2. Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của mọi sự suy thoái, tiêu cực, hư hỏng, song nó lại ẩn trong mỗi con người nên cuộc đấu tranh để từ bỏ nó rất khó khăn phức tạp. Tệ tham nhũng là biểu hiện tệ hại của chủ nghĩa cá nhân. Cuộc đấu tranh PCTN thời gian qua có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị và Tổng Bí thư đã có được những kết quả rất quan trọng, nhất là xử lý những vụ tham nhũng lớn bằng kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đã củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của Nhân dân, cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh PCTN với những giải pháp bài bản, đồng bộ, kiên trì, trên cơ sở siết chặt kỷ luật Đảng, xử lý nghiêm theo pháp luật. Đấu tranh PCTN hiện nay càng đòi hỏi phải gắn chặt với chống chủ nghĩa cá nhân. để đẩy lùi tham nhũng, suy thoái, phải đặc biệt chú trọng giáo dục của Đảng, nêu gương, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Việc giáo dục, rèn luyện đạo đức phải tiến hành từ toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non, phổ thông và đại học. Chỉ như vậy mới cung cấp những người cán bộ trẻ tuổi có đức, có tài cho đất nước. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị lại không ngừng được giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ tiền bối và theo đúng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức Đại hội XII của Đảng đã đề ra. Giáo dục của Đảng phải luôn luôn gắn liền với tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Có được người tốt, cán bộ tốt, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Với mỗi người phải “Gian nan rèn luyện mới thành công”. Đảng hết sức chú trọng giáo dục cho cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp. Cái gốc vẫn là giáo dục, trang bị lý luận MácLênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có cái gốc vững bền đó mới có thể ngăn chặn, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, tiêu cực, tham nhũng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhấn mạnh việc tổ chức học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học. Coi trọng giáo dục đạo đức cách mạng, “xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và với nhân dân”. Cùng với sự giáo dục, huấn luyện của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên ra sức tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) tháng 10-2018 quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của cán bộ lãnh đạo cấp cao, có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng Đảng về đạo đức, đổi mới phong cách làm việc và phong cách, phương thức lãnh đạo. Nêu gương về đạo đức, lối sống, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, về tính tiên phong, về trung thành với lý tưởng cách mạng, về học tập, rèn luyện, về tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đất nước, nhân dân, làm tốt điều đó, nhất định tình trạng suy thoái, tiêu cực, trong đó có tham nhũng sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi. Nêu gương là sự giáo dục có hiệu quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét