Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

HUYỀN THOẠI MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG GIẢ TRAI ĐI ĐÁNH GIẶC

 Trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, có lẽ Mẹ VNAH - Thiếu tá Trần Thị Quang Mẫn là trường hợp duy nhất cải nam trang đi đánh giặc. Từ một cô gái xinh đẹp, da trắng, tóc đen dài, bà phơi nắng, cắt tóc như con trai, gào thét cho vỡ giọng để có tiếng nói được ồm ồm như đàn ông…

🇻🇳
"ANH" CHIẾN SĨ TRẦN QUANG MẪN
Ngày đó, sống trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh nên từ nhỏ bà Mẫn đã có ý thức và trách nhiệm muốn đóng góp công sức cho nước nhà. Dù bị gia đình ngăn cấm nhưng bà Mẫn rủ em gái cùng tham gia hoạt động cách mạng. Vốn được học võ từ nhỏ, lại thêm tính cách gan dạ, muốn trực tiếp cầm súng tham gia đánh giặc nên bà xin gia nhập Vệ Quốc đoàn. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ nhân nam quân nhân nên bà phải tìm cách giả trai. Bằng nhiều cách, từ cắt tóc ngắn, quấn chặt ngực, tập thay đổi dáng đi, giọng nói, rèn luyện thể lực, bà Mẫn “biến” mình giống con trai nhất có thể. Cái tên Trần Thị Sáu nhường cho cái tên Trần Quang Mẫn ra đời từ đó. Đầu năm 1946, bà Mẫn trở thành tân binh của Trung đội 1, Đại đội 70, Chi đội 124 của Bộ đội Huỳnh Thủ hoạt động ở Vĩnh Thuận (Kiên Giang).
Nam giới đi đánh giặc vốn đã cực khổ, người cải trang như bà càng khổ hơn. Mỗi tháng, sắp tới ngày của phụ nữ, bà lấy rau răm giã nát, đổ rượu trắng vào uống nửa chén. Đây là "bài thuốc" bà học lóm từ người chị lớn. Áo quần mặc phải rộng hơn, ngủ trong nóp, tắm phải dòm trước ngó sau. Cũng may là sau một ngày đánh giặc mệt mỏi, mạnh ai nấy nhảy ào xuống sông tắm cho nhanh lên nghỉ nên không ai chú ý đến "anh" Mẫn da trắng trẻo như con gái.
“Lần đầu tiên được ôm cây súng, thấy nặng nhưng khoái lắm. Súng của Đức hai ký mấy lận. Riết rồi thấy quen. Lần lần tập bắn súng máy, tập tháo ráp, trườn bò, đứng bắn, nằm bắn, tập xáp lá cà, đâm lê... Rồi hành quân ban đêm. Có bữa đi vài ba cây số, có khi đi mười mấy cây số cũng có. Đàn ông làm gì mình làm vậy” - má Sáu Mẫn cười khi hồi tưởng chuyện quá khứ.
Sau mấy lần được giao nhiệm vụ đi trinh sát dẫn bộ đội đánh đồn, chỉ sau mấy tháng nhập ngũ, chiến sĩ Trần Quang Mẫn đã được kết nạp Đảng. Khi đó Sáu Mẫn vừa tròn 18 tuổi. Vốn là người gan dạ, thông minh, Sáu Mẫn được cử đi học sĩ quan ở Trường Quân chính Quang Trung. Năm 1947 trở về đơn vị, cô chỉ huy đại đội 70 (đại đội cảnh vệ - sau này là trung đoàn 124 thuộc Quân khu 9). Khi đó “anh” Trần Quang Mẫn 21 tuổi.
Cho đến một ngày, người bộ đội ở tiểu đoàn 401 (bộ đội địa phương huyện Phú Quốc) tên Nguyễn Văn Bé (Mười Bé) đi tìm “cô” Trần Quang Mẫn đòi cưới vì đó là người vợ đã được hứa hôn. Một đám cưới kỳ lạ đã diễn ra. “Mấy bà má cứ theo hỏi hoài. Tui cười biểu chừng đó má hay. Tới chừng vô làm đám tuyên bố, mấy đứa con nít la dữ lắm: Đàn ông mà đi cưới đàn ông”, bà kể. Đám cưới, cô dâu chú rể đều mặc đồ bộ đội của nam. Không áo cưới, không hoa, không cả quà cưới. Đơn vị tuyên bố. Mấy bà má nấu bánh canh, nấu chè mừng cho đôi trẻ.
🇻🇳
CUỘC ĐỜI LÀM VỢ CHỈ GẶP CHỒNG ĐƯỢC BỐN LẦN
Ngày 23-4-1952, chồng bà hi sinh khi tham gia trận đánh vào đồn Chàng Chẹt (Rạch Giá). “Đồng đội kể đêm đó trước khi công đồn, ổng nói với anh em: "Tui đi như vầy chắc ở nhà Sáu Mẫn sanh con rồi".
Tui cũng đâu hay ổng hi sinh. Chị Chín Lé đi công tác ghé qua bảo: Mười Bé hi sinh, chôn chung 11 người. Lúc đó tui mới hay. Ổng hi sinh khi tui sanh thằng nhỏ mới được bốn ngày...” - bà khóc khi nhớ lại ký ức đau đớn ấy.
Cả đời bà những lúc còn chồng, còn con thì thời gian gần gũi bên những người yêu thương nhất quá ngắn ngủi. “Cưới nhau được hơn tuần lễ ổng phải trở về đơn vị - bà kể - Tụi tui gặp nhau thêm hai lần, mỗi lần chừng 3-4 ngày. Khi có thai thằng Hưng gần hai tháng, vợ chồng tui mới gặp lại nhau lần nữa”.
Và đó cũng là lần cuối cùng họ nhìn thấy nhau... Chồng hi sinh khi bà sinh con mới được bốn ngày. Và cuộc đời làm vợ của bà cũng chỉ gặp chồng được bốn lần.
Lúc con trai mới được 5-6 tháng tuổi, bà phải dằn lòng gửi con cho ông bà ngoại nuôi giùm, trở về đơn vị chiến đấu cùng đồng đội. Kể từ đó, bà không gặp lại con nữa cho đến 5-6 năm sau khi đang ở trong tù. “Hồi địch nhốt tui ở trại giam Phú Lợi, một bữa tui thấy bà già, nhỏ em gái dẫn theo thằng nhỏ chừng 5-6 tuổi vô thăm. Tui đâu biết nó là con mình, tưởng con của nhỏ em”, bà cười thiệt buồn kể.
🇻🇳
"CHẾT" MỘT LẦN NỮA SAU 15 NĂM NGÀY CHỒNG HY SINH
Sau lần gặp ngắn ngủi đó, bà bị đày ra Côn Đảo. Khi được thả về, Quốc Hưng đã 14 tuổi và đã đi theo các anh bộ đội được bốn năm.
Bà không hay khi mình đang trong tù, mới 10 tuổi Quốc Hưng đã trốn ông bà ngoại lên tỉnh đội Rạch Giá xin làm liên lạc. Ai cũng biết đó là giọt máu duy nhất của bà và liệt sĩ Mười Bé nên tìm cách bảo vệ Hưng, chờ ngày hai mẹ con sum họp. Cán bộ tỉnh đội bố trí cho Hưng làm liên lạc ở đội U Minh 10.
“Tới lúc ở Côn Đảo về tui mới gặp lại con. Nó giống cha như đúc. Nó nằng nặc xin sang bộ phận trinh sát. Biết tính con cũng như mình ngày trước, tui không nỡ cản”, bà kể.
Một năm sau, bà đau đớn nhận tin đứa con duy nhất cũng hi sinh. 15 năm sau ngày chồng hi sinh, bà lại chết một lần nữa. “Hồi thằng Hưng hi sinh tui cũng đâu có hay. Tới bữa có người báo: Cô có hay gì không? Thằng Quốc Hưng hi sinh 3-4 bữa rồi cô hổng hay hả?...” - bà kể rồi lặng đi, để cho những dòng nước mắt chảy tràn khi nhắc đến người con trai độc nhất.
🇻🇳
KHI ANH HÙNG CŨNG LÀ MỘT NGƯỜI MẸ
Có một giai thoại mà những người lính khi đó truyền nhau mãi. Vào năm 1974, trong một đợt hành quân, bà đã dùng dao rạch bụng cứu sống một đứa bé khi người mẹ bị bom dội chết.
Lúc đó, bà là Tiểu đoàn trưởng. Gặp đợt oanh kích của giặc, cả tiểu đoàn chui hầm tránh bom. Khi chui ra khỏi hầm, bà phát hiện một người phụ nữ mang thai gần đến ngày sinh bị trúng bom đã tắt thở. Thấy thai nhi chòi đạp dữ dội, không chần chừ bà móc con dao găm nhỏ luôn mang sẵn bên mình rạch bụng người mẹ cứu đứa con.
Không đành lòng mang đứa nhỏ đi cho, bà gởi người quen gần đó nuôi vài tháng rồi nhận lại đứa bé gái nuôi dưỡng đến ngày hôm nay.
🇻🇳
MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG TRẦN THỊ QUANG MẪN
Mẹ Mẫn được Nhà Nước phong tặng nhiều Huân chương và danh hiệu cao quý: Huân chương chiến công, Huân chương kháng chiến, Huân chương Độc lập… và Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong đợt đầu tiên. Năm 1967, cùng với chị Út Tịch, Mẹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Tháng 4/1967, Mẹ được ra Hà Nội gặp Bác Hồ, được Bác ưu ái tặng cho bà khẩu súng K54 làm kỷ niệm. Cuộc đời Mẹ đã được nhà văn Bùi Hiển viết thành quyển sách “Cuộc đời tôi”. Mẹ suy nghĩ đơn giản rằng: “Hồi đó đi đánh giặc để giải phóng đất nước, mong cho đồng bào mình được sống trong cảnh thanh bình. Giờ ước nguyện đã thành sự thật, so với nhiều người khác, tôi may mắn còn sống đến ngày hôm nay. Đối với tôi như vậy đã mãn nguyện lắm rồi”.
Với 75 năm tuổi Đảng, giữ nhiều cương vị, chức vụ khác nhau, Mẹ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được đồng đội và Nhân dân yêu quý. Mẹ mất ngày 23/3/202, hưởng thọ 95 tuổi. Di hài Mẹ được an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Giồng Riềng, nơi chồng và con Mẹ an nghỉ./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét