Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

KINH TẾ VIỆT NAM SẴN SÀNG BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC

 Trước kỷ nguyên mới, với tư duy đổi mới trong cơ chế chính sách; một thái độ với tinh thần tích cực "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; cùng một ý chí kiên cường khi phải đối mặt với những thiên tai chưa từng có trong lịch sử… kinh tế Việt Nam vẫn vươn mình "vượt nắng, thắng mưa" đạt nhiều thành tựu lớn.

Hoạch định bài bản và chi tiêu đúng trọng tâm là cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế
Tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, theo báo cáo của Bộ Tài chính, lần đầu tiên số thu ngân sách Nhà nước đạt trên 2 triệu tỷ đồng, vượt 324,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách Trung ương ước đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 114,4% dự toán. Đáng chú ý khi trong 4 năm trở lại đây, thu ngân sách Nhà nước luôn ở mức năm sau vượt so với năm trước khoảng trên 1 triệu tỷ đồng.
Tính đến thời điểm kết thúc năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên cán mốc thu ngân sách trên 500 nghìn tỷ đồng, đã nỗ lực hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước của thành phố trong điều kiện có rất nhiều khó khăn, rào cản.
Đây chính là tiền đề để Việt Nam có đủ nguồn lực đầu tư vào các dự án giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành, siêu cảng Cần Giờ hay các tuyến cao tốc Bắc - Nam,… Đồng thời thực hiện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách về an sinh xã hội.
Trong khi đó, ước tính đến hết tháng 12/2024, tổng số miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân ước khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng (bao gồm các chính sách thi hành từ năm 2023, tiếp tục tác động làm giảm thu năm 2024), trong đó số miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.
Đối với ngành Xây dựng, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, trong năm 2024, tình hình thế giới, khu vực và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, ngành Xây dựng đã đạt được những kết quả quan trọng. Tăng trưởng ngành Xây dựng năm 2024 đạt khoảng 7,8 - 8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,4 - 7,3%). Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành Xây dựng đạt được từ năm 2020 đến nay, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế. Cùng với đó, tỷ lệ đô thị hóa đạt 44,3% vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 43,7%. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước…
Đây là kết quả thắng lợi mang tính quyết định, giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong hai kỷ nguyên đầu, chính là tiền đề, là nền tảng vững chắc, tạo niềm tin và khơi dậy khát vọng phát triển để bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” là một tuyên ngôn, thể hiện tư duy nhạy bén, sắc sảo và tầm nhìn chiến lược, có căn cứ khoa học của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Cơ chế linh hoạt tạo nên thị trường tăng trưởng, ổn định và bền vững
Vượt qua những ảnh hưởng từ những bất ổn của kinh tế thế giới và những thiệt hại nặng nề từ siêu bão Yagi, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 dự báo đạt hơn 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đặt ra. Quy mô nền kinh tế xếp hạng 33 - 34 thế giới, bình quân GDP đầu người khoảng 4.600 - 4.700 USD và tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định.
Kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kỷ lục mới khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 1.000 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 403 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2023, xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD. Lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tuy dòng vốn đầu tư toàn cầu đang suy giảm nhưng Việt Nam vẫn thu hút FDI và duy trì tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 31,88 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với vốn hóa đạt khoảng 7,2 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 70% GDP quốc gia.
Thị trường bất động sản năm 2024 để lại một dấu ấn không thể quên đối với giới địa ốc, một bước ngoặt lịch sử khi phải chứng kiến hàng loạt thay đổi về chính sách pháp luật, một cuộc thanh lọc chưa từng xảy ra đối với các doanh nghiệp yếu kém và chính nhờ những thay đổi kịp thời trong cơ chế thì cho đến nay, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã tháo gỡ được 34/64 dự án, triển khai 622 dự án nhà ở xã hội với quy mô 580.109 căn, đã khởi công xây dựng 131 dự án với quy mô 111.687 căn; được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án với quy mô 411.076 căn…
Đây là thành quả sau khi Việt Nam tham gia 17 hiệp định thương mại tự do, ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 nước trong đó có: Trung Quốc (5/2008), Nga (7/2012), Ấn Độ (9/2016), Hàn Quốc (12/2022), Hoa Kỳ (9/2023), Nhật Bản (11/2023), Australia (3/2024), Pháp (10/2024) và Malaysia (11/2024). Hơn thế nữa, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 4/5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng quan hệ chiến lược với hàng chục quốc gia khác.
Quá trình hình thành, phát triển trong công cuộc đổi mới suốt hơn 30 năm qua đã và đang mang lại những dấu ấn và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, cho dù ở bất cứ thời kỳ nào thì tinh thần đoàn kết và lòng tự tôn dân tộc luôn đem lại những chiến thắng vẻ vang trên mọi mặt trận. Năm 2024 là kết quả của sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân đồng lòng và sẽ là bước đệm để gặt hái được những thành tựu lớn hơn nữa trong tương lai, định vị một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Xây "thế trận lòng dân" bằng công tác dân vận


Hưởng ứng Tháng dân vận của huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), mới đây, Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) đã huy động 1.800 ngày công của cán bộ, chiến sĩ thực hiện chuỗi các hoạt động dân vận, giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện “3 cùng” với nhân dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), cán bộ, chiến sĩ đơn vị tổ chức trồng cây xanh, trồng hoa, tạo cảnh quan môi trường, tham gia tổng dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, tu sửa đường làng, ngõ xóm; phối hợp với các cơ quan, đoàn thể địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, tạo không khí vui tươi, nâng cao tình đoàn kết, gắn bó giữa đơn vị và địa phương.

Đây không chỉ là chương trình dân vận đơn thuần mà sâu sắc hơn, qua các hoạt động giàu ý nghĩa này, đơn vị hướng đến xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc, góp phần nâng cao tiềm lực khu vực phòng thủ của địa phương

Ngoài các hoạt động trên, đơn vị còn hỗ trợ địa phương xây dựng "nhà đại đoàn kết", "nhà đồng đội" đối với các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Gia đình ông Lã Văn Luận ở xã Bằng Doãn (Đoan Hùng) thuộc diện hộ nghèo nhiều năm. Hiện ông Luận đang chăm sóc người con gái bị khuyết tật, không có khả năng lao động.

Xây "thế trận lòng dân" bằng công tác dân vận
 Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 thăm, tặng quà gia đình chính sách tại huyện Đoan Hùng (Phú Thọ).

Được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 đến ủng hộ, hỗ trợ ngày công, hoàn thành căn nhà mới ngay trước dịp đón năm mới 2025, ông Luận xúc động bày tỏ: “Gia đình tôi biết ơn Bộ đội Cụ Hồ nhiều lắm. Có nhà mới rồi từ nay chúng tôi yên tâm sinh sống, làm ăn, không còn lo lắng mỗi khi trời có bão gió nữa”.  

Đồng chí Trần Anh Quang, Chủ tịch UBND xã Bằng Doãn cho biết: “Chính quyền và nhân dân địa phương rất cảm kích trước tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98. Các hoạt động dân vận của đơn vị góp phần quan trọng giúp địa phương tăng tốc về đích nông thôn mới. Đây cũng là mục tiêu quan trọng nâng cao tiềm lực khu vực phòng thủ địa phương”.

Mối quan hệ kết nghĩa giữa Trung đoàn 98 và huyện Đoan Hùng được xây dựng, vun đắp trong suốt 25 năm qua. Đặc biệt, những con số “biết nói” được thống kê trong 5 năm gần đây tại hội nghị sơ kết hoạt động kết nghĩa giai đoạn 2019-2024 là minh chứng sinh động cho mối quan hệ bền chặt, tốt đẹp của đơn vị với địa phương.

Hưởng ứng các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Quân đội chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”... hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 98 đã tham gia hành quân dã ngoại làm công tác dân vận tại nhiều xã thuộc huyện Đoan Hùng.

Đơn vị huy động hơn 5.000 ngày công hỗ trợ địa phương xây dựng, tu sửa hơn 100 nhà văn hóa; nâng cấp hơn 300km đường giao thông nông thôn; phối hợp thực hiện hiệu quả các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, “Ngày vì người nghèo” với 5 nhà tình nghĩa, 3 "nhà đồng đội"; thăm hỏi, tặng quà 550 lượt gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hàng trăm triệu đồng...

Theo đồng chí Nguyễn Văn Vấn, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng, hiện nay, trên địa bàn huyện còn một số xã đang trên đà hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và vẫn còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Những năm qua, sự giúp đỡ của Trung đoàn 98 đối với địa phương được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân đánh giá rất cao, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương.   

Tại hội nghị sơ kết, Trung đoàn 98 và UBND huyện Đoan Hùng đã thống nhất ký kết quy chế hoạt động kết nghĩa giai đoạn 2024-2029 với chủ trương không ngừng củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa đơn vị và địa phương, cùng nhau xây dựng và phát triển huyện Đoan Hùng ngày càng mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng.

Hai bên xác định phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tham gia xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; phối hợp huấn luyện nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên; củng cố các công trình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện tốt Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; phối hợp giữ gìn an ninh, trật tự; thực hiện chương trình quân dân y kết hợp, tiến hành công tác an sinh xã hội và thực hiện chính sách hậu phương Quân đội...

Trung tá Nguyễn Ngọc Ba, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 chia sẻ: “Trong giai đoạn tới, chúng tôi xác định tiếp tục giữ vững, tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt giữa đơn vị với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương; phối hợp chặt chẽ trong triển khai các mặt công tác, góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa phương, xây dựng "thế trận lòng dân" ngày càng vững chắc”.

Bài và ảnh: LƯƠNG HUYỀN MAI 

VỊ THẾ VIỆT NAM NGÀY CÀNG ĐƯỢC NÂNG CAO TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ

Là thành viên chính thức của Liên hợp quốc trong gần nửa thế kỷ qua, Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế tin tưởng, đánh giá cao bởi vai trò và những đóng góp tích cực, hiệu quả về nhiều vấn đề quan trọng, mang tính cấp bách toàn cầu. Nổi bật là các hoạt động gìn giữ, củng cố nền hòa bình thế giới cùng các sáng kiến phát triển bền vững, bảo vệ, thúc đẩy và nâng cao quyền con người.

Ngày 24/12/2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng sau nhiều năm đàm phán giữa các nước thành viên nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý đa phương toàn diện để đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đánh giá: “Công ước này là minh chứng cho thấy chủ nghĩa đa phương có thể thành công trong thời kỳ khó khăn và phản ánh ý chí chung của các quốc gia thành viên trong thúc đẩy hợp tác quốc tế để ngăn ngừa và chống lại tội phạm mạng”.
Đáng chú ý, việc thông qua văn bản luật quốc tế này đến từ những đóng góp tích cực của Việt Nam trên tư cách là một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc. Điều đó được thể hiện bằng chính sự quan tâm và ủng hộ nhiệt thành của Việt Nam ngay tại thời điểm bắt đầu quá trình khởi động đàm phán Công ước.
Xuyên suốt tám kỳ họp của Ủy ban chuyên trách, Việt Nam luôn tham gia tích cực và có những đề xuất, sáng kiến thực chất cho nội dung Công ước. Do đó, chúng ta đã được cộng đồng quốc tế chấp thuận trở thành nước đăng cai lễ ký Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng vào năm 2025, với tên gọi văn bản pháp lý này là Công ước Hà Nội.
Sự ra đời của Công ước Hà Nội đã khép lại một năm hoạt động thành công của Việt Nam tại Liên hợp quốc khi chúng ta ngày càng khẳng định năng lực, vai trò và trách nhiệm của mình đối với các vấn đề toàn cầu. Tại các cơ quan thuộc Liên hợp quốc mà Việt Nam đang đảm nhiệm nhiều trọng trách, chúng ta đã trở thành điểm sáng trong các công việc chung của tổ chức liên quốc gia lớn nhất hành tinh khi sẵn sàng hành động, đưa ra những ý kiến có trọng lượng góp phần duy trì hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế, đấu tranh và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc.
Trên lĩnh vực quyền con người, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn sắc nét trong năm 2024 với tinh thần tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác tất cả các quyền con người ở tám lĩnh vực ưu tiên.
Trên lĩnh vực quyền con người, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn sắc nét trong năm 2024 với tinh thần tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác tất cả các quyền con người ở tám lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền gắn với đề cao luật pháp quốc tế; quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu; chống bạo lực và phân biệt đối xử, tăng cường bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; thúc đẩy bình đẳng giới; quyền con người trong bối cảnh chuyển đổi số; quyền sức khỏe; quyền việc làm; quyền tiếp cận giáo dục chất lượng và giáo dục quyền con người.
Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến tại nhiều phiên họp, thảo luận về bảo đảm các quyền cụ thể như quyền môi trường trong lành, bền vững; quyền lương thực; quyền văn hóa; quyền của người khuyết tật; quyền trẻ em... Ngày 25/3/2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua dự thảo nghị quyết do Việt Nam đề xuất lấy ngày 11/6 hằng năm làm Ngày Quốc tế Vui chơi.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tích cực hoàn thành trách nhiệm thành viên Liên hợp quốc, trong đó đã tham gia nghiêm túc Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV. Đồng thời, Việt Nam tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người và luôn nhìn nhận con người là trung tâm của mọi chính sách phát triển. Nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Ngày 21/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đánh giá về chuyến công tác này, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 78 Dennis Francis nhận định: “Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay là một sự kiện hết sức có ý nghĩa, thể hiện cam kết cao nhất về mặt chính trị vào một thời điểm quan trọng khi cộng đồng quốc tế đang quyết tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương nhằm đối phó hàng loạt thách thức toàn cầu hiện nay”.
Kết quả đạt được trong quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong năm 2024 đã đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Quan trọng hơn, mối quan hệ tốt đẹp này đang phát triển đúng hướng khi mục tiêu của Liên hợp quốc về hòa bình và quyền con người cũng chính là những khát vọng, mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và dân tộc Việt Nam hướng tới.
Những thành tựu vượt bậc về kinh tế-xã hội của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới cũng gắn liền với tiến bộ không ngừng trong công tác bảo đảm, bảo vệ và phát huy quyền con người, quyền công dân. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã liên tục tăng trong những thập kỷ qua đưa nước ta vào nhóm cao về HDI.
Việt Nam cũng là tấm gương sáng về giảm nghèo khi là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững vì luôn ưu tiên chính sách và nguồn lực để hỗ trợ, cải thiện chất lượng sống của các nhóm yếu thế trong xã hội.
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam cũng đang tiếp tục phải đối mặt với hệ quả nặng nề kéo dài của dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, do đó việc đạt được những chỉ số giảm nghèo đa chiều và chỉ số HDI ở mức cao là thành tích đáng tự hào.
Bên cạnh đó, sự tương đồng trong tầm nhìn và định hướng phát triển của Liên hợp quốc và Việt Nam là chất xúc tác hữu ích để Việt Nam tự tin sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp tích cực hơn vào công việc chung của Liên hợp quốc và giải quyết các vấn đề lớn của thế giới, vì lợi ích hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển bền vững trên thế giới.
Mặc dù còn hạn chế về nguồn lực song tinh thần thiện chí, chủ động xây dựng, lắng nghe và chia sẻ quan điểm để hướng đến những lợi ích toàn cầu của Việt Nam đã luôn nhận được sự đồng tình, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Chính sự tín nhiệm này đã góp phần giúp Việt Nam đảm trách thành công cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 trong lần thứ 2 ứng cử, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027, Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027 cùng nhiều vị trí quan trọng khác của các cơ quan Liên hợp quốc.
Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để Việt Nam vững tin sẽ tiếp nối những đóng góp thực chất, cụ thể vào sự nghiệp chung của cộng đồng quốc tế mà minh chứng cụ thể là quyết định tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028.
Tại lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã đề nghị các nước tiếp tục ủng hộ Việt Nam với cam kết mạnh mẽ rằng, nếu trúng cử, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia một cách tích cực, xây dựng và có trách nhiệm, sẽ phấn đấu hết mình thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền, bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới.
Rõ ràng, vị thế và uy tín của Việt Nam tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế song phương, đa phương là không thể phủ nhận.
Rõ ràng, vị thế và uy tín của Việt Nam tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế song phương, đa phương là không thể phủ nhận. Bởi kết quả này đã được gây dựng từ chính sức mạnh nội sinh của quốc gia kết hợp với tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng vì lợi ích chung của nhân loại. Thế nhưng, các thế lực thù địch với dã tâm chống phá Việt Nam vẫn cố tình đưa ra những luận điệu sai sự thật nhằm phủ nhận vai trò và tầm ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.
Thời gian qua, ngay sau khi Việt Nam chính thức tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền, một số cá nhân, tổ chức phản động, thiếu thiện chí đã ra sức tìm mọi cách vu cáo, công kích, bôi nhọ Việt Nam; qua đó hòng gây sức ép lên các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc nhằm mục đích cô lập Việt Nam với thế giới.
Những đối tượng, tổ chức này thường xuyên đưa ra những cáo buộc vô căn cứ và đòi hỏi phi lý như đòi Việt Nam trả tự do cho tất cả phạm nhân mà họ tự gọi là “tù nhân lương tâm”, trong khi thực chất đây là những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đã bị xử lý công khai, nghiêm minh theo các quy định pháp luật hiện hành. Thủ đoạn của những hội, nhóm chống phá này không mới và đã bị chính những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực quyền con người của Việt Nam trực tiếp bác bỏ.
Đáng tiếc do mang sẵn định kiến và không nắm được bản chất của các vấn đề, sự việc liên quan tình hình nhân quyền Việt Nam, một vài tổ chức quốc tế đã có phát ngôn, hành vi cổ súy nhằm lan truyền thông tin thất thiệt, sai sự thật gây ảnh hưởng xấu, tiêu cực lên vị thế và uy tín của Việt Nam tại một số diễn đàn quốc tế.
Trong năm 2025, Việt Nam vẫn kiên định với các mục tiêu, nhiệm vụ đã cam kết với Liên hợp quốc mà trọng tâm là phát huy những kết quả đạt được trong hai năm đảm đương vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền; tổ chức thành công lễ ký Công ước Hà Nội về tội phạm mạng; tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức về hòa bình và an ninh; thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc.
Việc hoàn thành những mục tiêu này sẽ là những minh chứng thuyết phục tiếp tục đập tan âm mưu của thế lực thù địch và các cá nhân, tổ chức không thiện chí đang mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, ngăn cản Việt Nam ứng cử, tham gia vào các vị trí trọng yếu của Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế.
Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng nhưng với những thành tựu đã đạt được cùng sự quyết tâm, nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, chúng ta hoàn toàn đủ cơ sở để tin rằng, chắc chắn Việt Nam sẽ đảm trách tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền và nhiều cơ quan, tổ chức khác trực thuộc Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ tới.

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: GIẢM TỐI THIỂU 20% CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC HƯỞNG LƯƠNG TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC!

         Các bộ, ngành, địa phương phải giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để giảm biên chế theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ, vừa có công văn gửi các cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương, Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các địa phương về việc thực hiện Nghị định số 178/2024 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025).

Để tổ chức triển khai thực hiện chính sách có hiệu quả, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các bộ, ban, ngành và các địa phương tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang, nhất là những người bị tác động, ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy phát huy tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích chung, hy sinh lợi ích cá nhân (nếu có) để thực hiện chủ trương của Đảng.

Cùng với đó phải kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Khẩn trương ban hành các tiêu chí cụ thể, giao trách nhiệm cho người đứng đầu 

Ban Chỉ đạo đề nghị khẩn trương xây dựng và ban hành các tiêu chí cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình và thực tiễn của bộ, ban, ngành và địa phương gắn với đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định đối tượng phải nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo nêu rõ phải giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để giảm biên chế theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của bộ, ban, ngành và địa phương phù hợp với lộ trình thực hiện chính sách nêu tại Nghị định số 178/2024, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao.

Định kỳ thứ 4 hàng tuần, báo cáo kết quả thực hiện và kịp thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn (nếu có) gửi về Bộ Nội vụ – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ, để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nghị định 178/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, có hiệu lực từ 1/1, đưa ra 8 chính sách lớn để triển khai sắp xếp bộ máy.

Chính sách thứ nhất, áp dụng đối với người nghỉ hưu trước tuổi. Trường hợp có tuổi đời đủ 10 năm trở xuống so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường và đủ 5 năm trở xuống so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn và đủ thời gian đóng BHXH bắt buộc để nghỉ hưu thì được hưởng 3 chế độ sau: Được hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm; được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi; được hưởng trợ cấp theo thời gian công tác có trên 20 năm đóng BHXH bắt buộc.

Trường hợp có tuổi đời còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định và có đủ thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc để được hưởng lương hưu, thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ hưu trước tuổi thuộc đối tượng khen thưởng quá trình cống hiến mà còn thiếu thời gian công tác giữ chức vụ lãnh đạo tại thời điểm nghỉ hưu thì được tính thời gian nghỉ hưu sớm tương ứng với thời gian còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời gian bổ nhiệm của chức vụ hiện đảm nhiệm để xét khen thưởng quá trình cống hiến.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức không thuộc đối tượng xét khen thưởng quá trình cống hiến thì được cấp có thẩm quyền xem xét các hình thức khen thưởng phù hợp với thành tích đạt được.

Chính sách thứ hai áp dụng nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức (Điều 9). Theo đó, cán bộ, công chức có tuổi đời còn hơn 2 năm đến tuổi nghỉ hưu và không đủ điều kiện hưởng chính sách, chế độ nghỉ hưu trước tuổi, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng 4 chế độ: Được hưởng trợ cấp thôi việc; được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc; được bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc hưởng BHXH một lần theo quy định của pháp luật về BHXH; được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.

Chính sách thứ ba về nghỉ thôi việc đối với viên chức và người lao động (Điều 10). Viên chức và người lao động nghỉ thôi việc được hưởng 4 chế độ như cán bộ, công chức nghỉ thôi việc, chỉ khác chế độ thứ 4 là viên chức và người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp do quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả do tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Chính sách 4 đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ hoặc được bầu cử, bổ nhiệm vào chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn (Điều 11), thì được bảo lưu mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm.

Chính sách 5 đối với người đi công tác ở cơ sở (thời gian 3 năm), gồm 5 chế độ: Được tiếp tục hưởng tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan cử đi; được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác; trường hợp đơn vị công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng chính sách tại Nghị định 76/2019; sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ được tiếp nhận trở lại cơ quan, đơn vị nơi cử đi hoặc được cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp không thấp hơn vị trí việc làm trước khi đi tăng cường; được nâng lương vượt 1 bậc và được bộ, ngành và tỉnh xem xét khen thưởng theo quy định.

Chính sách 6 về trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội, gồm: Được nâng lương vượt 1 bậc; hưởng tiền thưởng do thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định trong tối đa 50% quỹ tiền thưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị; được quan tâm, ưu tiên quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp; hưởng chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

Chính sách 7 về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức sau khi sắp xếp.

Chính sách 8 về chính sách, chế độ đối với đối tượng thuộc lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy như đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong cơ quan nhà nước./.
Môi trường ST.

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: TẶNG HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG CHO TUYỂN VIỆT NAM VÀ 6 CẦU THỦ, CÓ NGUYỄN XUÂN SON!

         Ngày 6/1, Chủ tịch nước Lương Cường đã ký quyết định về việc tặng thưởng Huân chương Lao động cho đội tuyển bóng đá nam quốc gia và một số cầu thủ, trong đó có Nguyễn Xuân Son.
Cụ thể, Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đội tuyển bóng đá nam quốc gia.

Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng tặng Huân chương lao động hạng Ba cho các vận động viên Đội tuyển bóng đá nam quốc gia gồm: Nguyễn Xuân Son, Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Đình Triệu.

Chiều nay, tại cuộc gặp với Đội tuyển bóng đá nam quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao các phần thưởng cao quý cho đội tuyển và các thành viên.

Đây là lần đầu tiên Đội tuyển bóng đá nam quốc gia mang cúp vô địch khu vực từ nước ngoài trở về nước. Đội tuyển đã kết thúc giải với 7 trận thắng, một hòa và bất bại, lập kỷ lục về số trận thắng (7 trận) tại ASEAN Cup, trong lịch sử 29 năm của giải, chưa đội nào làm được điều này trong một kỳ thi đấu./.

Môi trường ST.

Đề xuất nhiều phần việc thanh niên, có sức lan tỏa l

Nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên là ấn tượng đầu tiên của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và người dân khi tiếp xúc với Thượng úy Hoàng Đăng Lợi, Trợ lý công tác quần chúng, Ban Chính trị, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 1).

Tốt nghiệp chuyên ngành báo chí, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), tháng 3-2018, Hoàng Đăng Lợi tình nguyện nhập ngũ về Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3. Vừa rèn luyện vừa tiếp tục ôn luyện, tháng 9-2018, Hoàng Đăng Lợi thi đỗ vào Trường Sĩ quan Chính trị (hệ văn bằng 2). Ra trường, Lợi được bổ nhiệm làm Chính trị viên phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2. Trên cương vị là Bí thư Chi đoàn, sĩ quan trẻ Hoàng Đăng Lợi có thêm nhiều điều kiện để thể hiện tố chất của một cán bộ đoàn tiên phong, năng nổ, nhiệt tình.

Đề xuất nhiều phần việc thanh niên, có sức lan tỏa lớn
Thượng úy Hoàng Đăng Lợi, Phó bí thư đoàn cơ sở Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 1 trò chuyện thân mật với các đoàn viên, thanh niên.

Tháng 12-2022, Hoàng Đăng Lợi được bổ nhiệm làm Trợ lý công tác quần chúng, Ban Chính trị, Trung đoàn 2. Ở cương vị công tác mới, ngoài áp dụng khéo léo những kinh nghiệm thực tiễn được trang bị và tích lũy ở trường, ở lớp, anh miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu sâu cách thức, phương pháp hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên để có những tham mưu, đề xuất trong triển khai thực hiện các sáng kiến, mô hình, phần việc thanh niên ý nghĩa, tạo sức lan tỏa lớn.

Điểm nhấn trong hoạt động đoàn của Đoàn cơ sở Trung đoàn 2 là hoạt động của các mô hình: “Chi đoàn huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao”, “Chi đoàn không có cán bộ, đoàn viên, thanh niên vi phạm kỷ luật, pháp luật”, “Chi đoàn không có cán bộ, đoàn viên, thanh niên hút thuốc”, “Chi đoàn an toàn”, “Chuyện ở đại đội”, “Tổ 3 người cùng tiến”, “Bồi dưỡng kỹ năng sống cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên”... Đặc biệt, Đoàn cơ sở đơn vị đã phối hợp với đoàn thanh niên địa phương tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, như: “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Bữa cơm tri ân”, “Hành trình người cộng sản trẻ-tiếp bước chiến sĩ Điện Biên-tiến lên giành 3 nhất”, “Một ngày làm chiến sĩ”, “Tiếp sức mùa diễn tập”... Qua đó, kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ, gắn chặt tình đoàn kết quân dân, tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, được chỉ huy các cấp đánh giá cao và để lại ấn tượng tốt đẹp với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương.

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, Thượng úy Hoàng Đăng Lợi đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị duy trì và thực hiện có nền nếp hoạt động của tổ chức đoàn thanh niên trong đơn vị. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Bùi Anh Minh, Chính ủy Trung đoàn 2 cho biết: “Đồng chí Hoàng Đăng Lợi là một thủ lĩnh đoàn nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, có động cơ phấn đấu tốt, tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ, sống cởi mở, hòa đồng với đồng chí, đồng đội. Trên cương vị, chức trách được giao, đồng chí Lợi luôn xác định tốt tư tưởng, khắc phục khó khăn, chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị, bảo đảm chất lượng, đạt và vượt các nội dung, chỉ tiêu đề ra”.

Bài và ảnh: HOÀNG HANH

Chiến thắng 7-1: Trang sử vàng của tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia

 

Chiến thắng 7-1: Trang sử vàng của tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Cách đây đúng 46 năm, vào ngày 7-1-1979, quân và dân Campuchia với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam đã giải phóng Phnom Penh, đánh đổ chế độ diệt chủng bạo tàn do Pol Pot cầm đầu. Chiến thắng đó đã là một phần lịch sử như mốc son chói lọi của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, đồng thời mở ra một trang mới trong quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước.

Thảm kịch diệt chủng đã qua đi, nhưng những “vết sẹo” lớn để lại vẫn nhức nhối và ám ảnh mỗi khi nhắc đến một trong những sự kiện bi thảm nhất lịch sử loài người trong thế kỷ 20…

Bên bờ vực diệt chủng!

Ngày 17-4-1975, thủ đô Phnom Penh - thành trì cuối cùng của chính quyền Lon Nol (Cộng hòa Khmer) thất thủ, chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng trong suốt 5 năm qua. Người dân Campuchia vui mừng khôn xiết đổ ra đường chào đón những đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản Phnom Penh, bởi họ hiểu rằng chiến tranh đã kết thúc, hòa bình được lập lại. Người dân Campuchia đã vội vàng mơ về một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc mà họ hằng chờ đợi. Nhưng trớ trêu thay, ngày mà họ kỳ vọng nhất vào một tương lai tươi sáng ấy lại chính là ngày khởi đầu của một giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử Campuchia.

Chỉ vài giờ sau khi tiến vào Phnom Penh, lực lượng của Pol Pot đã ra lệnh ép buộc tất cả người dân phải rời khỏi Phnom Penh, bất cứ ai không nghe theo mệnh lệnh đều bị sát hại không từ người già, trẻ nhỏ, người tàn tật, nhà sư, trí thức… Từng đoàn người dắt díu, bồng bế nhau bị xua đuổi về các vùng quê, chen lấn nhau như nước vỡ bờ tạo nên một cảnh tượng vô cùng hỗn loạn.

Chiến thắng 7-1: Trang sử vàng của tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia
 Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh, ngày 7-1-1979. Ảnh tư liệu 

Ngay sau khi giành được chính quyền, chính quyền do Pol Pot cầm đầu đã tiến hành xây dựng một xã hội chưa từng có trong lịch sử, khi tách biệt đất nước với thế giới bên ngoài. Chúng thực hiện chính sách phản động trên toàn quốc, áp đặt những chính sách độc tài hết sức dã man, thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân và biến họ thành nô lệ thực thi mọi mệnh lệnh của “Angkar”. Với luận điệu và khẩu hiệu “xóa bỏ giai cấp” chính quyền Campuchia Dân chủ đã xóa bỏ thành thị, lùa người dân từ thành thị về nông thôn, ép buộc họ phải làm nông dân, cưỡng bức lao động khổ sai, xóa bỏ trường học, giết hại trí thức, hủy bỏ hệ thống giáo dục, thủ tiêu văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân Campuchia, xóa bỏ một cách thô bạo tự do tín ngưỡng... Chỉ trong 3 năm 8 tháng 20 ngày (17-4-1975 / 7-1-1979), chúng đã sát hại hàng triệu người dân Campuchia vô tội.

Chúng cũng đồng thời thực thi chính sách về đối ngoại vô cùng nguy hiểm. Được bên ngoài kích động, xúi bẩy và hậu thuẫn, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary ra sức xuyên tạc mối quan hệ Việt Nam - Campuchia, kích động tư tưởng thù hằn dân tộc, chống Việt Nam. Những hoạt động quân sự xâm phạm biên giới của chúng là hành động cực kỳ nguy hiểm, xâm phạm thô bạo đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Sau những sự kiện nghiêm trọng trên, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn bày tỏ mong muốn hai nước đàm phán trên tinh thần tôn trọng nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tiếp tục phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Đáp lại đề nghị đầy thiện chí của Việt Nam, phía Campuchia dân chủ không những không chịu gặp gỡ, trao đổi với phía Việt Nam mà còn tăng cường xâm lấn quân sự dọc biên giới hai nước, mở nhiều cuộc tiến công lớn sang lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, suốt từ các tỉnh Kiên Giang, An Giang lên tới Tây Nguyên, gây nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam.

Trước tình hình đó, Việt Nam buộc phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng, phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia xóa bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, giúp nhân dân Campuchia hồi sinh.

Theo đó, từ ngày 23-12-1978, các binh đoàn chủ lực Việt Nam tiến hành chiến dịch tổng phản công trên toàn tuyến biên giới, tiêu diệt hàng chục nghìn tên địch, đẩy chúng vào thế bị động, lúng túng và tan rã từng mảng lớn. Ngày 7-1-1979, thủ đô Phnom Penh hoàn toàn được giải phóng. Phần lớn lực lượng Pol Pot - Ieng Sary bị tiêu diệt và tan rã, số còn lại lẩn trốn vào rừng trên tuyến biên giới phía Tây Campuchia.

Lịch sử không bao giờ bị lãng quên và không ai bị quên lãng

Chiến thắng đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary mùa Xuân năm 1979 là chiến công chung của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, kết quả của sự phối hợp chiến đấu giữa Quân đội Việt Nam với các lực lượng yêu nước, cách mạng chân chính Campuchia và sự ủng hộ to lớn của nhân dân Campuchia. Với Việt Nam, thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc một lần nữa khẳng định, nhân dân Việt Nam với ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng, sẵn sàng đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Campuchia (2017), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Lịch sử không bao giờ bị lãng quên và không ai bị quên lãng. Vinh quang đời đời thuộc về những người con ưu tú đã ngã xuống vì Tổ quốc của hai dân tộc”. Và trong thông điệp gửi tới nhân dân Campuchia nhân dịp kỷ niệm ngày chiến thắng 7-1 hằng năm, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Techo Hun Sen cũng luôn nhắc đến công lao to lớn, sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam và chiến sĩ cách mạng Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã hy sinh xương máu vì nền độc lập của đất nước Campuchia. Đây vĩnh viễn là một phần lịch sử hào hùng, tráng lệ của tình đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung Việt Nam - Campuchia. 

Chiến thắng 7-1: Trang sử vàng của tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia
 Người dân Campuchia đứng hai bên đường vẫy chào, chia tay quân tình nguyện Việt Nam về nước năm 1989. Ảnh tư liệu: TTXVN 

Ở Campuchia, Chiến thắng 7-1 thật sự đã khắc sâu trong trái tim của người dân yêu chuộng hòa bình nơi đây, họ coi ngày 7-1-1979 là ngày họ được tái sinh và không có Chiến thắng 7-1 không có Campuchia ngày hôm nay. Đây là một chân lý lịch sử mà không ai có thể thay đổi, hoặc xóa bỏ. Chiến thắng 7-1-1979 chắc chắn là “Bài học lịch sử đắt giá nhất” được đúc rút cho các thế hệ hôm nay, mai sau ghi nhớ, kế thừa truyền thống đoàn kết, anh hùng, tinh thần quốc tế trong sáng tương trợ lẫn nhau của quân và dân Việt Nam, Campuchia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trong bài viết mới đây của học giả Uch Leang đến từ Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) đã dẫn lời ông Sok Eysan, người phát ngôn Đảng Nhân dân Campuchia khẳng định rằng: “Dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, nhân dân Campuchia đã rơi vào cảnh khốn cùng chưa từng có trên thế giới. Trong thời điểm bi thảm đó, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã nhanh chóng và kịp thời mở các cuộc tấn công để giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng”.

Sự thật luôn hiển nhiên là vậy, dù vẫn còn đâu đó những luận điệu cực đoan, thù địch của những kẻ cơ hội, đang cố tình xuyên tạc lịch sử, kích động, gây chia rẽ mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.

Thậm chí, những hy sinh to lớn, tinh thần quốc tế cao cả và trong sáng của Việt Nam khi giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, thoát khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ còn bị bóp méo, xuyên tạc và còn bị không ít dư luận từ cộng đồng quốc tế hiểu sai suốt thời gian dài.

Ngày 16-11-2018, khi Toà án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ ra phán quyết về tội ác diệt chủng chống lại nhân loại của Khmer Đỏ, trả lại công bằng cho các nạn nhân Việt Nam và Campuchia, lúc này sự chính nghĩa, tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng của Việt Nam khi sang giúp nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng mới được sự thừa nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Khi Tòa án xét xử Khmer Đỏ ra phán quyết này, nhiều dư luận trong và ngoài nước cho rằng “thế giới đang nợ Việt Nam một lời xin lỗi”. Nhưng nói như quan điểm của cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam thì có lẽ chúng ta không cần một lời xin lỗi, mà cần cộng đồng quốc tế nhận thức đúng đắn về lịch sử…

Vận mệnh hai dân tộc là không thể tách rời

Đã 46 năm kể từ sau Chiến thắng ngày 7-1-1979, hai nước Việt Nam và Campuchia luôn luôn trân trọng và gìn giữ mối quan hệ láng giềng tốt đẹp này. Lãnh đạo hai nước luôn khẳng định vận mệnh của hai dân tộc là không thể tách rời nhau và Việt Nam mãi mãi là người bạn láng giềng thủy chung, trước sau như một, mong muốn mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Trong thời gian qua, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, kinh tế đến văn hóa, giáo dục... Hai nước cam kết tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển bền vững. Thông qua tăng trưởng thương mại, đầu tư, dịch vụ, các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người dân Campuchia.

Chiến thắng 7-1: Trang sử vàng của tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia
Chủ tịch nước Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư) hội kiến với Quốc vương Norodom Sihamoni nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia, ngày 12-7-2024. Ảnh: TTXVN 

Tại cuộc hội kiến giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, hai bên đều khẳng định mong muốn, quyết tâm cao và dành ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng, phát triển mối quan hệ giữa hai nước không ngừng phát triển tốt đẹp.

Năm 2024 vừa qua là một minh chứng rõ nét nhất cho điều này, khi hai bên duy trì một loạt các hoạt động tiếp xúc cấp cao quan trọng như: Chủ tịch nước Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư) thăm cấp Nhà nước tới Campuchia (tháng 7-2024); Cuộc ăn sáng - làm việc giữa ba Thủ tướng Việt Nam - Lào - Campuchia (tháng 10-2024); Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Campuchia (tháng 11-2024); Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneat Norodom Sihamoni thăm cấp nhà nước tới Việt Nam (tháng 11-2024) ... Có thể nói, các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp của lãnh đạo cấp cao hai nước luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc dẫn dắt và định hướng cho quan hệ giữa hai nước.

Dù bối cảnh tình hình thế giới và khu vực trong thời gian tới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, hai nước Việt Nam và Campuchia vẫn sẽ cùng nhau cảnh giác, đấu tranh với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi bị kích động, những hoạt động vu khống, gây chia rẽ. Chúng ta tin tưởng quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia đã được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp tiếp tục được duy trì, củng cố và phát triển tốt đẹp, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.   

ĐOÀN TRUNG