưới nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn, gắn với phát triển văn hóa đọc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, tác động tích cực để xây dựng nhận thức đúng đắn, bồi đắp tâm hồn, nâng cao dân trí cho nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
St

NGƯỜI PHỤ NỮ CAN THƯỜNG CỦA DÂN TỘC!

 Người phụ nữ ấy không ai khác là bà Nguyễn Thị Bình. Bà là cháu ngoại Nhà yêu nước Phan Châu Trinh, đã tốt nghiệp tú tài, ngoại ngữ giỏi, có thời gian dài làm chính trị và hoạt động ở Sài Gòn. Có lẽ đây là những lý do bà được Bác Hồ chọn tham gia đàm phán.

Trải qua gần năm năm đàm phán, “Bà hoàng Việt cộng” Nguyễn Thị Bình đã giành được sự kính phục, tôn trọng của những chính khách, các nhà báo quốc tế, ngay cả những người Mỹ. Chủ trì rất nhiều cuộc họp báo, có cuộc đến 400 nhà báo của trên 100 quốc gia, những người được tiếp xúc với bà đều có một cảm nhận chung: Một con người tự tin, hòa nhã, mềm mỏng nhưng cũng vô cùng kiên định, vững vàng. Bà Nguyễn Thị Bình, với ưu thế ngoại ngữ tốt và sự thông minh, nhạy bén, sắc sảo cùng sự mềm mỏng, hòa nhã, linh hoạt của một phụ nữ Việt Nam đã thuyết phục được cả những nhà báo khó tính.
Nhiều nhà báo phương Tây đã đưa ra những câu hỏi châm biếm cho bà nhưng bà luôn linh hoạt ứng phó. Có lần, một nhà báo hỏi: “Bà có ở Đảng Cộng sản không?”. Bà nhanh nhẹn trả lời: “Tôi thuộc Đảng yêu nước”. “Có quân đội miền Bắc ở miền Nam không?”, bà trả lời: “Dân tộc Việt Nam là một, người Việt Nam ở Bắc cũng như ở Nam đều có nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược”. Nhà báo lại hỏi: “Vùng giải phóng ở đâu?”. Bà Bình liền đáp lại: “Nơi nào Mỹ ném bom, bắn phá thì đó chính là vùng giải phóng của chúng tôi. Nếu không tại sao Mỹ lại phải ném bom?”.
Trong quá trình đàm phán, bà luôn tâm niệm: “Họ có quyền hỏi, mình có quyền trả lời. Nhưng trả lời thế nào để họ tâm phục khẩu phục, hiểu rõ hơn cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc mình, đó mới là điều quan trọng”./.
St

NỖ LỰC PHỦ XANH ĐẢO CỦA QUÂN VÀ DÂN TRƯỜNG SA

 Bằng ý chí quyết tâm của những người lính đảo và nhân dân, cùng với sự hỗ trợ thường xuyên từ đất liền, hầu hết các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa đều được phủ kín màu xanh của nhiều loại cây trồng.

Đặt chân đến các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, hình ảnh đầu tiên chúng tôi thấy là màu xanh của nhiều loại cây giữa nắng gió khắc nghiệt. Cây xanh không chỉ tạo cảnh quan tươi đẹp, điều hòa khí hậu, tạo bóng mát cho quân và dân mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc che chắn gió, bão, góp phần bảo vệ và duy trì cuộc sống trên đảo.
“Xanh hóa Trường Sa” vừa là yêu cầu vừa là nhiệm vụ của quân và dân trên đảo, thể hiện tấm lòng của người dân cả nước, của các địa phương đối với Trường Sa thân yêu. Do đặc thù về kiến tạo địa chất với nền cát mặn và thềm san hô, cùng với khí hậu khắc nghiệt, mỗi cây xanh sinh trưởng được trên đảo là kết quả của sự cố gắng, mồ hôi, công sức của quân và dân nơi đây.
Thổ nhưỡng trên các đảo chủ yếu là cát, san hô và đất được mang từ đất liền ra, khiến khả năng giữ nước hạn chế và việc trồng cây xanh trở nên vô cùng khó khăn. Những ngày sóng to, gió lớn, hơi nước mặn gia tăng, phủ khắp mặt đất, lá, thân cây, khiến đất cằn cỗi, cây chậm phát triển... Đây là những thách thức không nhỏ cho việc duy trì màu xanh trên đảo.
Thay vì chỉ phụ thuộc vào những loại cây xanh tự nhiên trên đảo như phong ba, mù u, bàng vuông, hiện nay, các đảo đã được quy hoạch để trồng thêm dừa, phi lao, tre, keo bạch đàn... những loại cây sau nhiều năm phát triển có thể được khai thác để phục vụ đời sống, sinh hoạt và huấn luyện của quân, dân trên đảo.
Hiện nay, hầu hết các vị trí cần thiết trên đảo đã được phủ kín bởi các loại cây thân gỗ, cây hoa và rau xanh các loại. Công tác này được chỉ huy đảo giao trách nhiệm cho ban chấp hành chi đoàn thanh niên và được chăm sóc thường xuyên. Các vườn cây giống của các đơn vị bộ đội quanh năm xanh tốt, những hàng cây bàng vuông, bao báp, phi lao, mù u... không chỉ có tác dụng chắn sóng, chắn cát mà còn tạo bóng mát, bảo vệ môi trường trên đảo.
“Trong 5 năm trở lại đây, đất liền đã ủng hộ quân, dân Trường Sa hơn 40.000 cây xanh các loại. Cùng với đó là hàng trăm tấn đất, hàng chục tấn phân bón, hàng chục vườn ươm nhằm giúp quân, dân Trường Sa trồng và chăm sóc cây xanh tốt hơn” - Đại tá Phạm Văn Thọ, Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân chia sẻ.
Những mầm cây non mọc lên từ nền đất cằn cỗi, trưởng thành qua từng năm tháng, trở thành những bóng mát che chở cho đời sống của người lính và người dân Trường Sa. Những hàng cây này không chỉ là minh chứng cho sự sống bền bỉ, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm xây dựng và bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Màu xanh trên đảo Trường Sa là biểu tượng của niềm tin, hy vọng và tương lai, dù ở nơi đầu sóng ngọn gió, quân và dân Việt Nam không ngừng nỗ lực để biến những điều không thể thành có thể, để bảo vệ và gìn giữ từng tấc đất, từng cành cây ngọn cỏ của quê hương./.
St

Chuyện chăm sóc “Hổ mang chúa” ở Trung đoàn 935

 Với chức năng nhiệm vụ được giao; những năm qua, Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật thuộc Ban Kỹ thuật đã phát huy vai trò trách nhiệm, thường xuyên làm tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay Su-30MK2 và các thiết bị máy lẻ, bảo đảm kịp thời khí tài cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của Trung đoàn 935, Sư đoàn 370.

Chúng tôi có mặt tại Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật, Ban Kỹ thuật Trung đoàn 935 vào thời điểm cán bộ, nhân viên kỹ thuật đang đồng thời thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trên chiếc “Hổ mang chúa” Su-30MK2 vừa được đưa vào Xưởng để thực hiện bảo dưỡng kiểm tra 24 tháng, cán bộ, nhân viên kỹ thuật thực hiện các bước kiểm tra tình trạng kỹ thuật các hệ thống, tiến hành hiệu chỉnh tham số và khắc phục những hỏng hóc. Cùng lúc đó, một tổ công tác khác đang tập trung sửa chữa hỏng hóc một khối máy lẻ Tổ hợp điều chỉnh động cơ KRĐ-99. Quy trình kiểm tra, sửa chữa được các nhân viên kỹ thuật thực hiện hết sức chặt chẽ, tỉ mỉ: Khối máy lẻ được kết nối với thiết bị chẩn đoán hỏng hóc để kiểm tra. Thông qua phương pháp loại trừ, nhân viên kỹ thuật đã xác định được chi tiết hỏng hóc, sử dụng vật tư thay thế và tiếp tục kiểm tra một lần nữa. Khi các thông số kỹ thuật đều bảo đảm tốt, khối máy lẻ được lắp vào máy bay để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Tuân - Xưởng trưởng Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay Su-30MK2 và các thiết bị máy lẻ, bảo đảm kịp thời cho các nhiệm vụ của Trung đoàn, Xưởng luôn chú trọng làm tốt công tác giáo dục, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật về công tác quản lý, khai thác, sử dụng trang bị kỹ thuật; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ công tác kỹ thuật, coi trọng kỷ luật công nghệ; thực hiện đúng, đủ, có hiệu quả quy trình bảo quản, bảo dưỡng định kỳ theo Điều lệ Công tác Kỹ thuật PK-KQ, Quy định công tác Kỹ thuật hàng không, Quy định sử dụng kỹ thuật máy bay Su-30MK2.
Cùng với đó, đơn vị luôn duy trì chặt chẽ công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật bằng nhiều hình thức như: Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật giàu kinh nghiệm truyền thụ kiến thức cho lực lượng trẻ; vừa thực hiện công tác phối hợp sửa chữa với các nhà máy trong Quân chủng, vừa thực hiện công tác huấn luyện cho các nhân viên kỹ thuật của đơn vị, đặc biệt trong công tác tiếp thu những công nghệ mới, phương pháp sửa chữa mới; chủ động kiện toàn đội ngũ giáo viên, chuẩn bị tốt giáo án, mô hình học cụ và tổ chức huấn luyện chuyên ngành nghiêm túc, chặt chẽ. Trong quá trình huấn luyện, Xưởng chú trọng gắn lý luận với thực tiễn, bảo đảm cân đối hài hòa giữa lý thuyết và thực hành trực tiếp trên máy, học đến đâu thực hành đến đó. Ngoài ra, Xưởng cũng tích cực tham gia các hội thi, hội thao, kiểm tra tay nghề nâng bậc thợ do ngành Kỹ thuật tổ chức. Thông qua đó, góp phần bồi dưỡng kiến thức, truyền thụ kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh tay nghề cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Với những biện pháp trên, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Xưởng không ngừng được nâng lên. Từ năm 2019 đến nay, Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật đã tiến hành bảo dưỡng, kiểm tra 24 tháng và kiểm tra chu kỳ 12 tháng được 64 lần chiếc máy bay; kiểm tra trọng điểm 100 giờ cho 31 lần chiếc máy bay; tăng hạn hộp phụ tùng cho 17 lần chiếc máy bay; sửa chữa 258 pan hỏng hóc và 418 khối máy lẻ; tăng hạn sử dụng hơn 1.000 khối máy lẻ… Đồng thời, Xưởng còn phối hợp cùng Nhà máy A32 tiến hành tăng hạn 2 máy bay, 12 ghế máy bay; thay phom thùng dầu cho 3 máy bay, thay nắp buồng lái cho 4 máy bay bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra. Cùng với đó, Xưởng cũng thường xuyên duy trì các tổ cơ động sẵn sàng sửa chữa kịp thời hỏng hóc phát sinh trên máy bay trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trực ban chiến đấu, huấn luyện bay và các chuyến bay nhiệm vụ của Trung đoàn./.
St

KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG VIỆT NAM

 Đến nay, Việt Nam đã bốn lần công bố Sách trắng Quốc phòng, trong đó thể hiện rõ mục tiêu: tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, phủ nhận một cách vô căn cứ. Vì vậy, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá chính sách quốc phòng Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Những năm qua, cùng với quan điểm, đường lối quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Việt Nam đã công bố Sách trắng Quốc phòng, trong đó nêu rõ chủ trương “Bốn không”1, thể hiện rõ sự công khai, minh bạch tính chất của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ; phương châm nhất quán là kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung; tăng cường sự hiểu biết và xây dựng lòng tin của các quốc gia khác với Việt Nam.

Tuy nhiên, bất chấp sự thật, các thế lực thù địch đã không từ thủ đoạn nào để công kích, xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam. Họ cho rằng, chính sách quốc phòng nói chung, chủ trương “bốn không” của Đảng, Nhà nước ta nói riêng đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; “không liên minh quân sự”, “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là Việt Nam đã “từ bỏ bạo lực cách mạng trong bảo vệ đất nước”, là “tự trói tay, chân mình”, “tự cô lập mình”, đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực Biển Đông, các thế lực thù địch cho rằng, với chính sách quốc phòng hiện nay thì Việt Nam không thể giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Do đó, chỉ có liên minh quân sự với các cường quốc thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền, bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc.
Cần khẳng định rõ, những luận điệu trên hoàn toàn vô căn cứ, xuyên tạc trắng trợn chính sách quốc phòng của Việt Nam. Bởi, quan điểm nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là: “Bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Trong đó, sức mạnh bên trong của đất nước, của chế độ chính trị, nền kinh tế và tiềm lực quốc gia là nhân tố quyết định”. Điều 4, Luật Quốc phòng năm 2018 xác định: “Thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chống chiến tranh dưới mọi hình thức; chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đối thoại quốc phòng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 nêu rõ: “Việt Nam không chấp nhận quan hệ hợp tác quốc phòng dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào. Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng đa phương nhằm góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia”. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc”./.
St

MỘT TRONG NHỮNG HY SINH ĐẸP NHẤT CỦA ĐIỆN ẢNH

 Đó là hy sinh của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong phim Đừng Đốt, một bộ phim được làm dựa trên chính những dòng viết đầy tuổi trẻ, cũng rất lãng mạn, du dương, khốc liệt…. của chính liệt sĩ, anh hùng, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Trước lúc bác sĩ Trâm hy sinh, mọi người trong bệnh xá phát hiện ra những máy bay, toán lính đ.ịch đi càn quét. Những anh thương binh ra hiệu cho các bác sĩ chạy đi, vì mọi người ở đây bệnh nặng lắm, nhiều người không sống được mấy nữa, có những chiến sĩ chỉ đợi lúc tắc thở, nhưng lương tâm của các bác sĩ, của những người đồng đội không cho phép việc bỏ mặc bất cứ bệnh nhân nào. Các bác sĩ, trong đó có bác sĩ Đặng Thùy Trâm di tản mọi người khỏi bệnh viện dã chiến xuống hầm trú ẩn.
Bác sĩ Đặng Thùy Trâm có quay lại bệnh xá lấy tài liệu và bị gi.ặc b.ắn, cô hồi tưởng lại quá khứ và nhắn lời cuối cùng đến mẹ, rằng ngày khải hoàn, sẽ không có cô nữa. Rồi nằm xuống giữa cánh rừng…
Chị Trâm không hề sợ cái c.hết, vì trong những trang nhật ký, chị đã đề cập rất nhiều đến cái ch.ết, những lần thấy đồng đội hy sinh, những cái chết đau thương, những lần cầm di thư của liệt sĩ gửi về cho người nhà, một vài lần chết hụt... Có những cái ch.ết nhẹ và bình thản như mây trời./.
St

HUYỀN THOẠI MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG GIẢ TRAI ĐI ĐÁNH GIẶC

 Trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, có lẽ Mẹ VNAH - Thiếu tá Trần Thị Quang Mẫn là trường hợp duy nhất cải nam trang đi đánh giặc. Từ một cô gái xinh đẹp, da trắng, tóc đen dài, bà phơi nắng, cắt tóc như con trai, gào thét cho vỡ giọng để có tiếng nói được ồm ồm như đàn ông…

🇻🇳
"ANH" CHIẾN SĨ TRẦN QUANG MẪN
Ngày đó, sống trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh nên từ nhỏ bà Mẫn đã có ý thức và trách nhiệm muốn đóng góp công sức cho nước nhà. Dù bị gia đình ngăn cấm nhưng bà Mẫn rủ em gái cùng tham gia hoạt động cách mạng. Vốn được học võ từ nhỏ, lại thêm tính cách gan dạ, muốn trực tiếp cầm súng tham gia đánh giặc nên bà xin gia nhập Vệ Quốc đoàn. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ nhân nam quân nhân nên bà phải tìm cách giả trai. Bằng nhiều cách, từ cắt tóc ngắn, quấn chặt ngực, tập thay đổi dáng đi, giọng nói, rèn luyện thể lực, bà Mẫn “biến” mình giống con trai nhất có thể. Cái tên Trần Thị Sáu nhường cho cái tên Trần Quang Mẫn ra đời từ đó. Đầu năm 1946, bà Mẫn trở thành tân binh của Trung đội 1, Đại đội 70, Chi đội 124 của Bộ đội Huỳnh Thủ hoạt động ở Vĩnh Thuận (Kiên Giang).
Nam giới đi đánh giặc vốn đã cực khổ, người cải trang như bà càng khổ hơn. Mỗi tháng, sắp tới ngày của phụ nữ, bà lấy rau răm giã nát, đổ rượu trắng vào uống nửa chén. Đây là "bài thuốc" bà học lóm từ người chị lớn. Áo quần mặc phải rộng hơn, ngủ trong nóp, tắm phải dòm trước ngó sau. Cũng may là sau một ngày đánh giặc mệt mỏi, mạnh ai nấy nhảy ào xuống sông tắm cho nhanh lên nghỉ nên không ai chú ý đến "anh" Mẫn da trắng trẻo như con gái.
“Lần đầu tiên được ôm cây súng, thấy nặng nhưng khoái lắm. Súng của Đức hai ký mấy lận. Riết rồi thấy quen. Lần lần tập bắn súng máy, tập tháo ráp, trườn bò, đứng bắn, nằm bắn, tập xáp lá cà, đâm lê... Rồi hành quân ban đêm. Có bữa đi vài ba cây số, có khi đi mười mấy cây số cũng có. Đàn ông làm gì mình làm vậy” - má Sáu Mẫn cười khi hồi tưởng chuyện quá khứ.
Sau mấy lần được giao nhiệm vụ đi trinh sát dẫn bộ đội đánh đồn, chỉ sau mấy tháng nhập ngũ, chiến sĩ Trần Quang Mẫn đã được kết nạp Đảng. Khi đó Sáu Mẫn vừa tròn 18 tuổi. Vốn là người gan dạ, thông minh, Sáu Mẫn được cử đi học sĩ quan ở Trường Quân chính Quang Trung. Năm 1947 trở về đơn vị, cô chỉ huy đại đội 70 (đại đội cảnh vệ - sau này là trung đoàn 124 thuộc Quân khu 9). Khi đó “anh” Trần Quang Mẫn 21 tuổi.
Cho đến một ngày, người bộ đội ở tiểu đoàn 401 (bộ đội địa phương huyện Phú Quốc) tên Nguyễn Văn Bé (Mười Bé) đi tìm “cô” Trần Quang Mẫn đòi cưới vì đó là người vợ đã được hứa hôn. Một đám cưới kỳ lạ đã diễn ra. “Mấy bà má cứ theo hỏi hoài. Tui cười biểu chừng đó má hay. Tới chừng vô làm đám tuyên bố, mấy đứa con nít la dữ lắm: Đàn ông mà đi cưới đàn ông”, bà kể. Đám cưới, cô dâu chú rể đều mặc đồ bộ đội của nam. Không áo cưới, không hoa, không cả quà cưới. Đơn vị tuyên bố. Mấy bà má nấu bánh canh, nấu chè mừng cho đôi trẻ.
🇻🇳
CUỘC ĐỜI LÀM VỢ CHỈ GẶP CHỒNG ĐƯỢC BỐN LẦN
Ngày 23-4-1952, chồng bà hi sinh khi tham gia trận đánh vào đồn Chàng Chẹt (Rạch Giá). “Đồng đội kể đêm đó trước khi công đồn, ổng nói với anh em: "Tui đi như vầy chắc ở nhà Sáu Mẫn sanh con rồi".
Tui cũng đâu hay ổng hi sinh. Chị Chín Lé đi công tác ghé qua bảo: Mười Bé hi sinh, chôn chung 11 người. Lúc đó tui mới hay. Ổng hi sinh khi tui sanh thằng nhỏ mới được bốn ngày...” - bà khóc khi nhớ lại ký ức đau đớn ấy.
Cả đời bà những lúc còn chồng, còn con thì thời gian gần gũi bên những người yêu thương nhất quá ngắn ngủi. “Cưới nhau được hơn tuần lễ ổng phải trở về đơn vị - bà kể - Tụi tui gặp nhau thêm hai lần, mỗi lần chừng 3-4 ngày. Khi có thai thằng Hưng gần hai tháng, vợ chồng tui mới gặp lại nhau lần nữa”.
Và đó cũng là lần cuối cùng họ nhìn thấy nhau... Chồng hi sinh khi bà sinh con mới được bốn ngày. Và cuộc đời làm vợ của bà cũng chỉ gặp chồng được bốn lần.
Lúc con trai mới được 5-6 tháng tuổi, bà phải dằn lòng gửi con cho ông bà ngoại nuôi giùm, trở về đơn vị chiến đấu cùng đồng đội. Kể từ đó, bà không gặp lại con nữa cho đến 5-6 năm sau khi đang ở trong tù. “Hồi địch nhốt tui ở trại giam Phú Lợi, một bữa tui thấy bà già, nhỏ em gái dẫn theo thằng nhỏ chừng 5-6 tuổi vô thăm. Tui đâu biết nó là con mình, tưởng con của nhỏ em”, bà cười thiệt buồn kể.
🇻🇳
"CHẾT" MỘT LẦN NỮA SAU 15 NĂM NGÀY CHỒNG HY SINH
Sau lần gặp ngắn ngủi đó, bà bị đày ra Côn Đảo. Khi được thả về, Quốc Hưng đã 14 tuổi và đã đi theo các anh bộ đội được bốn năm.
Bà không hay khi mình đang trong tù, mới 10 tuổi Quốc Hưng đã trốn ông bà ngoại lên tỉnh đội Rạch Giá xin làm liên lạc. Ai cũng biết đó là giọt máu duy nhất của bà và liệt sĩ Mười Bé nên tìm cách bảo vệ Hưng, chờ ngày hai mẹ con sum họp. Cán bộ tỉnh đội bố trí cho Hưng làm liên lạc ở đội U Minh 10.
“Tới lúc ở Côn Đảo về tui mới gặp lại con. Nó giống cha như đúc. Nó nằng nặc xin sang bộ phận trinh sát. Biết tính con cũng như mình ngày trước, tui không nỡ cản”, bà kể.
Một năm sau, bà đau đớn nhận tin đứa con duy nhất cũng hi sinh. 15 năm sau ngày chồng hi sinh, bà lại chết một lần nữa. “Hồi thằng Hưng hi sinh tui cũng đâu có hay. Tới bữa có người báo: Cô có hay gì không? Thằng Quốc Hưng hi sinh 3-4 bữa rồi cô hổng hay hả?...” - bà kể rồi lặng đi, để cho những dòng nước mắt chảy tràn khi nhắc đến người con trai độc nhất.
🇻🇳
KHI ANH HÙNG CŨNG LÀ MỘT NGƯỜI MẸ
Có một giai thoại mà những người lính khi đó truyền nhau mãi. Vào năm 1974, trong một đợt hành quân, bà đã dùng dao rạch bụng cứu sống một đứa bé khi người mẹ bị bom dội chết.
Lúc đó, bà là Tiểu đoàn trưởng. Gặp đợt oanh kích của giặc, cả tiểu đoàn chui hầm tránh bom. Khi chui ra khỏi hầm, bà phát hiện một người phụ nữ mang thai gần đến ngày sinh bị trúng bom đã tắt thở. Thấy thai nhi chòi đạp dữ dội, không chần chừ bà móc con dao găm nhỏ luôn mang sẵn bên mình rạch bụng người mẹ cứu đứa con.
Không đành lòng mang đứa nhỏ đi cho, bà gởi người quen gần đó nuôi vài tháng rồi nhận lại đứa bé gái nuôi dưỡng đến ngày hôm nay.
🇻🇳
MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG TRẦN THỊ QUANG MẪN
Mẹ Mẫn được Nhà Nước phong tặng nhiều Huân chương và danh hiệu cao quý: Huân chương chiến công, Huân chương kháng chiến, Huân chương Độc lập… và Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong đợt đầu tiên. Năm 1967, cùng với chị Út Tịch, Mẹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Tháng 4/1967, Mẹ được ra Hà Nội gặp Bác Hồ, được Bác ưu ái tặng cho bà khẩu súng K54 làm kỷ niệm. Cuộc đời Mẹ đã được nhà văn Bùi Hiển viết thành quyển sách “Cuộc đời tôi”. Mẹ suy nghĩ đơn giản rằng: “Hồi đó đi đánh giặc để giải phóng đất nước, mong cho đồng bào mình được sống trong cảnh thanh bình. Giờ ước nguyện đã thành sự thật, so với nhiều người khác, tôi may mắn còn sống đến ngày hôm nay. Đối với tôi như vậy đã mãn nguyện lắm rồi”.
Với 75 năm tuổi Đảng, giữ nhiều cương vị, chức vụ khác nhau, Mẹ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được đồng đội và Nhân dân yêu quý. Mẹ mất ngày 23/3/202, hưởng thọ 95 tuổi. Di hài Mẹ được an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Giồng Riềng, nơi chồng và con Mẹ an nghỉ./.
St

14 biện pháp phòng cháy, chữa cháy mùa nắng nóng cần ghi nhớ:

  Trước những diễn biến phức tạp, bất thường của thời tiết nắng nóng kéo dài cộng với nhu cầu sử dụng điện gia tăng dễ dẫn đến tăng nguy cơ xảy ra cháy nổ tại hộ gia đình. Để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, người dân cần ghi nhớ 14 nguyên tắc dưới đây.

1. Thường xuyên kiểm tra, thay thể dây dẫn, thiết bị điện hỏng hóc
Thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị.
Kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như cầu chì, công tắc, cầu dao, aptomat, rơle tự đóng ngắt điện.
Chống quá tải, chập cháy cho đường dây dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn.
(Dùng aptomat bảo vệ có thông số phù hợp riêng cho từng phòng, cho từng thiết bị có công suất lớn như bình nóng lạnh, điều hòa…).
2. Lắp đặt thiết bị, cầu dao, aptomat... cho hệ thống điện
Không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn.
Phân bổ các thiết bị tiêu thụ điện trên đường dây dẫn điện để đảm bảo công suất truyền tải của dây dẫn tránh hiện tượng quá tải gây cháy.
Khi lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất lớn phải lựa chọn dây dẫn cho phù hợp.
Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm.
3. Sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả
Không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện tùy tiện, tránh đi dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy.
Khi sử dụng bàn là, bếp điện, bếp từ phải có người trông coi.
4. Không để các chất dễ cháy (ga, xăng, dầu, giấy,...) gần nguồn lửa
Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở. Trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ.
5. Ô tô, xe máy cách xa bếp đun
Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt.
Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín.
Không nên để ô tô trong nhà ở phòng ngừa xe tự cháy hoặc khí khói độc khi nổ máy.
6. Không nên dùng ốp tường gây cháy
Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.
7. Không nên thắp hương gần nơi dễ cháy
Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy.
Đèn, bát hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ.
Chỉ đốt đèn, nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
8. Đảm bảo an toàn khi dùng bếp ga
Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas.
Nếu đun nấu bằng bếp dầu phải đủ bấc và thường xuyên được lau chùi sạch sẽ. Trước khi rót thêm dầu vào bếp phải tắt lửa, tuyệt đối không dùng xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu. Khi đun phải có người trông coi.
9. Nên tắt điện, ngắt cầu dao khi vắng nhà
Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
10. Bố trí cửa thoát hiểm phòng khi hỏa hoạn
Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra.
11. Đảm bảo an toàn cho người già, trẻ nhỏ
Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên.
12. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn.
13. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn để thoát nạn an toàn khi có cháy. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô, thùng để phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy, các thiết bị cảnh báo cháy sớm, phổ biến cho mọi người trong gia đình biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.
14. Ghi nhớ số báo cháy 114
Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC 114 hoặc Đội dân phòng, chính quyền, Công an phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến./
St

ĐỪNG ĐỂ “GIÁ ƠI, CHỜ LƯƠNG VỚI”!

 Mức lương cơ sở tăng 30% và một số điều chỉnh mới trong chính sách tiền lương được áp dụng từ ngày 1/7 tới đây đang đem lại niềm vui lớn đối với nhiều người nhưng kèm theo đó là nỗi lo tăng giá.

Thực tế mấy ngày qua, một số mặt hàng thiết yếu đã rục rịch tăng giá nhẹ. Có người còn lo ngại rằng, nếu không quản lý tốt về giá cả thì rất có thể “vận động viên giá” sẽ chạy quá nhanh so với “vận động viên lương” và câu nói quen thuộc “giá ơi, chờ lương với” cách đây vài chục năm trước sẽ lặp lại.
Việc "té nước" theo lương” cũng đang là vấn đề “nóng” tại diễn đàn Quốc hội. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất các giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Thực ra, đối tượng tăng lương lần này không nhiều lắm bởi theo số lượng thống kê vào cuối năm 2023, cả nước có khoảng 2,78 triệu cán bộ, công chức, viên chức (không bao gồm lực lượng vũ trang) được tăng lương. Bên cạnh đó, có gần 3,4 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng từ Quỹ bảo hiểm xã hội và 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách Nhà nước. Như vậy số lượng cán bộ hưởng lương ngân sách chỉ chiếm vài phần trăm dân số, quy mô không lớn để tạo ra áp lực tăng giá thực sự. Vấn đề cốt lõi tạo ra áp lực giá cả tăng là do tâm lý và việc lợi dụng “kẽ hở” tăng lương để tăng giá bất hợp lý.
Chính vì thế, theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế, giải pháp quan trọng, cấp bách lúc này là các cơ quan quản lý nhà nước phải đẩy mạnh việc thanh tra, giám sát để phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm luật cạnh tranh, liên kết tăng giá vô tội vạ, ảnh hưởng đến thị trường. Trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tình trạng tăng giá bất hợp lý làm mất đi ý nghĩa việc tăng lương, gây ảnh hưởng đời sống người lao động. Nhất là phải kiểm tra kiểm soát, đặc biệt với các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống... Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Nhằm bảo đảm ý nghĩa chính sách tăng lương từ 1/7, cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; điện; dịch vụ giáo dục...); phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu, kịch bản kiểm soát lạm phát cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2024.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thống kê, các cơ quan, địa phương liên quan đẩy mạnh triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết, cụ thể, kịp thời cho các tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp phù hợp, kịp thời; bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.
Cùng với việc kiểm soát giá cả, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến như: với mặt hàng xăng dầu, lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng…
Thủ tướng cũng giao các Bộ, ngành liên quan xử lý nghiêm trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu loại trừ yếu tố tâm lý đầu cơ, tăng lương không phải là nguyên nhân chính, trực tiếp làm gia tăng lạm phát. Vì thế để tránh tình trạng “giá ơi, chờ lương với”, việc thực hiện nghiêm túc công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất quan trọng vào lúc này. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay để ngăn chặn việc đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao. Người cung cấp dịch vụ, sản phẩm hàng hóa cũng cần cân nhắc trước khi quyết định đẩy giá lên bởi có thể sẽ không bán được hàng và vi phạm pháp luật./.
St