Đồng chí Chu Huy Mân (tên khai sinh là Chu Văn Điều) sinh ngày 17-3-1913, trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay thuộc xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lớn lên trên mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa đã góp phần hun đúc nên tinh thần, nghị lực và bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ cách mạng - Đại tướng Chu Huy Mân.
Ông tham gia cách mạng năm 1929, vào Đảng năm 1930. Từ năm 1937 đến năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần ở Nhà lao Vinh. Năm 1940, ông bị đưa đi giam ở Đắc Lay rồi Đắc Tô, Kon Tum. Trong nhà lao, bọn địch dùng đủ mọi thủ đoạn vừa dụ dỗ vừa đánh đập dã man nhưng không thể nào khuất phục được ý chí sắt thép của người chiến sĩ cộng sản.
Năm 1943, ông vượt ngục thành công, sau một thời gian bắt liên lạc được với tổ chức Đảng tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian ở Quảng Nam, Chu Huy Mân tham gia tích cực trong Ban Mặt trận Việt Minh tỉnh và được phân công làm Phó bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Nam. Tháng 8-1945, đồng chí Chu Huy Mân cùng với các đồng chí nòng cốt trong Mặt trận Việt Minh tỉnh và Ban Chấp hành Tỉnh uỷ Quảng Nam lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Sau khi giành được chính quyền năm 1945, ông vào quân đội và lần lượt giữ các chức vụ quan trọng: Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam; sau đó làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính 4 tỉnh Trung Bộ, Trưởng ban Kiểm tra Đảng, Quân khu ủy viên Khu Việt Bắc.
Từ năm 1947 đến năm 1949, ông là Trung đoàn trưởng, Bí thư Trung đoàn ủy các Trung đoàn 72, 74 Cao Bằng và Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng. Tháng 5-1951, ông là Phó chính ủy, sau đó làm Chính ủy Đại đoàn 316, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316. Như vậy, trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), đồng chí Chu Huy Mân đã trải qua nhiều cương vị, tham gia chiến đấu và chỉ huy chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau. Qua thực tiễn kháng chiến, đồng chí Chu Huy Mân đã trở thành người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, người lãnh đạo thực tiễn xuất sắc.
Đặc biệt, từ năm 1951, trên cương vị Phó chính ủy, rồi Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, đồng chí Chu Huy Mân đã góp phần đặc biệt to lớn cùng cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Chu Huy Mân cùng toàn thể Ban chỉ huy Đại đoàn 316, đơn vị đã tham gia nhiều chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh như Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, Chiến dịch Thượng Lào năm 1953. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đại đoàn 316 đảm nhiệm hướng tiến công phía Đông. Ngày 13-3-1954, Đại đoàn 316 đánh trận mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ, tiêu diệt cứ điểm Him Lam; tham gia trận đánh cuối cùng bắt sống tướng De Castries, góp phần quyết định đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva vào ngày 21-7-1954.
Thành tích đạt được trong kháng chiến chống Pháp cho thấy, dù trên cương vị nào, đồng chí Chu Huy Mân cũng tỏ rõ là người lãnh đạo thực tiễn xuất sắc. Chính do luôn nắm vững thực tiễn, đi sát thực tiễn, am hiểu tình hình địa phương nơi đơn vị đóng quân, tác chiến, hiểu rõ tình hình đơn vị và đời sống bộ đội, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng lãnh đạo, chỉ huy các trung đoàn rồi đến Đại đoàn 316 đề ra những chủ trương và biện pháp phù hợp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó, góp phần vào thành tích chung của cuộc kháng chiến.
Từ năm 1954 đến năm 1960, đồng chí Chu Huy Mân 2 lần được Đảng, Hồ Chủ tịch giao nhiệm vụ làm Đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại nước bạn Lào. Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác "Giúp bạn là tự giúp mình", ông góp phần quan trọng giúp cách mạng Lào không ngừng phát triển. Ông được Đảng, Quân đội, nhân dân các bộ tộc Lào trìu mến đặt cho tên "Tướng Thao Chăn".
Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí trực tiếp cùng Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5, Mặt trận Tây Nguyên lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp; trên cơ sở đó, tích cực, chủ động đánh địch để tìm ra cách đánh tối ưu,... tạo khí thế và xung lực mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường nóng bỏng này.
Từ năm 1964 cho đến Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, đồng chí Chu Huy Mân là chỗ dựa tin cậy của quân và dân Quân khu 5 trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất nhưng cũng vẻ vang nhất. Trong thời gian công tác ở Quân khu 5, đồng chí Chu Huy Mân được mọi người gọi với cái tên thân thương là anh “Hai Mạnh”.
Với những thành tích đã đạt được qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, đồng chí Chu Huy Mân được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Thiếu tướng năm 1958, vượt cấp lên Thượng tướng năm 1974, được Chủ tịch Tôn Đức Thắng phong hàm Đại tướng năm 1980.
Hơn 75 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, hơn 50 năm hoạt động trong Nhà nước và trong Quân đội, Đại tướng Chu Huy Mân đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ và cương vị quan trọng trên lĩnh vực quân sự cũng như dân sự. Nhiệm vụ nào, cương vị nào Đại tướng cũng hoàn thành xuất sắc, được Đảng, Nhà nước và quân dân tin yêu, cảm phục.
Đại tướng nghỉ hưu tháng 12-1986. Ông mất ngày 1-7-2006 tại Hà Nội trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình và quê hương cùng nhân dân cả nước...
ĐOÀN TRUNG (lược ghi)
1. Tài liệu Viện Lịch sử Quân sự
2. Sách “Tướng lĩnh Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”; sưu tầm, tuyển chọn: SÔNG LAM - DŨNG QUYẾT; NXB Văn Học 2014.
BÁO QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét