Sau khi Việt Nam tuyên bố tái ứng cử làm thành viên
Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026 – 2028, các thế lực thù địch đang ra sức
bôi nhọ hình ảnh Việt Nam và chống phá việc này. Cần nhớ rằng, để trúng cử vào
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thì quốc gia ứng viên phải đạt được những
tiến bộ vượt bậc trong hoạt động bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở trong nước;
đồng thời, phải có đóng góp, đưa ra nhiều sáng kiến và tích cực hành động thúc
đẩy nhân quyền trên toàn cầu. Bởi vậy, việc Việt Nam hai lần trúng cử vào Hội
đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là minh chứng cho những nỗ lực tích cực, hiệu quả
trong lĩnh vực quyền con người trong nhiều năm qua; đồng thời, khẳng định sự
coi trọng của bạn bè quốc tế đối với vị thế của Việt Nam trong các hoạt động
thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn cầu.
Những thành tựu không thể phủ nhận
Cùng với các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã
hội và văn hóa…, Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện quyền
con người, quyền công dân về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Việc bảo đảm quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo được khẳng định tại Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể
hóa trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của
nhân dân ngày càng phong phú; số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng
tăng, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng; nhờ đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo của nhân dân ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Nếu năm 2003 cả nước có 15 tổ
chức, 06 tôn giáo, 17 triệu tín đồ với khoảng 20.000 cơ sở thờ tự, 34.000 chức
sắc, 78.000 chức việc; thì đến năm 2022, Nhà nước đã công nhận 43 tổ chức thuộc
16 tôn giáo khác nhau, với 26,7 triệu tín đồ, 55.000 chức sắc, 135.000 chức
việc, trên 29.000 cơ sở thờ tự…, nhiều lễ hội lớn trong các tôn giáo được tổ
chức, thu hút hàng vạn tín đồ, nhân dân tham dự.
Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân ở
Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp
luật. Tính đến cuối năm 2022, nước ta có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí;
72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Cùng với các cơ quan báo chí trong
nước, nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt tại Việt Nam. Số
người dùng internet ở Việt Nam lên đến hơn 72 triệu người, chỉ số thời gian sử
dụng internet trung bình của người Việt Nam ở mức cao khoảng 07 giờ/ngày. Với
con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên
thế giới và đứng thứ 6 trong 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á.
Việc Việt Nam lần thứ hai được bầu là thành viên của
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc với số phiếu cao, thể hiện sự khẳng định của
cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực và thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được
trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; đồng thời, đặt niềm tin đối với Việt
Nam trong lĩnh vực này.
Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hợp
Quốc (UNDP) về Phát triển con người toàn cầu 2021-2022, ngay cả trong giai đoạn
khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn thực hiện tốt việc đảm bảo
quyền con người. Chỉ số phát triển con người tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng
toàn cầu, lên thứ 115 năm 2021. Về chỉ số phát triển giới, Việt Nam đứng thứ 65
trong số 162 quốc gia, nằm trong nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới. Đặc
biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất toàn cầu.
Với những thành tựu và kinh nghiệm thực tế có được sẽ là cơ sở để Việt Nam tiếp
tục thể hiện trách nhiệm, góp phần thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở khu
vực và quốc tế.
Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), báo cáo Hạnh phúc
Thế giới 2023 được công bố chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị
trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65 năm 2023. Báo cáo Hạnh phúc thế giới Liên hợp
quốc dựa trên số liệu được thu thập từ người dân tại hơn 150 quốc gia. Các tiêu
chí được đánh giá gồm: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ trung
bình, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng và nhận thức về tham nhũng.
Đây cũng chính là những đánh giá quan trọng của cộng
đồng quốc tế, để Việt Nam tuyên bố tái ứng cử làm thành viên Hội đồng này nhiệm
kỳ 2026 – 2028 và kêu gọi quốc tế ủng hộ. Việc tiếp tục giữ trọng trách tại Hội
đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, sẽ càng giúp Chính phủ và người dân Việt Nam
đóng góp nhiều hơn nữa vào thúc đẩy tất cả các quyền con người. Hình ảnh Tổng
thống Mỹ Barak Obama ăn bún chả Hà Nội, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ăn
bánh mì vỉa hè Đà Nẵng, Thủ tướng Canada Justin Trudeau uống cà phê vỉa hè
Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thưởng thức trà giữa lòng Hà
Nội… Hình ảnh các nhà lãnh đạo nhiều nước hòa vào nhịp sống thanh bình và đặc
sắc của Việt Nam trong các chuyến thăm những năm gần đây là những minh chứng
hơn ngàn lời nói về đời sống thực tế ở Việt Nam.
Không khó để dự báo rằng, sẽ có nhiều hành động bôi
nhọ hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Việc tái ứng cử làm thành viên Hội
đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028 là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp
tục đóng góp tích cực vào những nỗ lực chung của Liên hợp quốc, cũng như của
cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con
người, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển
và tiến bộ xã hội. Chỉ có kẻ chống Việt Nam và đi ngược lại lợi ích của dân
tộc, đất nước mới phá hoại việc Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền này./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét