Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời
(3-2-1930) và trải qua các thời kỳ lãnh đạo cách mạng, cương lĩnh, đường lối,
quan điểm của Đảng luôn bị các thế lực thù địch về chính trị và ý thức hệ chống
phá, xuyên tạc, phủ định. Những năm cuối thập niên 1930, trước sự chống phá của
bọn Trotsky, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích”. Năm
1939, trong ý kiến gửi các đồng chí ở trong nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhấn
mạnh: “Đối với bọn Trotsky, không thể có thỏa hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải
dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu
diệt chúng về chính trị”.
Sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ
nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, trước âm mưu phủ định CNXH và con đường đi lên CNXH
ở Việt Nam, đòi chấm dứt vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt
Nam, thực hiện đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập của các thế lực thù địch,
phản động, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên quyết, dứt khoát bác bỏ những quan
điểm sai trái đó, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên trì
con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; hoạch định và không ngừng bổ sung, phát triển
đường lối đổi mới và thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá
độ lên CNXH”. Thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ, đối với
Việt Nam “không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thực sự và tự do,
hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng, đây là sự lựa chọn của chính lịch
sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta”.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng
Việt Nam, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (1930), Luận cương chính trị tháng
10-1930, Chính cương Đảng Lao động Việt Nam và đường lối cách mạng dân tộc dân
chủ là ngọn cờ soi sáng bước đường tranh đấu của dân tộc Việt Nam giành độc
lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bước đầu xây dựng CNXH; thì
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh 1991
cũng như Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011) và đường lối đổi mới toàn diện,
đồng bộ công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và
hội nhập quốc tế đã đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, trở
thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình và đã đạt được những thành
tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối chiến
lược của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và CNXH, như Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng đã nêu trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”: “Độc lập dân tộc
gắn liền với CNXH là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và
cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh
nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của
Chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có CNXH
và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân
tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả
mọi người, cho các dân tộc”.
Điều đó là cơ sở để khẳng định, không
có lý do gì để Đảng và dân tộc Việt Nam rẽ sang con đường tư bản chủ nghĩa hay
một con đường phát triển nào khác, trao quyền quản lý đất nước cho những thế
lực cơ hội, phản động.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét