Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Cần xây dựng một "bộ lọc" rõ ràng khi vào mạng xã hội

 


Nhiều người hằng ngày góp nhặt bài viết rồi đăng lên mạng xã hội “đếm like” đến mức quên ăn, quên ngủ; rồi tự huyễn hoặc về bản thân, tưởng mình có bộ “óc bách khoa”, là “nhà thông thái”… Nhưng thực chất, đó chỉ là những “bộ óc bách khoa” ảo, không hơn không kém.

Theo khảo sát của Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS), người sử dụng mạng xã hội (MXH) Việt Nam sử dụng bình quân 2h32 phút một ngày. Nhưng có nhiều hiện tượng cho thấy nhiều người dùng đã đi quá xa về tôn chỉ thông tin, giải trí, giao lưu, học hỏi.

Thực sự thì mạng xã hội tốt hay xấu, người dùng có lợi hay hại còn tùy thuộc vào cách ứng xử của mỗi người. Thực tế như đã nêu trên, người sử dụng mạng xã hội hôm nay phải đối mặt với mặt trái tiêu cực của nó nhiều hơn. Những thông tin xấu độc, tràn ngập; những phát ngôn cực đoan, thù ghét xuất hiện nhiều hơn. Nạn tin giả là một vấn nạn làm cho người dùng lạc vào "mê hồn trận", làm xói mòn niềm tin của con người vào xã hội, thậm chí nó được coi như một thứ quyền lực của thuyết âm mưu làm khuynh đảo chính trường, gây chia rẻ trong cộng đồng, dân tộc, gây bất an trong xã hội.

Cuộc sống bận rộn nhưng vẫn có thể và cần thiết vào mạng xã hội để thư giãn, tra cứu những điều cần cho công việc và cuộc sống. Like, share, comment bày tỏ thái độ, chính kiến không phải là việc không nên làm, nhưng nếu lạm dụng đến mức buồn, vui, ăn, ngủ như người vô công rồi nghề; phơi bày sở thích, hình ảnh, thông tin cá nhân; huyễn hoặc về bản thân… với mạng xã hội như nhiều người đã và đang làm thì thực sự vô bổ. Những thông tin "hợp khẩu vị", họ không dừng lại mức độ like, mà tiếp tục comment, share một chiều. Hội chứng hạ nhục tập thể là trường hợp mà những người trẻ chưa trải nghiệm rất dễ mắc phải. Một hiệu ứng "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" nhanh chóng lan tỏa qua hàng trăm, hàng nghìn thậm chí nhiều hơn nữa trên cộng đồng mạng. Hạ nhục người khác, nhất là người nổi tiếng có lẽ đã trở nên một hội chứng trầm kha trên mạng. Khi người nổi tiếng sơ suất một điều gì đó trong lời ăn tiếng nói, trong hành vi hay đề xuất một công trình nghiên cứu mới lạ, mang tính đột phá, chỉ cần một người nào đó tìm ra một lý do để "nổ phát súng đầu tiên" hạ nhục thì đám đông nhào vô chửi... Phản biện là hiệu ứng tốt trong xã hội. Nhưng phải phản biện như thế nào để thuyết phục người khác với cái đúng cái sai khách quan, phù hợp với đạo đức xã hội và luật pháp. Đừng để phản biện trở thành biến tướng là sự chửi bới, lăng nhục người khác, nhất là những người nổi tiếng.

Ăn, ngủ với mạng xã hội, nói chung đã là không hay ho. Nhưng nếu lỡ comment hoặc share một cách vô ý thức sẽ mang tới cho xã hội một hệ lụy khôn lường, có thể dẫn tới tình trạng tổn thương cá nhân, gây bất ổn cho xã hội. Do đó, trước khi quyết định vào mạng xã hội, mỗi người cần xây dựng một "bộ lọc" rõ ràng; thận trọng, like, share, comment, đặc biệt xem xét cẩn thận nguồn, tính chính xác và ý đồ người viết bài hoặc clip đăng tải.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét