70 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tiến hành Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu sự phát triển cao của nghệ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đóng góp vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Khi thực hiện chủ trương chiến lược tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, vấn đề đặt ra đối với ta là phải đánh như thế nào để bảo đảm chắc thắng. Hai phương châm và hai kế hoạch: “đánh nhanh, giải quyết nhanh” và “đánh chắc, tiến chắc” đã được đưa ra. Tuy nhiên, khi xem xét, đánh giá tình hình thực tế chiến trường trước khi tiến công, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ tư lệnh Chiến dịch thấy rằng: Địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được xây dựng vững chắc hơn trước rất nhiều, như thực dân Pháp đã khẳng định đây là “một pháo đài bất khả xâm phạm”. Còn về ta, các lực lượng đã sẵn sàng, nhưng pháo binh vẫn chưa vào hết trận địa. Chính vì vậy, việc Bộ tư lệnh Chiến dịch quyết định bỏ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang thực hiện phương châm, kế hoạch “đánh chắc, tiến chắc”.
Ngoài việc nhận định, đánh giá đúng thực tế khách quan để có được thắng lợi trong chiến dịch này, thì việc giữ bí mật được ý đồ tác chiến và nghi binh chiến lược, làm cho địch nhận định sai lầm là sự tài tình, nghệ thuật quân sự đặc biệt của ta. Trước khi chiến dịch mở màn, cùng với việc động viên bộ đội kéo pháo ra, tiếp tục bí mật chuẩn bị lại mọi mặt, ta đã rút Đại đoàn 308 tiến công sang hướng Thượng Lào, nhằm cô lập địch ở Điên Biên Phủ hơn nữa và tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giúp bạn Lào mở rộng vùng giải phóng và không cho địch đánh vào sau lưng ta. Với kế hoạch này, ta đã đạt được cả hai mục đích vừa nghi binh thu hút sự chú ý của chúng và vừa bảo đảm cho bộ đội ở Điện Biên Phủ rút ra khu tập kết an toàn. Điều này đã làm cho địch có những nhận định hết sức sai lầm về ta. Đó là, “Việt Minh có vẻ từ bỏ tiến công”, “Việt Minh sẽ từ bỏ ý định đánh Điện Biên Phủ”. Đối phương còn cho rằng, hoạt động của ta trong Đông Xuân 1953-1954 đã lên tới đỉnh cao nhất, cuộc lui quân của ta chắc chắn sẽ bắt đầu và để giành lại thế chủ động tiến công, ngày 12-3-1954, chúng cho quân đổ bộ lên Quy Nhơn. Nhưng chúng đã bị bất ngờ, khi chỉ sau đó đúng một ngày, ngày 13-3-1954, quân ta đã nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Việc nghi binh, giữ bí mật đã tạo được sự bất ngờ cả về chiến lược và chiến dịch.
Phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, xây dựng trận địa chiến hào từ xa tiến vào gần, ta thực hiện “vây lấn” tập đoàn cứ điểm địch từ ngoài vào trong, lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Cách đánh này đã phát huy lợi thế của trận địa tiến công, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng với quy mô lớn, tiến hành “trói địch lại”, đánh “bóc vỏ”. Cách đánh này, ta hạn chế sở trường vốn là những thế mạnh của quân Pháp là pháo binh, máy bay và chiến hào, đồng thời khoét sâu vào những mặt yếu cơ bản của chúng là ý chí và tiếp tế bảo đảm vật chất, vốn là nhược điểm cốt tử của quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Nghệ thuật vây hãm và đột phá đã được bộ đội ta kết hợp hiệu quả trong chiến dịch. Vây hãm tạo điều kiện cho đột phá. Đột phá thắng lợi để vây hãm chặt hơn, đột phá có hiệu quả hơn, mạnh hơn, từng bước làm suy yếu quân địch cả về lực lượng và thế trận, tiến tới tổng công kích. Với quan điểm thực tiễn, trên cơ sở thực tế chiến trường, ta đã vận dụng linh hoạt, liên hoàn các phương án tác chiến, từ chậm đến nhanh rồi lại về chậm và cuối cùng là chuyển sang tổng công kích giành toàn thắng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Vận dụng phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, nhưng khi quân ta thắng lợi liên tiếp, từng bước tạo ra thời cơ mới và tình hình địch đã rối loạn, suy sụp tinh thần thì ngay lập tức ta đã nắm lấy thời cơ mở cuộc tổng công kích tiêu diệt nhanh chóng toàn bộ quân địch.
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học quý về tư tưởng chiến lược tiến công, tư tưởng nhỏ thắng lớn, thô sơ thắng hiện đại, nghệ thuật tổ chức, chỉ huy và phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, nghệ thuật tổ chức chuẩn bị và điều hành chiến dịch... Bằng cách đánh sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, mặc dù không có máy bay, xe tăng, pháo lớn, lại xa căn cứ hậu phương, nhưng chúng ta vẫn chiến thắng. Những nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã và đang được tiếp tục được nghiên cứu, kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện, tình hình mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét