Tuy nhiên, thực trạng chung của tuyến y tế cơ sở hiện nay, nhất là các địa phương khu vực miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu bác sĩ trầm trọng. Ví như ở huyện Kon Rẫy (Kon Tum), toàn huyện chỉ có 17 bác sĩ, thiếu tới 15 bác sĩ để bảo đảm tối thiểu tỷ lệ 10,5 bác sĩ/ 1 vạn dân. Do không đủ số lượng theo chỉ tiêu để phân bổ về các trạm y tế cơ sở nên huyện Kon Rẫy chỉ có 3/6 trạm y tế cấp xã có bác sĩ.

Nguyên nhân của thực trạng trên chủ yếu xuất phát từ tâm lý chung của hầu hết bác sĩ trẻ là mong muốn được làm việc ở các cơ sở y tế có thu nhập, chế độ đãi ngộ tốt, hoặc tại các bệnh viện lớn, đầu ngành... Trong khi đó, khu vực miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn về thu nhập, điều kiện sống; hệ thống cơ sở vật chất của các trạm y tế vừa thiếu, vừa xuống cấp, lạc hậu là một trong những nguyên nhân đang cản bước các bác sĩ về đây công tác. Thêm nữa, từ sau đại dịch Covid-19, một bộ phận nhân lực ngành y tế “dứt áo” rời khỏi các bệnh viện, cơ sở y tế công lập, sang các cơ sở y tế tư nhân. Khi nhân lực y tế tuyến trên còn đang thiếu thì y tế cơ sở thiếu bác sĩ hoặc không có bác sĩ cũng là điều dễ hiểu. 

Chăm lo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở
Khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: TTXVN 

Thiếu bác sĩ, cộng thêm đội ngũ y tế cơ sở có phần yếu về chuyên môn, nên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân chưa thể toàn diện, kịp thời. Do đó, tỷ lệ người dân đến khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở không nhiều và hình thành tâm lý tự “kê đơn, bốc thuốc”, hoặc tự tìm đến những bệnh viện tuyến trên và các cơ sở y tế tư nhân để khám, chữa bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các bệnh viện tuyến cuối thường xuyên trong tình trạng quá tải...

Trong bất kỳ giai đoạn nào, tuyến y tế cơ sở vẫn đóng vai trò rất quan trọng, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản và góp phần thực hiện công bằng xã hội. Nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho nhân dân không thể trông chờ vào những tổ chức từ thiện hay những bệnh viện, cơ sở y tế về khám bệnh, cấp thuốc theo đợt, theo năm, mà phần lớn nhờ vào hệ thống y tế cơ sở.

Việc tăng cường bác sĩ từ tuyến trên cho tuyến cơ sở là giải pháp tình thế trước mắt, vì sau một vài năm, bác sĩ được luân chuyển sang địa bàn khác hoặc rút về tuyến trên và các cấp, ngành y tế lại phải tìm cách giải quyết khoảng trống bác sĩ cho cơ sở. Bởi vậy, về lâu dài, các địa phương phải xây dựng được nguồn bác sĩ tại chỗ cho tuyến y tế cơ sở. Cùng với các cơ chế, chính sách để thu hút, đãi ngộ, cần tăng cường đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo hình thức cử tuyển, đào tạo bác sĩ là người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại địa phương để tạo nguồn bác sĩ lâu dài cho y tế cơ sở. 

MINH MẠNH

nguồn báo qđnd