Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh
phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung quan trọng trong công
tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước
có những diễn biến phức tạp, khó lường thì nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch càng có ý nghĩa
cấp thiết.
Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời mùa Xuân
năm 1930 là dấu mốc lịch sử trọng đại, bước ngoặt quan trọng trong tiến trình
lịch sử cách mạng Việt Nam, mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân
tộc. Đến nay, suốt 94 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, 38 năm tiến hành công
cuộc đổi mới, 33 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta luôn phải đối mặt với nhiều âm mưu, thủ đoạn
chống phá, công kích của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính
trị. Không từ một thủ đoạn nào, bọn chúng ra sức gây nhiễu, tạo khoảng trống ý
thức hệ trong cán bộ, đảng viên, kích động, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” hòng làm lung lạc niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Năm 1927, từ khi Đảng chưa ra đời, trong tác
phẩm Đường Cách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã
khẳng định phải “giữ chủ nghĩa cho vững”(1), “Đảng muốn vững thì
phải có chủ nghĩa làm cốt”(2) và chủ nghĩa chân chính, cách
mạng nhất là chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Tháng 10-1930, trong Nghị quyết Hội nghị
Ban Chấp hành Trung ương, Đảng ta chỉ rõ: “Giải thích cho công nhân mục đích và
đường lối của Đảng Cộng sản trong các vấn đề liên quan đến cuộc sống của công
nhân và thái độ đối với các sự kiện lớn diễn ra trong nước. Giải thích cho họ
rằng, Đảng Cộng sản là Đảng của họ, vì vậy họ cần phải bảo vệ Đảng”(3).
Đến năm 1960, tại Đại hội III, trong Báo cáo về việc sửa đổi Điều lệ Đảng, Ban
Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nhấn mạnh: “Bất cứ trong tình hình
nào, nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi đảng viên là phải bảo vệ Đảng, bảo vệ vai
trò lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng, tỉnh táo đề phòng và kiên quyết
đấu tranh chống mọi mưu đồ đả kích hoặc làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng bất kỳ
trên lĩnh vực nào, và núp dưới hình thức nào”(4). Như vậy, từ khi
thành lập đến nay, Đảng ta luôn nhất quán: “Bảo vệ Đảng là công tác thường
xuyên, luôn luôn gắn chặt với các mặt công tác xây dựng đảng trong mọi giai
đoạn cách mạng, để bảo đảm cho tổ chức của Đảng được trong sạch và vững mạnh”(5).
Thời gian gần đây, sau khi Bộ Chính trị ban hành
Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình
hình mới”, công tác này được triển khai ngày càng bài bản, thống nhất, đồng bộ,
toàn diện, quyết liệt, đi vào chiều sâu. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch,
cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
nội bộ”(6). Đặc biệt, năm 2022, cuốn sách Một số vấn đề lý
luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự đánh giá
cao, hưởng ứng tích cực của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các tầng lớp nhân
dân trong nước cũng như bạn bè, các chính đảng, chính trị gia và dư luận quốc
tế. Cuốn sách trở thành tài liệu hết sức giá trị, phục vụ việc học tập, giáo
dục lý luận chính trị, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hiện nay, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn
thiện và từng bước được hiện thực hóa. Song, cần nhận thức sâu sắc rằng, con
đường chúng ta kiên định đang và sẽ tiếp tục trải qua vô vàn khó khăn, thách
thức. Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra một trong những thách thức
to lớn mà chúng ta phải đối mặt và giải quyết, đó là: “Tham nhũng, lãng phí,
quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức
tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất
nước ta”(7). Không những thế, lợi dụng tiến bộ của công nghệ thông
tin, truyền thông trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nhiều
biến động của tình hình thế giới, các thế lực thù địch càng ráo riết đẩy mạnh
chống phá trên mọi mặt trận, trọng tâm là chĩa mũi nhọn tấn công chủ nghĩa Mác
- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng bằng hàng loạt âm
mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc. Cụ thể:
Về đối tượng, đối tượng chống
phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta vô cùng đa dạng, phức tạp, có thể phân chia
thành ba nhóm chính: (i) Một bộ phận những người nghiên cứu lý
luận, thực tiễn trên thế giới, bài xích tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong cuộc
đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản; (ii) Lực
lượng phản động, tàn dư của chế độ ngụy quyền trước đây đang sinh
sống, lưu vong ở nước ngoài kết hợp với một số đối tượng chống đối, bất mãn ở
trong nước. Nhóm này có số lượng đông đảo, manh động và chống phá trực diện,
quyết liệt nhằm thực hiện âm mưu phá hoại công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây
dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; (iii) Một bộ phận cán bộ,
đảng viên bất mãn, cơ hội, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa”.
Về phương thức, thủ đoạn, trong bối cảnh
mới, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường tập trung: phủ
nhận, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như giá trị
khoa học, thời đại, cách mạng, nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ
Chí Minh; chống phá, xuyên tạc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt xoáy sâu vào những
vấn đề nhạy cảm, như dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, biển, đảo; lợi dụng hạn
chế, yếu kém trong quản lý xã hội, sơ hở, thiếu sót trong quản lý, điều hành
đất nước hoặc những vấn đề bức xúc, khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết để
lôi kéo, kích động người dân tham gia các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh,
trật tự, an toàn xã hội...
Về phương tiện, với sự phát triển
mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thế lực thù địch triệt
để tận dụng công cụ truyền thông, báo chí, không gian mạng để đẩy mạnh hoạt
động chống phá về tư tưởng. Chúng tăng cường thực hiện nhiều chiêu thức khác
nhau, như xuất bản tài liệu, ấn phẩm sách báo, tạp chí, tập san, tờ rơi...;
thành lập trang web, blog, các kênh phát thanh truyền hình có chương trình
tiếng Việt; tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội thi... thậm chí núp bóng danh nghĩa
yêu nước, bảo vệ dân chủ, nhân quyền, vì dân tộc, vì đất nước, thúc đẩy hình
thành các hội, nhóm, tổ chức chống phá Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, lợi dụng quá
trình “chuyển đổi số”, các thế lực thù địch đã số hóa các dữ liệu không có
thật, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ Đảng, lãnh đạo Đảng và Nhà nước...; thiết lập
cơ sở dữ liệu, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn
vật, dữ liệu lớn (Big Data)... để tạo ra các dữ liệu, tài liệu giả theo kiểu
“có giá trị như thật”, “minh chứng lịch sử”, “nguồn gốc của mọi nguồn gốc”,
“tài liệu mật”... nhằm chống Đảng và Nhà nước ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét