Chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đòi hỏi phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, pháp luật của Nhà nước, mọi cán bộ, đảng viên sống và làm việc trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi Đảng phải giữ nghiêm kỷ luật từ trên xuống dưới. Kỷ luật của Đảng là kỷ luật tự giác nghĩa là mọi cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, đề cao trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, làm chủ bản thân, không làm điều gì khuất tất. Kỷ luật của Đảng cũng là kỷ luật sắt nghĩa là rất nghiêm khắc, nghiêm minh. Chỉ có như vậy Đảng mới có sức mạnh và mỗi cán bộ, đảng viên mới tránh được sai phạm. Kỷ luật của Đảng có ý nghĩa răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo đồng thời hướng những người sai phạm có thể sửa chữa để tiến bộ. Trong điều kiện Đảng cầm quyền và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kỷ luật của Đảng gắn liền với pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên sai phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự phải được xử lý nghiêm minh không có vùng cấm, không có ngoại lệ và mọi người bình đẳng trước pháp luật. Việc xử lý các vụ tham nhũng lớn trong thời gian vừa qua, đã cho thấy sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước và cũng có thêm những kinh nghiệm, bài học trong PCTN. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhấn mạnh giải pháp: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng”. Cần nhấn mạnh, kết quả chống tham nhũng và tiêu cực, suy thoái vừa qua có vai trò rất quan trọng của các cơ quan chức năng, nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan điều tra của Công an, Viện kiểm sát và Tòa án. Đã nghiêm chỉnh thực hiện giải pháp do Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đề ra: “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra và các cơ quan tư pháp để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, lãng phí, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ sai phạm theo quy định của pháp luật”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét