Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

Hàn Quốc cam kết mở rộng quy mô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.

 Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cam kết mở rộng hơn nữa quy mô viện trợ không hoàn lại cho nhiều lĩnh vực của Việt Nam, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tại cuộc hội đàm chiều 2/7 ở Seoul, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam ủng hộ chính sách và mục tiêu phát triển của Hàn Quốc, trong đó có chính sách "Quốc gia trọng điểm toàn cầu" và mong muốn phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước thực chất, hiệu quả, lâu dài.

Thủ tướng đề nghị Hàn Quốc tiếp tục mở cửa hơn nữa cho hàng hóa thế mạnh của Việt Nam như thực phẩm chế biến, nông thủy sản, trái cây theo mùa vào thị trường Hàn Quốc. Ông khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực điện khí (LNG), kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI); tăng cường xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

Ông cũng đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ mở Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Busan trong năm 2024 và thành lập "Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc"; đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực và tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam nhập cảnh Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy hợp tác du lịch.

Mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương hai nước, Thủ tướng đề xuất triển khai hiệu quả cơ chế "Gặp gỡ Hàn Quốc" tại các tỉnh, thành phố Việt Nam. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Hàn Quốc tăng cường cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang du học; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cộng đồng người Việt Nam ổn định cuộc sống lâu dài tại Hàn Quốc.

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Seoul. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Seoul. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Han Duck-soo nhấn mạnh Việt Nam là đối tác trọng tâm trong triển khai các chính sách đối ngoại tại khu vực, trong đó có Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Sáng kiến đoàn kết ASEAN - Hàn Quốc (KASI). Việt Nam là đối tác lớn thứ nhất của Hàn Quốc về hợp tác phát triển, đối tác lớn thứ ba về thương mại và đối tác đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc trong ASEAN.

Thủ tướng Han Duck-soo cho rằng việc tạo điều kiện đầu tư thuận lợi là cần thiết đối với thương mại bền vững và mở rộng đầu tư, nâng cao hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp tương lai, hợp tác khởi nghiệp giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai nước. Ông đề nghị Việt Nam tích cực hỗ trợ giải quyết các vướng mắc của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và khẳng định sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất do các doanh nghiệp Hàn Quốc dẫn dắt tại Việt Nam, đề nghị hai bên tăng cường hợp tác thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc, nhằm xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi ổn định.

Thủ tướng Hàn Quốc cho biết nước này ưu tiên hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp thông qua viện trợ phát triển không hoàn lại của Cơ quan Hợp tác quốc tế KOICA. Hàn Quốc cũng cam kết mở rộng hơn nữa quy mô viện trợ không hoàn lại cho các lĩnh vực như phát triển hành chính công, chính phủ điện tử, giáo dục, nghiên cứu và phát triển.

Thủ tướng Han Duck-soo cho biết sẽ tiếp tục tăng thêm hạn ngạch tiếp nhận người lao động Việt Nam, hỗ trợ giai đoạn 2 dự án Hợp tác xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST).

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo. Ảnh: Nhật Bắc

Hai bên nhất trí thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp nhằm tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị. Hai nhà lãnh đạo đạt nhận thức chung về tăng cường hợp tác thực chất trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh; phối hợp triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, trong đó thực hiện hiệu quả "Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc".

Hai Thủ tướng thống nhất sẽ phối hợp để sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững. Các bộ ngành của hai nước sẽ đẩy nhanh các thủ tục để có thể công bố mở cửa thị trường cho quả bưởi của Việt Nam và quả dưa tây của Hàn Quốc trong năm 2024 và tăng cường hợp tác văn hóa, du lịch, giáo dục, giao lưu nhân dân.

Sau hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Han Duck-soo đã ra Thông cáo báo chí chung về kết quả hội đàm và cùng chứng kiến lễ trao 9 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, hợp tác phát triển, trao đổi hệ sinh thái khởi nghiệp, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân đang trong chuyến thăm Hàn Quốc từ 30/6 đến 3/7. Đây là chuyến thăm chính thức Hàn Quốc đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện tháng 12/2022.

Nhà khoa học Hàn Quốc hiến kế giúp Việt Nam phát triển bán dẫn, AI.

 15 chuyên gia, nhà khoa học của Hàn Quốc hiến kế giúp Việt Nam phát triển lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo khi tọa đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ngày 1/7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và có buổi làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

TS Chang Joon-Yeon, Phó chủ tịch Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KIST), cho biết từ năm 1978, Chủ tịch Tập đoàn Samsung khi đó đã tới Viện KIST để tìm hiểu việc đầu tư vào công nghệ bán dẫn. Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm đến lĩnh vực này và đã đầu tư vào Trung tâm nghiên cứu về bán dẫn.

"Việc đào tạo các chuyên gia, nhà khoa học rất quan trọng. Nếu không có ý chí của Chính phủ và các nhà đầu tư đặt quyết tâm vào lĩnh vực này thì không thể có được thành công về bán dẫn", ông Chang nói.

GS Lim Jung-Wook, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Viện Nghiên cứu điện tử viễn thông (ETRI), cho rằng Việt Nam có lợi thế nguồn nhân lực ưu tú. Để thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn, cần rất nhiều thời gian đầu tư, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực ưu tú. Ông Lim và nhiều nhà khoa học cùng băn khoăn về kế hoạch đào tạo và sử dụng nguồn chất xám từ sinh viên được đào tạo về bán dẫn của Việt Nam.

Giáo sư Jeong Moon-seok, Đại học Hanyang, thì cảnh báo nguy cơ nhiều quốc gia đang cố gắng hút nguồn nhân lực bán dẫn của nhau bằng nhiều chính sách hấp dẫn.

Các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc phát biểu tại cuộc ăn trưa làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc phát biểu tại buổi ăn trưa làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng việc hợp tác với KIST và rộng hơn với Hàn Quốc trong lĩnh vực AI phụ thuộc rất nhiều vào thế mạnh và lĩnh vực nghiên cứu của mỗi bên. Viện KIST có nhiều kinh nghiệm trong phát triển các công nghệ AI và một số công nghệ đã được Chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng, như Viện nghiên cứu về AI và Robot.

Những lĩnh vực hai bên có tiềm năng hợp tác bao gồm các công nghệ AI trong thị giác máy tính và đồ họa máy tính; Các công nghệ AI trong y tế và công nghệ y sinh học; AI cho nhà máy thông minh; AI cho chính phủ điện tử, đô thị thông minh; AI trong lĩnh vực chip bán dẫn...

Bộ trưởng Đạt cho biết, theo Hiệp định của hai Chính phủ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc VKIST đã xây dựng và vận hành, bắt đầu giải quyết được nhiều bài toán của doanh nghiệp ở Việt Nam. VKIST sẽ đóng vai cầu nối trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn giữa Việt Nam với các đối tác Hàn Quốc nói chung và với Viện KIST nói riêng.

Trong thời gian tới, thừa hưởng những kết quả đạt được của dự án VKIST giai đoạn 1, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chỉ đạo Viện VKIST tập trung nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn. Các lĩnh vực được ưu tiên nghiên cứu gồm các chip mô phỏng não người có hiệu năng cao, mạng nơ ron nhân tạo dựa trên khoa học thần kinh, tính toán lượng tử quy mô lớn và kết nối bảo mật, điện tử học spin, các công nghệ linh kiện quang tử tốc độ cao. "Đây cũng là thế mạnh của Hàn Quốc và cũng là lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác của hai nước", Bộ trưởng Đạt nói.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại cuộc ăn trưa, tọa đàm.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại cuộc ăn trưa, tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc

Trả lời GS Lim Jung-Wook, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ nói lĩnh vực bán dẫn cạnh tranh khốc liệt, trong đó việc dẫn đầu ngành đòi hỏi phải có thời gian và chiến lược đáng kể. Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn đang ở thời điểm cần có bước nhảy vọt về công nghệ mới. Vì vậy, việc đảm bảo các công nghệ mới thông qua R&D (sáng tạo để tạo ra kiến thức, công nghệ, sản phẩm mới hoặc cải tiến các sản phẩm hiện có) là vô cùng quan trọng ở Việt Nam.

"Tôi hiểu rằng Việt Nam có rất nhiều cá nhân tài năng và điều quan trọng là nuôi dưỡng những tài năng này và giúp họ phát triển thành chuyên gia bán dẫn. Nếu có kế hoạch dài hạn quốc gia liên quan đến vấn đề này, xin GS Lim giới thiệu cho tôi", Bộ trưởng Đạt đề nghị.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng xây dựng chiến lược về bán dẫn. Cách đây 4 năm Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện chiến lược về AI. "Đường đi vạch ra tương đối rõ, có tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm rõ ràng. Chúng tôi đang tập trung cơ chế chính sách để thu hút bán dẫn và AI, với những chính sách ưu đãi nhất hiện nay để hấp dẫn và cạnh tranh hơn nữa với các nhà đầu tư", ông Dũng thông tin.

Theo ông, trong vài ngày tới Chính phủ sẽ xem xét phê chuẩn về đề án đào tạo nhân lực bán dẫn. Trong số 50.000 nhân lực từ nay tới năm 2030, có 15.000 người trong lĩnh vực thiết kế và 35.000 cho các ngành khác, trong đó có 5.000 kỹ sư cho AI. Việt Nam có 30 trường đại học và đang có kế hoạch đào tạo nâng cấp 1.300 giảng viên để đào tạo 50.000 nhân lực bán dẫn.

"Tôi đề nghị các doanh nghiệp, trường đại học Hàn Quốc hỗ trợ các suất học bổng để chúng tôi gửi sinh viên sang đào tạo, hiện thực hóa nguồn nhân lực chất lượng cao", Bộ trưởng Dũng nói.

Các nhà khoa học Hàn Quốc trong cuộc ăn trưa tọa đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Bộ trưởng Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Các nhà khoa học Hàn Quốc trong cuộc ăn trưa tọa đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Bộ trưởng Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng giám đốc Viettel, mong muốn được hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và AI với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ông nói Viettel có đủ tiềm lực, có cơ chế chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, có khả năng nghiên cứu sản xuất chip; có nguồn lực hệ sinh thái về công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số; có khách hàng lớn chính là người dân Việt Nam và 10 quốc gia đã đầu tư; có hệ thống dữ liệu hạ tầng số; năng lực tài chính mạnh.

Theo ông Thắng, Viettel đã hợp tác với các tập đoàn Samsung, Hanwha, SK... nhưng "vẫn chưa tương xứng với quy mô hiện nay". Do đó, Viettel mong muốn được đón các nhà khoa học, chuyên gia Hàn Quốc làm việc và trao đổi cụ thể, nhất là có thêm hợp tác về y tế, giáo dục với các tập đoàn Hàn Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các ý kiến tâm huyết của các đại biểu; đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc tiếp tục đóng góp ý kiến giúp Việt Nam xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách ưu đãi đủ sức cạnh tranh, thu hút đầu tư và nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Ông khẳng định phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, xu thế chung của thế giới. Cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, Việt Nam xác định phải tập trung phát triển các ngành mang lại giá trị cao, nhất là các ngành mới nổi như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các nhà khoa học Hàn Quốc. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi thông tin với các nhà khoa học Hàn Quốc. Ảnh: Nhật Bắc

Nhấn mạnh đến chủ trương và quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển bán dẫn và AI, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và đề án trong lĩnh vực này. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy lỗ hổng y tế của các nước, đòi hỏi phát triển trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn trong lĩnh vực y tế.

"Trong cuộc làm việc với lãnh đạo Hàn Quốc vào ngày mai, chúng tôi sẽ đề xuất hợp tác liên Chính phủ trong hai ngành quan trọng này, dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc", Thủ tướng nói.

Ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế thứ 12 thế giới, với mức đóng góp 8% GDP quốc gia và đạt doanh thu 129 tỷ USD xuất khẩu, Hàn Quốc đã trải qua những bước phát triển lâu dài từ cách đây hơn 50 năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân thăm chính thức Hàn Quốc từ 30/6 đến 3/7 theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và phu nhân.


Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc hy vọng mở rộng hợp tác với Việt Nam.

 ộ trưởng Ahn Dukgeun hy vọng phạm vi hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc sẽ mở rộng với các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn và thiết lập mạng lưới cung ứng ổn định.

Phát biểu tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc sáng 1/7, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Dukgeun đánh giá mối quan hệ hai nước đang gần gũi hơn bao giờ hết. "Quan hệ hai nước đã 32 năm. Tuổi 30 của con người là tuổi quan trọng để xác định hướng đi, đương đầu thách thức mới", ông nói.

Năm 2023, thương mại hai nước đạt 76 tỷ USD. Để chuẩn bị cho 30 năm tiếp theo, ông Ahn Dukgeun cho rằng cần mở rộng kim ngạch thương mại lên 150 tỷ USD vào năm 2030, trước mắt đạt 100 tỷ USD vào năm 2025. Ông hy vọng phạm vi hợp tác giữa hai nước sẽ được mở rộng với các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn và thiết lập mạng lưới cung ứng ổn định. Việt Nam có tài nguyên đất hiếm, Hàn Quốc có công nghệ sản xuất tiên tiến "nên hai nước có tiềm năng lớn, có thể xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc, từ tài nguyên khoáng sản, vật liệu".

"Việt Nam là quốc gia đầu tiên Hàn Quốc ký thỏa thuận khí hậu quốc tế. Hàn Quốc có thể chia sẻ kinh nghiệm vận hành nhà máy điện hạt nhân, là điều cần thiết cho phát triển năng lượng Việt Nam", ông Ahn Dukgeun cho hay.

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho rằng hai nước cần tiếp tục tinh thần cùng lắng nghe và thấu hiểu; chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển mà Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với phía Hàn Quốc.

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Dukgeun. Ảnh: Nhật Bắc

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Dukgeun. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rất ấn tượng với cách ví von của Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Dukgeun về mối quan hệ 32 năm của Việt Nam và Hàn Quốc. "Quan hệ hai nước chúng ta đang ở giai đoạn đủ độ chín sau hơn 30 năm thiết lập. Quan hệ song phương phát triển tốt đẹp trên tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân", Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh các doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam làm ăn luôn được bảo đảm ổn định chính trị, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, công bằng giữa các đối tác. Với trọng tâm mở rộng đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, hợp tác để mở ra chân trời phát triển mới.

"Hai bên cần chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ hiện đại để hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, quản trị thông minh, quản trị quốc gia", ông nói, đề nghị các doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực mới nổi, quan trọng như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen, công nghiệp văn hóa, giải trí.

Ông mong muốn các nhà đầu tư phát huy tinh thần "ba cùng: cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển; "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "hợp tác toàn cầu, toàn diện, toàn dân", cùng nhau "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Bắc

Diễn đàn do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân thăm chính thức Hàn Quốc từ 30/6 đến 3/7 theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và phu nhân. Thủ tướng dự kiến có hơn 30 hoạt động trong chuyến thăm, trong đó hơn một nửa tập trung vào lĩnh vực kinh tế.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Tập đoàn Lotte, Hyosung Corp và Hyosung HS.

Chủ tịch Lotte Shin Dong Bin chia sẻ từ năm 1996 tập đoàn đã đầu tư vào Việt Nam, tháng 9/2023 khai trương Lotte Mall Tây Hồ. Lotte đang triển khai dự án Eco Smart City ở Thủ Thiêm (TP HCM), khởi công tháng 8/2022 và đang chờ định giá đất. Ông mong Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ định giá đất để triển khai dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản và Nhà ở có hiệu lực từ 1/8, Nghị định về định giá đất sẽ được ban hành, nên vấn đề định giá đất mà Chủ tịch Lotte nêu sẽ được xử lý. Ông mong Lotte tiếp tục mở rộng đầu tư với mô hình Lotte Mall ở các tỉnh, thành của Việt Nam.

Doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất cơ chế đầu tư vào điện gió, khí ở Việt Nam.

 Lãnh đạo một số tập đoàn Hàn Quốc muốn Chính phủ Việt Nam có cơ chế, tạo điều kiện hỗ trợ pháp lý, tài chính để đầu tư, hoàn thành các dự án điện gió, điện khí.

50 lãnh đạo tập đoàn lớn của Hàn Quốc dự tọa đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại thủ đô Seoul, sáng 1/7. Đại diện các doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm tới các dự án năng lượng, nhất là điện gió, khí tại Việt Nam.

Phó chủ tịch Tập đoàn Doosan Enerbility Jung Yeonin cho biết sẵn sàng tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. "Tôi hy vọng Thủ tướng Phạm Minh Chính và các cơ quan hỗ trợ để công ty có thể đưa sản phẩm turbin vào các dự án. Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao và cùng Việt Nam đào tạo nhân lực chuyên môn", ông Jung Yeonin nói.

Tập đoàn GS Energy đầu tư Nhà máy điện khí LNG tại Long An, quy mô 3 tỷ USD. Năm 2021, tập đoàn này được cấp giấy chứng nhận đầu tư và hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 9/2023. Chủ tịch GS Energy Huh Yongsoo hy vọng dự án này có thể hoàn thành, bán điện vào cuối năm nay.

"Chúng tôi mong Thủ tướng và các cơ quan Việt Nam cho phép công ty thực hiện cơ chế tài chính toàn cầu và hỗ trợ pháp lý", ông Huh Yongsoo nói.

Chủ tịch tập đoàn GS Energy Huh Yongsoo tại tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc

Chủ tịch tập đoàn GS Energy Huh Yongsoo tại tọa đàm, sáng 1/7, tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Nhật Bắc

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí phải đầu tư mới trên 30.420 MW, trong đó 75% là khí LNG (22.824 MW).13 dự án dùng LNG được phát triển tới 2030 theo quy hoạch này.

Việt Nam sẽ phát triển khoảng 27.880 MW điện gió (trên đất liền, gần bờ, ngoài khơi) đến 2030, trong đó điện gió ngoài khơi là 6.000 MW.

Cũng theo quy hoạch này, công suất đặt nguồn điện đến 2030 khoảng 150.000 MW và tăng lên 510.000 MW vào 2050 - tức gấp 8 lần hiện nay. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6-6,5% một năm, nhu cầu điện cho sản xuất, tiêu dùng của Việt Nam rất cao. "Nhu cầu thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng rất lớn", Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói.

Bộ trưởng Diên cho biết, cơ chế đặc thù phát triển điện khí LNG, điện gió ngoài khơi đang được cơ quan này nghiên cứu để trình Chính phủ, Quốc hội, trong đó đề xuất tỷ lệ bao tiêu tối thiểu sản lượng điện và cơ chế đổi ngang giá khí sang giá điện. Cuối tháng 5, Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện khí LNG, với giá trần cao nhất gần 2.600 đồng một kWh, để các nhà đầu tư tham chiếu.

Ngoài các quy hoạch về năng lượng được Chính phủ phê duyệt, Bộ này cũng hoàn thiện cơ chế liên quan tới mua bán điện trực tiếp (DPPA). "Hôm nay là ngày đầu tiên thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp, đây là cơ sở để các doanh nghiệp hợp tác", ông Diên nói.

Theo ông, Chính phủ cũng chỉ đạo phát triển điện mái nhà áp mái theo hướng tự sản tự tiêu, rà soát điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường.

Các lãnh đạo tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc dự tọa đàm cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính, sáng 1/7, tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay chào hỏi lãnh đạo các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc, sáng 1/7. Ảnh: Nhật Bắc

Ngoài năng lượng, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng quan tâm, muốn rót vốn vào lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng động cơ máy bay. Ông Jung In Sub, CEO Tập đoàn Hanwha Aerospace cho hay hiện các hãng hàng không Việt Nam phải đưa tàu bay ra nước ngoài để bảo dưỡng động cơ máy bay. "Chúng tôi muốn tham gia vào thị trường này và mong được Chính phủ hỗ trợ", ông nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh đề xuất của doanh nghiệp tham gia bảo trì, bảo dưỡng động cơ máy bay. "Chúng tôi đang xây dựng sân bay Long Thành, sân bay Đà Nẵng, Chu Lai, Nội Bài... nên rất cần bảo trì về máy bay", lãnh đạo Chính phủ nói.

Thủ tướng cũng mong muốn các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác với Việt Nam, cùng nhau thúc đẩy "những chân trời hợp tác mới", trên cơ sở cách tiếp cận mang tính "toàn cầu, toàn diện, toàn dân". Việc này nhằm hướng tới mục tiêu hai nước đạt kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm, sáng 1/7, tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Nhật Bắc

Năm 2023, thương mại hai nước đạt 76 tỷ USD. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại thứ 3 của Việt Nam sau Trung Quốc và Mỹ. Nước này cũng là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam và đối tác đứng thứ 2 về ODA. Hàn Quốc là nước đứng đầu về đầu tư trực tiếp ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế 87 tỷ USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân thăm chính thức Hàn Quốc từ 30/6 đến 3/7 theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và phu nhân. Thủ tướng dự kiến có hơn 30 hoạt động trong chuyến thăm, trong đó hơn một nửa tập trung vào lĩnh vực kinh tế, vốn là điểm sáng trong quan hệ Việt - Hàn.

HLV Park Hang-seo: Mối liên kết Việt - Hàn vượt ra ngoài bóng đá.

 Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Park Hang-seo đề cao tình cảm "vượt ra ngoài bóng đá" của người dân Việt - Hàn và cam kết đóng góp cho quan hệ song phương.

"Dù không còn là huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, tôi khẳng định vẫn giữ vai trò cầu nối, kết nối hai nền văn hóa và hai nước. Tôi tin Việt Nam và Hàn Quốc có thể xây dựng tương lai tươi sáng hơn", ông Park Hang-seo nói tại cuộc gặp chiều 30/6 của Thủ tướng Phạm Minh Chính với những người bạn Hàn Quốc tại thủ đô Seoul.

Theo ông Park, trong nhiệm kỳ ông làm HLV trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam, những chiến thắng của đội đã mang lại niềm vui không chỉ cho Việt Nam mà còn cho người dân Hàn Quốc. Đó "không chỉ là thành tích về thể thao mà còn thể hiện sự đoàn kết về văn hóa, cho thấy bóng đá thúc đẩy sự gắn kết và đoàn kết giữa hai nước".

Ông Park Hang Seo phát biểu tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Thủ đô Seoul. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Park Hang-seo phát biểu tại cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Seoul. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhớ lại thời điểm đó, mỗi trận bóng đá, dù thắng hay thua, đều thể hiện tinh thần Việt Nam và Hàn Quốc. Người dân Việt Nam không chỉ mang mang theo quốc kỳ Việt Nam, hát quốc ca Việt Nam mà còn mang theo quốc kỳ Hàn Quốc, hát quốc ca Hàn Quốc, đem theo hình ảnh của HLV Park.

Thủ tướng cho rằng điều này không chỉ thể hiện tình cảm của những con người cụ thể, mà còn cho thấy mối gắn bó trong quan hệ hai nước.

Ông cũng nhắc lại kỷ niệm lúc HLV Park Hang-seo cùng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam trở về từ Thường Châu, Trung Quốc, sau vòng chung kết U23 châu Á năm 2018, đã được chào đón theo cách rất đặc biệt. Quãng đường hơn 30 km từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội đã ùn tắc nhiều giờ vì người hâm mộ đứng chờ đợi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp những người yêu Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp. Ảnh: Nhật Bắc

Huấn luyện viên Park Hang-seo đến với bóng đá Việt Nam cuối 2017 và gặt hái nhiều thành công với tấm Huy chương bạc giải U23 châu Á 2018, vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019, hai lần giành Huy chương vàng SEA Games 2019, 2021 và đưa đội tuyển lần đầu vào tới vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á.

Dưới thời ông Park, Việt Nam luôn duy trì vị thế là nền bóng đá hàng đầu khu vực Đông Nam Á, đồng thời là quốc gia Đông Nam Á giữ vị trí lâu nhất trong top 100 của FIFA.

Sau khi kết thúc hợp đồng đầu năm 2023, ông quyết định chia tay tuyển Việt Nam. Hiện ông Park muốn tập trung sức lực cho học viện bóng đá trẻ mang tên ông và nhiệm vụ cố vấn cấp cao cho Bắc Ninh FC.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Hội hữu nghị Hàn - Việt Lee Shin-jae cho biết hội tài trợ chi phí sinh hoạt và y tế cho gia đình kiều bào Việt Nam có thu nhập thấp, mở lớp học song ngữ, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai nước. "Chúng tôi có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam nên mong muốn làm cầu nối vun đắp mối quan hệ hai nước", ông nói.

Chủ tịch Hội Giao lưu kinh tế, văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam (KOVECA) Kwon Sung-taek khẳng định Việt Nam là nước láng giềng gần gũi, bạn bè thân thiết của Hàn Quốc.

Bày tỏ nhiều kỳ vọng vào kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Kwon cho hay việc nhập cảnh vào Việt Nam là chủ đề được các doanh nhân Hàn Quốc nhắc đến nhiều nhất và Việt Nam là một trong những nơi được người Hàn Quốc lựa chọn nhiều nhất để đi du lịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với những người yêu Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm trong cuộc gặp gỡ những người bạn Hàn Quốc. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng cho biết Việt Nam coi trọng quan hệ với Hàn Quốc và mong muốn đưa hợp tác hai nước tiếp tục có bước chuyển thực chất, hiệu quả và lâu dài, tương xứng với quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân Hàn Quốc tiếp tục dành tình cảm cho Việt Nam, "đã yêu quý rồi thì yêu quý nhiều hơn nữa", chuyển tình cảm này thành những hành động, dự án, chương trình hợp tác cụ thể, "đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện".

Hiện có hơn 250.000 người Việt Nam sinh sống ở Hàn Quốc và khoảng 150.000 người Hàn Quốc ở Việt Nam; hơn 80.000 gia đình đa văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân thăm chính thức Hàn Quốc từ 30/6 đến 3/7 theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và phu nhân. Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được Hàn Quốc cử hành chiều nay tại sân bay quân sự Seongnam.

Thủ tướng dự kiến có hơn 30 hoạt động trong chuyến thăm, trong đó hơn một nửa tập trung vào lĩnh vực kinh tế, vốn là điểm sáng trong quan hệ Việt - Hàn. Hàn Quốc là nước đứng đầu về đầu tư trực tiếp ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế 87 tỷ USD. Đây cũng là đối tác lớn trong nhóm đầu về kim ngạch thương mại, năm 2023 đạt gần 80 tỷ USD, và là đối tác lớn về hợp tác phát triển (ODA), du lịch, lao động.

Lao động bị nợ bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng hưu trí, tử tuất.

 Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất cho lao động trong trường hợp doanh nghiệp không còn khả năng đóng BHXH.

Nội dung nêu trong Nghị quyết kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15, được thông qua sáng 29/6. Chính phủ sẽ quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Thời gian thực hiện trước ngày 1/7.

Nguồn kinh phí được lấy từ nguồn thu xử lý chậm đóng, trốn đóng quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp trốn đóng, số ngày trốn đóng vào Quỹ BHXH, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Khoản 3, Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp từ 30 ngày trở lên thì phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, họ còn phải nộp tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư Quỹ BHXH.

Nếu người sử dụng lao động không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước sẽ trích từ tài khoản tiền gửi của họ để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện người sử dụng lao động vẫn còn khả năng đóng BHXH cho người lao động thì truy thu, truy đóng vào Quỹ BHXH và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (bìa phải) tại Quốc hội. Ảnh: Hoàng Phong

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (bìa phải) tại Quốc hội. Ảnh: Hoàng Phong

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết việc bổ sung nội dung này vào Nghị quyết kỳ họp là phù hợp để bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy chậm đóng BHXH diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp. Riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn hơn 4.000 tỷ đồng khiến hơn 213.400 người bị "treo" quyền lợi.

Bế mạc kỳ họp 7 Quốc hội khóa 15

Sau khi Nghị quyết được thông qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp. Ông nói đây là kỳ họp có khối lượng công việc lập pháp nhiều nhất từ trước đến nay. Công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định với việc bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó thủ tướng, Bộ trưởng Công an; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. "Nội dung nhân sự đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội", ông Mẫn nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Media Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Media Quốc hội

Với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật gồm: Luật Lưu trữ; Tổ chức Tòa án nhân dân; Bảo hiểm xã hội sửa đổi; Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Đường bộ; Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Quốc hội cũng cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật; xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác.

Người sở hữu vũ khí trưng bày phải khai báo.

 Tổ chức, cá nhân bị nghiêm cấm sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí là hiện vật trưng bày, triển lãm, làm đồ gia bảo, nhưng phải khai báo.

Sáng 29/6, Quốc hội thông qua Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ với hơn 94% đại biểu tán thành.

Tại điều 4, Luật quy định tổ chức, cá nhân sở hữu vũ khí thô sơ là hiện vật trưng bày, triển lãm, làm đồ gia bảo phải khai báo. Hồ sơ nêu rõ lý do, số lượng, chủng loại, số hiệu, xuất xứ và nộp tại công an xã, phường, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Công an.

Việc nghiên cứu, sản xuất, mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, súng săn; tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, cũng bị nghiêm cấm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vũ khí thô sơ là phương tiện đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người và công tác bảo đảm an ninh, trật tự nên cần quản lý chặt chẽ. Nhiều vũ khí thô sơ được trưng bày, triển lãm, làm đồ gia bảo vẫn còn khả năng gây sát thương.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó chủ tịch bấm nút thông qua luật. Ảnh: Hoàng Phong

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó chủ tịch bấm nút thông qua luật. Ảnh: Hoàng Phong

Dao dùng trong lao động sản xuất không bị coi là vũ khí

Khoản 6 điều 2 quy định dao có tính sát thương cao là dao sắc, nhọn thuộc danh mục do Bộ trưởng Công an ban hành. Dao găm, dao có tính sát thương cao sử dụng với mục đích thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ, được coi là vũ khí thô sơ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết việc bổ sung dao có tính sát thương cao nhằm tăng cường quản lý, tạo cơ sở pháp lý để phòng chống tội phạm sử dụng dao. Luật quy định 3 chế độ quản lý những loại dao này gắn với mục đích sử dụng.

Trường hợp dùng dao có tính sát thương cao phục vụ lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thì không coi là vũ khí. Tuy nhiên các cơ quan phải quản lý chặt, bảo đảm an toàn, nhằm phòng ngừa nguy cơ dùng dao có tính sát thương cao vào mục đích vi phạm pháp luật.

Nếu dùng dao có tính sát thương cao để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ, thì quy định là vũ khí thô sơ. Dùng dao có tính sát thương cao với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì quy định là vũ khí quân dụng.

Theo ông Tới, với các quy định như Luật thì các hành vi liên quan đến dao có tính sát thương cao không có động cơ, mục đích sẽ không bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Điều 74 của luật giao Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao để thực hiện từ 1/1/2026. Các biện pháp bảo đảm an toàn phải phù hợp với thực tiễn, không gây cản trở đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân.

Người sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu dao có tính sát thương cao phải cung cấp thông tin về số lượng, chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất khi có yêu cầu của công an.

Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ 1/1/2025.