Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo sinh ngày 25-10-1921, tên khai sinh là Tạ Thái An, quê quán thuộc xã Bảo Khê, huyện Kim Động (nay thuộc thành phố Hưng Yên), tỉnh Hưng Yên.
Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1937, ông tham gia hoạt động cách mạng ở Lạng Sơn. Từ năm 1941, ông tham gia Việt Minh và được cử đi học quân sự ở Liễu Châu, Trung Quốc đến năm 1944. Khi học ở trường này, ông vinh dự được Bác Hồ đặt tên mới là Hoàng Minh Thảo, cái tên như một tiên đoán về cuộc đời và sứ mệnh của vị tướng tài ba trong Quân đội.
Sau khi về nước, ông tham gia Ban phụ trách Công tác biên giới của Tổng bộ Việt Minh, Ủy viên dự khuyết Tỉnh ủy lâm thời Lạng Sơn. Ngày 3-3-1945, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia giành chính quyền ở Lạng Sơn.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, từ tháng 8-1945 đến năm 1949, ông là phái viên của Bộ Quốc phòng ở các tỉnh duyên hải tả ngạn Sông Hồng, Khu trưởng Chiến khu 3, Phó tư lệnh Liên khu 3. Năm 1948, ông được phong quân hàm Đại tá Quân đội Quốc gia Việt Nam trong đợt phong hàm đầu tiên.
Từ 1949-1950, ông làm Tư lệnh Liên khu 4. Sau Chiến dịch Biên giới 1950, các đại đoàn quân chính quy được thành lập. Ông được bổ nhiệm làm Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 304 (1950-1954).
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 304 do ông chỉ huy là một trong năm Đại đoàn chủ lực tham gia chiến dịch lịch sử này.
Khi đó, kế hoạch tác chiến của ta là bao vây Hồng Cúm, tiêu diệt Mường Thanh. Trung đoàn 57 thuộc Đại đoàn 304 của Tư lệnh Hoàng Minh Thảo được tăng cường một tiểu đoàn của Đại đoàn 316, có nhiệm vụ xây dựng một trận địa hình cánh cung, chạy từ Đông sang Tây, cắt rời phân khu Hồng Cúm khỏi khu trung tâm Mường Thanh...
Đầu tháng 4-1954, trận địa của Trung đoàn 57 bắt đầu lấn dần vào phân khu, ta đã xây dựng một trận địa cắt rời phân khu Nam với khu trung tâm Mường Thanh, những đường chiến hào của Trung đoàn 57 ngày càng tiến vào gần các lô cốt địch. Việc đào hệ thống giao thông hào kết hợp đánh áp sát và bắn tỉa khiến diện tích chiếm đóng của quân Pháp bị thu hẹp. Mọi tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm địch chỉ bằng con đường thả dù. Trung đoàn 57 thu được khá nhiều dù tiếp tế, có ngày thu được trên 3 tấn hàng các loại.
Bước sang tháng 5-1954, khi những thắng lợi của ta ngày càng mở rộng trên khắp chiến trường Điện Biên, thì số lính Pháp đóng tại phân khu Nam ngày càng bị siết chặt bởi những vòng vây lửa của bộ đội Việt Minh, chúng chỉ chống trả yếu ớt trước sự tấn công của ta. Trong “Ký sự Chiến thắng Điện Biên Phủ” có viết: “Sau khi quân địch tại Mường Thanh đầu hàng, bọn địch ở Hồng Cúm cũng im tiếng súng. Mấy tháng trời nay, Đại đoàn 304 đã bao vây, tác chiến với 2.000 quân tại đây, buộc tay, buộc chân quân địch làm cho chúng hầu như mất hẳn tác dụng bảo vệ, ứng cứu cho Mường Thanh”.
Những chiến công của Ðại đoàn 304 đã làm tê liệt hoàn toàn phân khu Nam, ngăn sự chi viên cho Trung tâm Mường Thanh, là một thành tích đáng kể góp phần cùng quân và dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau năm 1954, ông đảm nhiệm qua nhiều chức vụ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Giám đốc Học viện Quân sự Cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng)... Cuộc đời binh nghiệp của ông kéo dài cho đến năm 1995, lúc ông rời Viện Chiến lược - Bộ Quốc phòng về hưu. Nghỉ hưu nhưng ông vẫn tham gia công tác nghiên cứu về khoa học quân sự.
Nếu Thượng tướng Hoàng Minh Thảo được đánh giá cao trong tư cách một chỉ huy quân sự tài năng thì ông cũng hoàn toàn xứng đáng được đánh giá như vậy trong tư cách một nhà sư phạm quân sự, một nhà nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự khi trong hơn 30 năm được chỉ định đứng đầu những cơ sở đào tạo cao nhất của Quân đội ta.
Hàng vạn cán bộ trung, cao cấp Quân đội - nhiều người trong đó giữ các cương vị lãnh đạo quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, đi qua môi trường này vẫn ghi nhớ cách làm việc khoa học cũng như các bài giảng trực tiếp sinh động, có sức thuyết phục cao của ông. Đặc trưng công tác đào tạo và nghiên cứu của ông là gắn chặt với thực tiễn. Lĩnh vực mà ông hứng thú và dồn nhiều tâm huyết nhất là nghệ thuật quân sự - công nghệ tiến hành chiến tranh.
Vị tướng tài năng, đức độ và liêm khiết, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo đã qua đời vào ngày 8-9-2008.
ĐOÀN TRUNG (lược trích)
1. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
2. Sách “Tướng lĩnh Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”; sưu tầm, tuyển chọn: SÔNG LAM - DŨNG QUYẾT; NXB Văn Học 2014.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét