Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

Nhận ra khi đã muộn

Nhiều năm mới gặp lại, anh bạn có “thâm niên” làm công tác tư tưởng ở một cơ quan trung ương dốc bầu chia sẻ: “Để hiểu về lĩnh vực tư tưởng khó lắm ông ạ! Bình thường tiếp xúc với nhau hay trong sinh hoạt, khó mà biết được trong đầu mỗi người đang nghĩ gì, lời nói và việc làm của mỗi người có đi cùng với nhau hay không thì chỉ có nhìn vào hành động mới biết được”. Tôi cảm thấy rất thông cảm với anh và trả lời: “Vì vậy, hoạt động tư tưởng mới là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Đảng còn gì”. Anh bạn gật gù: “Đúng thế, mà thực ra thì phần đông cán bộ, đảng viên đều làm đúng và làm tốt. Nhưng cũng còn một số người, trong đó có cả cán bộ chủ chốt các cấp nói một đằng nhưng làm một nẻo”. Câu nói của bạn khiến tôi chợt liên tưởng đến câu chuyện “nhớ đời” của mình. Hồi đó, tôi mới từ cơ sở lên dự phiên họp cuối năm của cấp ủy cơ quan. Do tính tình bộc trực, thẳng thắn, tôi góp ý với đồng chí thủ trưởng là nên chú trọng việc lắng nghe ý kiến tham mưu từ mọi người, để có thể chỉ đạo xây dựng được cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Sau khi nghe tôi phát biểu, đồng chí thủ trưởng tỏ ra tiếp thu ý kiến góp ý của tôi. Nhưng sau cuộc họp, vị thủ trường này có sự thay đổi thái độ đáng kinh ngạc; gặp riêng tôi để chất vấn đủ điều, rồi kết luận rằng ý kiến của tôi có hàm ý đánh giá thấp nhận thức và năng lực của chính ông trước tập thể cấp ủy. Lúc đó, tôi khó nghĩ quá, chỉ biết nói với “Sếp” là em rất chân tình, vì trách nhiệm chung và vì anh. Điều không ngờ hơn, dường như vì chuyện này mà tôi bị loại khỏi danh sách được cơ quan đề nghị khen thưởng trong năm. Thật lòng thì tôi không bận tâm nhiều đến việc khen thưởng, nhưng đáng nghĩ là ý kiến thẳng thắn lại làm mình trở thành “cái gai” trong mắt của thủ trưởng. Để tâm quan sát, tôi nhận thấy nhiều cuộc họp ở cơ quan khi có nội dung tự phê bình và phê bình, chỉ nghe mọi người đóng góp cho “Sếp” bằng những lời khen, còn những khuyết điểm hầu như không có; hoặc có chỉ là những lời khuyên thủ trưởng cần biết giữ gìn sức khỏe, tránh làm việc quá sức... Thủ trưởng của tôi là người khá khéo việc “che chở, đi lại” nên đã có sự thăng tiến thần tốc. “Sếp” càng lên cao, chúng tôi càng ít được gặp. Rồi năm tháng qua đi, thủ trưởng của tôi cuối cùng lại gặp chuyện bất an, phải ra tòa vì tội tham ô và gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Tôi rất quan tâm theo dõi vụ án này và thực tâm tôi cũng thấy thương ông ấy. Mỗi khi trả lời trước tòa, ông ấy đều hạ giọng, trông hiền lành và có vẻ hối lỗi thực sự. Lý do mà ông ấy đưa ra để bào chữa sai phạm của mình là do: nhận thức kém, không hiểu hết ý chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, bản thân chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức kinh tế, quản lý đất đai… nên năng lực bị hạn chế dẫn đến sai phạm. Nghe những điều ông nói trước tòa chắc hẳn là đúng, nhưng khi còn đang công tác thì không ai dám nói ra điều đó cho ông và ông cũng không bao giờ tự nghĩ rằng mình là người có nhận thức còn hạn chế, yếu kém ở một số khía cạnh. Điều đó khiến tôi tự hỏi, phải chăng chỉ khi có mong muốn nhẹ tội trước vành móng ngựa, người ta mới bắt đầu nói về sự thiếu sót, yếu kém của mình? Đáng tiếc, khi ngộ ra điều đó thì đã quá muộn màng. Tôi nhớ lại lời Bác Hồ dặn: “Đảng viên và cán bộ cũng là người, ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu” và “Tự phê bình và phê bình là vũ khí rất cần thiết và sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Những lời dạy của Người còn giá trị bền lâu đối với bản thân mỗi cán bộ, công chức, những người đang nhận trách nhiệm quản lý, xây dựng đất nước ngày một tươi đẹp./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét