Định hướng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang địa phương
ThS. Trần Văn Duy
NCS, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là tổng thể các chủ trương, nội dung, hình thức, biện pháp của các tổ chức, lực lượng nhằm phản bác, vạch trần bản chất phản khoa học, phản động của các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cơ quan chính trị – quân sự địa phương là cơ quan tham mưu, giúp việc của đảng ủy quân sự địa phương, đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang địa phương, do đó, việc phát huy vai trò tham mưu, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang địa phương trên không gian mạng của cơ quan chính trị là hết sức cần thiết.
Từ khóa: Đấu tranh trên không gian mạng; cơ quan chính trị – quân sự địa phương; vai trò tham mưu; lực lượng vũ trang địa phương.
1. Đặt vấn đề
Ngày nay, với sự bùng nổ của internet, không gian mạng đã trở thành một xã hội hiện hữu, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng trở thành chiến trường mới, hết sức gay go, phức tạp, là mặt trận nóng bỏng hàng đầu tác động trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ, sự ổn định, phát triển của đất nước và của từng địa phương.
Nhận thức rõ điều đó, với vai trò là cơ quan tham mưu, đề xuất của đảng ủy quân sự địa phương, trực tiếp hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang địa phương tiến hành hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong công tác quân sự quốc phòng địa phương, trong đó có hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng ở địa phương, cơ quan chính trị – quân sự địa phương thường xuyên tham mưu cho đảng ủy quân sự địa phương, cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương thuộc quyền tích cực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, trong đó đặc biệt quan tâm phát huy vai trò của các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị địa phương.
2. Hoạt động đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của cơ quan chính trị – quân sự địa phương
Những năm qua, các cơ quan chính trị – quân sự thường xuyên quán triệt, triển khai nghiêm túc các chủ trương, quan điểm, nghị quyết của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Tổng Cục Chính trị và các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, chính quyền địa phương; thường xuyên có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, trong đó trọng tâm là: Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Hướng dẫn số 01-HD/BCĐ ngày 25/6/2019 của Ban Chỉ đạo 35, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện và tương đương về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”; Kết luận số 53-KL/TW ngày 04/6/2019 của Ban Bí thư về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên Internet, mạng xã hội; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Hướng dẫn số 1047/HD-TTCĐ ngày 15/4/2016 của Cục Tuyên huấn hướng dẫn thực hiện Chỉ thị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị về tổ chức lực lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng trong quân đội…; theo đó, phát huy có hiệu quả vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân viên cơ quan chính trị trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; góp phần quan trọng làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch; giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội, xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan trong sạch vững mạnh, cơ quan vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường; những thách thức mới về “an ninh phi truyền thống”; âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận trên không gian mạng; cơ quan chính trị – quân sự đã nâng cao chất lượng hoạt động đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, bảo đảm luôn là lực lượng nòng cốt xung kích, đi đầu trong đấu tranh tư tưởng, lý luận góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong quân đội, giữ vững sự ổn định chính trị của đất nước và trên từng địa phương nơi đóng quân. Tiêu biểu như Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hải phòng đã đăng tải hơn 12.000 tin bài, chia sẻ gần 1 triệu lượt tin, bài; bình luận, đấu tranh gần 4 triệu lượt tương tác với các quan điểm sai trái trên không gian mạng (tại phụ lục kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2021, kèm theo Nghị quyết số 496-NQ/ĐUQS ngày 07/12/2021 của Đảng ủy Quân sự thành phố Hải phòng).
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội toàn cầu như: facebook, zalo, youtube, instagram, Tiktok, Telegram, google… tạo ra nhiều lợi ích đối với các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng chính là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, chống đối chính trị, các “nhóm lợi ích” tạo kênh thông tin để tiến hành các thủ đoạn nhằm thực hiện mục tiêu “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam và thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.
Các quan điểm sai trái, thù địch được phát tán với nhiều thủ đoạn tinh vi khác nhau và thủ đoạn được ghi nhận nhiều nhất vẫn là trên không gian mạng, bằng việc thành lập các kênh đăng tải thông tin sai trái, thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và của cách mạng Việt Nam, xuyên tạc tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam, phủ nhận những thành tựu của sự nghiệp đổi mới; xuyên tạc lịch sử của dân tộc… đã được cơ quan chính trị – quân sự coi đây là những nhiệm vụ quan trọng để đẩy mạnh.
Ngoài ra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan đơn vị lực lượng vũ trang địa phương thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của một số cơ quan chính trị – quân sự địa phương còn bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định, như: chậm đổi mới phương thức hoạt động đấu tranh; việc xác định chương trình, kế hoạch hoạt động chưa khoa học; xác định phương hướng, nội dung đấu tranh còn hạn chế, tính “lý luận” khoa học chưa cao; chưa phát huy hết các nguồn lực trong đấu tranh; việc bảo đảm vật chất, trang bị cho thực hiện nhiệm vụ còn nhiều tồn tại; chất lượng thực hiện nhiệm vụ đấu tranh ở một số đơn vị lực lượng vũ trang thuộc quyền có sự chuyển biến chưa rõ nét, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chung của các cơ quan chính trị.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ nhất, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan cơ quan quân sự địa phương thường xuyên giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị. Hướng dẫn, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Thông qua đó, làm cho mọi tổ chức, lực lượng trong lực lượng vũ trang địa phương thấm nhuần những quan điểm chỉ đạo của Đảng và những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đấu tranh trên không gian mạng, bảo đảm cho các tổ chức, lực lượng xác định đúng mục tiêu, trách nhiệm, chấp hành đúng các quy định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; nhận thức đúng vai trò của hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; nhận thức đúng vai trò của hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện nhiệm vụ, trực tiếp là vai trò của cơ quan chính trị – quân sự địa phương trong thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai, chủ động hướng dẫn cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng niềm tin cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Đây là giải pháp hết sức quan trọng bảo đảm việc nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang địa phương được thực hiện hiệu quả, thực chất và có chiều sâu.
Theo đó, cơ quan chính trị – quân sự địa phương cần đề cao trách nhiệm trong hướng dẫn tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt cho cán bộ, đảng viên và quần chúng về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống dân tộc, nhiệm vụ của quân đội, của địa phương, đơn vị… Đồng thời, các cơ quan chính trị – quân sự địa phương cần thường xuyên bám sát sự chỉ đạo, định hướng của cấp trên, nghiên cứu, nắm chắc nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp, chỉ thị, hướng dẫn của chính ủy, chủ nhiệm chính trị, của cơ quan chính trị cấp trên và thực tiễn công tác giáo dục chính trị trong lực lượng vũ trang địa phương, kịp thời tham mưu cho đảng ủy, chỉ huy về nội dung, chương trình, thời gian, kế hoạch giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật; nhận diện đúng âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá mới của các thế lực thù địch, những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Quân đội…
Thứ ba, phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong cơ quan quân sự địa phương trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cơ quan chính trị là cơ quan “đầu tàu” của sự gương mẫu và đoàn kết, trong đó mỗi cán bộ chính trị phải là tấm gương mẫu mực, là chỗ dựa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Cơ quan chính trị – quân sự địa phương cần phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống thông tin truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình, hệ thống truyền thanh nội bộ, các thiết chế văn hóa và thông qua mạng xã hội, internet để phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ tư, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong sạch vững mạnh, xây dựng đội ngũ đảng viên tiền phong gương mẫu, có năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu cao, đoàn kết, thống nhất, giữ nghiêm kỷ luật Đảng. Cơ quan chính trị – quân sự địa phương cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; tích cực tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng.
Thứ năm, phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo 35 của cấp ủy địa phương và Lực lượng 47 của cơ quan quân sự. Trong đó, cơ quan chính trị – quân dự các cấp cần nắm chắc tình hình, bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, kịp thời tham mưu, đề xuất các nội dung, hình thức, biện pháp đấu tranh, tập trung chỉ đạo phát triển các trang, nhóm; nâng cao chất lượng các trang nhóm hiện có; thành lập tổ viết bài chuyên sâu, phân công và định hướng viết tin, bài hằng tuần, tháng đăng tải trên các báo, tạp chí và tham gia đấu tranh trên không gian mạng. Làm tốt việc đánh giá, rút kinh nghiệm chất lượng hoạt động của Lực lượng 47, tập trung đẩy mạnh việc lan tỏa, chia sẻ tin bài, thu hút đông đảo các tầng lớp xã hội tham gia, tạo sức mạnh tổng hợp trong tuyên truyền và đấu tranh trên không gian mạng. Quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực, phân công cụ thể người kiểm duyệt tin, bài, không để lộ lọt thông tin thuộc bí mật quân sự, thông tin tạo sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Tham mưu, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường tương tác chéo; tích cực tham gia các trang, nhóm trong và ngoài quân đội; đặc biệt tham gia và kết nạp thành viên các trang, nhóm của cựu chiến binh, cựu quân nhân, các tổ chức đoàn thể địa phương, để lan tỏa sâu rộng thông tin tích cực đến mọi tầng lớp nhân dân.
Thứ sáu, chủ động hướng dẫn, kiểm tra cơ quan, đơn vị làm tốt công tác bảo vệ, an ninh; xây dựng đơn vị trong sạch về chính trị, an toàn về mọi mặt, xây dựng đơn vị an toàn gắn với xây dựng địa bàn an toàn. Nắm chắc tình hình chính trị, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ và đơn vị, có biện pháp hướng dẫn phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, không để thông tin xấu độc của các thế lực thù địch thâm nhập phá hoại nội bộ, mua chuộc, lôi kéo cán bộ, đảng viên, quần chúng trong lực lượng vũ trang địa phương. Chủ động hướng dẫn, phối hợp giữa các lực lượng, nắm chắc tình hình, phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu hành động chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; nhất là thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” quân đội.
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, khó khăn và quyết liệt. Do vậy, cơ quan chính trị – quân sự địa phương là cơ quan trung tâm, cơ quan hiệp đồng, cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất và triển khai đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp cơ bản trong đấu tranh phản bác hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng hiện nay.
4. Kết luận
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là một bộ phận của cuộc đấu tranh ý thức hệ, đấu tranh tư tưởng, lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thực hiện nhiệm vụ này là trách nhiệm chính trị của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng. Cơ quan chính trị địa phương với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc của đảng ủy quân sự địa phương cần phát huy hơn nữa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang địa phương thuộc quyền đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên không gian mạng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn ở từng địa phương trong tình hình mới.