Đầu năm 1952, Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320) chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh tiến vào Thái Bình, cùng nhân dân vùng hậu địch đánh giặc Pháp. Đồn bốt, tháp canh của địch bị nhổ hàng loạt, những binh đoàn cơ động mạnh bị thất bại trong các trận càn. Bọn lính Pháp, vệ sĩ, lê dương, bảo an, tề ngụy tan rã từng mảng.
Cũng như các làng khác ở vùng này, làng Thọ Cách, xã An Thọ, huyện Thụy Anh (nay là xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy) được giải phóng. Đây là quê hương nơi chôn rau, cắt rốn của anh thanh niên Nguyễn Đức Nhứ. Phấn khởi như chim sổ lồng, Nhứ cùng đông đảo trai làng náo nức tòng quân. Nhứ được nhận vào Đại đội 52, Tiểu đoàn 346, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Sau mấy tháng huấn luyện, Nhứ được tham gia Chiến dịch Hòa Bình, là xạ thủ súng trung liên Bờrennô.
Vào những ngày giáp Tết Giáp Ngọ (1954), đơn vị Nhứ được lệnh hành quân đi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trời rét cắt da cắt thịt, áo quần không đủ ấm, ăn uống kham khổ, thiếu thốn… Nhưng tinh thần toàn đơn vị hào hứng được có mặt trong một chiến dịch lớn. Công việc hằng ngày rất khẩn trương: Đào hầm trú quân, hầm chiến đấu, hầm đặt pháo, làm trận địa giả, chặt cây, bổ củi, vận chuyển gạo muối.., chạy đua với thời gian cho kịp ngày giờ mở màn chiến dịch. Nhận những món quà nhân dân gửi đến: Bánh chưng, thuốc lá, thuốc lào, bánh kẹo.., bộ đội mới chợt nhớ ra là Tết đã đến và hiểu rằng hậu phương đang gửi gắm niềm tin, ngóng trông, chờ đợi bộ đội chiến thắng, lập công.
Mở đầu chiến dịch, đơn vị Nhứ được giao nhiệm vụ diệt địch ở cứ điểm đồi Him Lam. Vòng vây chiến hào ngày càng thít chặt bọn giặc trong các boong ke, lô cốt. Nhiều lần chúng nống ra nhưng bị đánh bật trở lại và bị thương vong nặng nề.
Lần lượt các cứ điểm Him Lam, Độc Lập bị tiêu diệt; Bản Kéo đầu hàng. Viên tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ tự sát. Cánh cửa vào khu trung tâm đã mở. Khẩu trung liên do Nhứ làm xạ thủ chính, đã góp phần lập chiến công trong các trận mở đầu. Tiểu đội của anh Nhứ có hai đồng đội đã nằm lại, sau này an táng ở nghĩa trang đồi Độc Lập.
Đơn vị của Nhứ ra vòng ngoài chấn chỉnh đội ngũ, nghỉ ngơi ít ngày rồi chuyển sang chiến đấu ở khu đồi A1. Đại đội của Nhứ phối hợp với bộ đội công binh, ngày đêm vừa đào khoét hầm dưới tầng sâu, vừa chiến đấu với bọn địch nống ra. Căn hầm cứ mỗi ngày dài thêm, thọc sâu vào lô cốt A1, từng quãng có hầm nhánh chọc lỗ thông hơi lấy ánh sáng và không khí. Kẻ địch dù biết nhưng đành bất lực vô hiệu hóa pháo của chúng. Hầm ngày càng sâu, càng xa, bộ đội ta dùng những cánh vải dù của địch thả lạc ra ngoài hàng rào khâu thành bao, xúc đất vào bao rồi buộc dây, phát tín hiệu cho người ngoài cửa hầm kéo đất đá ra đổ vào rừng.
Công việc cứ như thế, bao nhiêu ngày đêm, Nhứ không nhớ rõ. Hầm đào xong, chuyển bộc phá vào, từng bọc từng bọc, chuyển mãi, chuyển mãi. Sau này mới biết tất cả là một tấn thuốc nổ đưa vào hầm, sát chân lô cốt trung tâm đồi A1. Lệnh khẩn cấp: "Tất cả khẩn trương ra khỏi hầm và vượt xa cửa". Mấy chục phút sau một tiếng nổ ùng ục, nghe rất nặng chấn động núi rừng, tưởng chừng quả đồi nứt toác. Đó là tiếng nổ của 1.000 kg bộc phá mà chính Nhứ đã góp sức chuyển vào hầm. Tiếng súng, tiếng gào rú của xe tăng địch im bặt. Lúc ấy là tảng sáng ngày 7-5-1954.
Cứ điểm đồi A1, yết hầu của địch đã bị đánh sập. Sân bay, cầu Mường Thanh và Sở chỉ huy của De Castries chịu chung số phận vào lúc 17 giờ cùng ngày. Trên đồi A1, lô cốt bê tông cốt sắt bị nứt, chiếc xe tăng nằm gục trước cửa hầm là những dấu hiệu của chiến tích "Tiếng nổ ngàn cân". Trong trận này, Nhứ bị chấn động thần kinh rất mạnh, ù tai nhức đầu, hơn chục năm sau anh bị điếc hẳn.
Chiều và đêm ngày 7-5-1954, tiếng bom đạn, máy bay, xe tăng địch im bặt. Thay vào đó là tiếng reo hò như sấm dậy vang động núi rừng. Bộ đội, dân công, đồng bào các dân tộc, ôm nhau mừng vui khôn xiết. Núi rừng như chật lại, lửa đỏ sáng rực trời Điện Biên soi rõ cảnh vật, cả núi rừng Tây Bắc đêm nay không ngủ mừng trận Đại thắng./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét