Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng vô sản ở Việt Nam

Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiếp cận nội dung “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lê-nin, tìm ra đường lối cách mạng trong công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam; sau đó, Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin về nước, chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng vô sản, tiến tới chấm dứt khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo của cách mạng Việt Nam. Trong thời gian làm việc ở Ban Phương Đông - Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc nhiều lần đề nghị được trở về phương Đông gặp gỡ nhiều thanh niên yêu nước đang hoạt động ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) để thực hiện ý nguyện “thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”.

Là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế nông dân, Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước châu Á. Tháng 9-1924, Quốc tế Cộng sản điều động Nguyễn Ái Quốc đi Quảng Châu nhằm tổ chức việc tập hợp thanh niên trong nước, huấn luyện họ làm cách mạng rồi đưa về nước hoạt động, giác ngộ đồng bào, gây dựng phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Ở Quảng Châu, với bí danh Lý Thụy, Người trực tiếp đến gặp gỡ, trao đổi với những người Việt Nam yêu nước đang sinh sống, học tập, làm việc tại đây, trong đó có các nhân sĩ yêu nước nổi tiếng, như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong,... và trao đổi thư từ với nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Người chủ trương mở lớp huấn luyện, làm cơ sở thành lập một tổ chức có tính quần chúng rộng rãi hơn nhằm tập hợp đầy đủ tất cả thanh niên yêu nước. Hệ thống bài giảng của Người được tập hợp in thành cuốn sách Đường Kách mệnh - một văn kiện lý luận quan trọng xác lập cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam về sau.

Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc chính thức thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, lấy tổ chức “Cộng sản đoàn” làm nòng cốt, tập trung việc đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin về Việt Nam. Hội là một tổ chức chính trị theo khuynh hướng Mác-xít; có mục đích thực hiện cuộc cách mạng dân tộc (đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập), sau đó, làm cuộc cách mạng thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc, xây dựng chủ nghĩa cộng sản).

Để thực hiện mục đích này, Người dành hầu hết thì giờ cho các lớp huấn luyện, trong đó các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn là phụ giảng. Trong Báo cáo của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản ngày 3-6-1926, Người chủ trương tổ chức một trường tuyên truyền, sau một tháng rưỡi học tập họ trở về nước; khóa thứ nhất được 10 học viên, khóa thứ hai sẽ mở vào tháng 7 và có khoảng 30 người nhằm gấp rút tổ chức các lớp đào tạo cán bộ, làm nòng cốt cho phong trào. Tham gia lớp huấn luyện, các học viên không những được trang bị về kiến thức lý luận, mà còn được trau dồi kỹ năng thực hành các công việc cách mạng, như kỹ năng làm báo, diễn thuyết; được tiếp thu nhiều chương trình học tập phong phú, bao gồm các vấn đề về cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam, phương pháp vận động quần chúng đấu tranh cách mạng, hệ thống lý thuyết chủ nghĩa (Tam dân, Cộng sản),...

Kết thúc các khóa học, có học viên được giữ lại ở nước ngoài để công tác hoặc được cử đi học tiếp ở Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô), có người tiếp tục học ở Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc); phần đông khác được cử về nước hoạt động, gây dựng và phát triển tổ chức Hội. Những thanh niên được Người bố trí về nước thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ: Xây dựng một hệ thống tổ chức cách mạng từ chi bộ lên kỳ bộ trên toàn quốc và lựa chọn thanh niên trí thức yêu nước sang Quảng Châu tham dự các lớp huấn luyện chính trị. Với những hoạt động giá trị của các chiến sĩ tiên phong, nhịp độ và số lượng thanh niên bí mật sang Quảng Châu ngày một tăng (tháng 4-1927, cả nước có khoảng từ 250 - 300 người xuất dương sang dự lớp huấn luyện). Đồng thời, Người sáng lập “Báo Thanh niên”, tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta, số ra đầu tiên vào ngày 21-6-1925, đến tháng 4-1927 (thời kỳ có sự lãnh đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc), báo Thanh niên đã ra được 88 số; tính chung thời kỳ tồn tại của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Báo xuất bản được 200 số. Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức cho thanh niên trong nước bí mật sang Quảng Châu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn triển khai trong cộng đồng người Việt Nam ở Xiêm (tức Thái Lan ngày nay). Nhờ tầm nhìn chiến lược và hành động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đến đầu năm 1927, hệ thống tổ chức của Hội được phủ rộng khắp đất nước, không một tổ chức chính trị cùng thời nào (như Hưng Nam, Tân Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng...) có được mạng lưới rộng lớn như vậy.

Thực tế, bài học xương máu từ thất bại của các phong trào yêu nước trước đó cho thấy, để tiến tới lật đổ bộ máy thống trị thực dân - phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân thì nhất định phải thực hiện bạo lực vũ trang, vì thế Nguyễn Ái Quốc từ sớm đã chuẩn bị kỹ càng cho cách mạng đội ngũ cán bộ yêu nước, tài năng; gửi nhiều thanh niên Việt Nam, như Lê Hồng Phong, Trương Văn Lĩnh, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn theo học Trường Quân sự Hoàng Phố của Tôn Trung Sơn dưới sự huấn luyện của các chuyên gia quân sự Xô-viết,... Giai đoạn 1924 - 1927, tuy chỉ mở được 3 lớp huấn luyện với 75 học viên, nhưng ở buổi đầu mới hình thành với nhiều khó khăn, thử thách về trường lớp, tài liệu, quản lý, tuyển chọn và tài chính, thì đó vẫn là con số đầy ý nghĩa. Sau này, đây chính là lực lượng giữ vai trò quyết định trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào quần chúng nhân dân lao động ở trong nước, chuyển hóa con đường cách mạng Việt Nam những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XX sang quỹ đạo cách mạng vô sản.

Có thể khẳng định, Nguyễn Ái Quốc đã đào tạo được thế hệ đội ngũ cán bộ, đảng viên đầu tiên cho cách mạng Việt Nam và từ họ, lớp lớp thanh niên cách mạng kế tiếp xuất hiện trên toàn đất nước. Nhờ những hoạt động không mệt mỏi của Người và đóng góp lớn lao của các bậc cán bộ cách mạng tiền bối mà các điều kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng chín muồi. Từ ngày 6-1-1930 đến ngày 7-2-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc đã diễn ra hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, quyết định thành lập một chính Đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng trong bước phát triển về chất của cách mạng Việt Nam (được đặt dưới sự lãnh đạo của một chính đảng thống nhất), là yếu tố quyết định những thắng lợi vang dội của cách mạng Việt Nam về sau này.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét