Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

 Hậu Giang: Lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết kịp thời kiến nghị của cử tri

Trân trọng, lắng nghe ý kiến cử tri

Mừng vì sắp tới sẽ có con đường đi lại thuận tiện, bà Phan Thị Lùn, cử tri ấp 11, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, bày tỏ: “Trẻ sắp đến ngày tựu trường mà tuyến đường dân sinh ở đoạn xây dựng tuyến cao tốc tại ấp 11 chưa xong. Không có đường đi lại, nên rất bất tiện. Tại buổi tiếp xúc, sau phản ánh của chúng tôi, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang đã đi khảo sát thực tế và chỉ đạo hỗ trợ người dân. Chúng tôi rất phấn khởi vì tới đây, sẽ có đường dân sinh để tụi nhỏ đi học dễ dàng”.

Gần gũi, lắng nghe, trân trọng, quan tâm, thấu hiểu từng ý kiến phản ánh của cử tri, đại biểu HĐND 3 cấp đã ghi nhận và phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trả lời cụ thể, thẳng thắn, đầy trách nhiệm tại buổi tiếp xúc vừa qua. Theo đó, đại biểu, đại diện chính quyền địa phương với trách nhiệm, thẩm quyền của mình, đã trả lời rõ, không nói chung chung, đi thẳng vào vấn đề cử tri phản ánh.

Đồng chí Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: “Cử tri thấy khó mới chia sẻ với đại biểu tại buổi gặp trực tiếp. Chúng tôi rất quý những góp ý, chia sẻ chân tình. Bằng tất cả tấm lòng và trách nhiệm với cử tri, mỗi đại biểu dân cử theo chức năng, nhiệm vụ sẽ kịp thời hỗ trợ. Chúng tôi giải quyết ngay các ý kiến của cử tri tại hội trường, những ý kiến nào cấp thiết sẽ đi thực tế, cùng với chính quyền địa phương tìm giải pháp tối ưu nhất. Ưu tiên nhất là giải quyết nhu cầu cấp thiết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân”.

Theo ông Trương Tấn Quang, ở ấp 3, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, lo nhất là hiện nay, ở một số nơi, người dân còn thiếu nước sạch để sử dụng, rất bất tiện. Bên cạnh đó, thực trạng nước thải từ rơm rạ sau khi thu hoạch lúa, rác thải vật tư nông nghiệp không được phân loại, kể cả hóa chất độc hại xả trực tiếp xuống sông, kênh, rạch… khiến nguồn nước bị ô nhiễm, bốc mùi không thể sử dụng được. Đó là 2 điều mà bà con cử tri rất cần được quan tâm hỗ trợ, giải quyết kịp thời.

Bày tỏ lo lắng về việc một số hợp tác xã nông nghiệp đang bị “bỏ quên”, gây lãng phí, cử tri Đỗ Văn Toàn, ở ấp 1, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Xã có Hợp tác xã Vị Đông 1, trước đây, được đầu tư, hoạt động khá hiệu quả. Thế nhưng, đến nay, sau một thời gian dài không thấy hoạt động nữa, cơ sở bỏ không rất uổng phí. Vì vậy, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương quan tâm khai thác cơ sở vật chất, phát huy hiệu quả của hợp tác xã này, để góp phần phát triển nông nghiệp tại địa phương”.

Cử tri Đỗ Văn Toàn cũng phản ánh bức xúc trước thực trạng rác thải để nhiều ngày, nhưng chưa có xe đến thu gom mang đi, gây bốc mùi khó chịu. Vấn đề này, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống hàng ngày của bà con khu dân cư xã Vị Đông, nên mong chính quyền địa phương sớm giải quyết dứt điểm.

Ghi nhận và giải đáp các vấn đề cử tri phản ánh, đồng chí Nguyễn Công Duy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho hay: “Vị Đông đã được công nhận xã nông thôn mới, đầu tư hợp tác xã là vấn đề ưu tiên và cần thiết. Trong đó, Hợp tác xã Vị Đông 1 chưa phát huy hiệu quả, huyện sẽ giao ngành chức năng tìm hiểu nguyên nhân, liên hệ với chính quyền địa phương tìm giải pháp phù hợp để tiếp tục tận dụng, khai thác hợp tác xã này”.

Riêng vấn đề rác thải, thu gom chậm, ảnh hưởng đến đời sống người dân, đồng chí Nguyễn Công Duy giao Chủ tịch UBND xã Vị Đông làm việc với công ty phụ trách để có chấn chỉnh ngay. “Hiện nay, có nhiều đơn vị thực hiện nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh môi trường. Nếu đơn vị mà xã đã ký hợp đồng không thực hiện tốt nhiệm vụ thì cần cân nhắc lựa chọn đơn vị khác để đảm bảo chất lượng sống tốt nhất cho bà con ở khu dân cư Vị Đông, không để tái diễn phản ánh trên”, đồng chí Nguyễn Công Duy nói.

Kịp thời, giải quyết nhanh, không chờ đợi

Đó là đánh giá và cũng là sự phấn khởi chung của nhiều cử tri sau buổi tiếp xúc, khi chủ tọa đã yêu cầu ban, ngành, địa phương có liên quan đến gặp trực tiếp cử tri nắm rõ tình hình và giải quyết ngay, kịp thời.

Cử tri Trần Văn Dương, ở ấp 9A2, xã Vị Bình, bộc bạch: “Tôi có phản ánh tuyến Đường tỉnh 926, cây xanh mọc um tùm, cần phát quang sớm để tạo vẻ mỹ quan, tránh che khuất tầm nhìn và hạn chế muỗi xuất hiện; vấn đề cột điện tại ấp nghiêng ngã đã 3 năm nay, khiến việc đi lại của người dân không an toàn. Phấn khởi lắm khi ngành điện đã đến trao đổi, lưu số điện thoại của tôi và hẹn ngày cụ thể xuống rà soát và khắc phục trong thời gian sớm nhất”.

“Phương châm làm việc là “rõ đầu mối, rõ nội dung”, vấn đề nào giải quyết được ngay, sớm thì không chờ, vấn đề nào khó thì tìm hiểu và tìm giải pháp gỡ khó cho nhân dân trong thời gian sớm nhất”, đồng chí Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định.

Đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri là điều được ghi nhận trong thời gian qua, của HĐND 3 cấp. Cụ thể, HĐND 3 cấp đã tổ chức nhiều hình thức tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ, tiếp xúc cử tri chuyên đề theo ngành, lĩnh vực; tiếp xúc cử tri trực tuyến, qua các nhóm zalo; tiếp xúc cử tri tại nhà... Từ sự sáng tạo, đổi mới, qua các buổi tiếp xúc, đại biểu HĐND đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, là cầu nối giữa cử tri với cơ quan nhà nước ở địa phương.

Ngoài ra, công tác tổng hợp kiến nghị của cử tri cũng được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn HĐND các cấp trong tỉnh. Trên cơ sở đó, việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đi vào nền nếp, cơ bản kịp thời, đầy đủ và phân loại theo lĩnh vực, cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Công tác theo dõi, đôn đốc việc trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri luôn được thực hiện nghiêm túc.

Qua 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh tiếp nhận 76 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri. Hiện có 64/76 ý kiến, kiến nghị được giải quyết dứt điểm, tỷ lệ 84,2%; còn 12/76 ý kiến đã được trả lời nhưng chưa giải quyết xong, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng, sửa chữa giao thông, thủy lợi... do ảnh hưởng đến nguồn ngân sách địa phương, nên không thể đáp ứng được hết các ý kiến, kiến nghị trong một thời gian ngắn... Tuy nhiên, UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương xem xét, tiếp tục giải quyết dứt điểm 12 lượt ý kiến, kiến nghị của bà con.

Tính “chuyên nghiệp” đã được thể hiện rõ khi mỗi ý kiến cử tri nêu ra, đại biểu nắm sâu, trả lời chắc, hợp lý, hợp tình. Đồng chí Mã Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, thông tin: “Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo đại biểu, tổ đại biểu HĐND thường xuyên thực hiện giám sát, các ban HĐND thẩm tra việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri và xem xét giải quyết các kiến nghị phức tạp, kéo dài được thực hiện tốt”.

Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cử tri. 

 Quảng Bình nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng


Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Bình coi trọng nhiệm vụ củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Nhờ đó, công tác này đã đạt được kết quả tích cực.

Những kết quả bước đầu

 Đảng bộ thị trấn Hoàn Lão được sắp xếp lại từ ngày 1-2-2020 trên cơ sở sáp nhập xã Hoàn Trạch vào thị trấn Hoàn Lão. Hiện nay, Đảng bộ có 1.184 đảng viên sinh hoạt tại 30 chi bộ, trong đó có 20 chi bộ khu dân cư. Đặc biệt, tại thời điểm sáp nhập, ở xã Hoàn Trạch xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến quản lý đất đai, nhiều cán bộ, trong đó có chủ tịch UBND xã bị xử lý hình sự. Vì thế, sau sáp nhập, Đảng ủy thị trấn xác định công tác xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm để vực dậy một phần “thị trấn mở rộng” vốn còn nhiều khó khăn và bị sụt giảm niềm tin về sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương tại thời điểm đó.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Hoàn Lão Phạm Đình Dũng cho biết, Đảng bộ thị trấn đã tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ban Thường vụ Đảng ủy thị trấn phân công các đảng ủy viên theo dõi địa bàn, tham gia sinh hoạt chi bộ cơ sở để thường xuyên quan tâm, nắm chắc tình hình, kịp thời định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong Đảng, trong nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Mặt khác, Ban Thường vụ Đảng ủy chủ động báo cáo cấp trên và phối hợp với các phòng, ban của huyện Bố Trạch để rà soát, phân loại giải quyết các vấn đề tồn đọng về đất đai, tập trung giải quyết đơn thư, kiểm kê đất đai, rà soát, hướng dẫn các khoản thu đóng góp của nhân dân. Với cách làm có lý có tình, giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật và nguyện vọng của người dân, vấn đề “nổi cộm” về đất đai dần dần được giải quyết.

Trước đây, nhiều bản làng vùng biên giới của tỉnh Quảng Bình còn “trắng” đảng viên và chi bộ đảng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Trước những khó khăn đó, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã triển khai đề án đưa đảng viên bộ đội về sinh hoạt và giữ các chức danh ở cơ sở để củng cố tổ chức đảng, xây dựng hệ thống chính trị khu vực biên giới, vùng sâu của tỉnh. Đến nay, có 7 cán bộ tham gia cấp ủy ở các huyện, thị xã; 5 cán bộ tăng cường giữ chức danh phó bí thư đảng ủy ở các xã biên giới; 11 cán bộ tham gia hội đồng nhân dân xã biên giới; 16 đồng chí tham gia cấp ủy xã, phường biên giới; 135 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 41 chi bộ bản. Các đảng bộ đồn biên phòng phân công 377 cán bộ, chiến sĩ là đảng viên phụ trách 1.741 hộ gia đình ở khu vực biên giới để tuyên truyền nâng cao nhận thức và bảo đảm sinh kế thoát đói nghèo.

Nói về công tác củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức đảng khu vực biên giới, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa Bùi Anh Tuấn cho rằng, từ khi có đảng viên bộ đội biên phòng về sinh hoạt đã hỗ trợ nhiều mặt, từ cách thức điều hành cuộc họp của chi bộ, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đưa việc sinh hoạt chi bộ đi vào nền nếp. Với sự giúp đỡ, hướng dẫn của các cán bộ cơ sở là bộ đội biên phòng, nhiều chi bộ bản đã ban hành các nghị quyết sát đúng với đặc thù của từng địa bàn để phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho người dân.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, công tác xây dựng đảng ở Quảng Bình vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Một số cấp ủy đảng trực thuộc còn chậm quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng. Công tác củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy ở một số đảng ủy, chi ủy chi bộ trực thuộc khi có biến động chưa kịp thời. Một số cấp ủy cơ sở còn lúng túng trong tổ chức sinh hoạt đảng, quản lý đảng viên. Công tác giáo dục, quản lý đảng viên ở một số tổ chức cơ sở đảng thiếu chặt chẽ, nên còn đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm về đạo đức, lối sống. Có những đảng viên thiếu ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ nhưng chưa phát hiện kịp thời để có biện pháp xử lý. Việc thực hiện trách nhiệm của đảng viên với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú vẫn còn hình thức, hiệu quả chưa cao...

Mô hình “năm tốt, bốn không”

 Nhận diện rõ những hạn chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành kế hoạch sắp xếp, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình hướng dẫn về xây dựng mô hình tổ chức cơ sở đảng “năm tốt, bốn không” nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Mô hình này được triển khai thực hiện trên cơ sở xác định những tiêu chí cụ thể phù hợp từng loại hình tổ chức cơ sở đảng và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Vũ Khiêm cho biết, thực hiện “năm tốt” vừa là mục tiêu, động lực, vừa là giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Mục tiêu “bốn không” là quyết tâm chính trị để các cấp ủy, tổ chức đảng nâng cao tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh, phòng ngừa không để tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm.

Từ thực tiễn chỉ đạo ở cơ sở, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bố Trạch Nguyễn Trọng Tuyển cho rằng, các nội dung của tổ chức cơ sở đảng “năm tốt” đều quan trọng và có tính biện chứng với nhau, như là “công thức” để giải bài toán về xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh. Chẳng hạn, muốn chi bộ hoạt động hiệu quả, trước hết phải xây dựng quy chế hoạt động tốt. Muốn vậy, cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng phải căn cứ vào các quy định của Trung ương về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, các hướng dẫn của cấp ủy cấp trên để xây dựng quy chế làm việc trên cơ sở cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách. Từ quy chế tốt để hoạt động mới xây dựng được nghị quyết sát đúng và thực hiện có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhiệm vụ chính trị cơ quan, đơn vị.

Thực tiễn ở địa phương cho thấy, qua 4 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, nhiều tổ chức đảng đã bám sát hướng dẫn của cấp ủy cấp trên, xây dựng được nghị quyết sát đúng và tổ chức thực hiện bài bản cho nên đạt được kết quả cao. Chẳng hạn, Đảng bộ thị trấn Hoàn Lão đã vượt qua được những khó khăn lúc sáp nhập đơn vị hành chính, vươn lên thành Đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh. Hay như Đảng bộ xã Bắc Trạch đã khơi dậy và phát huy được các nguồn lực ở địa phương để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, thành miền quê sạch đẹp, đáng sống.

Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển trao đổi thêm, trong quá trình tham mưu cho ban thường vụ, thường trực huyện ủy về công tác xây dựng đảng hay chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức cơ sở đảng, chúng tôi luôn đề nghị tổ chức cơ sở đảng gắn việc thực hiện “bốn không” với Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, gương mẫu, thực hiện tốt các quy định của Trung ương về nêu gương.

Đồng chí Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đánh giá, trước yêu cầu thực tiễn, thời gian qua, Đảng bộ tỉnh đã tiến hành sáp nhập, giải thể các cơ quan, đơn vị, đảng bộ cơ sở hoạt động chưa hiệu quả; mạnh dạn thực hiện thí điểm các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Mới đây nhất, Ban Thường vụ triển khai thí điểm một số hình thức mới trong sinh hoạt đảng đối với các chi bộ đặc thù. Đó là sinh hoạt chi bộ theo tổ đảng ở những chi bộ khu dân cư có số lượng đảng viên đông và sinh hoạt trực tuyến ở những chi bộ có đảng viên thường xuyên làm nhiệm vụ ở địa bàn phân tán và thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Kết quả là sau hơn một năm tham gia mô hình thí điểm sinh hoạt mới tại chi bộ đặc thù tại Đảng bộ tỉnh Quảng Bình và thành phố Hà Nội, tháng 12-2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành hướng dẫn để triển khai mô hình trong toàn quốc.


Luân chuyển để cán bộ trưởng thành trong thực tiễn-Bài 1: Rèn luyện thực tế, không phải cuộc dạo chơi.

 

Luân chuyển cán bộ là phương châm chiến lược của Đảng nhằm rèn luyện để đội ngũ cán bộ trưởng thành trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Luân chuyển dần trở thành việc thường xuyên trong công tác cán bộ. Những kết quả tích cực của việc luân chuyển cán bộ là không thể phủ nhận, song cùng với đó, vẫn còn nhiều nơi, nhiều cán bộ việc luân chuyển chưa tương xứng với chủ trương và sự kỳ vọng của cấp ủy đảng các cấp.

Bài 1: Rèn luyện thực tế, không phải cuộc dạo chơi

Với tinh thần cốt lõi là muốn có cán bộ tốt, trưởng thành thì phải thử thách cán bộ bằng thực tiễn công tác, nhất là ở những nơi khó khăn, nhiệm vụ nặng nề. Qua việc luân chuyển, cán bộ có môi trường mới, cương vị mới để rèn luyện, thử thách, có thể đảm đương nhiều vị trí công tác khác nhau.

Nước có chảy thì mới trong

Sử xưa ghi lại, Nguyễn Công Trứ (1778-1858) là một trong những vị quan được luân chuyển (luân quan) nhiều nhất, cả lên chức và xuống chức. Ông bắt đầu sự nghiệp làm quan với chức Hành tẩu Sử quán rồi dần lên tới các chức Thượng thư, Tổng đốc vì những thành tích trong quân sự và kinh tế. Ông làm quan ở 3 thời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

Từ thời xa xưa, các triều đại phong kiến Việt Nam đều đã thực hiện việc luân chuyển quan lại. Việc luân chuyển diễn ra bình thường từ Trung ương về địa phương và ngược lại. Qua thực tiễn để quan lại được rèn luyện, thử thách ở cương vị mới, hướng đến mục đích tạo ra sự công bằng trong bố trí các vị trí. Ngoài ra còn phòng tránh việc quan lại lợi dụng chức vụ, thời gian giữ chức lâu dài để tiến hành các việc tiêu cực.

Thậm chí, việc luân chuyển được thực hiện bằng các quy định cụ thể của các triều đại phong kiến, trong đó, điển hình là Luật Hồi tỵ (bắt đầu xuất hiện từ đời Hồng Đức (1460-1497). Trong đó chú trọng loại trừ hiện tượng những người thân thích, quen thân kéo bè, kết phái, tạo ra tham nhũng, tiêu cực. Quy định những quan lại chủ chốt không là người địa phương được quy định cụ thể trong Luật Hồi tỵ, trở thành kinh nghiệm trong thực hiện luân chuyển cán bộ sau này.

Hiểu cán bộ, rèn luyện cán bộ và khéo dùng cán bộ là điều quyết ịnh đến công việc gốc của Đảng. Xuyên suốt các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, bao thế hệ cán bộ của Đảng đã trưởng thành trên chiến trường, sẵn sàng vào Nam ra Bắc, luân chuyển giữa hậu phương và tiền tuyến, góp sức lớn vào thắng lợi của dân tộc. Dần dần, luân chuyển cán bộ được xem là việc bình thường trong công tác cán bộ.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng cụ thể hóa chủ trương này bằng nhiều nghị quyết, quy định, kết luận như: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7-10-2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ; Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28-4-2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ; Kết luận số 24-KL/TW ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”...

Với tinh thần cốt lõi là muốn có cán bộ tốt, trưởng thành thì phải thường xuyên thử thách cán bộ bằng thực tiễn công tác, nhất là ở những nơi khó khăn, nhiệm vụ nặng nề. Qua việc luân chuyển, cán bộ có môi trường mới, cương vị mới để rèn luyện, thử thách, có thể đảm đương nhiều vị trí công tác khác nhau. Đó cũng là điều kiện để cán bộ đi luân chuyển khẳng định năng lực, uy tín, trưởng thành trong thực tiễn, là cơ sở quan trọng để tổ chức đảng đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng sau này.

Đồng thời, nhân dân có cái nhìn khách quan, toàn diện về đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt, đóng góp ý kiến xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ngày càng trưởng thành. Đây cũng là một bước quan trọng để từng bước khắc phục tình trạng cục bộ, địa phương, khép kín, trì trệ trong công tác cán bộ.

Qua gần 5 năm thực hiện Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7-10-2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ (tính đến tháng 2-2022), Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã thực hiện luân chuyển 13.503 lượt cán bộ. Trong những năm gần đây, chủ trương luân chuyển được thực hiện thường xuyên, quyết liệt. Đặc biệt, trong 2,5 năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã phân công, điều động, bố trí nhiều Ủy viên Trung ương Đảng không phải là người địa phương làm bí thư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo thống kê, đến tháng 8-2022, cả nước có 36/63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy không là người địa phương.

Còn hiện tượng không bình thường trong luân chuyển

Những thành công của công tác luân chuyển cán bộ là rất căn bản, tạo được đội ngũ cán bộ trưởng thành qua thực tiễn, được rèn luyện về phẩm chất, năng lực, kiến thức, kinh nghiệm đáp ứng được nhiều nhiệm vụ theo yêu cầu. Dù vậy, bên cạnh những ưu điểm là chủ đạo, quá trình thực hiện luân chuyển cũng xuất hiện một số hiện tượng, vấn đề cần phải xem xét thấu đáo để có sự điều chỉnh phù hợp. Những hiện tượng, vấn đề ấy có thể điểm danh:

Luân chuyển theo kiểu “đi nhanh, về nhanh”. Trong một thời gian dài, trên các trang báo, mạng xã hội nóng lên những cụm từ “tráng men”, “lướt ván”, “dạo chơi” khi nói về cán bộ đi luân chuyển. Đó là thực tế một số cán bộ đi luân chuyển trong thời gian ngắn đã quay về để bổ nhiệm ở vị trí cao hơn trước. Hiện tượng đó tất yếu dẫn đến tình trạng “tráng men”. Những cán bộ đó sẽ dễ sinh ra tư tưởng “nhấp nhổm”, “cố thủ”, “an vị”, làm việc cầm chừng với quan niệm không để phạm khuyết điểm, sai lầm, trở về an toàn.

Tâm lý “chờ ngày về” trong luân chuyển cán bộ. Phải thẳng thắn thừa nhận thực tế có những đơn vị, địa phương chưa coi trọng cán bộ luân chuyển. Với tâm lý cán bộ đi luân chuyển để trở về nên cơ sở “ngại” giao những công việc quan trọng. Bên cạnh đó, không ít cán bộ đi luân chuyển trong thời gian ngắn, nếu có được giao việc thì cũng chỉ kịp làm quen, đã phải quay trở về. Thậm chí, có những nơi còn mang nặng tâm lý cục bộ, địa phương, khép kín, không tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển. Điều đó dẫn đến tình trạng cán bộ không có môi trường thuận lợi để làm việc, không có việc để làm.

Đáng nói hơn, có những cán bộ đi luân chuyển nhưng không muốn làm việc, chờ ngày về để lên vị trí cao hơn. Đó là thực trạng của những cán bộ tìm mọi cách để luân chuyển, xem đó là bệ phóng để lên chức, lên quyền. Họ xem việc đi luân chuyển không vì yêu cầu nhiệm vụ mà là lợi ích cá nhân. Chính vì vậy, khi đến nơi luân chuyển, những cán bộ này thường giữ tâm lý an toàn, ngại va chạm, né tránh, “dĩ hòa vi quý” trong thực hiện nhiệm vụ, không dám đưa ra các quyết sách quan trọng để tạo ra sự đổi mới, sáng tạo ở nơi được luân chuyển đến.

Cán bộ đi luân chuyển nhưng không có sản phẩm mang về. Có những lúc, cán bộ đến luân chuyển được “tung hô”, quan tâm, nhưng cả quá trình sau đó, cán bộ làm việc ra sao, kết quả thế nào thì lại hoàn toàn im ắng. Đây cũng là kẽ hở để một số cán bộ luân chuyển né tránh nhiệm vụ, hoặc thực hiện nhiệm vụ với thái độ, trách nhiệm cầm chừng, sợ sai. Cơ quan, địa phương chủ quản kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ thuộc quyền đi luân chuyển không rõ ràng. Cơ quan, địa phương tiếp nhận cán bộ đến luân chuyển, khi hết nhiệm kỳ đánh giá cũng chưa thực chất kết quả, thành tích công tác của cán bộ trong thời gian luân chuyển.

Đi luân chuyển là vì yêu cầu, nhiệm vụ chứ không phải đơn thuần là đi học việc. Cán bộ được quy hoạch để giữ vị trí lãnh đạo cao hơn, vì vậy, đi luân chuyển để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn. Kết quả thực hiện nhiệm vụ là thước đo thực tiễn để đánh giá cán bộ. Đáng tiếc, “sản phẩm mang về” của họ lại không tương xứng như kỳ vọng của nơi đưa đi luân chuyển. 

Cán bộ đi luân chuyển không trưởng thành hơn, khi trở về lên vị trí cao hơn sẽ hại nhiều hơn lợi. Đề cập đến thực trạng này, sinh thời, nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: Không phải cứ đi luân chuyển là để lên cao hơn, để về giữ chức nọ chức kia. Phấn đấu để được đi luân chuyển, "chạy" luân chuyển, về nơi nào thuận, dễ, ngon ăn, nhưng về chỉ làm cấp phó chẳng thể hiện được gì, chưa đủ 3 năm lại ngấp nghé đòi về... Rồi cứ nghĩ đi luân chuyển để làm cán bộ chứ không phải để trưởng thành.

Thực hiện đúng quy trình luân chuyển sẽ đào tạo, rèn luyện được những cán bộ chủ trì, cốt cán có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của cách mạng. Ngược lại, sẽ tạo môi trường, điều kiện để cán bộ vi phạm, rút ngắn thời gian, quy trình. Những tổ chức, địa phương thực hiện không đúng quy trình luân chuyển, không kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ luân chuyển sẽ ảnh hưởng lớn đến sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, tổ chức chính quyền các cấp. Khi đó sẽ kéo theo không ít hệ lụy từ việc cục bộ, “lợi ích nhóm”, ảnh hưởng lâu dài đến công tác cán bộ nói riêng, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức đảng nói chung. Khi “công việc gốc” của Đảng bị lung lay sẽ là mối nguy lớn đe dọa đến sự trường tồn của Đảng và chế độ.

 Cục Cứu hộ, cứu nạn nâng cao năng lực tham mưu, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, góp phần xây dựng xã hội an toàn trước sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, v.v. Là đơn vị có chức năng quan trọng trong công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ, cứu nạn đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh luôn là thách thức lớn đối với mọi quốc gia, dân tộc; giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thiên tai, dịch bệnh là một ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chính sách của các quốc gia. Đối với nước ta, việc chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi phải có một cơ quan ở cấp chiến lược, làm tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo toàn quân và giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh. Xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết đó, ngày 09/8/2004, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 109/QĐ-BQP thành lập Cục Cứu hộ, cứu nạn và ngày 16/7/2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Cục Cứu hộ, cứu nạn được bổ sung nhiệm vụ là Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.

Hiện nay, trước sự phát triển của yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Cục đang thực hiện đồng thời 03 chức năng: (1). Tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo toàn quân thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; (2). Tham mưu giúp lãnh đạo Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi toàn quốc; (3). Tham mưu giúp lãnh đạo Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện phòng thủ dân sự, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Trải qua 20 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Cục đã thực hiện đồng bộ các chức năng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nổi bật là đã chủ trì tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia ban hành và trình Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch cấp nhà nước. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương và diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, Cục đã giúp Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ứng phó khắc phục 222 cơn bão, 84 áp thấp nhiệt đới và 63.574 sự cố, thiên tai, dịch bệnh; điều động 4.162.629 lượt người và 164.941 lượt phương tiện, cứu được 73.865 người và 6.365 phương tiện; trong đó, Quân đội tham gia 3.441.043 lượt cán bộ, chiến sĩ (chiếm 83%) và 110.354 lượt phương tiện (chiếm 67%), cứu được 56.788 người (chiếm 77%), 4.815 phương tiện (chiếm 76%), góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, các tổ chức và của nhân dân. Qua đó, từng bước xây đắp nên truyền thống: “Đoàn kết - Chủ động - Vượt khó - Kịp thời - An toàn - Hiệu quả” và xây dựng phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn. Với những thành tích đã đạt được, Cục vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (năm 2024), 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (năm 2014), 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2021); Thủ tướng Chính phủ tặng 03 Cờ Thi đua, 08 Bằng khen; Bộ Quốc phòng tặng 08 Cờ Thi đua, 12 Bằng khen; Bộ Tổng Tham mưu tặng 06 Cờ Thi đua, 08 Bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; trong đó, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như: thiên tai, sự cố, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường,... sẽ ngày càng gia tăng với tính chất, quy mô ngày càng phức tạp, đặt ra thách thức rất lớn đối với mỗi quốc gia; trong đó, Việt Nam không phải là ngoại lệ, thậm chí còn là một trong số các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta vừa phải triển khai nhiều giải pháp nhằm sớm thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu để phát triển bền vững, vừa phải thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn trong tình hình mới. Để làm được điều đó, Cục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các mặt công tác; trong đó, chú trọng thực hiện tốt mốt số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tích cực, chủ động thực hiện tốt chức năng tham mưu về công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đây là chức năng cơ bản của Cục trong việc giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia đề ra các chủ trương, quyết sách chính xác, kịp thời, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong mọi tình huống. Để nâng cao năng lực tham mưu, Đảng ủy, chỉ huy Cục xác định tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, nắm vững các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác phòng thủ dân sự, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trọng tâm là Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 30/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về Phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Luật Phòng thủ dân sự năm 2023; Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, Nghị định về phòng thủ dân sự, v.v. Đồng thời, đẩy mạnh việc bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ các cấp thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, khả năng nắm bắt tình hình và nghiên cứu, phân tích, đưa ra dự báo chính xác, bảo đảm tham mưu đúng, trúng, kịp thời trên từng mặt công tác được giao.

Trước mắt, cùng với việc tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, như: các văn bản hướng dẫn, thi hành Luật Phòng thủ dân sự năm 2023, Kế hoạch, Chiến lược Quốc gia phòng thủ dân sự, Luật Tình trạng khẩn cấp, nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tình trạng khẩn cấp,... Cục tập trung nghiên cứu, tham mưu kiện toàn, hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, chỉ huy, điều hành của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp; kiện toàn hệ thống tổ chức, lực lượng phòng thủ dân sự các cấp, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh việc tổ chức có chất lượng lực lượng nòng cốt, lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, phải tập hợp được lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn,... trong mọi tình huống.

Hai là, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các địa bàn. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm Quyết định số 444/QĐ-TTg, ngày 23/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Quyết định số 535/QĐ-TTg, ngày 20/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Cục chỉ đạo tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng của từng đơn vị về thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên từng địa bàn, nhất là ở các địa bàn trọng điểm. Từ đó, hướng dẫn các đơn vị xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch phòng thủ dân sự, các phương án ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo tính chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh. Cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện, tập huấn, diễn tập phòng thủ dân sự, giúp các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, tổ chức điều hành, vận hành cơ chế linh hoạt khi có tình huống thiên tai, thảm họa xảy ra, Cục tăng cường chỉ đạo xây dựng các kế hoạch, phương án của các cơ quan, đơn vị bảo đảm thống nhất thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”, phù hợp với đặc điểm địa bàn và điều kiện của từng địa phương, đơn vị.

Ba làđẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học, công nghệ về phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Có thể nói, chưa bao giờ nhân loại phải đối phó với nhiều mối hiểm họa, thách thức như hiện nay, bên cạnh những nguy cơ về an ninh truyền thống là các hiểm họa của an ninh phi truyền thống, nổi lên là thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sự cố môi trường gây nên. Để ứng phó, đòi hỏi các nước phải mở rộng hợp tác, chia sẻ thông tin, cùng phối hợp giải quyết, đã hình thành một xu hướng toàn cầu, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Là một đầu mối hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, Cục tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương và diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn với các nước trong khu vực và thế giới, nhằm huy động, kết hợp sức mạnh nội lực với ngoại lực, cùng chung tay giải quyết vấn đề thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Đồng thời, tham mưu cho Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy hợp tác trong các diễn đàn quốc tế, khu vực, như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) liên quan đến lĩnh vực phòng thủ dân sự, phối hợp với nhóm thường trực quân sự ASEAN trong ứng phó với thiên tai, thảm họa và tiếp tục tham gia các cuộc diễn tập cứu hộ, cứu nạn quốc tế, v.v. Thông qua đó, tạo cơ hội tăng cường tiếp xúc, chia sẻ thông tin, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và mua sắm các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng, hiện đại, nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Cùng với đẩy mạnh hợp tác quốc tế, Cục chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ mới trong phòng ngừa, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn. Tăng cường đầu tư xây dựng các công trình, mua sắm trang thiết bị phòng thủ dân sự theo quy hoạch, kế hoạch; nâng cao năng lực theo dõi, phân tích, dự báo, cảnh báo sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, v.v. Để thực hiện hiệu quả, Cục tăng cường chỉ đạo số hóa bộ cơ sở dữ liệu phòng thủ dân sự, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và chủ trì, phối hợp xây dựng, phát triển, ứng dụng các phần mềm phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai, cũng như tăng cường năng lực chỉ huy, chỉ đạo, điều hành một cách linh hoạt, đồng bộ, thống nhất, nhanh chóng từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng thủ dân sự.

Bốn làtăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao kỹ năng hoạt động cứu hộ, cứu nạn. Trước nguy cơ sự cố, thảm họa ngày càng lớn, đe dọa tính mạng, tài sản của Nhà nước, các tổ chức và nhân dân, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền rộng rãi trong Quân đội cũng như toàn xã hội, nhằm nâng cao nhận thức về cứu hộ, cứu nạn, nhận thức về pháp luật, cơ chế, chính sách phòng thủ dân sự. Đồng thời, tích cực giáo dục phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng tổ chức luyện tập các tình huống cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố, thảm họa phù hợp với điều kiện vùng miền, đặc thù của từng địa phương cho các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và toàn dân để mọi người hiểu đúng, đầy đủ và có khả năng chủ động thực hiện các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, ứng phó kịp thời, hiệu quả trước các tình huống sự cố, thiên tai, thảm họa trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.

Năm làxây dựng Cục vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Với đặc thù quân số ít lại phải thực hiện khối lượng công việc lớn, thời gian khẩn trương, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đòi hỏi Cục phải được xây dựng vững mạnh về mọi mặt. Với nhận thức đó, Đảng ủy, chỉ huy Cục yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các phòng, ban, trung tâm thường xuyên quán triệt và chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Đồng thời, thường xuyên củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy, chi bộ, nhất là năng lực tham mưu, đề xuất, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn. Tập trung kiện toàn tổ chức biên chế, đảm bảo “tinh, gọn, mạnh”, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, phương pháp, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Kết hợp chặt chẽ giữa cử cán bộ đi đào tạo, tập huấn trong nước và nước ngoài với tăng cường bồi dưỡng tại chỗ thông qua hoạt động thực tiễn, nhằm không ngừng nâng cao năng lực làm tham mưu, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh gây ra, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và chủ động hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

 Lữ đoàn Đặc công 198 phát huy truyền thống anh hùng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Ngày 19/8/1974, Trung đoàn Đặc công cơ động 198 trực thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (tiền thân của Lữ đoàn Đặc công 198) được thành lập. Sự ra đời của Lữ đoàn đánh dấu sự phát triển về nghệ thuật tổ chức lực lượng, tác chiến đặc công trên chiến trường và là sự chuẩn bị những đòn đánh bí mật, bất ngờ cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ngay sau khi thành lập, Lữ đoàn khẩn trương củng cố, xây dựng lực lượng, chuẩn bị mọi mặt, tham gia đánh chiếm và chốt giữ nhiều mục tiêu quan trọng, hiểm yếu, hoàn thành nhiệm vụ nghi binh, kiềm chế, chia cắt địch trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. Tiếp đà thắng lợi đó, Lữ đoàn cơ động chiến đấu theo yêu cầu của chiến dịch, đánh chiếm, chốt giữ, bảo đảm hành lang hướng Tây Bắc để quân ta thần tốc tiến đánh Sài Gòn, góp phần xứng đáng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày đất nước thống nhất, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ truy quét tàn quân địch, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng mới giải phóng, Lữ đoàn bước vào cuộc chiến đấu mới, liên tục cơ động chiến đấu bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.

Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, mặc dù nhiều lần có biến động lớn về tổ chức, có lúc rút gọn, thay đổi chức năng nhiệm vụ, nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn vượt qua gian khổ, hy sinh, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, táo bạo, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng vào sự phát triển, trưởng thành, chiến thắng vẻ vang của bộ đội Đặc công Anh hùng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Lữ đoàn cùng 03 tập thể, 05 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý1.

Hiện nay, trước sự phát triển của yêu cầu, nhiệm vụ, Lữ đoàn tập trung xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; trong đó, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu được xác định là một nội dung trọng tâm, được triển khai thực hiện với nhiều nội dung, giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Trước hết, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp và luôn coi đây là nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Với quan điểm lãnh đạo phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; chỉ đạo sâu sát đến từng bộ phận, từng nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của trên, bám sát tình hình nhiệm vụ, đề ra nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, hiệu quả công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Chú trọng nâng cao nhận thức của cấp ủy, chỉ huy các cấp về vị trí, vai trò của công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; xây dựng quyết tâm chính trị, trách nhiệm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này cho cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ các cấp, tạo chuyển biến đồng bộ, vững chắc.

Hằng năm, Đảng ủy Lữ đoàn và 100% cấp ủy, tổ chức đảng các cấp ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; đồng thời, lấy đó làm khâu đột phá trong nghị quyết thường kỳ của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng. Trong thực hiện, Lữ đoàn yêu cầu từng cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng chương trình thực hiện nghị quyết; chỉ huy các cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chặt chẽ, thống nhất. Thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế, làm rõ nguyên nhân để kịp thời điều chỉnh, bổ sung chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn, khắc phục dứt điểm khâu yếu, mặt yếu.

Đặc thù huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Đặc công đòi hỏi sức chịu đựng lớn cả về tâm lý và sức bền, rất dễ nảy sinh tư tưởng ngại khó, ngại khổ. Nhận thức rõ điều đó, Lữ đoàn thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự thống nhất ý chí và hành động của cán bộ, chiến sĩ trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Trong đó, tập trung quán triệt mệnh lệnh huấn luyện của Tư lệnh Binh chủng và văn bản của trên về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; làm rõ đối tượng tác chiến, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên địa bàn để cán bộ, chiến sĩ thấu triệt yêu cầu, nhiệm vụ của công tác này. Để bộ đội hiểu thực chất và thấy được sự cần thiết phải tiến hành đồng bộ tất cả các khâu trong quy trình huấn luyện, Lữ đoàn thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, quán triệt cho bộ đội nắm chắc quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp và phương châm huấn luyện; làm rõ nội hàm của từng nội dung và minh họa bằng thực tiễn công tác huấn luyện của đơn vị trong từng nội dung, khoa mục huấn luyện. Chú trọng kết hợp huấn luyện với kể chuyện chiến đấu, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, củng cố niềm tin vào vũ khí trang bị, nghệ thuật quân sự, cách đánh đặc sắc của bộ đội Đặc công, xây dựng trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua, duy trì tốt công tác cổ động thao trường, tạo không khí đoàn kết, thi đua sôi nổi, kịp thời biểu dương, động viên những tập thể, cá nhân tiêu biểu, uốn nắn những biểu hiện sai trái.

Cùng với đó, Lữ đoàn yêu cầu cán bộ các cấp phát huy trách nhiệm theo hệ thống chỉ huy, vừa làm tốt nhiệm vụ quản lý, tổ chức điều hành, vừa làm tốt công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Chú trọng thực hiện tốt Quy chế Công tác quản lý tư tưởng quân nhân; nắm và định hướng dư luận trong Quân đội nhân dân Việt Nam, duy trì nền nếp chế độ nắm, dự báo, phân cấp quản lý, định hướng, giải quyết, đấu tranh tư tưởng. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với địa phương, gia đình quân nhân, xác định rõ nguyên nhân tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ để có biện pháp giáo dục, động viên, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ kịp thời, hiệu quả.

Công tác chuẩn bị cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu luôn được Lữ đoàn quan tâm thực hiện tốt, nhất là trong huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thao trường bãi tập phục vụ tốt cho công tác huấn luyện, diễn tập; quản lý, sử dụng ngân sách huấn luyện chặt chẽ, đúng quy định. Các cơ quan, đơn vị phát huy nội lực và phong trào nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đầu tư công sức, tập trung củng cố, làm mới hệ thống các văn kiện sẵn sàng chiến đấu, sơ đồ, tranh vẽ, mô hình học cụ, tu sửa phòng học, thao trường bãi tập, v.v.

Song song đó, công tác huấn luyện cán bộ, nhất là cán bộ phân đội được Lữ đoàn đặc biệt coi trọng. Thực hiện khâu then chốt này, hằng năm, Lữ đoàn phân loại cán bộ, xác định rõ nội dung, phương thức và biện pháp bồi dưỡng cụ thể, vừa trang bị những kiến thức chung vừa chuyên sâu gắn với từng đối tượng. Chú trọng bồi dưỡng những nội dung mới, sự phát triển mới về nhiệm vụ, vũ khí, trang bị và nghệ thuật tác chiến; coi trọng bồi dưỡng kỹ năng của liên đội trưởng, đội trưởng đặc công về tổ chức, chỉ huy phân đội trong những điều kiện khó khăn, phức tạp.

Với phương châm “yếu gì thì bồi dưỡng đó”, Lữ đoàn kết hợp việc tự bồi dưỡng với bồi dưỡng có tổ chức, thực hiện tốt quy định cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, lấy bồi dưỡng qua thực tiễn huấn luyện là chủ yếu. Đồng thời, động viên, khuyến khích cán bộ tự học tập, nghiên cứu; tổ chức tốt hội thi, hội thao để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về năng lực, trình độ toàn diện cho cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp huấn luyện. Đến nay, 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, có 75% - 90% cán bộ cấp liên đội, 70% cán bộ cấp đội, mũi đạt khá, giỏi, trong đó có trên 35% giỏi.

Để nâng cao chất lượng huấn luyện, Lữ đoàn tích cực đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức huấn luyện, diễn tập sát với địa bàn, đối tượng tác chiến. Trong đó, tập trung đổi mới, tạo chuyển biến công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện, diễn tập theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo; chỉ đạo huấn luyện chiến đấu bằng mệnh lệnh, chỉ thị; quản lý bằng điều lệ, quy chế, quy định và điều hành bằng kế hoạch thông qua công tác kiểm tra, giám sát của các cấp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, điều hành và thực hành huấn luyện, diễn tập; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ. Trong huấn luyện, Lữ đoàn luôn quán triệt, thực hiện nghiêm mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Binh chủng và hướng dẫn của cơ quan cấp trên, tổ chức huấn luyện theo đúng chương trình cơ bản cho các đối tượng, phù hợp tổ chức biên chế, vũ khí trang bị và chức năng, nhiệm vụ, tình hình cụ thể của đơn vị. Chú trọng huấn luyện cho bộ đội làm chủ vũ khí trang bị, thuần thục kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu đặc công, giỏi bắn súng, võ thuật, chiến thuật từ cấp tiểu đội đến cấp đại đội và hiệp đồng chiến đấu tốt cấp tiểu đoàn. Đẩy mạnh huấn luyện đồng bộ cho cán bộ và phân đội, cơ quan và đơn vị; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, theo tình huống, nhiệm vụ, giỏi ngụy trang, nghi binh che giấu lực lượng để nâng cao khả năng chiến đấu, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ A2, chống khủng bố. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với diễn tập hiệp đồng chiến đấu, xử lý các tình huống, nâng cao khả năng cơ động sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Hằng năm, kết quả kiểm tra kết thúc các đề mục: 100%  đạt yêu cầu, trong đó có 80% khá, giỏi (60% giỏi); trong các năm: 2020, 2022, 2023, Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ đơn vị huấn luyện giỏi.

Cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện, công tác sẵn sàng chiến đấu luôn được Lữ đoàn coi trọng, thực hiện nghiêm túc. Trên cơ sở quán triệt các chỉ thị, mệnh lệnh của Tư lệnh Binh chủng, Lữ đoàn duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở tất cả các cấp, nắm chắc tình hình, chủ động ứng phó và xử lý có hiệu quả các tình huống, không để bị bất ngờ. Kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh các văn kiện sẵn sàng chiến đấu, tổ chức luyện tập thuần thục các phương án. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị bạn trên địa bàn tổ chức trinh sát nghiên cứu địa bàn, mục tiêu A, A2, A3, chống khủng bố; trinh sát nghiên cứu địa hình biên giới các tỉnh Tây Nguyên; khảo sát, quy hoạch căn cứ chiếu đấu khu vực miền Trung - Tây Nguyên; làm tốt công tác chuẩn bị và tham gia diễn tập tác chiến MT-22, BV-22; diễn tập TC-23, A3-23 đúng thành phần, đạt kết quả tốt. Phối hợp quản lý chặt chẽ các mục tiêu được giao; xây dựng, bổ sung hoàn chỉnh quyết tâm, kế hoạch tác chiến theo các nhiệm vụ và tổ chức luyện tập, diễn tập theo các phương án; chuẩn bị tốt mọi mặt, sẵn sàng làm nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống cháy nổ, cháy rừng. Qua đó, trình độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị không ngừng được nâng cao, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tô thắm thêm truyền thống “Luồn sâu, bám tốt, đánh trúng mục tiêu” của Lữ đoàn Đặc công 198 Anh hùng trong thời kỳ mới.

 Đôi nét về tiềm năng phát triển của cảng Cái Lân

Là cảng nước sâu thuộc cụm cảng Hòn Gai của tỉnh Quảng Ninh, cảng Cái Lân đã và đang được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, giữ vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nói chung


Nhờ có vị trí thuận lợi, nằm trong vùng vịnh kín, nước sâu, luồng vào cảng ít bị phù sa bồi đắp, với mớn nước sâu hơn 10m và khu vực trước bến sâu 13m, chiều dài bến gần 600m, cảng Cái Lân cho phép tàu cỡ lớn với tải trọng 5.500 TEU (85.000 DWT giảm tải) có thể ra vào nhận, trả hàng hóa mà không bị hạn chế mớn nước như những cảng khác. Nhận rõ những tiềm năng, lợi thế đó, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm và đặc biệt ưu tiên, tập trung huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ, triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển và ưu tiên phát triển cảng, bến gắn với dịch vụ hậu cần sau cảng của cảng nước sâu Cái Lân. Theo đó, hằng năm, luồng vào khu bến được duy tu, nạo vét; hệ thống máy móc, thiết bị bốc xếp hàng hóa cũng được trang bị hiện đại, kho bãi và dịch vụ từng bước được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, v.v. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa cảng Cái Lân với các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế, khu kinh tế, khu công nghiệp trong nước được đầu tư đồng bộ, hiện đại, ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động cảng ngày càng phát triển, hướng tới xây dựng cảng biển xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên đường bờ, mặt nước. Nhờ đó, Cái Lân trở thành cảng gần nhất tại miền Bắc trung chuyển hàng container quốc tế, một trong những tuyến hàng hải quan trọng của thế giới ở khu vực Đông Nam Á, trở thành “địa chỉ tin cậy” cho các hãng tàu lớn và đơn vị xuất, nhập khẩu trong và ngoài nước.

Bằng sự chủ động, vận dụng linh hoạt các giải pháp trong giải quyết thủ tục cho tàu ra vào cảng, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực bốc dỡ, cung ứng kịp thời các dịch vụ logistics,... nên các thủ tục hành chính tại Cảng container quốc tế (CICT) Cái Lân đã được đơn giản hóa, thực hiện nhanh, thời gian lưu tàu rút ngắn. Với 06 cẩu giàn, khu vực bãi lưu hàng rộng 14ha và được trang bị cẩu mép bến loại Post Panamax, CICT Cái Lân có năng suất xếp dỡ đạt từ 33 đến 35 container/cẩu/giờ, có thời điểm lên đến 40 container/cẩu/giờ, thời gian giải phóng tàu 5.000 TEU chỉ mất hơn một ngày. Tiến bộ này đã tạo điều kiện thuận lợi, tiện ích, tiết kiệm chi phí cho khách hàng, tăng hiệu quả khai thác tàu, phù hợp với xu thế phát triển giao thông đường biển quốc tế, thu hút ngày càng nhiều hãng tàu vận tải lớn trên thế giới cập cảng. Với tầm nhìn chiến lược, cách làm bài bản, đầu tư hiệu quả, tháng 6/2013, CICT Cái Lân trở thành cảng đầu tiên ở miền Bắc được Hải quan Hoa Kỳ cấp chứng chỉ CT PAT (C-TPAT) - tiêu chuẩn về an ninh và an toàn, cho phép hàng hóa xuất khẩu từ CICT Cái Lân đi trực tiếp vào Mỹ. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng cảng Cái Lân trở thành cảng đạt chuẩn quốc tế với công nghệ quản lý và khai thác ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, nằm trong top 50 cảng biển hoạt động hiệu quả nhất thế giới.

Với nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện hiệu suất và mở rộng quy mô hoạt động, cảng Cái Lân ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế biển của Việt Nam và khu vực, góp phần củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ

 

Mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là mối quan hệ mang tính nguyên tắc giữa sự lãnh đạo của Đảng, chức năng quản lý của Nhà nước với quyền làm chủ của nhân dân.

Do đó, nhận thức đúng đắn, đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ chính là cơ sở khoa học để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc về mối quan hệ này.

Mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là mối quan hệ chủ đạo, là cơ chế vận hành tổng quát của hệ thống chính trị ở Việt Nam. Chính vì vậy, mối quan hệ này luôn bị các thế lực thù địch công kích, xuyên tạc.

Thời gian qua, các luận điệu xuyên tạc mối quan hệ này thường tập trung vào các khía cạnh: (1) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước, cho rằng “Đảng không có vai trò lãnh đạo Nhà nước”, Đảng lãnh đạo Nhà nước là “Đảng đứng trên Nhà nước”, “bao biện, làm thay, lấn quyền Nhà nước”; “Đảng đứng trên Hiến pháp và pháp luật”; (2) Phủ nhận vai trò quản lý của Nhà nước, phủ nhận Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam (3); Phủ nhận vai trò làm chủ của nhân dân, cho rằng “Đảng độc đoán, chuyên quyền, phi dân chủ”...

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ
Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII/Ảnh minh họa/ TTXVN  

Những luận điệu sai trái, xuyên tạc nêu trên là vô căn cứ, bởi lẽ:

Thứ nhất, thực chất mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là cơ chế vận hành, quyết định hiệu quả sự vận động, phát triển của cách mạng Việt Nam.

Mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là mối quan hệ giữa các chủ thể chính của hệ thống chính trị ở Việt Nam. Các chủ thể của mối quan hệ này thống nhất về mục tiêu và lợi ích. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động của hệ thống chính trị và các đoàn thể chính trị-xã hội đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, bảo đảm cho nhân dân được quyền làm chủ.

Nhân dân làm chủ là một nhân tố không thể tách rời trong cơ chế tổng thể này, vừa là mục tiêu cao nhất khi triển khai thực hiện cơ chế đó trong thực tiễn. Nhân dân tin tưởng và trao quyền lãnh đạo xã hội cho Đảng để Đảng thực hiện khát vọng tự do, dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân lập ra Nhà nước và ủy quyền, ủy nhiệm cho cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước, thay mặt mình thực thi quyền lực nhà nước. Do vậy, Nhà nước với tư cách Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân có trách nhiệm bảo đảm để mọi công dân thực hiện tốt nhất các quyền cơ bản của mình theo quy định của pháp luật.

Do vậy, hiệu quả thực sự của sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước là bảođảmquyền làm chủ của nhân dân, xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng thông qua việc xây dựng Nhà nước pháp quyền trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật.Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ đều hướng tới mục tiêu chung là xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thứ hai, mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là mối quan hệ phản ánh mang tính quy luật biện chứng, thể hiện nội dung lý luận cốt lõi trong đường lối đổi mới chính trị của Đảng ta.

Trong mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, có sự phân vai rõ ràng giữa các nhân tố. Trong đó, Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, xã hội và nhân dân.

Với Nhà nước, Đảng thực hiện sự lãnh đạo về chính trị đối với tổ chức và hoạt động của Nhà nước. Giới hạn quyền lực của Đảng là lực lượng lãnh đạo, có nghĩa Đảng không phải là Nhà nước, không làm thay công việc của Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật, kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện trong toàn xã hội. Đảng xây dựng chủ trương, đường lối theo nguyên tắc tập trung dân chủ, còn Nhà nước thì cụ thể hóa, thể chế hóa các nhiệm vụ do Đảng đề ra.

Với nhân dân, Đảng thực hiện sự lãnh đạo và tổ chức để nhân dân làm chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Đảng lãnh đạo nhân dân thông qua Nhà nước chứ không phải lãnh đạo với tư cách là một chủ thể độc lập ở ngoài hay ở trên Nhà nước, bằng mệnh lệnh, quyền uy chỉ đạo cụ thể đối với các cơ quan nhà nước. Không có Nhà nước, không thông qua Nhà nước thì Đảng không thể nào lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đảng lãnh đạo nhân dân là để nhân dân phát huy vai trò và thực hiện quyền làm chủ đất nước và xã hội. Việc phát huy vai trò và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và làm chủ của nhân dân luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm cho Đảng thực sự là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, xã hội và nhân dân.

Nhà nước quản lý là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Để thực hiện chức năng quản lý của mình, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được tổ chức thành các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm bảo đảm quyền lực được phân công và phối hợp thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ, hiệu quả, theo nguyên tắc: Nhà nước sinh ra để phục vụ nhân dân. Nhà nước quản lý, thực hiện quyền lực của mình, về thực chất, cũng là thực hiện quyền lực của nhân dân đã ủy quyền cho Nhà nước, từ đó, Nhà nước sẽ hiện thực hóa các quyền, ý chí, nguyện vọng của nhân dân để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong công việc quản lý đất nước và xã hội.

Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế XHCN; bằng việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành pháp luật, chương trình, kế hoạch hoạt động và quản lý xã hội. Sự quản lý của Nhà nước không trái với chủ trương, đường lối của Đảng. Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhà nước có mối liên hệ với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.

Như vậy, Đảng, Nhà nước không có lợi ích tự thân, sứ mệnh của Đảng, Nhà nước là phục vụ nhân dân; cán bộ, đảng viên, công chức là công bộc, “đầy tớ” của nhân dân.

Nhân dân làm chủ là trung tâm của mối quan hệ này. Nhân dân làm chủ thông qua các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Dân chủ trực tiếp là việc nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước. Tức là nhân dân thể hiện một cách trực tiếp ý chí của mình (với tư cách là chủ thể quyền lực nhà nước) về một vấn đề nào đó và ý chí đó có ý nghĩa bắt buộc phải thi hành. Dân chủ đại diện là việc nhân dân thông qua các cơ quan nhà nước, các cá nhân được nhân dân ủy quyền để thực hiện ý chí của mình. Đây là hình thức chủ yếu để thực hiện quyền lực nhân dân.Thông qua các hình thức dân chủ này mà nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Nhân dân còn tự thành lập ra các tổ chức, các hội đoàn theo quy định của pháp luật để thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của bộ máy nhà nước, xem bộ máy đó có thực hiện đúng những “cam kết” đã thỏa thuận với nhân dân hay không. Nhân dân còn thực hiện quyền giám sát hoạt động của Đảng theo các hình thức và tiêu chí cụ thể được chế định trong Hiến pháp, các văn bản luật và Điều lệ Đảng. Nhân dân làm chủ vừa là mục tiêu cao nhất của mối quan hệ trên, vừa là thành tố có sự tác động trở lại đối với Đảng và Nhà nước. Đó là nhân tố hết sức quan trọng và cần thiết để Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý.

Thứ ba, mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát của hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Mô hình tổng thể về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nước ta từ năm 1945 đến nay về cơ bản ổn định bao gồm 3 khối: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Cơ chế vận hành của hệ thống chính trị này là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Trong cơ chế vận hành này, bao hàm cả cơ chế thúc đẩy và cơ chế kiểm soát quyền lực giữa 3 chủ thể chính trong hệ thống chính trị Việt Nam: Quyền lực chính trị của Đảng, quyền lực nhà nước và quyền lực của nhân dân, trong đó, quyền lực của nhân dân là quyền lực gốc.

Trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, mỗi chủ thể có vai trò, vị trí khác nhau, phối hợp với nhau, kiểm soát lẫn nhau, tạo ra động lực của cơ chế, thúc đẩy phát huy tính hiệu quả của nền dân chủ XHCN đã được chế định trong Hiến pháp.

Hiến pháp năm 2013 đã tạo nền tảng hiến định cho sự ra đời các cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước gồm: (1) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát và phản biện xã hội; (2) Công dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp và các quyền dân chủ trực tiếp cơ bản của công dân; (3) Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (bao gồm cả cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong của mỗi quyền (tự kiểm soát mình) và cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền) và cơ chế bảo vệ Hiến pháp theo luật định.

Thứ tư, việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân được thể hiện rõ trong mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Trong mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, Đảng và Nhà nước đều là những tổ chức thực hiện các ủy quyền quyền lực của nhân dân. Nhân dân ủy quyền lãnh đạo chính trị với 3 thẩm quyền cơ bản: (1) Xây dựng và quyết định đường lối chính trị cho sự phát triển của đất nước; quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia; (2) Đảng giới thiệu các đảng viên ưu tú đủ tiêu chuẩn để nhân dân lựa chọn bầu vào các cơ quan đại diện và quyền lực nhà nước, giới thiệu để các cơ quan nhà nước bầu hoặc bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo; (3) Thực hiện kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên và các cơ quan nhà nước, các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, nhân dân ủy quyền cho Nhà nước thực hiện các quyền quản lý, điều hành đất nước với 3 thẩm quyền cơ bản, đó là: Quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp.

Như vậy, tính chất, nội dung, phạm vi quyền lực, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước được xác định là không trùng lặp, phù hợp với vai trò, vị trí và tính chất của mỗi tổ chức. Do đó, nếu nhận thức đúng, vận hành tốt và thông suốt từ phối hợp thống nhất hành động cho đến kiểm soát quyền lực trong từng chủ thể và trong toàn bộ mối quan hệ thì sẽ không có chuyện bao biện, lấn sân nhau.

Mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là mối quan hệ mang tính nguyên tắc giữa sự lãnh đạo của Đảng, chức năng quản lý của Nhà nước với quyền làm chủ của nhân dân. Do đó, nhận thức đúng đắn, đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trong thực tiễn sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát của hệ thống chính trị ở nước ta. Đồng thời đây là cơ sở khoa học để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc mối quan hệ này.

PGS, TS PHAN TRỌNG HÀO, Hội đồng Lý luận Trung ương