Học tập và làm theo tấm gương đạo đức
Hồ Chí Minh không phải chỉ thông qua những tác phẩm của Người về đạo đức mà
quan trọng hơn là phải thông qua chính hành vi được thể hiện trong toàn bộ hoạt
động thực tiễn của Người; thông qua mẫu mực đạo đức trong sáng mà Người đã để lại
cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta học tập. Sự thống nhất giữa lý luận và
thực tiễn đã trở thành một đặc trưng nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vì vậy, trong việc rèn luyện đạo đức
cách mạng, Người không chỉ nêu lên những nội dung của việc tu dưỡng để có đạo đức
cách mạng mà Người còn chỉ rõ những nguyên tắc trong rèn luyện đạo đức cách mạng.
Muốn có đạo đức cách mạng: Trước hết
nói phải đi đôi với làm và luôn nêu gương về đạo đức. Điều này đã được Người đề
cập trong “Đường Kách mệnh” khi nói đến tư cách của một người cách mệnh. Trong
suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Người đã giáo dục mọi người và ngay
chính bản thân mình đã thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ nhất. Đối với mỗi
người đều nói nhiều mà làm ít, nói mà không làm, hơn nữa nói một đằng, làm một
nẻo thì chỉ đem lại hậu quả phản tác dụng. “Hãy làm theo tôi nói, đừng làm theo
tôi làm”, đó là thói đạo đức giả của các giai cấp bóc lột. Còn việc nêu gương
thì không ở lĩnh vực nào mà vấn đề nêu gương lại được đặt ra như trong lĩnh vực
đạo đức. Trong gia đình: Đó là tấm gương của bố mẹ đối với con cái, của anh chị
đối với các em; trong nhà trường thì đó là tấm gương của thầy, cô giáo đối với
học sinh; trong tổ chức, tập thể, Đảng, Nhà nước là tấm gương của những người đứng
đầu, phụ trách, lãnh đạo, của cấp trên đối với cấp dưới; trong xã hội thì đó là
tấm gương của người này đối với người khác; những gương “Người tốt việc tốt” mà
Hồ Chí Minh đã dầy công phát hiện thu thập, chỉ đạo việc in thành sách để mọi
người học tập và làm theo là một việc làm rất cụ thể. Một bài diễn văn hay
không bằng một tấm gương sống - điều mà Hồ Chí Minh nói về Lê-nin đã đặt ra cho
việc xây dựng đạo đức mới một nguyên tắc rất cơ bản là sự nêu gương về đạo đức.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương chung cho cả dân tộc và cho các thế
hệ người Việt Nam mãi mãi về sau học tập.
Nguyên tắc thứ hai để rèn luyện đạo đức
cách mạng là xây đi đôi với chống. Bởi vì trong cuộc sống hàng ngày, những hiện
tượng tốt - xấu, đúng - sai, cái đạo đức và cái vô đạo đức vẫn còn đan xen
nhau, đối chọi nhau, thông qua hành vi của mỗi một con người khác nhau. Thậm
chí, những đan xen và đối chọi ấy còn diễn ra ngay trong bản thân mỗi một con
người. Do đó việc xây và chống trong lĩnh vực đạo đức hoàn toàn là điều không
đơn giản. Xây phải đi đôi với chống, muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích
xây. Trong khi xây dựng, bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức mới phải đồng thời
chống lại cái xấu, cái sai, cái vô đạo đức. ở đây điều quan trọng là phải phát
hiện sớm, hướng cho mọi người vào cuộc đấu tranh cho sự trong sạch và lành mạnh
về đạo đức. Để xây và chống có hiệu quả phải tạo thành phong trào quần chúng rộng
rãi; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động rất nhiều phong trào như vậy. Đó là
phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu (năm
1952); đó là phong trào: 3 xây, 3 chống” năm 1963)... Có phong trào, có cuộc vận
động cho toàn Đảng, toàn dân; nhưng lại có phong trào, có cuộc vận động riêng
cho từng ngành, từng giới. Thông qua đó mà lôi cuốn mọi người vào cuộc đấu
tranh nhằm xây gì, chống gì rất cụ thể, rõ ràng để mọi người phấn đấu, tự bồi
dưỡng và nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng.
Nguyên tắc thứ ba là: Phải tu dưỡng đạo
đức suốt đời. Bởi mỗi người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc
rửa mặt hàng ngày, đó là công việc kiên trì, bền bỉ suốt đời. Chủ tịch Hồ Chí
Minh thường nêu lại tấm gương của người xưa: Mỗi buổi tối đều tự kiểm điểm để bỏ
đỗ đen, đỗ trắng vào hai cái lọ, để cứ nhìn vào đó có thể biết mình tốt xấu ra
sao? Trong thực tiễn, có người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành,
không sợ nguy hiểm, không sợ gian khổ, hy sinh, nhưng đến khi có ít quyền hạn
thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, biến thành
người có tội với cách mạng. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đưa ra một kết luận
khái quát: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi một con người, ngày hôm qua là vĩ đại,
có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu
mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Cho nên trong khi ta kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước,
làm cho văn minh chiến thắng bạo tàn thì đồng thời phải loại trừ những cái xấu
xa do chế độ cũ để lại trong xã hội và trong mỗi con người”.
Đối với mỗi con người việc rèn luyện
đạo đức cách mạng phải được thực hiện trong hoạt động thực tiễn, trong đời tư
cũng như trong đời công, sinh hoạt, học tập, lao động, chiến đấu; trong mọi mối
quan hệ xã hội từ hẹp đến rộng, từ nhỏ đến lớn, từ gia đình đến nhà trường,
đoàn thể, xã hội; từ quan hệ bạn bè đến đồng chí, anh em, cấp trên, cấp dưới, với
Đảng, với nước, với dân và cả trong quan hệ quốc tế. Có rèn luyện công phu theo
các nguyên tắc trên đây thì con người mới có được phẩm chất đạo đức tốt đẹp, những
phẩm chất ấy sẽ ngày càng được bồi đắp và nâng cao./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét